Tôi “bắt chết” Quốc Cường!
Đến hẹn lại lên, cựu tuyển thủ U20 Hồ Phước Thạnh lại tổ chức giải bóng đá thiện nguyện mang tên “Nghĩa tình quê hương” ở xã Tân Phú Trung (huyện Châu Thành, Đồng Tháp). Rất nhiều ngôi sao của bóng đá địa phương như Tấn Trường, Bửu Ngọc, Văn Ngân... đều đến góp sức. Nhưng có lẽ Huỳnh Quốc Cường là cái tên gây chú ý nhất bởi từ Châu Thành đến Sa Đéc, không ai là không biết đến anh dù chỉ được thấy trên tivi hoặc quán cà phê cóc đâu đó...

Người viết may mắn được thọ giáo Huỳnh Quốc Cường trên sân cỏ và nhiệm vụ được các đồng đội giao phó là phải phong tỏa cho được trung phong của đội lão tướng Sa Đéc. Rất cố gắng theo sát và đấy cũng là cách có được một tấm hình với thần tượng từ bé, nhưng rốt cuột tôi vẫn để Quốc Cường lập cú đúp vào lưới đội nhà. Nhớ nhất là pha đập nhả giữa bộ đôi Lai Hồng Vân - Huỳnh Quốc Cường từ khu vực giữa sân, rồi từ biên Quốc Cường khống chế bóng bằng ngực rất gọn để chuyền cho người đồng đội ở Đồng Tháp một thời. Như “ngẫu hứng qua cầu”, Hồng Vân che người rất kín rồi thực hiện một cú đưa bóng qua khe để đàn em băng xuống “xâu kim” thủ môn đối phương. Hàng trăm khán giả ngồi kín sân hôm ấy vỗ tay rần rần cho pha bóng chỉ có trong “sách giáo khoa”. 

Quốc Cường (trái) đi bóng dũng mãnh trong màu áo ĐT Việt Nam

Sau trận, Quốc Cường cười vui vẻ rồi bỏ nhỏ vào tai tôi: “Ông đeo bám tôi y chang mấy cậu trẻ ở Sa Đéc. Cứ nghe tên Huỳnh Quốc Cường là cắt cử người ngăn chặn, thậm chí có cậu đá xấu. Già rồi đi đá banh kiếm mồ hôi, kiếm chai bia với mấy bạn đồng niên mà vẫn bị người ta chăm sóc dữ dằn vậy đó”. Tôi chỉ biết cười và lặng im. Quả thật, có đối đầu trên sân thì mới biết ngôi sao của ĐT Việt Nam tại Tiger Cup 1996 là bậc thầy về kỹ thuật và giỏi chiếm lĩnh không gian ở phạm vi hẹp đến như thế nào.

“Thần tượng” chỉ cần một cú đánh gót
Nói đến bóng đá Đồng Tháp những năm 90 của thế kỷ trước, người ta thường nhắc đến rất nhiều người. Trong số ấy, Trần Công Minh, Trịnh Tấn Thành và Trần Thanh Nhạc được bàn nhiều nhất vì từng được HLV Karl-Heinz Weigang gọi lên ĐT Việt Nam và giành chiếc HCB tại SEA Games 1995 ở Chiang Mai (Thái Lan). Một năm sau đó, chỉ còn Công Minh và Quốc Cường của đội bóng xứ Tràm Chim có mặt trong danh sách tham dự Tiger Cup 1996 (tiền thân của AFF Suzuki Cup bây giờ). Nhắc đến Huỳnh Quốc Cường, chắc phải nhắc đến cú đánh gót để đời của anh vào lưới Indonesia giúp ĐT Việt Nam giành hạng Ba chung cuộc. 

“Trong sự nghiệp ngắn ngủi của tôi có rất nhiều bàn thắng đẹp, nhưng như anh nói, cú đánh gót vào lưới Indonesia là vô cùng đáng nhớ. Tình huống đấy, tôi biết Hồng Sơn sẽ loại được hậu vệ đối thủ và tôi đã di chuyển vào vị trí có thể thực hiện một pha cắt mặt. Đối phương đeo bám quá sát nên khi Sơn chuyền vào tôi thực hiện luôn một cú giật gót. Cũng nhờ bàn thắng ấy mà tôi được lên bản tin thể thao và nổi tiếng cho đến bây giờ (cười). Nhiều người sau này cứ hỏi tôi, có ‘bí kíp’ giật gót gì không? Thú thật chẳng có tập luyện gì cả, nó là phản xạ và động tác hay sử dụng trong trò chơi 4-2, hay cách gọi khác là “đá ma” thôi”, Quốc Cường nhớ lại.

Quốc Cường (trái) bên cạnh người bạn thân Công Minh
Quốc Cường (trái) bên cạnh người bạn thân Công Minh

Cú đánh gót kinh điển của Quốc Cường sau này được BTC phong tặng là Bàn thắng đẹp nhất Tiger Cup 1996. Cũng chẳng ngờ, đấy là bàn thắng cuối cùng trong lần cuối cùng danh thủ người Sa Đéc này khoác lên mình chiếc áo của ĐT Việt Nam. “Mỗi khi nhắc đến bóng đá, tôi buồn lắm. Nhưng biết làm sao được. Cái số tôi trời không cho chơi, sau khi chia tay vẫn cảm thấy day dứt...”, cựu tuyển thủ này không giấu được nỗi buồn.

Ừ, thôi thì ta về...

Năm 1997, Huỳnh Quốc Cường phải lên bàn mổ nối lại dây chằng. Lúc bây giờ, trình độ y học thể thao còn hạn chế và ca mổ của anh không thực sự tốt, cộng với áp lực thi đấu thành tích, cái gối trái của Quốc Cường lại bị đứt một lần nữa. Tiền đạo sinh năm 1972 phải qua Đức thực hiện lại ca phẫu thuật, nhưng xác suất phục hồi chỉ còn rất nhỏ. “Hồi đó mổ lại, tôi cảm thấy đôi chân không còn ổn nữa. Dù vậy, tôi vẫn tập luyện và ra sân đá lai rai khi đội nhà cần. Đến năm 2002 thì tôi phải nghỉ hẳn vì không thể chạy được với cái gối quá đau”, Quốc Cường kể.

Ba năm sau kể từ ngày nói lời từ giã sân cỏ, Quốc Cường đã tái xuất khi đội nhà bết bát và phải ngỏ lời cầu cứu anh. Nhưng rồi cũng chẳng được bao lâu, danh thủ này phải nghỉ hẳn và chuyển sang làm công tác huấn luyện. Thêm vài ba năm “gõ đầu trẻ”, Quốc Cường xuôi về Sa Đéc làm ông chủ một cơ sở vận tải. Sáng sáng, Quốc Cường đưa con đi học và chiều chiều lại xách giày ra sân kiếm chút mồ hôi với các đồng tuế. 

Bây giờ thì công việc kinh doanh vận tải được nhượng lại cho bà xã. Quốc Cường chuyển qua bộ phận chăm sóc khách hàng cho công ty thức ăn thủy hải sản Cỏ May tại Sa Đéc. Và như anh nói, đấy cũng là mối lương duyên từ bóng đá. “Sếp tôi, ổng ghiền bóng đá và cũng thích Quốc Cường đá nên ngỏ ý rủ về làm việc. Cuộc đời tôi xui rủi không đi hết con đường với bóng đá, nhưng đôi khi bóng đá lại mang đến cho mình một cơ duyên khác. Đấy là việc làm và những người bạn tâm giao. Thế cũng vui rồi!”, cựu danh thủ được nhiều người yêu mến khép lại câu chuyện như thế.

VÀI NÉT VỀ HUỲNH QUỐC CƯỜNG
Năm sinh: 1972 
Nơi sinh: Sa Đéc, Đồng Tháp
Chiều cao: 1m72
Cân nặng: 65 kg
Vị trí thi đấu: Tiền đạo
Đội bóng: Đồng Tháp (1994 - 2004)
VĐQG năm 1996
HCB SEA Games 1995
HCĐ Tiger Cup 1996

 “Cường hay nhưng không may”
“Tôi và Quốc Cường là bạn thân ở Đồng Tháp cũng như khi lên ĐT Việt Nam. Cậu ấy có những tố chất kỹ thuật vô cùng đặc biệt, mà ví dụ điển hình là cú đánh gót vào lưới ĐT Indonesia. Ngoài khả năng chọn vị trí thì người ghi bàn phải nhạy cảm và rất tinh tế, bởi anh ta chỉ có chỉ một tích tắc để đưa ra quyết định. Quốc Cường là mẫu tiền đạo tài tử và kỹ thuật, nhưng cơ địa cậu ấy không thật tốt nên dễ bị chấn thương. Tôi cảm thấy rất tiếc khi bóng đá Việt Nam sớm mất một tiền đạo tài hoa như Quốc Cường”, danh  thủ Trần Công Minh nói về người bạn thân.


THÔNG TIN VỀ TIGER Cup 1996
Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á 1996 (hay còn gọi là Tiger Cup) lần đầu được tổ chức tại Singapore từ ngày 1-15/9 với sự góp mặt của 10 đội bóng: Indonesia, Việt Nam, Myanmar, Lào và Campuchia (bảng A); Thái Lan, Malaysia, Singapore, Brunei và Philippines (bảng B).
KẾT QUẢ CỦA ĐT VIỆT NAM
- Vòng bảng 
Việt Nam - Campuchia: 3-1; Việt Nam - Lào: 1-1; 
                       Việt Nam - Myanmar: 4-1; Việt Nam - Indonesia: 1-1
- Bán kết, Việt Nam - Thái Lan: 2-4
- Tranh hạng Ba, Việt Nam - Indonesia: 3-2

KẾT QUẢ CHUNG CUỘC
Vô địch: Thái Lan
Á quân: Malaysia
Hạng Ba: Việt Nam
Vua phá lưới: Natipong (Thái Lan, 7 bàn)
Cầu thủ xuất sắc nhất: Abidin Hassan (Singapore)

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x