Thời đại diệt vong của những chuyên gia đá phạt

Trong bóng đá, những bàn thắng xuất phát từ một cú đá phạt trực tiếp luôn tạo nên nguồn cảm hứng bất tận. Chúng ta sẽ nhắc mãi không nghệ thuật đá phạt "lá vàng rơi" của Zico, cú sút phạt "hình quả chuối" kinh điển của Roberto Carlos hay cú đá phạt xuyên bão tuyết của Quang Hải. Beckham được thần tượng nhờ khả năng đá phạt cực tốt, có thể lái trái trái bóng như lái chiếc xe vậy. Cristiano Ronaldo cũng thế, nhờ lối đá phạt "bóng không xoáy" mà lừng danh thiên hạ. Song, hiện nay, những chuyên gia đá phạt kể trên, đã dần tuyệt chủng vì sự tiến hoá của chiến thuật.
 

Đội bóng nào cũng có một chuyên gia đá phạt? Theo cách hiểu thông thường, câu trả lời có lẽ là có. Hầu như mọi đội đều có một cá nhân chuyên trách những cú đá phạt ở ngoài vòng cấm, thậm chí chịu trách nhiệm đá mọi thể loại đá phạt. Nhưng từ "chuyên gia" lại ám chỉ đến mức độ chính xác và thành công của những cú đá phạt đó.

Và thực tế, trong khi rất nhiều cầu thủ ưa thích việc ví mình như là "Juninho Pernambucan mới" - chuyên gia đá phạt lừng danh của Lyon và đã có 100 bàn thắng nhờ đá phạt, thì chúng ta ngày càng hiếm thấy một bàn thắng từ pha đá phạt trực tiếp. Và càng hiếm hơn để có ai đó ghi bàn từ quả phạt trực tiếp vài lần trong một mùa giải.

Ở Premier League, tỷ lệ đá phạt trực tiếp thành công là khoảng 5,5%, một tỉ lệ quá thấp. Nói một cách khác, cứ sau mỗi 18 quả đá phạt trực tiếp mới có 1 bàn thắng. Còn tính từ mức độ trung bình toàn giải, cứ sau trung bình 34 trận mới có 1 đội ở Premier League ghi bàn từ đá phạt trực tiếp.

Tất nhiên, những quả đá phạt đó đều do các "chuyên gia" thực hiện, nếu "chuyên gia" là mẫu cầu thủ mà mọi đội bóng đều muốn có. Chuyên gia đá phạt chính là cầu thủ có thể biến tình huống đá phạt thành bàn thắng cao nhất ở mỗi đội và họ cũng không có nhiều.

Trong lịch sử 28 năm của Premier League, chỉ có 8 cầu thủ có số lượng bàn thắng từ đá phạt trực tiếp biểu thị bằng 2 chữ số. Hiển nhiên, David Beckham đứng đầu danh sách, với sự vượt trội đáng kinh ngạc so với những người khác. 18 cú đá phạt thành bàn, tỉ lệ thành công của Becks nhiều hơn gần 50% so với chân sút phạt tốt thứ hai.

Gianfranco Zola xếp thứ 2 với 12 bàn thắng, bằng số bàn thắng của Thierry Henry nhưng sút phạt ít hơn. Trong khi đó, chủ nhân của 5 QBV là Cristiano Ronaldo đứng thứ 5 với 11 bàn, cho dù cùng bằng số bàn thắng của chân sút phạt hay thứ tư là Laurent Robert. Ba chấn sút phạt còn lại Ian Harte (10), Morten Gamst Pederson, (10) Sebastian Larsson (11).

Tuy nhiên, những cầu thủ này đã có 10 bàn thắng từ đá phạt trực tiếp trở lên trong thời gian họ thi đấu ở Premier Legue và thành tích đó phụ thuộc vào tuổi thọ nghề nghiệp. Một số người như Luis Suarez, chẳng hạn, có thành tích sút phạt tốt nhưng chỉ ở Premier League trong 3,5 mùa, vì vậy, không đủ điều kiện tính.

Vì vậy, để khách quan hơn, hãy nhìn vào điều này theo một cách khác: số lượng những bàn thắng từ đá phạt trực tiếp ở mỗi mùa. Vậy để cần bao nhiêu bàn thắng từ đá phạt để trở thành một chuyên gia? 1 rõ ràng là quá ít, 2 bàn trong cả mùa cũng chẳng nổi bật, nhưng từ 3 bàn trở lên ở một mùa giải, bạn đã đã trở thành mối nguy hiểm trong khâu sút phạt.

Song danh sách này cũng tương đối ngắn. Trong 27 mùa giải Premier League toàn vẹn - có nghĩa là 546 trận đấu cho mỗi đội bóng - đã có 38 cầu thủ ghi được 3 hoặc nhiều hơn từ đá phạt trực tiếp mỗi mùa. Trung bình, chỉ có 1,4 đội mỗi mùa có thể nhìn lại chiến dịch và tự hào về chuyên gia đá phạt của mình.

Có lẽ điều hấp dẫn nhất trong danh sách này là, từ 6 mùa giải đầu tiên của Premier League, 1992/93 đến 1997/98, chỉ có 1 cầu thủ ghi được 3 bàn trở lên từ đá phạt trực tiếp trong một mùa. Đó không phải là một cái tên sừng sỏ như Matt Le Tissier hoặc Alan Shearer, mà là một Rick Holden của đội Oldham ở mùa 1993/94 và đã bị xuống hạng ở mùa giải đó.

Ở mức 4 bàn thắng sẽ có nhiều điều ngoạn mục hơn. Chỉ có 7 cầu thủ trong lịch sử Premier League đã ghi được 4 bàn hoặc nhiều hơn từ đá phạt trực tiếp trong một mùa. 3 trong số họ đã làm điều đó hai lần: Beckham, Gianfranco Zola và Ronaldo. Bốn người còn lại là Robert, Harte, Yaya Toure - những người trở thành chuyên gia đá phạt một cách đáng tò mò vào cuối sự nghiệp - và Jimmy Floyd Hasselbaink.

Cầu thủ người Hà Lan, giống như Yaya Toure, cần phải chờ cơ hội để được đá phạt thường xuyên, bởi anh là ưu tiên thứ hai sau Zola tại Chelsea. Mùa giải sung mãn của anh đến vào năm 2004/05, với Middlesbrough. Khi được hỏi về kỹ năng để biến một cú đá phạt trực tiếp thành bàn thắng, Hasselbaink chia sẻ.

"Tôi cần lùi lấy đá trước mọi cú sút phạt vì sức mạnh là ưu điểm của tôi. Những cú sút của tôi thiên về sức mạnh. Đó là tài sản của tôi. Gianfranco Zola rất giỏi trong những cú đá phạt ở gần, hoặc ở rìa vòng cấm địa. Tôi lại cần điểm đá phạt xa hơn, cách vòng 16m50 khoảng 5-6 mét để có một quỹ đạo bóng hoàn hảo.

Nếu tôi có điều kiện đó, tôi tin chắc rằng thủ môn sẽ khó cản đường bóng của tôi. Tôi biết mình có sức mạnh để đánh bại họ. Nếu tôi có thể đưa bóng bay lên và vượt qua hàng rào, bóng sẽ bay nhanh hơn, theo một cách nào đó, giống như Beckham đã làm. Anh ta thực hiện những quả đá phạt xa tốt hơn là vì có sức mạnh. Tôi cũng thế".

Hasselbaink cũng rất khác thường - nếu không phải là duy nhất - trong số các chuyên gia đá phạt ở Premier League vì cách chạy bước một đặc biệt của anh ấy. Lợi thế nào mà anh đã có?

"Tôi có thể đã chạy dài hơn nếu tôi lúng túng, nhưng điều quan trọng là, khi bạn chạy bước một, thủ môn không có thời gian để điều chỉnh và chọn vị trí. Khi bạn có thời gian chạy dài hơn, bạn phải tập trung vào bóng nhưng bạn không thấy thủ môn thực hiện bước một sang phải hoặc trái.

Anh ta có nhiều thời gian hơn để ổn định bản thân, có nhiều thời gian hơn để theo dõi hình dạng cơ thể của bạn trong thời gian chạy và tính toán cách để đổ người. Với tôi, đầu tiên không thể tạo cơ hội cho thủ môn làm thế.

Với tôi, tôi đã xóa bỏ nghi ngờ đó bởi vì anh ấy không có cơ hội để thực hiện một bước nào. Anh ta sẽ bị động gần như ngay từ đầu, và không được chuẩn bị kỹ lưỡng. Thông thường, chúng tôi sẽ nghiên cứu các thủ môn và tìm ra những gì họ có xu hướng làm ở những cú đá phạt; cách cơ thể của họ sẽ thay đổi như thế nào, vị trí thường đổ người…

Với sức mạnh của tôi, nếu họ bước sang phải, thì tôi sẽ sút vào góc đối diện để khai thác thực tế trọng lượng cơ thể của họ đang di chuyển theo hướng khác. Bước sang bên phải đã dồn trọng lượng của anh ấy lên chân phải và khiến cho thủ môn khó có thể đổ người sang bên trái hơn".

Đó là một tiết lộ sâu sắc. Hasselbaink đá phạt trực tiếp mà như thể đá penalty. Anh không chỉ theo dõi các thủ môn, tìm ra các mô phỏng và cố gắng sử dụng điều đó cho lợi thế của mình. Anh còn có khả năng phản ứng với chuyển động của thủ môn trước khi tung cú sút.

Bí quyết đó được sao chép bởi Gylfi Sigurdsson của Everton, người ghi bàn trong 7 cú đá phạt ở Premier League. Năm 2016, trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ FourFourTwo, cựu tiền vệ người Iceland có thói quen ghi bàn từ những tình huống đá không thể cản nổi này kể.

"Trước một trận đấu, tôi hay xem các video của thủ môn để xem họ có đoán được đá phạt không, sẽ bay người hay đứng yên. Sau đó, khi tôi đứng trước quả bóng, tôi cố gắng soi thủ môn để xem anh ta làm gì. Nếu y tiến lên một bước, thì đôi khi có cơ hội ghi bàn ở góc xa cầu môn".

Chỉ có 2 cầu thủ đã ghi được 5 bàn từ đá phạt trực tiếp trong một mùa. Một người là David Beckham ở mùa 2001/02 và người kia là Robert ở mùa 2002/03. Có thể lập luận rằng Robert là cầu thủ sút phạt tốt nhất mọi thời đại của Premier League nhờ tỉ lệ thành công rất cao: cứ sau 13,6 đá phạt trực tiếp, lại có 1 bàn thắng. Đây là một kỷ lục vô địch.

Yếu tố chung của tất cả những cầu thủ này là, mặc dù kỹ thuật của họ rất đa dạng, nhưng tất cả họ đều cố gắng thực hiện những cú đá phạt trực tiếp với kỹ thuật tác động lực vào phần phía trên và phần hông của trái bằng má trong chân sút khiến bóng đi xoáy và cuộn vào lưới.

Đó là cách họ giải quyết vấn đề lớn khi cố gắng ghi bàn từ một cú đá phạt - đưa bóng vượt qua hàng rào nhưng găm vào dưới xà ngang. "Tôi sục bóng bằng má trong chân phải, chạm vào điẻm thấp nhất của trái bóng. Nó đưa trái bóng vượt qua hàng rào sau đó xoáy và cuộn vào góc xa của cầu môn". Larsson giải thích.

Phương pháp của của Sigurdsson cũng tương tự: "Cần thiết phải đưa bóng di chuyển với một tốc độ thoả đáng và tác động từ má trong chân phải sẽ khiến bóng xoáy và cắm".

Cho đến khoảng 15 năm trước, đó là cách hay nhất để đá phạt. Nhưng trong những năm gần đây, chúng ta thấy sự nổi lên của khái niệm "knuckleball - bóng đi không xoáy" - kỹ thuật đá phạt tân tiến hơn để biến một cú sút phạt tầm xa thành bàn thắng. Nó trở nên phổ biến sau khi Cristiano Ronaldo đá phạt tuyệt vời vào lưới Portsmouth vào năm 2008, khiến thủ môn David James chết lặng.

Nhưng kỷ lục đá phạt của Ronaldo không đặc biệt ấn tượng về mặt số liệu. Trong những năm đá phạt đỉnh cao của mình ở giai đoạn 2007- 2013, cứ mỗi 13,4 lần đá phạt, Ronaldo mới ghi một bàn thắng. Kể từ đó, tỷ lệ này đã giảm đáng kể xuống còn 20,9 lần, thấp hơn mức trung bình.

Và CR7 chưa từng ghi bàn thắng nào từ đá phạt trực tiếp cho Juventus, sau 39 pha đá phạt. Một kỷ lục không vui của một chuyên gia như Ronaldo. Tuy nhiên, với những cú đá phạt thành bàn, cầu thủ rõ ràng được truyền cảm hứng từ những khoảnh khắc riêng lẻ hơn là những con số, và phong cách đá phạt của Ronaldo đã được nhiều người học tập.

Một trong những người sao chép chính là Gareth Bale, đồng đội cũ của CR7 tại Real Madrid, mặc dù anh này khẳng định đã phát triển kỹ thuật cá nhân khi thực hiện một cú sục bóng như thế. Sau khi ghi được 2 bàn từ đá phạt trực tiếp ở ĐT Xứ Wales, ở 2 trận tại VCK EURO 2016, Bale đã được hỏi về lý do tại sao lại chuyển từ bóng xoáy sang bóng không xoáy.

"Tôi đã sử dụng kỹ thuật khiến bóng cuộn và xoáy khi còn trẻ nhưng tôi đã bắt đầu một kỹ thuật khác vì tôi thấy nó thú vị hơn". Khi Bale một lần nữa được hỏi về phong cách đá phạt của mình vào năm ngoái, anh đã lặp lại thông điệp tương tự. "Tôi thấy bóng bay kiểu knuckleball đẹp hơn. Bóng đi như bóng chày, không xoáy nhưng không thể đoán được nó sẽ bay vào đâu. Và nó tạo ra một bàn thắng ngoạn mục hoặc bay ra khỏi SVĐ".

Có vẻ như Bale đang thừa nhận cách tiếp cận thay đổi đáng kể của anh vì niềm hứng khởi hơn là cơ hội ăn bàn từ sự thay đổi này. Và cách tiếp cận của Bale, rất khác biệt, về mặt kỹ thuật, bởi vì trước đây anh cố gắng kiểm soát bóng và đánh lừa thủ môn bằng quỹ đạo xoáy thì bây giờ anh lại cố gắng không tạo ra bất kỳ cú xoáy nào.

Konstantin Hert, được biết đến với cái tên Konzi, là một cầu thủ bóng đá biểu diễn theo phong cách tự do và có tài khoản YouTube với hơn 8 triệu người theo dõi, nhiều hơn bất kỳ một CLB Premier League nào. Anh nổi tiếng với những cú đá phạt đáng kinh ngạc, và cũng tin rằng, quỹ đạo bóng không xoáy là cách tiếp cận tối ưu để đánh lừa thủ môn.

"Tôi đã nhắm đến một cú knuckleball hoàn hảo, hoàn toàn không xoáy, và nó tĩnh lặng như một quả bóng chết vậy. Và nếu nó chuyển hướng, 1 hay 2 lần, sang trái hoặc sang phải thì nó càng hoàn hảo. Như thế, thủ môn sẽ căm ghét vì không thể đoán được quỹ đạo của bóng", Konzi nói.

Cú đá phạt của Marcus Rashford giúp Man United giành chiến thắng 2-1 trước Chelsea ở Carabao Cup mùa này là ví dụ rõ ràng nhất. Xem các cảnh quay từ phía sau cú sút và những động tác của Rashford lắc lư trước quả bóng là hoàn toàn không thể tin được. Bóng đã di chuyển ít nhất 3 lần trong không trung và lao thẳng vào góc trên cùng cầu môn do Willy Caballero trấn giữ.

Trên cơ sở đó, chúng ta có thể coi Rashford là một bậc thầy về knuckleball. Tuy nhiên, vì quỹ đạo của bóng từ cú đá phạt đó rõ ràng là không thể đoán trước được - đối với người sút và thủ môn - cho nên sự thành công của cú sút cũng khó lường như việc đoán được hướng bóng để bay người vậy.

Chính vì thế, Rashford đã sút phạt 14 lần ở Premier League mùa này mà không có bàn thắng - tỉ lệ thấy bại cao nhất trong số tất cả các cầu thủ chưa ghi bàn. Tính đến nay, Rashford mới thử 34 cú sút từ những cú đá phạt mà chỉ có 1 bàn thắng. Đó là cú đá phạt tầm thấp đã đánh lừa được thủ môn Neil Etheridge của Cardiff, đem đến bàn thắng đầu tiên của Man United dưới thời HLV Solskjaer. Rõ ràng, dù có là bậc thày của knuckleball, vẫn bắn chim như thường.

Cầu thủ duy nhất có số liệu thống kê sút phạt tương đối tệ là David Luiz của Chelsea ở mùa giải 2016/17, với 1 bàn thắng sau 33 cú sút phạt. Anh ta có một chiến thuật hoàn toàn khác: cầu thủ tóc xù này tiếp cận bóng bằng một cú chạy thẳng và tiếp xúc bóng bằng cạnh bàn chân.

Quay trở lại danh sách những cầu thủ đã ghi 3 bàn từ đá phạt trực tiếp trong một mùa, gồm Philippe Coutinho (2016/17) và James Maddison (2018/19) thì cả hai đều thích sút kiểu truyền thống hơn là knuckleball. Lý do là sút phạt kiểu truyền thống có tỉ lệ trúng đích cao hơn, và khi bóng bị thủ môn phá ra, cơ hội có thể đến với đồng đội đang lao vào.

Việc kiểm tra các dữ liệu cũng cho thấy những cầu thủ nào cần được trao cơ hội đá phạt nhiều hơn. Hai chân sút của Arsenal là Pierre-Emerick Aubameyang - 1 bàn từ 2 pha đá phạt - và Alex Lacazette - 1 bàn từ 3 pha đá phạt - cần được sử dụng đá phạt nhiều hơn nữa.

Thống kê cũng cho thấy, Watford đã không ghi bàn trong số 57 pha đá phạt của họ kể từ đầu mùa 2016/17, trong khi cầu thủ đã sút nhiều mà không có bàn thắng là tiền đạo Harry Kane của Tottenham với 22 pha đá phạt. Và khi những con số này trở nên quá nghèo nàn, chúng ta liệu có bắt đầu tự hỏi tại sao càng ngày càng có ít bàn thắng từ pha đá phạt trực tiếp không?

Bởi với tỉ lệ cứ sau mỗi 18 tình huống đá phạt mới xuất hiện một bàn thắng thì có vẻ những pha đá phạt này không còn hiệu quả nữa rồi. Nhưng nếu nhìn kỹ, chúng ta sẽ thấy một vấn đề khác từ thống kê: Trong 3 mùa giải vừa qua, số bàn thắng từ các pha đá phạt trực tiếp đã giảm gần 50% so với đỉnh điểm hồi 2008/09.

Có nhiều yếu tố tạo ra điều này: Các đội thi đấu có kỷ luật hơn, phạm lỗi ít hơn đặc biệt ở những khu vực có thể tạo ra một pha dàn xếp nguy hiểm. Các đội đặc biệt giỏi trong việc bảo vệ khu vực cấm địa, và trở nên ma mãnh khi rắp tâm phạm lỗi từ rất xa, thậm chí ở phần sân đối phương.

Song dù thế nào, những bàn thắng từ pha đá phạt trực tiếp vẫn sẽ tồn tại bởi chúng tạo được cảm xúc cho chúng ta.

Thực hiện

Nội dung: Hải An

Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

 
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x