Từ derby Ngoại Hạng đến derby Mạt Hạng

Nếu một phép màu xuất hiện để đưa các nhân vật như Alex Ferguson, Wayne Rooney, Roberto Mancini, Manuel Pellegrini, Carlos Tevez, Mario Balotelli… cùng đoàn tụ trong một trận derby Manchester, có lẽ họ sẽ bị sốc vì mức độ thảm hại của trận đấu được coi là máu lửa, khốc liệt, có tính chất huỷ diệt địch thủ để xứng bá xưng vương cả thập niên 2010 này.

Bây giờ, trận derby Manchester diễn ra trong bối cảnh: Thắng chẳng để làm gì và Thua cũng chẳng ảnh hưởng gì. Một trận đấu vô thưởng vô phạt đúng nghĩa. Ôi thôi, còn đâu nữa một trận derby Ngoại Hạng của giải Ngoại hạng Anh, một trận derby giữa hai tay trùm cuối để tìm ra nhà vô địch tuyệt đối. Bây giờ, nó chỉ là trận derby Mạt Hạng mà thôi.

 

Từng có thời, mỗi khi derby Manchester diễn ra là cánh hoạ sĩ đồ hoạ của các tờ báo, tạp chí ở Anh quốc phải đau đầu vắt óc nghĩ các ý tưởng thiết kế cho bài viết đinh về trận đấu này. Đã có lúc, bìa 1 của tạp chí 442 lừng danh chỉ cụm từ "Derby Manchester" phủ dày đặc và không cần bất cứ hình ảnh minh hoạ nào.

Đã có lúc, họ dùng cả 2 trang giữa "đất vàng" để trình bày một dòng chữ "Derby Manchester" đại tướng được chia thành 2 màu Đỏ và Xanh Da Trời, dưới chân các chữ cái là hình ảnh những ngôi sao tiêu biểu nhất của hai đội bóng. Chỉ như thế thôi mà ai cũng cảm thấy choáng ngợp và ngộp thở. Máu như sôi lên mong chờ trận chiến.

Derby Manchester của thập niên thứ hai trong thiên niên kỷ mới xứng đáng được tôn trọng như thế. Bởi đó là miêu tả sự trỗi dậy của một đội bóng đã nín nhịn quá lâu trong cái bóng khổng lồ của anh hàng xóm, nhờ nguồn tiền vô biên từ hải ngoại mà trở thành một lực lượng đủ sức thách thức.

Một tỉ bảng trong vòng 5 năm đổ về Man City để họ dần dần xây dựng lực lượng và rồi bước vào thập niên 2010 với đầy đủ sức mạnh có thể lật đổ gót sắt của Quyền Lực Đỏ vốn dày xéo Premier League suốt từ thập niên 1990 đến thời điểm đó. Còn Man United vẫn cứ khinh khi đối thủ như một "gã hàng xóm ồn ào".

Thế rồi, thế trận hốt nhiên biến đổi khốc liệt khó lường. Từ lúc nào, trận derby đúng nghĩa của những đội bóng sống chung một địa bàn trở thành màn "long tranh hổ đấu" giữa hai mãnh hổ tranh chấp quyền bá chủ của cả cánh rừng Premier League. Bây giờ, không còn có thể vui được nữa rồi bởi thắng thua không chỉ mang ý nghĩa nhục nhã, vinh dự mà còn quyết định chức vô địch.

Sự xuất hiện của nhà cầm quân người Italia - Roberto Mancini cùng những gương mặt đáng gờm như Sergio Aguero, David Silva, Mario Balotelli và đặc biệt là màn đào tẩu kinh điển của Carlos Tevez từ ĐỎ sang XANH đã khiến thế cục trở căng thẳng hơn.

Bạn còn nhớ tấm biển chào mừng vào địa phận Manchester của năm 2009 chứ? Đó là khuôn mặt chình ình của "gã mặt sẹo" Tevez cười rạng rỡ, tay giang rộng phủ lên dòng chữ trắng "Welcome to Manchester". Tấm biển đó màu xanh da trời, màu của Man City và đó được ví như bãi nước tiểu của mãnh hổ The Citizens, đánh dấu lãnh địa của mình: cả thành phố Manchester.

Tevez là một nỗi đau của cuộc tương tàn. Anh đã cống hiến rất nhiều cho Man United trong bộ tứ huyền ảo Wayne Rooney – Cristiano Ronaldo – Carlos Tevez – Dimitar Berbatov. Thế nhưng, anh cảm thấy không được Sir Alex đối xử xứng tầm và mang tâm oán hận. Anh cũng giống như Hàn Tín khi xưa, vì hận Hạng Vũ đánh giá thấp mình, chỉ dùng làm chân cầm kích, nên đã bỏ Sở Vương theo Lưu Bang.

Và Tevez cũng thế, ngay khi có cơ hội, anh lập tức đào tẩu sang bên kia con phố, trở thành vật khiêu khích mà Man City thích thú sử dụng để chọc tức đối phương. Tevez cũng thế, anh không bỏ lỡ một cơ hội nào để hạ nhục đội bóng cũ cùng ông thày cũ. Còn nhớ, ở chức vô địch Premier League đầu tiên của Man City, chính anh đã giương cao tấm biển in hình Sir Alex kèm dòng chữ "Yên Nghỉ Đi Sir".

Sự xuất hiện của Tevez tại Man City vào mùa Hè 2009 là một điềm báo cho sự biến đổi hung hiểm của derby Manchester. Màn kịch chiến đầu tiên của Tevez với đồng đội cũ đã đánh dấu bằng thất bại 3-4, với biết bao tranh cãi khi Michael Owen ghi bàn thắng ấn định chiến thắng vào phút 90+6.

Nhưng rất nhanh thôi, chỉ 2 năm sau, Man United hứng chịu vết nhục lớn nhất trong lịch sử của mình và lịch sử derby Manchester khi thảm bại 1-6 ngay tại Old Trafford. Thua 1 bàn cũng mất 3 điểm, mà thua 6 bàn cũng chỉ mất 3 điểm. Thế nhưng, Man United còn mất nhiều hơn thế.

Họ đánh mất sự tự tin và sức mạnh của mình trước đối thủ, đánh mất sự tự hào về một đoàn quân uy dũng nhất Premier League, họ đánh mất sự tự tôn của nhà thống trị lâu đời. Và một biểu tượng đã trở thành huyền thoại, mãi mãi gắn liền với cặp đấu này: Đó là hình ảnh Mario Balotelli lạnh lùng vạch áo cho cả thế gian thấy dòng chữ Why Always Me? - Tại Sao Cứ Phải Là Tôi?

Sir Alex Ferguson không trả lời được. Man United cũng không trả lời được và chính Balotelli cùng Aguero là người ghi bàn để "CƯỚP" chiếc Cúp Bạc Premier League mùa đó, tưởng như đã nằm trong tay của Man United rồi. Man City trở thành nhà vô địch ngay trước mũi Man United, ở những phút cuối vòng 38. Điên rồ!

Kể từ đó, Premier League bị dày xéo bởi Manchester, chỉ khác là có hai Manchester thay vì một như trước đây. 10 năm, thành phố Manchester đã đón chức vô địch Ngoại hạng Anh tới 6 lần. Và trận derby Manchester đã trở thành màn phân định tay đôi giữa hai nhà vô địch.

Mùa giải 2012/13, bàn thắng của Robin Van Persie từ cú đá phạt đã đem về chiến thắng 3-2 cho Man United trên sân Etihad. Man City cay cú, những đồng xu bay như mưa xuống sân khiến Rio Ferdinand chảy máu lênh láng trên khuôn mặt. Nhưng có hề chi, thắng trận này, đoàn quân của Sir Alex bước lên ngôi vô địch lần thứ 13 chỉ tại kỷ nguyên Premier League.

Cần nhắc lại, Van Persie, người ghi một trong những bàn thắng đáng nhớ nhất của lịch sử derby Manchester, là mục tiêu tranh giành giữa Man United và Man City. Rút cuộc, Man United sở hữu chân sút sẽ trở thành "Vua Phá Lưới" mùa đó, trong sự hậm hực của Mancini: "Man United có anh ta và cuộc đua vô địch bị biến đổi".

 

Trong vẻ huy hoàng của chiến thắng đó và danh hiệu thứ 13, Sir Alex tuyên bố "rửa tay gác kiếm". Đó là sự biến mất của nhân vật vĩ đại nhất derby Manchester trong thập niên 2010, rồi lần lượt là Carlos Tevez, Roberto Mancini, Mario Balotelli, Wayne Rooney…

Kể từ đây, derby Manchester bắt đầu chứng kiến sự lấn lướt của màu Xanh và sự tàn úa, rữa nát của màu Đỏ. Trong trận derby Manchester đáng chú ý cuối cùng, diễn ra vào tháng 4/2018, khi Man City đang băng băng tới chức vô địch thứ ba với số điểm kinh hoàng, Man United đã làm được một điều là ngáng chân nhà vô địch.

Họ đã bị thủng lưới 2 lần ngay trong hiệp một. Khi tất cả đều nghĩ tới một màn tàn sát khác, thì Man United lột xác, đá cho Man City bầm dập và đành thúc thủ 2-3. Sau này, khi mọi thứ đã trôi qua, HLV Jose Mourinho mới tiết lộ thứ đã thay đổi các cầu thủ. Ông chỉ nói: "Này các chàng trai, tôi không muốn các cậu trở thành lũ hề trong khi bọn Man City nhơn nhơn đoạt Cúp".

Nhưng cũng chỉ có thế thôi. Từ mùa giải Man United vô địch lần cuối cùng đến mùa giải trước khi Man City vô địch Premier League lần thứ tư trong lịch sử, derby Manchester mang tính một chiều bởi sức mạnh bạt núi của Man City.

Họ có nhà cầm quân xuất sắc nhất thế giới là Pep Guardiola, một chiến lược xây dựng lực lượng hoàn hảo, với mỗi cầu thủ đều là hàng chất lượng cao nhất ở vị trí của mình. Trong khi đó, Man United chìm vào cơn khủng hoảng HLV, khủng hoảng đường hướng phát triển và khủng hoảng sự kế cận.

Thế nên dễ hiểu tại sao, cứ mỗi khi derby Manchester diễn ra, NHM của Quỷ Đỏ đều cam phận bại tướng ngay từ khi bóng chưa lăn. Man City giờ đây dùng trận đấu này làm màn thị uy đối thủ, biểu dương lực lượng. Mùa trước, Man United đều thua trong cả hai trận derby Manchester. Từ năm 2013 đến nay, đã 14 trận derby Manchester diễn ra mà Quỷ Đỏ chỉ 3 lần giành chiến thắng, và hoà 2 lần.

Điều gì đã diễn ra với Man United vậy? Họ vẫn kiếm tiền giỏi nhất thế giới, thừa sức để mua những ngôi sao đắt giá nhất thế giới nhưng họ không làm được điều đó. Nguyên nhân căn bản là cuộc khủng hoảng tất yếu ở vị trí HLV sau triều đại quá dài của Sir Alex.

Chỉ trong 6 năm, chiếc ghế nóng của Man United đã có 5 đời chủ: David Moyes, Ryan Giggs, Louis van Gaal, Jose Mourinho và Ole Gunnar Solskjaer. Sự hỗn loạn thượng tầng dẫn đến sự rối loạn về chính sách phát triển. Hàng trăm triệu bảng đã biến thành vàng mã trong 6 năm qua trên thị trường chuyển nhượng mà thành quả thu về vô cùng đáng thất vọng. Man United đã quen dần với chuyện không lọt vào nhóm có vé đi Champions League, chứ đừng nói gì đến vô địch.

Trong tình hình ấy, thật đáng tiếc, chính tấm gương của Pep Guardiola lại càng làm Man United suy yếu. Đây cần phải ghi nhận là một yếu tố tác động đến sự biến chất và thoái hoá của derby Manchester. Yếu tố này có thể được gọi là "giá trị ảo tưởng của mã gien CLB".

Pep bắt đầu thành danh trong làng huấn luyện nhờ đưa Barcelona vươn tới tầm vóc vĩ đại hơn cả thế hệ Dream Team của Johan Cruyff. Ông là người Barca từ trong máu, là thành viên của La Masia, đá bóng cho Barca, thấm nhuần triết lý bóng đá của Barca - cũng là của "Thánh Johan".

Thế nên, Pep được coi là DNA của Barca và thành công của ông cùng Barca được lý giải do thấm nhuần bản sắc, giá trị của đội bóng. Chính điều này đã được Man United manh nha bắt chước sau khi sử dụng Ryan Giggs lên dẫn dắt tạm quyền CLB cũ ngay khi David Moyes bị sa thải.

Sự manh nha này đã được bắt chước một cách mạnh mẽ khi dùng Solskajer thay thế Mourinho vào tháng 12/2018. Chuỗi 8 trận thắng liên tiếp của Man United dưới thời Solsa đã khiến cơn ảo mộng về DNA càng bao phủ dày đặc Old Trafford. Và thành tích kỳ diệu của Man United khi loại PSG để đoạt vé vào tứ kết Champions League càng khiến tất cả ngất ngây với thứ DNA đó, khiến Ed Woodward mạnh tay ký hợp đồng chính thức với Solskjaer.

Không, Pep không thể "vô tội" trước sự hoảng loạn của Man United. Chính ông là hình mẫu thúc đẩy trào lưu sử dụng cựu công thần làm HLV, đặc biệt ở trường hợp của Man United. Pep đã thành công, nhưng theo kiểu khác, trong khi lại tung hoả mù về DNA của CLB để đối thủ noi theo một cách lầm lạc.

Pep xuất hiện ở Barca khi đội bóng này đang nhảy theo nhịp điệu của Johan Cruyff. Những nhân tài trẻ của trường phái Tiqui-Taca đang khai nở ồ ạt như Xavi, Iniesta và đặc biệt là Lionel Messi. Pep lại quá nhuần nhuyễn triết lý bóng đá của "Thánh Johan" truyền vào Barcelona, thế nên, ông về với Barca như rồng về biển cả vậy. Có thể nói, Barca vào năm 2008 là cực kỳ hợp lý để Pep phô diễn tài cầm quân.

Điều này hoàn toàn khác với trường hợp của Solskjaer. Cho dù ông là công thần, là người hùng, là huyền thoại của Man United sau chiến tích 1999 và hiểu rất rõ bản sắc, lối chơi truyền thống của Quỷ Đỏ nhưng vẫn còn rất nhiều thách thức. Man United của năm 2018 là một đội hình bị nhồi nặn qua tay nhiều HLV, lối chơi bị phá nát nặng nề bởi nhiều hệ thống chiến thuật; còn những nhân tố mang tính bản sắc CLB thì hoặc là quá trẻ, hoặc đã biến mất.

Cầm một đội bóng vá víu, rách nát, biến dạng như thế, cho dù DNA của Quỷ Đỏ đang chảy rần rật trong huyết quản của Solsa thì cũng chẳng để làm gì. Ai sẽ là Messi, Xavi, Iniesta, Puyol, Pique của Solsa tại Man United để HLV non nớt này có thể phục sinh một Quỷ Đỏ uy dũng như thày của mình? Thế nên, ảo tưởng về DNA của CLB chỉ là liều thuốc lú mà Ed Wooodward học mót từ Pep Guardiola để chuốc cho toàn bộ NHM mà thôi.

 

Song, phải ở mùa giải này, derby Manchester mới rơi vào tình trạng thê thảm bởi chẳng còn ai tha thiết với nó nữa. Thắng cũng chẳng để làm gì và thua cũng chẳng can hệ đến điều gì. Đây thật sự là điều cay đắng của trận derby Manchester đã từng khiến cả thế giới hâm mộ Ngoại hạng Anh phải mong chờ.

Mùa giải này, Pep đã quyết định buông Premier League trước sức thăng tiến như vũ bão của Liverpool. Mới chỉ có 15 vòng đấu, nhưng Man City đã kém Liverpool tới 11 điểm, một khoảng cách quá mênh mông bởi Liverpool đang có đủ tố chất của một nhà Vua mới: đá hay, lúc không hay thì gặp may.

Do đó, mục tiêu vô địch Premier League 3 lần liên tiếp của Man City nhằm cân bằng kỷ lục này của Man United đã bị xếp xó. Xét cho cùng, kỷ lục đó cũng chỉ đem lại chút hư danh, chứ không sống còn, thiết yếu như vô địch Champions League được.

Cả Pep và Man City đều khát khao Cúp Bạc châu Âu, thứ danh hiệu sẽ biến họ trở thành vĩ đại thật sự. Kể từ khi rời Barca, Pep đã không còn biết mùi vị của trận chung kết Champions League nữa, khiến những tiếng cười rằng thành công trước đây của ông chẳng qua là nhờ Messi thần thánh càng có cơ sở.

Đã 8 mùa giải Pep không thể giúp đội bóng nào đoạt danh hiệu này, kể cả đó là Bayern Munich hay Man City, vốn thường vô địch trong nước nhiều không thể đếm. Vậy nên, ông cần đoạt Cúp cùng Man City để có được sự nghiệp vĩ đại trước khi có thể chia tay vào năm 2020.

Man City cũng thế. Họ đang thiếu đúng 1 danh hiệu là Champions League. Các cầu thủ của họ cũng thế: Aguero, Sterling, De Bruyne, David Silva… chưa một ai từng biết mùi vị Cúp Tai Voi. Thế nên hãy nhường Premier League cho kẻ thèm khát Liverpool, còn Man City tập trung cho mặt trận này.

Còn Man United, chiến thắng với họ là gì đó mong manh, không ổn định. Vừa thắng Tottenham của Mourinho đấy, nhưng hãy nhớ về những trận hoà như thua trước Aston Villa hay Sheffield United trước đó. Việc có thắng Man City ở trận derby Manchester cuối tuần này cũng chẳng thể đảm bảo cho Quỷ Đỏ giá trị gì: khả năng vô địch, một suất trong Top 4, hay tìm được con đường lạc quan. Không có gì cả.

Man United đang lầm lạc sau giai đoạn lỗi lạc. Cả hệ thống đều sai lầm khiến họ trôi dạt vô định và không có mục tiêu. Vậy nên, thắng Man City không giải được vấn đề gì kể cả giá trị thể diện, trong khi thực sự, ở thời điểm này, lực lượng của Man United quá kém cỏi so với đối thủ. Vậy thắng bằng niềm tin chăng?

Chủ Nhật này, derby Manchester lại diễn ra. Nhưng nó không còn là trận đấu của những nhà vô địch mà trở nên bình thường như mọi trận derby khác. Không biết có phải thế không mà đây cũng chính là trận derby Manchester cuối cùng của thập niên 2010, kết thúc 10 năm tranh đấu oai hùng của Man United và Man City.

Từ một trận derby Ngoại Hạng của Ngoại hạng Anh, giờ đây, derby Manchester chỉ còn là trận derby Mạt Hạng!

Thực hiện

Nội dung: Hải An

Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

 
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x