Man City đã có phi vụ “phá bĩnh” hoàn hảo (ở những phút cuối cùng của TTCN) khi giành được Robinho – cầu thủ mà Chelsea “mê mẩn” và tưởng chừng như đã tiến đến rất sát. Robinho là một trong những tiền đạo kỹ thuật nhất thời điểm đó với lối chơi thông minh và vô cùng tinh quái. Cầu thủ người Brazil cũng có mùa giải đầu tiên (2008/2009) đầy ấn tượng với 14 bàn thắng cho đội bóng áo xanh. Tuy vậy, chấn thương dai dẳng gặp phải sau đó đã huỷ hoại sự nghiệp của cầu thủ 26 tuổi khi chân sút này chinh chiến trên giường bệnh còn tích cực hơn trên sân cỏ. Ngồi chơi hưởng lương trong thời gian dài, Robinho chỉ ghi thêm 2 bàn thắng trước khi phải xách vali rời Etihad.
Robinho được kỳ vọng nhưng không thể tỏa sáng ở Man City
Cho đến lúc này, Robinho vẫn là một trong những bản hợp đồng lãng phí nhất trong lịch sử của Man City – một điển hình hoàn hảo cho sự thiếu tính toán chi ly trong việc mua cầu thủ mà BLĐ đội bóng thực hiện.
Jo (18 triệu bảng, từ CSKA Moskva)
Cũng trong năm 2008, Man City mang về Etihad một cái tên đến từ xứ Samba: Jo. 18 triệu bảng là số tiền nửa xanh thành Manchester chi ra để có cầu thủ có cái tên (hay biệt danh) ngắn nhất trong lịch sử CLB. Để rồi sự toả sáng của Jo cũng… ngắn ngủi như vậy. 1 bàn duy nhất sau hơn 1000 phút chơi cho Man City, Jo lang bạt sang Everton rồi Galatasaray nhưng cũng không có được thành công gì đang kể. Cầu thủ này hồi hương sau 3 năm chơi bóng ác mộng ở Anh. Ở VCK World Cup 2014 vừa qua, sự kém cỏi của Jo cũng minh hoạ thêm cho thất bại thảm hại mà Brazil phải nhận trên quê nhà. Song có mấy người biết được Man City đã từng là “nạn nhân” của Jo từ trước đó rồi.
Không dễ để hiểu được Man City nghĩ gì khi chi tới 18 triệu bảng cho chân sút không quá nổi bật ở nền bóng đá trung bình như Nga.
Roque Santa Cruz (17,5 triệu bảng, từ Blackburn Rovers)
Chứng kiến màn thể hiện ấn tượng của Santa Cruz, BLĐ Man City lập tức “rước” chân sút người Paraguay về với cái giá không hề rẻ. Đáp trả lại niềm tin đó, Santa Cruz ghi… 3 bàn sau 20 trận cho đội chủ sân Etihad ở Premier League, trước khi tìm đường sang TBN và giờ là Mexico.
Cruz nhận lương cao nhưng chỉ để lại sự thất vọng
Emmanuel Adebayor (25 triệu bảng, từ Arsenal)
Vì tiền, Adebayor đã biến mình trở thành “kẻ phản bội” khi rời Arsenal để cập bến Man City. Dũng mãnh, tốc độ, Adebayor tự có riêng cho mình 14 bàn/26 trận đầu tiên. Nhưng tất cả những gì tiền đạo người Togo làm được cũng chỉ có thế. Khi một loại siêu sao như Carlos Tevez, Edin Dzeko hay Balotelli đặt chân tới Etihad, Adebayor chỉ là sự lựa chọn thứ… 4 cho vị trí tiền đạo. Adebayor rời Man City vào mùa hè năm 2012, và dấu ấn cuối cùng mà cầu thủ này để lại là màn ăn mừng đầy tai tiếng nhắm vào các CĐV của Arsenal – đội bóng đã đưa anh đến đỉnh cao sự nghiệp.
Mario Balotelli (24 triệu bảng, từ Inter Milan)
Rất khó để nói xem màn trình diễn của Balotelli ở Man City có là “thảm hoạ” hay không. Phong độ Balotelli vẫn vậy: Mâu thuẫn như chính con người anh. Sau 3 năm chơi bóng cho Man City, Balotelli ghi được 20 bàn/4 trận ở Premier League, tài năng của “Bad boy” là điều khó có thể phủ nhận. Nhưng thay vì nhắc đến sự toả sáng của tiền đạo người Italia trên sân cỏ, Balotelli lại nổi tiếng đến mức… tai tiếng vì những trò khác người của mình, tiêu biểu như vụ việc tự tay… đốt nhà của mình năm 2011. Là “miếng mồi béo bở” cho truyền thông Anh khai thác, Balotelli mau chóng sa sút và phải rời Man City để đến Milan với giá 19 triệu bảng.
Balotelli chỉ mang tới những rắc rối cho Man City
Trong hơn 6 năm qua, Man City đã đổ gần 300 triệu bảng cho vị trí tiền đạo. Đã có thời điểm, hàng công đội chủ sân Etihad có đến… 8 trung phong. Thất bại nhiều, song thành công đổi lại cũng không ít. Giờ là lúc Wilfried Bony – cầu thủ đắt giá nhất trong lịch sử bóng đá châu Phi chứng minh năng lực của mình. Hãy là Aguero, Tevez... chứ không phải như Robinho, Santa Cruz... năm nào.