TỨ QUÁI CỦA BÓNG ĐÁ MIỀN TRUNG
“Nhất lé, nhì lùn, tam hô, tứ sún”, một câu vè dân gian đã được dân bóng miền Trung “muợn” để nói về bộ tứ thủ môn nổi tiếng của nơi này những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất: là Lộc “lé” (Phú Khánh), Rớt (Bình Trị Thiên), Lân “móm” (Nghĩa Bình) và Thái Long (QN-ĐN).
Câu vè này xuất hiện sau giải bóng đá Trường Sơn 1976, không phải để hàm ý chê bai như nghĩa gốc của câu vè mà để nói về sự xuất sắc của họ, thế hệ thủ môn tài năng đầu tiên của bóng đá miền Trung.
Trong số này, Thái Long là gương mặt trẻ nhất và gần như lần đầu xuất hiện trong giới bóng đá miền Trung nhưng ông nhanh chóng khẳng định tài nghệ của mình, trở thành chốt chặn chắc chắn trong khung thành của nhà vô địch giải Trường Sơn năm ấy.
So với những đồng nghiệp, Thái Long được dân trong nghề đánh giá là có đủ tố chất của một thủ môn thời… hiện đại nhờ sở hữu một thể hình cực đẹp: cao lớn và đôi tay dài như vượn, bên cạnh lối bắt bóng bay bướm, hoa mỹ đặc trưng của giai đoạn ấy thì sự chắc chắn, hiệu quả là sự khác biệt mà thủ môn người xứ Quảng có được so với đồng nghiệp.
Sự xuất sắc của thủ môn Thái Long trong khung gỗ đã giúp đội QN-ĐN khi đó trở nên cực kỳ cân bằng, không chỉ sắc bén trên hàng công với những Trần Vũ, Trọng Quang, Nho Đức mà còn vững chãi ở phía dưới, giúp cho QN-ĐN trở thành đội bóng số 1 khu vực thời điểm đó, rất khó bị đánh bại.
Không chỉ tài năng trên sân cỏ, Thái Long còn được đánh giá là một trong những cầu thủ “dị thường” của đội QN-ĐN về độ ham học hỏi. Chính từ sự ham học hỏi này mà trong lúc các đồng nghiệp chủ yếu tập luyện nhờ kinh nghiệm thì ông đã sớm tiếp cận với những bài tập hiện đại qua sách vở, dù đấy là thứ khá ít ỏi và khó khăn trong thời kỳ ấy khiến nhiều người phải nể phục.
Suốt 10 năm liền sau giải Trường Sơn, Thái Long là thủ môn số 1 của QN-ĐN, góp công vào bao chiến tích của đội bóng xứ Quảng trước khi nhường chỗ cho Trương Văn Lợi khi thủ môn trẻ này đạt được độ chín vào năm 1985.
Năm 1991, sau sự cố HLV Vũ Văn Tư bị kỷ luật vì để xảy ra tình trạng 5 cầu thủ QN-ĐN tham gia “đào ngũ” khỏi ĐTQG, ông Thái Long khi đó đang là HLV đội trẻ đã được cất nhắc lên làm đội 1 Công nhân QN-ĐN cùng với Trần Vũ. Và chỉ sau một năm, bộ đôi này đã đi vào lịch sử bóng đá Quảng-Đà khi đưa đội nhà lần đầu tiên vô địch giải vô địch quốc gia (1992) rồi Cúp QG (1993), một cột mốc thật sự đáng nhớ của bóng đá xứ Quảng.
KHÚC CUA NGHIỆT NGÃ
Vinh quang đấy mà cay đắng cũng đấy. Chỉ 3 năm sau ngày trở thành tượng đài, HLV Thái Long trở thành một trong những người đầu tiên phải nhận án phạt cực nặng từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam: án phạt cấm hoạt động bóng đá 3 năm sau sự cố đình công tập thể của các đội CN QN-ĐN, Hải Quan, Bình Định, Long An, Sông Bé ở VCK ngược 1995 để xác định 4 đội xuống hạng ở mùa giải năm sau.
Nhiều đồng nghiệp còn có cơ hội trở lại sau sự cố ấy nhưng với Thái Long, đó là cột mốc bắt đầu đẩy tên tuổi của ông dần lui vào bóng tối khi hoàn toàn bị cách ly với bóng đá.
Năm 1997, thêm một cột mốc khác, lần này là chia tách tỉnh QN-ĐN và Thái Long nằm trong diện biệt phái vào xây dựng tỉnh Quảng Nam. Nhưng không có đất dụng võ, ông lại bị điều sang Lào giúp đỡ bóng đá tỉnh Savanakhet suốt một thời gian dài và chính quãng thời gian này, càng khiến người ta lãng quên một công thần của bóng đá xứ Quảng-Đà.
Bản thân ông càng chìm vào bế tắc, cả trong công việc lẫn cuộc sống. Giai đoạn sau này, cũng có một thời gian quay lại với bóng đá xứ Quảng trên băng ghế huấn luyện nhưng ông không để lại dấu ấn gì nhiều trước…
CÔ ĐƠN CUỐI ĐỜI
Khi bóng đá xứ Quảng được chuyển giao cho tập đoàn QNK, tuổi tác, bệnh tật càng đẩy ông xa bóng đá và gần như là nghỉ hẳn. Bây giờ gặp ông, rất ít ai có thể ngờ đấy từng là một tên tuổi lẫy lừng, là công thần của bóng đá xứ Quảng. Sự khắc khổ, cô đơn thể hiện rõ trên dung mạo của người đàn ông tuổi đã ngoài 60 này.
Cuộc sống không kham khổ nhưng những trắc trở trong cuộc sống đã lấy đi của ông sự vui vẻ, lạc quan trong cuộc sống, thay vào đó là gương mặt, giọng nói luôn chất chứa những nỗi buồn, tâm sự về thời cuộc. Bên cạnh đó là bệnh tật khiến những bước đi của ông thêm nặng nề.
Bạn bè cũng không nhiều và cũng ít ai gần gũi để có thể sẻ chia những tâm sự của đời, của nghề khi tính cách của ông khiến mọi người rất khó gần. Những bạn bè, đồng nghiệp cùng thời hay học trò của ông dù biết và thương ông nhưng họ cũng chỉ biết để trong lòng vì họ biết, tính cách của ông nó thế, muốn sẻ chia, can thiệp cũng không thể và cũng chưa hẳn đã giúp được gì.
“Cuộc đời đã có những quyết định không tỉnh táo, nếu được làm lại, mọi chuyện có thể khác với những hành động khác, những quyết định khác. Nhưng đó là cuộc sống và chuyện đã rồi, nhìn lại chỉ thêm buồn chứ đâu thay đổi được nữa đâu…”, lần hiếm hoi ông mở lòng với người viết bên lề một trận đấu trên sân Tam Kỳ trong căn phòng ọp ẹp của mình ở bên ngoài sân vận động.
Cuộc đời, sự nghiệp ông giờ khép lại một cách lặng lẽ. Âu cũng là điều đáng tiếc cho một tên tuổi lẫy lừng của bóng đá miền Trung…
Mọt sách
Một trong những chuyện mà những đồng đội cùng thời hay thậm chí đích thân HLV Vũ Văn Tư hay nhắc về Thái Long chính là sự khác biệt của ông so với phần còn lại trong đội: đó là ý chí ham học, thậm chí ông còn là con mọt sách của đội bóng.
Gần như trên giường của ông lúc nào cũng chất đầy sách vở. Trong lúc đồng đội còn phải lo toan cuộc sống sau những buổi tập, những trận đấu thì ông lại lao vào học, học “như điên, như dại”, bất kể thời điểm. Việc học này không chỉ giúp ông có thêm kiến thức mà còn bổ sung những bài tập mới, độc cho nghề của mình.
Chia tay khung thành, ông lại cắp sách đến giảng đường Đại học TDTT Từ Sơn và sau này, Thái Long là một trong những HLV hiếm hoi của bóng đá Việt Nam sớm có bằng cấp chính quy trong những năm đầu 90 của thế kỷ trước.
Cái ham học và học giỏi của ông cũng có lúc giúp ích được cho đội bóng như chuyến đi Nhật Bản năm 1993 đá Cúp C1 châu Á, gần như đội không cần phiên dịch viên vì trình độ tiếng Anh của ông Long lúc đó là cực giỏi. Có được điều đó, đồng đội bảo là ông có một hậu phương vững chắc từ gia đình, những người đã hy sinh rất nhiều cho sự nghiệp của ông.
VÀI NÉT VỀ THÁI LONG
Năm sinh: 1952
Vị trí: thủ môn
CLB: QN-ĐN
Thành tích:
Cầu thủ: Vô địch giải Trường Sơn 1976, vô địch miền Trung.
HLV: Vô địch Quốc gia 1992, Cúp QG 1993, HCV HKPĐ 1990