Bóng Đá Plus trên MXH

Dịch sốt vé AFF Cup 2018 chuẩn bị tái phát

16:36 ngày 29/10/2018
Nếu có loại dịch sốt nào không kiểm soát và ngăn ngừa nhất thì đấy chính là dịch sốt vé xem ĐTQG Việt Nam thi đấu khi mà VCK Suzuki AFF Cup hay SEA Games xuất hiện. Đây chính là vấn đề nan giải của lãnh đạo bóng đá Việt Nam.
    "Sốt nào rồi cũng sẽ qua. Chỉ có sốt vé chẳng tha bao giờ". Vé bóng đá vào sân Mỹ Đình tại các VCK những giải đấu mà ĐT Việt Nam, Olympic Việt Nam, thậm chí là U19 Việt Nam từng là nỗi ám ảnh của ban tổ chức các giải đấu và những người được cho là có thể kiếm được vé như cán bộ của Liên đoàn bóng đá Việt Nam hay phóng viên thể thao. 

    Hàng đoàn người ngồi xếp hàng trước các địa điểm bán vé (chủ yếu là tại sân vận động Mỹ Đình) từ đêm trước để hy vọng kiếm được tích kê vào mua vé, họ chen chúc nhau, khuôn mặt méo xẹo ép sát vào những hàng rào chắn bằng sắt nhọn… luôn khiến chúng ta phải ám ảnh. Nó thể hiện thực tế: Nhu cầu được theo dõi ĐT Việt Nam thi đấu của NHM trong nước là rất lớn. 

    Chẳng thế mà khi bản quyền phát sóng môn bóng đá nam Á vận hội 2018 còn chưa có, cả nước "sẵn lòng" cùng xem lậu trên Internet mà không hề băn khoăn mình làm thế là đúng hay sai? Cái nhu cầu đó phải được thỏa mãn bằng những tấm vé vào sân bất chấp giá, bằng những kênh phát sóng bất chấp hợp pháp hay phi pháp. 

    Mặc đêm hôm rét mướt, NHM vẫn kiên quyết xếp hàng để sáng mai mua được vé
    Mặc đêm hôm rét mướt, NHM vẫn kiên quyết xếp hàng để sáng mai mua được vé

    Chính vì thế, ở một trận đấu cấp ĐTQG, thường chỉ có 4 vạn vé được in ra, tương đương với sức chứa của sân Mỹ Đình. Trong đó, phải đến vài nghìn vé không bán tới tay NHM mà dùng làm biếu tặng những nhân vật VIP, khách mời, quan chức… Thế nên, nhu cầu càng lớn mà nguồn cung không thể đảm bảo sẽ thỏa mãn được. 

    Một mặt khác, giá vé xem bóng đá của ta khá rẻ. Ví dụ như vé xem VCK AFF Cup 2018 tới đây chẳng hạn, chỉ từ 100 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng. Đấy là mức phí tổn chấp nhận được khi nó chỉ tương đương một lần đổ xăng xe máy hay một thùng bia hạng trung bình. Thế nên, giá vé là chuyện nhỏ, thậm chí khi sốt vé lên cao điểm, người ta sẵn sàng chi gấp 10 hay 20 giá trị thực để mua vé. 

    Đấy là những điều đã xuất hiện ở hầu hết các sự kiện bóng đá có mặt ĐT Việt Nam. Còn nhớ ở trận chung kết U19 của lứa Công Phượng, Tuấn Anh năm 2014, tấm vé giá 100 nghìn được dân phe vé đẩy lên tận 4 triệu đồng, tức gấp 400% mà vẫn bán ngon ơ. Và đó cũng là trận đấu số lượng người ngồi trên khán đài phải cao gấp rưỡi số ghế. 

    Bất chấp hàng rào sắt nhọn, nhất quyết không nhường vị trí đẹp cho kiếm sự an toàn
    Bất chấp hàng rào sắt nhọn, nhất quyết không nhường vị trí đẹp cho kiếm sự an toàn

    Có nhiều người sẽ tự hỏi, tại sao chúng ta không xây SVĐ có sức chứa to hơn, kiểu như sân Nou Camp chẳng hạn để giải tỏa cơn sốt? Tiền để xây sân là một vấn đề lớn, bởi chi phí cho việc xây dựng, vận hành và quản lý một SVĐ là cực nhiều, sân càng to thì chi phí càng tăng. Nhưng vấn đề lớn hơn là ngày thường chúng sẽ để làm gì? 

    Bởi NHM Việt Nam rất lạ, chúng ta chỉ sốt với các trận bóng có yếu tố ĐT Việt Nam mà thôi, trong khi các trận đấu ở V.League hay hạng Nhất thì có mời vào cũng từ chối. Bi đát hơn là ở giải VĐQG bóng đá Nữ, nhiều trận đấu diễn ra sôi nổi trong sự chứng kiến của những con bò tha thẩn gặm cỏ. Thế nên, phương án xây sân lớn là bất khả thi, bởi vì nếu làm thì lỗ nặng là cái chắc.
     
    Đừng chê rằng bóng đá ở V.League dở hơn bóng đá ở cấp ĐTQG bởi vẫn là những cầu thủ đó, ngôi sao ấy thi đấu cơ mà. Vấn đề chỉ là tâm lý đám đông. Khi đội tuyển Việt Nam càng thi đấu tốt, càng vào sâu hay phải đối mặt những đối thủ truyền kiếp thì chính là lúc tinh thần dân tộc của NHM bốc cao, tâm lý đám đông kéo nhau đến sân xuất hiện và sốt vé xảy ra. Phải đến sân chứ không thể xem ti vi. 

    Vé của AFF Cup 2018 cũng có giá thấp nhất là 100 nghìn như 4 năm trước
    Vé của AFF Cup 2018 cũng có giá thấp nhất là 100 nghìn như 4 năm trước

    Thế nên, chúng ta có nền cổ vũ và thưởng thức bóng đá khá lạ, những cơn sốt vé khá lạ và hầu như chẳng có biện pháp nào để ngăn ngừa. Và chắc chắn ở giải đấu năm nay, chuyện biển người ngồi xếp hàng mua vé, hàng loạt công ty, tổ chức nộp đơn xin mua vé qua đường công văn sẽ lại tái diễn. Không phải để xem bóng đá mà là tạo nhu cầu sốt giả, đẩy giá vé lên cao và bán lại. 

    Có biết cũng chẳng làm gì được, vì toàn tự nguyện chứ có ai lừa ai đâu?  
    Kỳ Lâm • 16:36 ngày 29/10/2018

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Nguyễn Hà Thanh Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay