Khi Mourinho đến Chelsea năm 2004, thời điểm ấy The Blues bị các fan của Arsenal xem thường giống bây giờ điều ngược lại xảy ra là fan Chelsea chế nhạo The Gunners. Thời thế thay đổi nhanh, 10 năm là quãng thời gian không quá dài trong chiều dài lịch sử của 2 đội bóng có thâm niên tuổi đời hơn 1 thế kỷ như Chelsea hay Arsenal. Những ký ức xưa cũ nhanh chóng vọng về mỗi khi trận derby đáng xem nhất của thành London lại đến. Trong rất nhiều khoảnh khắc và sự kiện đáng nhớ về cuộc so tài Arsenal – Chelsea trong 1 thập kỷ qua, có lẽ nên bắt đầu trở lại từ thời điểm năm 2004.
Khi đó, Arsenal của Arsene Wenger trở thành bất tử khi là nhà vô địch Anh với thành tích hiểu đúng theo nghĩa đen của cụm từ “trăm năm có một”: bất bại cả mùa giải. Người ta đã nói đến một đế chế bóng đá Anh mang tên The Gunners.
Có một đội hình cực mạnh với hàng loạt hảo thủ nổi nhất là cầu thủ số 1 trong lịch sử Premier League - Thierry Henry, Arsenal quá mạnh, quá hoàn hảo và quan trọng hơn là được sự ủng hộ của lịch sử. Chỉ trong vòng 6 năm từ 1998 đến 2004, Arsenal vô địch Premier League 3 lần. Wenger hoàn toàn thay đổi bộ mặt bóng đá Anh với những ý tưởng thiên tài, mới mẻ và vô cùng hiệu quả về quan niệm sử dụng cầu thủ, đào tạo trẻ, phát hiện nhân tài, chính sách chuyển nhượng và tài chính, chế độ dinh dưỡng…


Mười năm trước, có ai nghĩ chức vô địch Premier League 2003/04 cũng là lần cuối cùng Arsenal đăng quang ở giải VĐQG? Cụ thể hơn, 10 năm qua là quãng thời gian “khổ hạnh” của vị HLV có gương mặt lúc nào cũng đau khổ rất hợp với vai Jean Valjean trong truyện Những người khốn khổ của Victor Hugo.
Wenger không thể ngờ không phải đối thủ truyền kiếp Alex Ferguson (M.U) mà lại là gã trai trẻ ngạo đời Mourinho đã chấm dứt giấc mơ huyền thoại của Arsenal, mở ra một trang sử mới cho một CLB khác của London là Chelsea.
The Blues trước khi có Mourinho chỉ là “bị bông” cho các đội bóng lớn tha hồ đấm đá thỏa thích. Không ai sợ Chelsea của Claudio Ranieri, nhưng cả nước Anh nể sợ Chelsea của Mourinho. Phương pháp khác hẳn Wenger, nhưng quan trọng là Mourinho đem lại thành công cho The Blues. Chelsea chấm dứt kỷ nguyên thành công của Arsenal dưới thời Wenger bằng 2 chức vô địch Premier League liên tiếp vào các năm 2005, 2006.
Không có đế chế Arsenal, thì sẽ có đế chế Chelsea, và London sẽ vượt Manchester trở thành trung tâm bóng đá số 1 xứ sương mù?


Không, trên đỉnh cao vinh quang và thành công chính là lúc dễ đánh mất mình nhất. Cả Arsenal lẫn Chelsea đều không chịu thay đổi triệt để thích ứng kịp với dòng xoáy thời cuộc, kết quả là trong 8 năm qua chỉ có 1 lần ngôi vô địch Anh thuộc về London, còn 7 lần còn lại đều chung địa chỉ là Manchester.
Chuyện tình London (hay chuyện tình Arsenal & Chelsea) thật ngắn ngủi, chỉ đẹp trong 3 năm (từ 2004 đến 2006) rồi buồn thảm trong gần chục năm sau đó. Manchester giờ không chỉ có M.U mà còn có Man City vô địch Anh 2 lần trong 3 năm qua. Con người nhớ về quá khứ song luôn chọn cuộc sống của hiện tại và tương lai.
Khi nào London sẽ lại trỗi dậy, liệu có thể là ngay mùa này khi Chelsea dẫn đầu giải rất thuyết phục và cùng với Arsenal là 2 CLB còn lại chưa thua sau 6 vòng đầu tiên ở Premier League? Trận Chelsea – Arsenal đêm nay sẽ phần nào trả lời câu hỏi hóc búa song rất thú vị ấy.