Trong khi CĐV Arsenal đang thấp thỏm trước cuộc đối đầu với Dortmund, thì ở Anh, các CĐV Crystal Palace đang ôm đầu tiếc nuối: Họ đáng ra đã có thể sở hữu Neven Subotic, trung vệ đang được săn đón nhiều nhất châu Âu, một cách miễn phí từ cách đây 8 năm.
Subotic lớn lên ở Mỹ. Anh đã từng chơi bóng cho Crystal Palace Baltimore, cơ sở của Crystal Palace ở Mỹ, và sang CLB mẹ tại Anh thử việc trong 10 ngày. Thời đó, các HLV của Crystal Palace đều nhận ra tài năng thiên bẩm của trung vệ gốc Serbia, và rất muốn có anh. Nhưng họ không thể ký hợp đồng với cầu thủ vô danh này: Luật của Anh không cho phép.
Luật cấp giấy phép lao động cho cầu thủ của FA được thiết kế để Premier League trở thành giải đấu mạnh nhất châu Âu. Nó quy định rằng một cầu thủ sẽ chỉ được cấp giấy phép lao động nếu “thi đấu tối thiểu 75% số trận trong màu áo ĐTQG chính thức của anh ta trong vòng 2 năm trước ngày nộp đơn” và đội tuyển đó “phải nằm trong nhóm quốc gia có thứ hạng từ 70 trở lên của FIFA”. Diễn xuôi ra thì đó phải là ngôi sao, và là ngôi sao còn đang có phong độ tốt (vì có thời hạn 2 năm trước đó).
Crystal Palace tiếc vì để hụt Subotic (trái)
Mục đích của luật này, ngoài việc đảm bảo Premier League chỉ mua về những cầu thủ tốt nhất, thì còn nhằm bảo vệ thị trường cầu thủ nội địa, cho các tài năng người Anh đất phát triển. Nhưng thực tế đã chỉ ra đó là một mục tiêu “trên trời”. Tài năng trẻ vẫn không phát triển được, các CLB Anh thì chi ra hàng tấn tiền để mua về các ngôi sao, trong khi đó bỏ lỡ rất nhiều cầu thủ giỏi nhưng chưa thành danh. Ví dụ như thị trường cầu thủ Brazil, nơi mà số ngôi sao không được gọi vào tuyển rất nhiều, thì Premier League gần như “chịu chết”.
Ngày trước, Premier League đạt được mục đích và trở thành giải đấu mạnh nhất châu Âu thật. Nhưng Premier League ngày hôm nay gặp khó khăn khi họ không còn quá nhiều tiền. Và vấn đề là ngay từ đầu, bóng đá Anh đã tự đặt mình ở một vị thế cao hơn phần còn lại, đã tiếp cận sân chơi chung với một thái độ “ngạo mạn” hơn, nên giờ họ tự làm khó mình. Bundesliga vẫn có thể mua về một anh Subotic vô danh với giá gần như cho (bây giờ ai muốn mua thì giá khoảng hơn 20 triệu euro), và họ vẫn có thể phát triển cầu thủ trẻ.
Việc đặt ra những mục tiêu cao đến mức không hợp lý, cao đến mức ngạo mạn, có thể gọi bằng một cụm từ gần gũi là “thái độ FTU”. Lương dưới 1.000 USD, không làm. Không phải tuyển thủ top 70 FIFA, không mua.
Cho dù đêm mai Arsenal có hạ được Dortmund thì Subotic cũng là một trung vệ mà cả Premier League bây giờ không đào ra được quá 5 người. Họ đã tự hại mình bằng cái “thái độ FTU” - một thái độ mà ngay cả chính các sinh viên Ngoại thương cũng không chấp nhận. Hầu hết đều hiểu rằng việc trân trọng các cơ hội dù là nhỏ nhất (nhỏ như một trung vệ cao 1m93) mới tạo nên được thành công lớn.
Một chuyện như thế, ngẫm lại chẳng bao giờ là thừa. Nhất là với những CĐV bóng đá đa phần vẫn là những người trẻ đang trên đường lập thân.