Pele vẫn là "Chúa trời" ở Brazil!

13:07 ngày 04-08-2014
Bóng đá thế giới có rất nhiều siêu sao trong suốt chiều dài gần 100 năm qua, nhưng chỉ có 1 “vua” là Pele. Ở Brazil, Pele thậm chí còn được xem là “Chúa trời”.
Pele vẫn là "Chúa trời" ở Brazil!

NEYMAR CHỈ LÀ HIỆN TƯỢNG NHẤT THỜI
Khi Brazil đăng cai VCK World Cup trong 1 tháng vào mùa hè năm nay, Neymar là cái tên hot nhất. Hơn 1 triệu áo số 10 của Neymar tại Selecao được bán sạch chỉ trong 2 tháng ở xứ sở samba. Neymar được xem là cái tên cửa miệng của hơn 200 triệu dân Brazil mà bất kỳ ai trong số đó đều biết và được xem Neymar bằng xương bằng thịt chơi bóng. 


Neymar tỏa sáng ở vòng bảng, bớt nổi ở giai đoạn knock-out trước khi chấn thương không thể dự trận bán kết Brazil thua Đức 1-7. Cả nước Brazil ủ rũ như chịu tang lớn, còn Neymar sẽ nhanh chóng bị quên lãng ít nhiều (cũng như Didi, Garrincha, Tostao, Vava, Rivelino, Zico, Socrates, Romario, Ronaldo, Ronaldinho, Rivaldo…) và sẽ chỉ được nhắc đến sau 4 năm nữa ở World Cup 2018 (với điều kiện Neymar khi ấy vẫn là sao sáng của Selecao). 

Trong nỗi buồn lớn vì Selecao kết thúc World Cup 2014 trong thảm bại (thua Hà Lan 0-3 ở trận tranh giải Ba, trong khi Neymar chấn thương nặng nghỉ hết giải), người dân Brazil quay sang niềm an ủi vĩnh cửu như lời nhà vô địch World Cup 1994 Marcio Santos: “Chí ít, người Brazil đã, đang và luôn có Pele là niềm tự hào bất diệt về bóng đá, về World Cup”.

CẠNH KHÓE NGƯỜI ARGENTINA 
Một ngày sau khi Argentina thua Đức 0-1 ở chung kết World Cup 2014, tờ O Globo chạy tít: “Argentina rốt cuộc cũng chỉ có 2 chức vô địch World Cup, trong khi một mình Pele đã có 3 chức vô địch thế giới!”.


Chính xác và chi tiết hơn, nguời duy nhất được phong tặng danh hiệu Vua bóng đá thế giới cũng là người duy nhất 3 lần đăng quang ở đấu trường World Cup. Kể từ khi Pele ghi bàn trong trận chung kết World Cup 1958 giúp Selecao lần đầu vô địch thế giới cho đến lúc ông giải nghệ vào năm 1977, cái tên Pele đã trở thành niềm tự hào số 1 của người dân Brazil trong mọi lĩnh vực, chứ không chỉ riêng bóng đá. 

Hơn 200 triệu dân Brazil hiện tại đa phần không được xem Pele chơi bóng mà chỉ biết qua sách báo, phim ảnh rất hạn chế của nửa thế kỷ trước, nhưng bất kỳ ai dường như cũng có thể vanh vách từng chiến tích dù là nhỏ nhất của Vua bóng đá. Còn những chiến tích lớn như việc Pele ghi hơn 1000 bàn thắng trong sự nghiệp, thì sự kiện đó được viết thành sách và là chủ đề của không ít bài hát rất quen thuộc với người Brazil và cả người Argentina, bởi có câu: “Chỉ có Pele ghi hơn 1.000 bàn thắng, còn Diego Maradona chỉ là kẻ nghiện hút ma túy!”.

Khi Pele được FIFA bình chọn là cầu thủ số 1 thế kỷ 20, Maradona đã nổi giận, từng thốt lên: “Người Argentina muôn đời thù Pele, nếu có khẩu súng trong tay vào lúc này, tôi sẽ bắn chết hắn ta!”. Thất bại của Argentina trong trận chung kết World Cup cũng là niềm sung sướng của người Brazil, và chỉ càng làm cho thành tích của Pele trong lịch sử World Cup trở nên vĩ đại hơn!

THẦN TƯỢNG MUÔN ĐỜI 
Brazil những ngày trước khi World Cup khai mạc tràn ngập hình ảnh về Pele, dù rất ít người nghe ông dự đoán về kết quả cúp thế giới bởi đã quá quen với “thói quen” dự đoán trật lất của vị vua bóng đá. Chẳng sao cả, Pele vẫn xuất hiện trên truyền hình đều đều, khi thì quảng cáo cho một loại thuốc có công năng tương tự… Viagra, khi thì trổ tài ca hát và cũng có khi chỉ để minh oan rằng mình chỉ là nạn nhân của FIFA: “Tôi từng bị dân Brazil chỉ trích kịch liệt vì dám ủng hộ FIFA, nhưng FIFA từng không thèm mời tôi tham dự lễ bốc thăm vòng bảng cúp thế giới”.

Pele là công cụ chính trị rất hữu hiệu bởi uy tín và ảnh hưởng lớn của ông trong xã hội Brazil. Khi ban tổ chức World Cup 2014 địa phương bị chỉ trích dữ dội vì quá trình tổ chức quá chậm chạp và nhiều sơ sót, chính Pele đã lên tiếng kêu gọi những người phản đối hãy dịu giọng vì “Brazil cần sự đoàn kết để cho cả thế giới thấy nỗ lực, thiện chí và khát vọng bóng đá của đất nước chúng ta”. Khi tờ Folha de Sao Paulo đăng bài chỉ trích Neymar quá lơ là chuyện bóng đá mà chỉ lo bù khú với cô bồ xinh tươi Bruna, chính Pele đã lên tiếng bảo vệ Neymar, kết quả là tờ Folha lập tức có bài ca ngợi Neymar “biết hy sinh lợi ích và tình cảm cá nhân vì mục tiêu số 1 là thành công của Selecao”. 

Với doanh nhân Andrew Naddeo, Pele chẳng khác nào Chúa trời đối với anh và rất nhiều người dân Brazil khác. Pele vừa là ngôi sao bóng đá, vừa là doanh nhân thành đạt, vừa là biểu tượng chính trị, văn hóa, xã hội Brazil. Cứ mỗi kỳ World Cup đến, Pele luôn là tên cửa miệng của người Brazil. Còn khi không có cúp thế giới, Pele vẫn là cái tên được người Brazil nhắc đến nhiều nhất.

Pele giúp xóa nạn mù chữ
Khi Pele xuất bản cuốn tự truyện đầu tiên vào năm 1976 đã tạo ra sức hút khổng lồ với độc giả Brazil. Đến mức, hàng trăm nghìn người mù chữ ở Brazil đã quyết tâm đi học để có thể đọc được cuốn tự truyện của thần tượng. Qua đó, Bộ Giáo dục Brazil đã trao tặng huyền thoại bóng đá này Huy chương vì sự nghiệp giáo dục.

BẠN CÓ BIẾT?

Pele được ví như The Beatles 


Khi so sánh Pele và Maradona về mức độ nổi tiếng, tờ Four Four Two trích lời nhà báo nổi tiếng Eric Weil: “Pele được xem như The Beatles, còn Maradona chỉ là Coldplay. Đó là một sự khác biệt rõ, giống như tuyển Anh so sánh với tuyển Xứ Wales, chứ không phải như so sánh M.U với Chelsea hay Liverpool”. Pele không bao giờ từ bỏ cơ hội cạnh khoé Maradona. Trước chung kết World Cup 2014, Pele đã nói rằng “nếu Messi giúp Argentina vô địch, cậu ấy sẽ sánh ngang thậm chí vượt Maradona”.

Cứ có Pele là đắt hàng! 


Trên trang eBay tiếng Brazil từng có yêu cầu mua... chiếc quần lót Pele mặc ở trận chung kết World Cup 1958, nhưng vua bóng đá người Brazil lịch sự nói không. Trong thời gian diễn ra World Cup 2014, sân Morumbi ở Sao Paulo được ví là “sân Pele” vì hàng nghìn người đồng ý bỏ ra 30 USD/người chỉ để được nhìn thấy, xếp hàng xin chữ ký Pele. Rất nhiều fan đã khóc tức tưởi vì xếp hàng nhiều giờ nhưng xôi hỏng bỏng không vì Pele mệt, mỏi tay không ký tên nổi nữa.

Sẽ có nhà thờ mang tên Pele  


Một thị trấn nhỏ ở Sao Paulo đã nảy sinh ý tưởng thành lập nhà thờ Pele, tương tự nhà thờ Maradona rất nổi tiếng ở Argentina. Kinh phí xây dựng nhà thờ Pele vào khoảng 240.000 USD, nhưng hiện tại chỉ mới quyên góp được 32.500 USD. Pele đã được gợi ý đóng góp kinh phí xây dựng, nhưng ông đã trả lời rằng “không có vị Chúa nào cần phải bỏ tiền để xây dựng đền thờ chính mình. Việc đó dành cho giáo dân!”.
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x