Bóng Đá Plus trên MXH

Vì sao Buffon gắn bó trọn đời với Juventus?
Chiêu Văn • 18:37 ngày 30/10/2014
Hiếm ai có một sự nghiệp dài lâu gắn bó với một đội bóng, ngự trị trên đỉnh cao và giành được nhiều tình cảm của người hâm mộ như Gianluigi Buffon, khi anh vừa chạm cột mốc 500 trận cho Juventus.
    Cái thời mà Buffon tới Juventus còn chưa có Twitter, Facebook hay YouTube: anh ra mắt Bianconeri trong chiến thắng 4-0 trước Venezia tháng 8/2001, và thủ thành của Udinese hiện giờ Simone Scuffet còn chưa được 5 tuổi. 13 năm sau, Buffon đã có 5 chức vô địch Serie A với đội bóng thành Turin, bắt chính ở cả Serie B và chung kết Champions League, vô địch World Cup với ĐT Italia rồi trở thành cầu thủ có số lần khoác áo ĐTQG nhiều nhất lịch sử. Khi Buffon ra sân cho Juventus ở trận gặp Genoa rạng sáng nay, đó là lần thứ 500 anh bắt chính cho Bà đầm già.

    Sinh ở thành phố cảng vùng Tuscan Carrara vào tháng 1/1978, Buffon khởi nghiệp ở đội trẻ Parma trong vai trò tiền vệ, trước khi chuyển về bắt gôn sau khi nhận được cảm hứng từ thủ thành người Cameroon Thomas N’Kono ở World Cup Italia 1990. Rất ấn tượng với chiến thắng của "Những chú sư tử bất khuất" trước nhà ĐKVĐ Argentina tại giải đấu tổ chức ở quê hương anh đó, Buffon nói anh hoàn toàn choáng ngợp bởi đội bóng của HLV Valeri Nepomniachi: “Ngoài Italia, tôi ủng hộ Cameroon. Họ là những người hùng thời thơ ấu của tôi”.

    Một gia đình thể thao
    Nghiên cứu lịch sử gia đình thể thao của Buffon, không có gì ngạc nhiên khi anh trở thành một thủ môn danh tiếng. Mẹ anh - Maria là VĐV ném đĩa nắm giữ kỷ lục Italia gần 20 năm, trong khi bố anh Adriano từng ở trong ĐT ném tạ quốc gia. Lorenzo Buffon, chú họ của Maria, từng bắt gôn cho các đội Milan, Genoa và Inter sau thế chiến thứ hai, trong khi Dante Masocco, cậu của Gianluigi, là tuyển thủ bóng rổ quốc gia. Khi các chị gái của Buffon, Veronica và Guendalina, giành chức vô địch trẻ bóng chuyền quốc gia, con đường thể thao của anh đã được định đoạt.

    Buffon hồi còn bắt cho Parma

    Parma là đội hưởng lợi đầu tiên, khi HLV đội này lúc đó Nevio Scala tin tưởng ở khả năng của Buffon tới mức trao cho anh trận bắt chính năm 1995, khi Buffon mới 17 tuổi. Đó là một quyết định can đảm, nhưng không hề bất đắc dĩ: Parma vừa giành Cúp UEFA và về đích thứ 3 mùa trước đó, và thủ thành bắt chính của họ Luca Bucci vừa được gọi vào ĐT Italia. Buffon đã có trận sạch lưới đầu tiên buổi hôm đó ở trận gặp Milan, khi màn trình diễn của anh khiến thủ môn huyền thoại Dino Zoff phải thốt lên rằng ông “chưa bao giờ được chứng kiến một màn ra mắt ấn tượng như thế”.

    Sau khi Buffon đã khẳng định vị trí của mình ở Parma, đội bóng giành thêm một Cúp UEFA nữa năm 1999. CLB vùng Emilia-Romagna còn bổ sung thêm một Coppa Italia và 1 Siêu Cúp quốc gia Italia mùa đó, và Buffon nhận danh hiệu Thủ môn xuất sắc nhất Serie A.

    Tình yêu với Turin
    Buffon lại mang về một phần thưởng lớn nữa cho Parma ở mùa 2001 sau màn trình diễn ấn tượng cho thấy anh đã trưởng thành ra ngoài đẳng cấp của đội bóng vùng Tuscan. Juventus rõ ràng nhận ra điều đó và chi ra 33 triệu bảng để đưa Buffon về Turin, khoản tiền kỷ lục thế giới cho tới tận bây giờ cho một thủ môn.

    Nhưng không ai nghĩ đó là một khoản đầu tư thái quá. Oliver Kahn có thể được coi là thủ môn xuất sắc nhất thế giới lúc bấy giờ, nhưng Buffon xếp thứ 2 cách đó không xa, và anh mới 23 tuổi. Biệt danh “Superman” (Siêu nhân) vì sự cơ động và bền bỉ, Buffon có lẽ là một trong những thủ môn toàn diện nhất mà thế giới bóng đá từng được chứng kiến: rất giỏi trong các tình huống một đối một, phán đoán vị trí cực tốt, khép góc kín kẽ, xử lý bóng bổng gọn gàng, rất can đảm và cũng có thể chơi như một hậu vệ quét. Hơn thế, cá tính và tố chất thủ lĩnh giúp anh tổ chức hàng phòng ngự cả ở Juve và ĐT Italia với phong thái của một bậc thầy.

    Buffon từng xuống chơi ở Serie B

    Buffon đã gắn bó với Juventus lâu tới mức thật dễ quên mất rằng anh từng suýt rời Turin 2 lần trong sự nghiệp. Buffon khởi đầu rất tốt ở Juve: vô địch Serie A trong 2 mùa đầu và vào chung kết Champions League năm 2003 dưới thời HLV Marcelo Lippi, nhưng đội bóng tuột dốc ngay khi Lippi ra đi để dẫn dắt ĐT Italia mùa hè 2004. Juventus gây thất vọng ở châu Âu dưới quyền người thay thế Lippi, Fabio Capello, và Buffon dính hàng loạt chấn thương khiến anh bỏ lỡ một nửa mùa giải 2005/06.

    Chỉ vài tuần sau khi Juve giành đủ điểm vô địch Italia năm 2006, bóng đá nước này chấn động vì vụ bê bối Calciopoli: bị cáo buộc dàn xếp tỉ số, Juve bị tước 2 chức vô địch gần nhất và giáng xuống Serie B. Lẽ ra Buffon, cùng các đồng đội đẳng cấp thế giới của anh Patrick Vieira, David Trezeguet và Fabio Cannavaro, đã ra đi ngay lập tức.

    Nhưng rốt cuộc, chính vì Juve rơi vào tai họa, Buffon quyết định ở lại Turin. Trước đó anh đã cân nhắc chuyển tới Milan tìm kiếm một thách thức mới và Buffon sau này thừa nhận anh đã chấp thuận đề nghị của Rossoneri nếu như Juve không bị xuống chơi ở Serie B, cũng là một thách thức mới với anh.

    5 năm sau đó, năm 2011, Roma từng định lôi kéo anh, tận dụng việc Buffon tỏ ra thất vọng vì thành tích tệ hại của Juve ở Serie A: về đích thứ 7 hai mùa liên tiếp. Buffon nói anh cũng đã định ra đi, nhưng sau khi trao đổi với HLV Antonio Conte, vốn là một đồng đội cũ của anh ở Juve, Buffon đã ở lại. Ba chức vô địch Italia sau đó, anh không thể hài lòng hơn với quyết định của mình.


    Cột mốc 500
    Ngay cả với một thủ môn, 500 trận cho một CLB lớn như Juventus là thành tích thật khó tin. Buffon vẫn còn cách khá xa kỷ lục gia mọi thời về số trận ra sân ở Juve, Alessandro Del Piero (705 trận), nhưng khá chắc chắn là anh sẽ vượt qua những huyền thoại khác, Giuseppe Furino (528) và Gaetano Scirea (552), để vươn lên thứ 2 trong danh sách.

    So sánh giữa các thủ môn, 500 trận của Buffon giúp anh đứng vào hàng ngũ rất ít ỏi những người đã chạm tới cột mốc đó cho một đội bóng. Trong 20 năm qua, chỉ Iker Casillas (692 trận cho Real Madrid), Oliver Kahn (632, Bayern Munich), David Seaman (564, Arsenal) và Victor Valdes (535, Barcelona) là vượt qua cột mốc đó.

    Hợp đồng của Buffon với Bianconeri sẽ đáo hạn vào cuối mùa giải tới, và anh đã nói về việc muốn tiếp tục tới tận năm 2018, khi Buffon hy vọng có thể đeo băng đội trưởng ĐT Italia ở World Cup tại Nga. Nếu làm được điều đó, Buffon sẽ trở thành cầu thủ đầu tiên trong lịch sử tham dự 6 kỳ World Cup, và thủ môn thứ 2 trong lịch sử Italia tham gia giải VĐTG khi đã ngoài 40. Người kia chính là Dino Zoff, thủ thành huyền thoại đã không giấu được sự thán phục khi chứng kiến màn ra mắt của Buffon.

    Top 10 thủ môn đắt giá nhất thế giới
    1. Gianluigi Buffon, từ Parma sang Juventus năm 2001, phí chuyển nhượng 33 triệu bảng
    2.  Manuel Neuer, Schalke-Bayern Munich, 2011, 19 triệu bảng
    3. David de Gea, Atletico Madrid-Manchester United, 2011, 18 triệu bảng
    4. Angelo Peruzzi, Inter Milan-Lazio, 2000, 15,7 triệu bảng
    5. Jan Oblak, Benfica-Atletico Madrid, 2014, 12,6 triệu bảng
    6. Fraser Forster, Celtic- Southampton, 2014, 10 triệu bảng
    7. Fernando Muslera, Lazio-Galatasaray, 2011, 9,93 triệu bảng
    8. Samir Handanovic, Udinese-Inter Milan, 2012, 9 triệu bảng
    9. Simon Mignolet, Sunderland-Liverpool, 2013, 9 triệu bảng
    10. Craig Gordon, Hearts-Sunderland, 2007, 9 triệu bảng

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay