Đã đến lúc thưởng thức nước sốt 10.000 Hòn Đảo
Hà Lan ngoài sữa tươi và những chế phẩm từ sữa, họ còn có một thứ nước sốt thần thánh đặt gọi là sốt Hà Lan hay mỹ miều hơn là sốt 10.000 hòn đảo để ghi nhớ những nguyên liệu Á đông có trong thứ sốt này. Những nguyên liệu, gia vị đó mọc trên 10.000 hòn đảo, tức Nam Dương, nơi từng là thuộc địa của Hà Lan.

Thế nhưng, hành trình vòng loại World Cup 2022 của ĐT Indonesia lại không được ngon lành như thứ sốt Vạn Đảo kia, bởi họ đã gần như bị loại khỏi bữa tiệc giành vé khi những món khai vị mới được mang lên. Trong khi đó, thày trò HLV Park Hang Seo đang háo hức chờ được nếm món sốt Vạn Đảo, cho dù vẫn thường bị "rối loạn tiêu hoá" trước Indonesia trong quá khứ.

Thời thế đã khác, bụng dạ của Rồng Vàng đã khác, sẵn sàng chén ngon lành thứ sốt lừng danh này để lấy năng lượng cho hành trình gian khó trước mặt. NHM Việt Nam có thể tin tưởng vào khả năng ca khúc khải hoàn của ĐT Việt Nam bởi vì…

Indonesia là quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á. Sự cuồng nhiệt người dân xứ sở này dành cho bóng đá không kém cạnh bất kỳ cường quốc bóng đá nào trên thế giới. "Người Nam Dương phát điên vì bóng đá", HLV Alfred Riedl từng chia sẻ như thế về tình yêu túc cầu của CĐV xứ Vạn Đảo.

Cần thêm một hình ảnh, thì đây, bất cứ khi nào ĐT Indonesia thi đấu tại Bung Karno, thì sân bóng có sức chứa 90 ngàn chỗ ngồi luôn được lèn chặt bởi những CĐV nhiệt thành và đa phần cuồng tín, tạo thành một cảnh tượng kỳ vĩ và choáng ngợp.

Chảo lửa Bung Karno, đó là từ những ai từng trải nghiệm thi đấu, theo dõi bóng đá tại sân bóng này phải thốt lên. NHM châu Á không cần phải lặn lội sang Argentina theo dõi trận Siêu kinh điển giữa Boca Juniors với River Plate; hay đặt chân đến Brazil chứng kiến Selecao thi đấu; hoặc hiện diện ở Signal Iduna Park của Dortmund, Anfield của Liverpool hoặc Nou Camp của Barcelona mới có được trải nghiệm bóng đá tuyệt đỉnh. Chỉ cần đến Bung Karno. Đó là sự thật.

Nền bóng đá Indonesia cũng không thiếu tài năng nếu so với mặt bằng chung của bóng đá Đông Nam Á. Từ Kurniawan Yulianto đến Bambang Pamungkas, quốc gia nằm trên quần đảo Makulu này đã sản sinh ra rất nhiều tay săn bàn cự phách và gieo rắc nỗi kinh hoàng cho các hàng phòng ngự.

Trên bình diện quốc tế, Giovanni van Bronckhorst, John Heitinga hay Demy de Zeeuw, những danh thủ của ĐT Hà Lan đều mang trong mình dòng máu Nam Dương. Hải trình của những đoàn thám hiểm châu Âu đã trộn huyết với sắc tộc châu Á huyền bí, để lưu lại dòng máu bóng đá ở giữa Thái Bình Dương.

Cuối cùng, nhìn về quá khứ, Indonesia cũng có thể vỗ ngực tự hào là đội bóng châu Á đầu tiên dự World Cup, từ tận năm 1938, thời điểm chắc chắn nhiều quốc gia châu Á, thậm chí còn chưa biết trái bóng tròn hay méo. Nên nhớ, đó là kỳ World Cup thứ 3 trong lịch sử giải đấu hoành tráng này.

Đó là một xuất phát điểm quá vượt trội, vì Indonesia đi trước nhiều nước hàng chục năm về bóng đá. Tựu trung, Indo có nền tảng quá vững vàng để phát triển bóng đá, từ nguồn tài nguyên dồi dào với dân số đông đúc và sự đam mê, từ lịch sử lâu dài cho đến thể chất cầu thủ.

Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại, bóng đá Indonesia đang nằm ở đâu trên bản đồ bóng đá? Trên bảng xếp hạng FIFA là vị trí thứ 167, còn tại khu vực ĐNÁ thì đã hạ cấp từ một ứng viên hàng đầu trở thành một đội tuyển trung bình.

Một thực tế cay đắng và nghiệt ngã khác, tính đến lúc này, ĐT Indonesia chưa một lần bước lên đỉnh cao nhất của bóng đá ĐNÁ là Tiger Cup - AFF Cup. Thái Lan đã đăng quang, Việt Nam, Singapore hay kình địch láng giềng của Indonesia là Malaysia đều đã đăng quang. Lần gần nhất ĐT Indonesia "lên đỉnh" khu vực là tấm HCV môn bóng đá nam tại SEA Games 1991.

Những con số khác còn tệ hơn. Ví dụ như, 3 trong 4 kỳ AFF Cup gần nhất, Indonesia không vượt qua được vòng bảng. Tháng 2/2012, Indonesia để thua 0- 10 trước Bahrain tại vòng loại World Cup, kết quả khó tin đến nỗi FIFA phải tiến hành điều tra.

Ức chế với thành tích tệ hại của đội tuyển, Hendri Mulyadi, từ một CĐV nhiệt thành đã chuyển hoá thành một người quá khích khi đã lao xuống sân đoạt bóng để rê dắt và sút vào khung thành trong trận đấu giữa Indonesia với Oman.

Và hành động đó, nhận được sự tung hô từ người hâm mộ."Tôi vô cùng thất vọng về đội tuyển", Mulyadi lý giải hành động của mình. "Họ chẳng bao giờ giành chiến thắng, toàn hòa hoặc thua".

 

Tất nhiên, đội tuyển là cái ngọn của một nền bóng đá, sự đi xuống của ĐT Indonesia mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Vấn đề của nền bóng đá xứ Vạn Đảo này nằm trong cái gốc rễ sâu xa hơn rất nhiều. Đó là PSSI, LĐBĐ Indonesia.

"Kết quả các trận đấu được LĐBĐ sắp xếp, đội nào nên thắng, đội nào nên thua. Vì vậy, bóng đá Indonesia đang đứng thấp nhất châu Á bởi PSSI như doanh nghiệp riêng của Nurdin Halid". Ian Rajagukguk, một NHM từng tổ chức chiến dịch đòi hỏi PSSI phải cải tổ thông qua mạng xã hội cho biết.

Nurdin Halid là Chủ tịch LĐBĐ Indonesia suốt từ năm 2003 đến 2011, và đưa ĐT Indonesia từ vị trí 91 xuống vị trí 142 trên bảng xếp hạng FIFA. Ông ta còn là một chính trị gia dính nhiều bê bối. Với vai trò đảng viên Đảng Golkar, Halid đã sử dụng PSSI như một kênh truyền bá ảnh hưởng chính trị cho đảng phái.

Năm 2007, ông ta bị kết tội tham nhũng tài sản công 169 tỷ rupiah tiền buôn bán dầu và phải chịu án tù 2 năm. Thêm vào đó, Nurdin Halid cũng từng bị cáo buộc đút túi 100 triệu rupiah, tương đương 11.000 USD tiền tài trợ của chính phủ cho một đội bóng ở miền đông tỉnh Kalimantan. Thế nhưng Nurdin Halid vẫn tiếp tục là chủ tịch PSSI đến tận năm 2011. Hy hữu hơn, Nurdin Halid vẫn điều hành PSSI trong… nhà tù.

Cần lưu ý, với đặc điểm địa chính trị đông dân, đa ngôn ngữ, nhiều tôn giáo và sinh sống trải dài trên hàng ngàn hòn đảo, bóng đá chính là địa hạt hiếm hoi người Indo thể hiện sự đồng lòng tuyệt đối. Thế nên, Halid "chiếm đóng" PSSI như tài sản riêng, tham nhũng và sử dụng người nhà.

Hệ quả từ sự lũng đoạn của Nurdin Halid là bóng đá Indonesia xuống cấp trầm trọng, bạo lực tràn lan, mùa giải liên tục tạm hoãn và mất hơn 1 năm mới hoàn thành, các nhà tài trợ bỏ đi, CLB nợ lương.

Thậm chí, một LĐBĐ và giải VĐQG ly khai đã được thành lập, chia đôi nền bóng đá xứ Vạn Đảo. Đó là năm 2011, một sự kiện vô tiền khoáng hậu xảy ra: Tỷ phú dầu mỏ Arifin Panigoro vì quá bức xúc với cách điều hành của PSSI, đã đứng ra thành lập một giải đấu riêng có tên gọi Indonesia Premier League.

Đó chỉ là một giọt nước làm tràn ly ở nền bóng đá được xem là phức tạp nhất thế giới, nơi môn thể thao vua bị thao túng bởi những mưu đồ chính trị. Các chính trị gia, thông qua đội bóng mà mình ủng hộ, để tiếp xúc cử tri và lôi kéo họ về đảng phái của mình.

Tình trạng này đẩy bóng đá Indonesia vào trạng thái hỗn loạn với các trận đấu nhuốm màu bạo lực, những cuộc tuần hành chính trị nhân danh bóng đá. Tình trạng tham nhũng và bán độ diễn ra như cơm bữa cũng làm cho bóng đá Indonesia suy yếu nghiêm trọng, thể hiện ở những màn trình diễn cấp độ ĐTQG.

Tình hình đến lúc này đã đi ra ngoài tầm kiểm soát và FIFA phải can thiệp để truất phế Nurdin Halid và thành lập ra một Ủy ban bình thường hóa LĐBĐ Indonesia.

Và từ đó đến nay, chỉ trong vòng 8 năm, PSSI đã 5 lần thay người đứng đầu và từng bị FIFA lẫn chính phủ Indonesia đình chỉ trong gần 1 năm, từ tháng 5/2015 đến tháng 3/2016. Chính những sự hỗn loạn ấy đã dẫn đến sự đi xuống trầm trọng của nền bóng đá Indonesia nói chung và ĐT Indonesia nói riêng.

Cho đến hiện tại, ĐT Indonesia mới chỉ cho thấy dấu hiệu phục hồi nhợt nhạt. 3 trận đấu gần nhất tại vòng loại World Cup 2020, Indonesia toàn thua. Họ thua Maylasia 2-3 và Thái Lan 0-3 ngay trên sân nhà và ở vòng đấu gần nhất thảm bại 0-5 trước UAE.

Bóng đá phản ánh một phần xã hội và sự đi xuống của nền bóng đá Indonesia phản ánh một phần xã hội Indonesia. Đó là sự chia rẽ sâu sắc giữa các đảng phái, nhà cầm quyền đến các nhà tài phiệt. Họ đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể, xem bóng đá là mảnh đất màu mỡ để trục lợi thay vì ươm mầm.

Muốn bóng đá phát triển, tất cả phải nhìn về một hướng và kề vai sát cánh để đầu tư, đặc biệt là đào tạo cầu thủ trẻ.

Như HLV Riedl, người từng cầm quân ở cả Việt Nam lẫn Indonesia, đã chua chát nhận xét: "Cầu thủ Indonesina có tiềm năng và tài năng. Nhưng vấn đề là LĐBĐ không đủ kiên nhẫn. Họ cần những kế hoạch 5 đến 10 năm. Cần đào tạo tốt hơn cho HLV và trọng tài. Và như mọi nơi, họ cần cải thiện bóng đá trẻ. Tất cả phải được thực hiện, không phải bằng cách nói mà bằng cách làm!".

 

Xét về thành tích, Indonesia không phải đội bóng xuất sắc nhất ĐNÁ. Xét về mối thù hận với Việt Nam, Thái Lan mới là kẻ địch số 1. Nhưng theo dòng thời gian, Indonesia âm thầm ngáng đường Việt Nam hết lần này tới lần khác và khi giật mình nhìn lại, chúng ta mới nhận ra đây mới chính là khắc tinh số 1 của mình.

Chắc hẳn NHM bóng đá Việt Nam chưa quên được màn đối đầu gần nhất giữa 2 đội tại trận bán kết lượt về AFF Cup 2016. Khi đó, chúng ta đã thua 1-2 trên đất Indonesia ở trận lượt đi và buộc phải lao lên tìm kiếm bàn thắng trên thánh địa Mỹ Đình.

Đây là một trong những trận chiến cảm xúc nhất từ trước tới nay của bóng đá Việt Nam khi thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng bị thủng lưới ở phút 54 và hơn 20 phút sau, đến lượt thủ môn Nguyên Mạnh nhận thẻ đỏ. Hy vọng gần như vụt tắt, chúng ta đã 99% bị loại.

Rất nhiều người đã tắt tivi vì không muốn chứng kiến cảnh tượng đau lòng này để rồi vụt mất những khoảnh khắc không tưởng chỉ có thể tìm thấy trong bóng đá.

Chỉ với gần 10 phút cuối cùng, Việt Nam đã ghi liên tiếp 2 bàn thắng, lần lượt do công của Vũ Văn Thanh và đặc biệt là pha ngoặt bóng dứt điểm siêu hạng của Vũ Minh Tuấn.

ĐT Việt Nam đã hồi sinh thật sự nơi cửa tử trước bầu không khí vỡ òa của triệu triệu người trên cả nước. Nhưng rồi đến hiệp phụ, với thể lực bị bào mòn và phải chơi thiếu người, Việt Nam bất lực nhìn Indonesia ghi bàn thắng thứ 2 ấn định kết quả hòa nghiệt ngã đủ để khiến chúng ta dừng chân.

Và đó chỉ là một trong vô vàn niềm đau người Indonesia gây ra cho chúng ta. Chỉ tính riêng tại AFF Cup (trước đây có tên là Tiger Cup), Việt Nam chỉ thắng được 1 trong 9 lần đụng độ Indonesia. Và chiến thắng đầu tiên và duy nhất đó đã từ trận tranh HCĐ năm 1996, tức là đã 23 năm trôi qua. Trong 23 năm đó, Việt Nam vô địch AFF Cup tới 2 lần nhưng đã hòa 4 và thua 3 trước người Indonesia.

Trong số những thất bại trước Indonesia, có đến 3 lần ĐT Việt Nam bị loại ngay sau đó và đó đều là những ký ức rất nghiệt ngã. Bán kết AFF Cup 2016 thì đã kể ở trên, còn ở bán kết Tiger Cup 2000, những bàn thắng của Hồng Sơn và Công Tuyền chỉ có thể giúp Việt Nam cầm hòa Indonesia trong 90 phút chính thức, chứ chẳng thể ngăn chặn bàn thua đúng ở phút 120 của hiệp phụ.

Bốn năm sau, ác mộng thực sự đã xuất hiện ngay chính sân nhà của Việt Nam. Đoàn quân của HLV Edson Tavares đã thua thảm 0-3 trước Indonesia với sân khấu đáng buồn thay lại là Mỹ Đình. Một thất bại nhục nhã, cay đắng, tủi hổ làm chúng ta bị loại ngay sớm trước 1 lượt đấu ở vòng bảng Tiger Cup 2004. Sau trận đấu, HLV Tavares cũng lập tức từ chức và bay thẳng về Brazil.

Đá trên sân nhà, Những Ngôi Sao Vàng còn lao đao. Nay phải thi đấu trên trên đất khách. Hãy nhớ rằng, tại xứ Vạn Đảo, ĐT Việt Nam chưa bao giờ ca khúc khải hoàn. Chúng ta từng không ít lần chiến thắng vẻ vang trên đất Thái Lan nhưng bất lực trước các khán đài hàng trăm nghìn người của Indonesia. Câu hỏi là lần tái đấu tới đây tại sân Kapten I Wayan Dipta (Bali) liệu có kết quả khác?

Sự khác biệt đã nằm trong chính câu hỏi. Thày trò HLV Park Hang Seo sẽ không phải đối đầu đội chủ nhà Indonesia tại sân đấu huyền thoại Gelora Bung Karno (Jakarta) mà chuyển sang một địa điểm khác có sức chứa chưa bằng một phần ba.

Việc tránh phải thi đấu trước 9 vạn CĐV thù địch ở chảo lửa khủng khiếp này đã là một lợi thế tâm lý bởi không khí ở Bali sẽ hiền hoà hơn ở Jakarta rất nhiều. Bớt được 3 vạn CĐV, lại rời xa thánh địa, chắc chắn sức ép dồn lên đội khách sẽ bị triệt tiêu đáng kể.

Nhưng sự khác biệt thực chất nhất không nằm ở yếu tố khách quan mà nơi chính những chàng trai đầy tự hào của bóng đá Việt Nam. Giờ đây, ĐT Việt Nam đã là một tập thể khác hẳn so với hơn 20 năm trước, hay là 3 năm trước. Chúng ta có tài năng và đặc biệt là sự tin dám thể hiện thứ bóng đá của mình ở mọi sân đấu, trước mọi đối thủ, trong mọi hoàn cảnh.

Quan trọng nhất, chúng ta mang đến cho Indonesia một bất ngờ: HLV Park Hang Seo. Dù rất quen mặt với cộng đồng bóng đá Đông Nam Á nhưng thầy Park chưa một lần dẫn tuyển Việt Nam đối đầu Indonesia. Người đàn ông này vốn không biết sợ, lại càng không quan tâm tới lịch sử đối đầu nên đây mới là chỗ dựa vững chắc nhất cho hàng triệu NHM ở quê nhà.

Cho nên, dù phải dấn thân vào đất khách, nhưng ĐT Việt Nam đang tràn trề khí thế sau 2 trận mở hàng thuận lợi, trong khi Indonesia thua cả 3, nắm chắc việc bị loại, và lại không được tung hoành ở hang ổ Bung Karrno, một kết cục cát tường cho thày trò HLV Park Hang Seo là rất dễ xuất hiện.

Đây có thể là chiến thắng đầu tiên của bóng đá Việt Nam tại xứ Vạn Đảo, đánh dấu một mốc tương quan lực lượng mới giữa 2 nền bóng đá. Những Ngôi Sao Vàng cần chiến thắng để nuôi tiếp giấc mơ World Cup và họ sẽ toả sáng trên đĩa salad Indonesia được rưới đẫm thứ nước sốt Mười Nghìn Hòn Đảo trứ danh.

 
 
Thực hiện

Nội dung: Hải An - Ngọc Trung - Trần Lộc

Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x