Alfred Riedl đi, Edson Tavares đến
Kết thúc SEA Games 2003, U23 Việt Nam giành HCB trong sự ngất ngây của NHM. Thế nhưng, ngay sau đó “thuyền trưởng” Alfred Riedl vẫn ra đi. Một bản danh sách dài các ứng viên đã được đặt lên bàn lãnh đạo VFF. Cuối cùng, người được chọn là một gương mặt mới mà cũ, Edson Tavares. Năm 1995, HLV Tavares đến trong khoảng vài tháng nhưng đã kịp giành được chức vô địch tại Cúp Độc lập. Điều đáng nói, trong thời gian ngắn ngủi ấy, đã có rất nhiều câu chuyện màu nhiệm được thêu dệt xung quanh nhà cầm quân này. Những “viên kẹo kỳ bí” của Tavares đã giúp các tuyển thủ có được nền tảng thể lực sung mãn và đó là lý do ông được mời trở lại.
Ngày 11/3/2004, Edson Tavares trở lại Việt Nam và tại sân bay, ông được chào đón như người hùng trở về nhà sau bao ngày xa cách. Thời điểm đó, Tavares 48 tuổi, chín chắn, lịch lãm và vô cùng quyến rũ với căp mắt xanh, mái tóc uốn lượn đam mê. 11 ngày sau, Tavares ký vào bản hợp đồng có thời hạn 1 năm với VFF, trong đó có điều khoản gia hạn. Ngày nhậm chức, ông tuyên bố một câu khiến cả hội trường phấn khích vỗ tay tán thưởng: “Những năm tháng tới, ĐT Việt Nam sẽ mang dấu ấn của tôi!”.
Ông Tavares có trong tay đội hình đẹp về cả tuổi đời, phong độ lẫn tài năng. Tuyến đầu có Huỳnh Đức thiện nghệ kết hợp với Bảo Khanh đang ở độ chín và Công Vinh đầy khát vọng. Tuyến giữa có Tài Em, Minh Phương và Trường Giang khá tài năng. Hàng phòng ngự gồm Anh Dũng, Mạnh Dũng, Huy Hoàng, Quang Trãi và Minh Quang đang ở đỉnh cao sự nghiệp.
Trong sự tự tin cao độ, ông Tavares tự mình xây dựng đội ngũ giúp việc, đó phải là những người tuân thủ tuyệt đối, luôn lắng nghe và tạo ra thế đơn cực trong phòng thay đồ. Và đây chính là lý do mà HLV Nguyễn Thành Vinh, cánh tay phải của ông Riedl và từng là quyền HLV trưởng ĐT Việt Nam, không có mặt tại Tiger Cup 2004. Sau này, nhiều người cho rằng, một trong những sai lầm lớn nhất của ông Tavares chính là việc không trọng dụng ông Vinh!
Hùm thiêng khi đã sa cơ...
Tiger Cup 2004 bắt đầu với ĐT Việt Nam bằng trận đấu với Singapore. Phút 51, Thạch Bảo Khanh bay người đánh đầu ghi bàn trong sự vỡ òa của hàng chục ngàn khán giả trên sân Thống Nhất. Không thể hoàn hảo hơn. Nhưng, cũng thời điểm đó, ĐT Việt Nam đánh mất thế trận một cách khó hiểu và để đối phương gỡ hòa. Một thành viên của đội kể: “Tan trận, ông Tavares như người mất hồn. Ông không tin vào mắt mình. Ông hỏi các trợ lý điều gì đã xảy ra và phải chăng những xì xào trước trận đấu đã ảnh hưởng đến tâm lý các cầu thủ?”.
Trận đấu thứ hai, ĐT Việt Nam thắng Campuchia tới 9-1 nhưng Tavares vẫn không vui vì ông hiểu, đội nhà đã đánh mất sự chủ động. Linh cảm nghề nghiệp khiến ông nghĩ đến điều chẳng lành. Những suy nghĩ miên man khiến nhà cầm này gần như kiệt sức. Thậm chí, ông phải cầu viện đến các bác sỹ của bệnh viện Việt-Pháp nhưng không thể phát hiện ra bệnh gì. Trước trận đấu với ĐT Indonesia vào tối 11/12/2004, Tavares không thể chợp mắt. Ông căng thẳng đi dọc hành lang khách sạn gần như cả đêm. Buổi chiều trước trận đấu, sự căng thẳng và mệt mỏi của Tavares lên đến đỉnh điểm. Ông bị sốt 39 độ và phải nhờ đến các bác sỹ can thiệp mới có thể ra sân cùng ĐT Việt Nam.
Sự cố gắng, căng thẳng và toan lo của Tavares không thể xoay ngược bánh xe lịch sử. ĐT Việt Nam khởi đầu tốt nhưng sau đó tiếp tục thi đấu như những kẻ mộng du. Phút 18, ĐT Indonesia ghi bàn. Mỹ Đình câm lặng. HLV Tavares chết đứng giữa trận tiền. Không ai hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nhưng, địa chấn nối tiếp địa chấn! Chỉ 2 phút sau, Boaz Salossa nhân đôi cách biệt cho đội khách, chính thức nhấn chìm giấc mơ của ĐT Việt Nam. Những giọt nước mắt đã rơi trên khuôn mặt các CĐV. Một người khóc. Vạn người khóc. Trên sân, các cầu thủ lê những bước chân mệt mỏi và chịu trận. Kết thúc trận đấu, ĐT Việt Nam thua 0-3 và coi như không còn cơ hội đi tiếp. Đến giờ, nhiều người vẫn bị ám ảnh với khung cảnh thê lương trên khán đài Mỹ Đình tối hôm đó. Người lớn nuốt nước mắt vào trong. Đám trẻ không cầm được nước mắt gào khóc bởi không hiểu chuyện gì xảy ra. Còn dưới sân, HLV Tavares cúi đầu. Những ngôi sao của ông thì thấy như đất dưới chân đang sụt xuống.
Đêm đó, cả khách sạn Horison không ngủ. Ông Tavares ngồi nói chuyện với Trưởng đoàn Nguyễn Sỹ Hiển và Trưởng ban truyền thông VFF Nguyễn Lân Trung với bộ dạng tiều tụy. Kết thúc buổi nói chuyện cũng là lúc trời gần sáng. Tavares nói với ông Nguyễn Sỹ Hiển: “Hãy cho tôi một tờ giấy và một cây bút”. Sau đó, ông viết không ngừng nghỉ để rồi đưa cho đại diện của VFF lá đơn xin từ chức cùng lời xin lỗi gửi đến NHM Việt Nam.
Sáng hôm sau, khi các cầu thủ còn chưa thức giấc, Tavares đã thu dọn hành lý và lặng lẽ rời khách sạn, kết thúc một hành trình cay đắng. Ông đến trong kỳ vọng và ra đi trong nỗi đau cùng muôn vàn những câu hỏi đến nay chưa có lời giải đáp.
Sự cố mang tên Nguyễn Mạnh Dũng AFF Cup 2007 còn được nhắc đến với sự cố liên quan đến Nguyễn Mạnh Dũng. Trung vệ tài năng của bóng đá Việt Nam bất ngờ bị loại khỏi ĐT Việt Nam trong khi giải đấu vẫn đang diễn ra. Cho đến thời điểm này, nguyên nhân chính của sự cố vẫn chưa được tiết lộ, dù có nhiều đồn đoán xung quanh. Chào đón biểu tượng mới Huỳnh Đức chính là cầu thủ cuối cùng của “Thế hệ bạc” bóng đá Việt Nam thi đấu ở Tiger Cup! Thế nhưng, sau thất bại tại Tiger Cup 2004, anh giã từ đội tuyển dù còn thi đấu ở V.League thêm một vài năm. Thế chỗ Huỳnh Đức chính là một Công Vinh trẻ trung mới 19 tuổi và từ thời điểm đó cho đến hơn 10 năm sau này, cầu thủ xứ Nghệ luôn là tiền đạo số 1 của ĐT Việt Nam. Chuyển giao thế hệ Sau Tiger Cup 2004, Huỳnh Đức và một số cầu thủ lớn tuổi giã từ ĐTQG. Trên băng ghế huấn luyện, ông Riedl trở lại với sứ mệnh vực dậy niềm tin của đội tuyển vốn đã bị tổn thương nghiêm trọng. Cuộc chuyển giao lực lượng được nhà cầm quân người Áo tiến hành một cách triệt để. Những thành viên của ĐT U23 Việt Nam năm 2003 trở thành nòng cốt của ĐT Việt Nam tại AFF Cup 2007. Nguyễn Minh Phương chính thức sở hữu chiếc băng đội trưởng dù đội hình lúc đó vẫn còn Lê Hồng Minh hay trung vệ Nguyễn Mạnh Dũng. Với một đội hình khá trẻ, cũng không được đánh giá cao như hơn 2 năm trước, nhưng ĐT Việt Nam vẫn có vé đến vòng bán kết. Dù phải dừng bước trước Thái Lan nhưng phải nhấn mạnh rằng, cuộc chuyển giao lực lượng dưới thời ông A.Riedl đã góp phần đặt nền móng cho thành công của ĐT Việt Nam ở AFF Suzuki Cup 2008 với một Thế hệ vàng đúng nghĩa. KẾT QUẢ CỦA ĐT VIỆT NAM Ở TIGER CUP 2004 (Việt Nam, Malaysia chủ nhà) VÒNG BẢNG Việt Nam - Singapore: 1-1 Việt Nam - Campuchia: 9-1 Việt Nam - Indonesia: 0-3 Việt Nam - Lào: 3-0 KẾT QUẢ CHUNG CUỘC GIẢI ĐẤU Vô địch: Singapore Á quân: Indonesia Hạng ba: Malaysia Hạng tư: Myanmar Vua phá lưới: Ilham Jaya Kesuma (Indonesia - 7 bàn) Cầu thủ xuất sắc nhất: Lionel Lewis (Singapore) KẾT QUẢ CỦA ĐT VIỆT NAM Ở AFF CUP 2007 (Singapore, Thái Lan chủ nhà) VÒNG BẢNG Singapore - Việt Nam: 0-0 Việt Nam - Indonesia: 1-1 Việt Nam - Lào: 9-0 BÁN KẾT Lượt đi, Việt Nam - Thái Lan: 0-2 Lượt về, Thái Lan - Việt Nam: 0-0 KẾT QUẢ CHUNG CUỘC GIẢI ĐẤU Vô địch: Singapore Á quân: Thái Lan Đồng hạng ba: Việt Nam & Malaysia Vua phá lưới: Noh Alam Shah (Singapore -10 bàn) Cầu thủ xuất sắc nhất: Noh Alam Shah |