Đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên trong sự nghiệp của chân sút gốc Nghệ An. Thời điểm đó, để có thể đưa được Công Phượng sang Nhật Bản chơi bóng trong 1 năm, Mito Hollyhock đã phải bỏ ra mức phí 100.000 USD chi trả cho HAGL.
Mito Hollyhock đã cho thấy là họ dành cho Công Phượng sự quan tâm đặc biệt và điều đó bắt đầu từ tài năng của cầu thủ này chứ không phải vì bất kỳ điều gì khác. Bằng chứng là số tiền mà đội bóng thuộc diện nghèo nhất J-League 2 đã chi để có chữ ký của Công Phượng không phải là nhỏ.
Thời điểm năm 2015, Công Phượng được kỳ vọng sẽ có bước phát triển vượt bậc khi sang Nhật Bản chơi bóng. Tuy nhiên, Công Phượng chỉ có 5 lần ra sân với thời lượng chỉ là 80 phút thi đấu và không ghi được bàn thắng nào trong thời gian cùng Mito Hollyhock chinh chiến ở J.League 2. Đó có thể xem như một thất bại của cầu thủ sinh năm 1995, nhất là khi sự kỳ vọng dành cho anh khi sang Nhật Bản là vô cùng lớn.
Sau khi mùa giải J.League 2 năm 2016 kết thúc, Công Phượng trở lại thi đấu cho HAGL. Tới năm 2019, Công Phượng lại có thêm 2 chuyến “du học” Hàn Quốc và Bỉ khi khoác áo Incheon United và Sint-Truiden theo dạng cho mượn, nhưng cũng không thành công.