Sự kỳ vọng về cái gọi là “tranh chấp trên không tốt và kỹ năng phòng ngự mạnh mẽ” mà người Catalunya đặt vào Chygrynskiy nhanh chóng thay bằng nỗi thất vọng. Đúng một năm sau ngày hồ hởi ra mắt tại Camp Nou, Chygrynskiy bị Barca vội vàng đẩy ngược trở lại Shakhtar, cắn răng chịu lỗ 10 triệu euro.
Ý đồ sử dụng Alex Song ở vị trí trung vệ của Barca đã thất bại
Như một lời nguyền, thảm họa ở vị trí trung vệ của Barca tiếp tục kéo dài cho tới hiện tại. Họ từng cố gắng theo đuổi một loạt những cái tên như Vincent Kompany (Man City), Daniel Agger (Liverpool), Jan Vertonghen (Tottenham), Javi Martinez (thời điểm vẫn còn chơi cho Athletic Bilbao) hay Inigo Martinez (Sociedad)… Nhưng trong tất cả trường hợp, Barca đều không dám chấp nhận điều kiện mà các đội bóng sở hữu những cái tên kể trên đưa ra. Giờ, 3 năm sau thảm-họa-Chygrynskiy, Barca tiếp tục cho rằng họ có thể giành chiến thắng mà không nhất thiết phải phòng ngự.
Có lẽ để tránh việc phải đầu tư quá lớn cho một hậu vệ, để rồi phải ngậm quả đắng như trong quá khứ, và cân nhắc về sự hạn chế ở khía cạnh tiếp thị thể thao nếu như cầu thủ đạt phong độ không tốt, Barca chuyển hướng sang ký hợp đồng với những cầu thủ đa năng có thể chơi tiền vệ phòng ngự hoặc trung vệ. Trường hợp gần nhất là Alex Song, nhưng cho tới giờ, có thể khẳng định cầu thủ người Cameroon không đáp ứng được ý tưởng này.
Như đã thấy với trường hợp của David Luiz, Thiago Silva hay Matt Hummels, có vẻ như GĐTT Andoni Zubizarreta không sẵn lòng đặt cược một cái giá cao cho một trung vệ dù là họ đã khẳng định được tên tuổi. Một món hàng giá rẻ, chưa có tên tuổi vì thế có lẽ là lựa chọn tốt nhất cho HLV “Tata” Martino nếu ông muốn tăng cường hàng thủ. Nhưng nguy cơ lặp lại thảm-họa-Chygrynskiy là hiện hữu, trong bất cứ trường hợp nào, tỷ lệ thuận với giá phải trả bởi cầu thủ đó.
Chygrynskiy vẫn đang ám ảnh người Barca và thái độ lưỡng lự cân, đo, đong, đếm của họ rất có thể lại dẫn tới một kết cục cay đắng khác?