Bóng Đá Plus trên MXH

Đội tuyển vàng Hungary và Trận đấu thế kỷ

16:07 ngày 26/11/2018
Đối với những người sành bóng đá, chỉ có một trận đấu mang tầm vóc thế kỷ, đó là cuộc đụng độ giữa ĐT Anh và ĐT Hungary được tổ chức trên thánh địa Wembley vào một buổi chiều xa xăm hơn nửa thế kỷ trước (26/11/1953).

    Cái rốn của vũ trụ túc cầu
    “Trận đấu thế kỷ” không phải là quan điểm người viết đưa ra để nói về buổi chiều đã bẻ chệch dòng lịch sử bóng đá hơn 50 năm về trước. Chính báo chí Anh quốc đã xưng tụng trận cầu lịch sử này với những mỹ từ như vậy ngay từ trước khi bóng lăn, và chắc chắn, ngay cả những cây bút của xứ sở sương mù thời bấy giờ cũng không thể ngờ trận đấu lại diễn ra với một kịch bản và tạo ra dư chấn khủng khiếp đến thế.

    Đầu tiên cần minh định, đây chỉ là một trận đấu giao hữu không hơn không kém. Tuy nhiên, bối cảnh trận đấu này có thể ví von là trận chung kết bóng đá thế giới, giữa hai đội bóng hùng mạnh nhất thời bấy giờ. Một bên là ĐT Hungary, ĐKVĐ Olympic 1952. Đó là đội bóng gây tiếng vang lớn khi liên tục gieo rắc nỗi kinh hoàng cho mọi đối thủ trong nhiều năm liền với dàn hảo thủ lẫy lừng như Puskas, Hidegkuti, Kocsis… dưới sự dẫn dắt của HLV Sebes. 

    Một bên là ĐT Anh, những người vẫn kiêu hãnh thậm xưng là cái rốn của vũ trụ túc cầu. Họ xem thường mọi dòng chảy bóng đá xảy ra bên ngoài biên giới và có một niềm tin mãnh liệt rằng họ ở một đẳng cấp khác hẳn. Và để chứng minh đẳng cấp, cuộc thư hùng được tổ chức ở trung tâm “cái rốn”, SVĐ Wembey (lúc bấy giờ có tên là Empire), thánh địa bóng đá, ngôi đền linh thiêng chứa đựng niềm kiêu hãnh ngất trời của bóng đá xứ sở sương mù. 

    Tiếp đến, lý do trận đấu được tổ chức cũng liên quan đến niềm kiêu hãnh của người Anh. Đó là LĐBĐ Anh (FA) cảm thấy nóng mắt trước những thành tựu mà ĐT Hungary đạt được, trước cái cách ĐT Hungary được xưng tụng là Đội tuyển vàng hay Những người Magyar quyền lực, thế nên muốn ĐT Anh dạy cho ĐT Hungary một bài học. Tiếc thay, điều ngược lại đã xảy ra. Chính ĐT Hungary đã dạy cho ĐT Anh một bài học.

    Đội tuyển vàng Hungary những năm thập niên 1950
    Đội tuyển vàng Hungary những năm thập niên 1950

    Cơn địa chấn tại Wembley
    Chiều ngày 26/11/1953, hơn 10 vạn khán giả lèn kín cầu trường Wembley, hơn 10 triệu thính giả chăm chú bên những chiếc Radio háo hứng bóng lăn trong Trận đấu thế kỷ. Bóng chưa vội lăn, bởi trước khi trọng tài nổi hồi còi khai cuộc, Puskas và các đồng đội cao hứng phô diễn kỹ thuật tâng bóng bậc thầy như thể xem chuyến đi đến thánh địa bóng đá Anh như một chuyến dạo chơi không hơn không kém.

    Bóng lăn, 45 giây sau, bóng nằm trong lưới. Cầu trường Wembley chết lặng bởi cú sút chéo góc từ rìa vòng cấm găm bóng vào góc cao và xa của Hidegkuti. Đến lúc đó, các cầu thủ đội chủ nhà mới chỉ 3 lần chạm bóng, 1 pha phá bóng hết đường biên, 1 quả ném biên và 1 đường chuyền hỏng. Hơn 10 phút sau, Sewell giúp Tam Sư quân bình tỷ số với cú sút chéo góc chính xác trong thế đối mặt thủ môn.

    Người Anh reo hò, người Anh nở nụ cười tự mãn và đắc thắng, dù mới chỉ san bằng tỷ số. 15 phút sau, nụ cười tắt lịm. Chỉ trong vòng 7 phút từ phut 20 đến 27, ĐT Hungary ghi liền 3 bàn thắng để đưa tỷ số trận đấu thành 4-1. Ngôi sao Puskas lập cú đúp, trong đó có pha xử lý theo đúng nghĩa ma thuật. 

    Nhận bóng trong vòng cấm, bằng động tác gạt bóng khéo léo và uyển chuyển như một đấu sỹ dùng tấm khăn choàng đỏ bỡn cợt chú bò tót hăng máu, ông khiến cú lao người tắc bóng của hậu vệ đối phương trôi tuột. Sau đó, ông tung cú sút uy lực đã trở thành thương hiệu bằng chân trái đánh bại thủ thành Gil Merrick.
    ĐT Anh nhận cái tát đau điếng ngay tại thánh địa Wembley
    ĐT Anh nhận cái tát đau điếng ngay tại thánh địa Wembley

    Kết cục trận đấu được định đoạt ngay từ lúc này, những gì diễn ra trong 60 phút còn lại đơn giản là cuộc dạo chơi của những người Hungary. Đúng hơn là một cuộc triển lãm thể lực và kỹ chiến thuật. Họ áp đảo tuyệt đối ĐT Anh và khép lại trận đấu bằng chiến thắng "khiêm tốn" 6-3, khiêm tốn vì đúng ra họ có thể thắng... 16-3, với việc tung ra tổng cộng 35 pha dứt điểm trúng đích.

    Trận đấu đổi dòng lịch sử
    Thất bại 3-6 ngay tại Wembley là cái tát đau điếng vào niềm kiêu hãnh của người Anh. Tờ Guardian thừa nhận “chỉ có duy nhất huyền thoại Stanley Matthews tiệm cần đẳng cấp của các cầu thủ Hungary. Huyền thoại Sir Bobby Robson thì ngán ngẩm: “Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến một đội tuyển nào phi thường như thế cả”. 

    Và nếu những người có tư tưởng bảo thủ phản bác rằng đấy chỉ là một tai nạn thì 5 tháng sau, cuộc tái đấu giữa hai đội trên sân của Hungary chứng minh chẳng có tai nạn nào ở đây cả, đơn giản đấy là sự chênh lệch quá lớn về mặt đẳng cấp giữa hai đội. Bởi lẽ, ở trận tái đấu, ĐT Hungary thắng ĐT Anh với tỷ số lên tới 7-1 (Puskas và Kocsis cú đúp, Lantos, Hidegkuti và Toth mỗi người 1 bàn).

    Phân tách sâu hơn, sự khác biệt hay sự chênh lệch giữa ĐT Hungary và ĐT Anh, cũng như mọi đội bóng khác trên thế giới lúc bấy giờ nằm ở 4 yếu tố, cũng chính là 4 điểm đột phá mà HLV Sebes tạo nên. Thứ nhất là sơ đồ chiến thuật. Nếu như người Anh vẫn bảo thủ với sơ đồ WM (3-2-2-3) thì ĐT Hungary đã chuyển sang sơ đồ MM (3-2-3-2) linh hoạt hơn.

    HLV Sebes đã tạo ra một cuộc cách mạng bóng đá
    HLV Sebes đã tạo ra một cuộc cách mạng bóng đá

    Sự linh hoạt ấy thể hiện rõ ở vị trí của Hidegkuti. Thay vì chơi ở vị trí trung phong trong sơ đồ 3 tiền đạo thịnh hành thời bấy giờ, Sebes kéo Hidegkuti lùi sâu hơn, thi đấu trong vai trò một số 9 ảo. Điều này khiến cho trung vệ Harry Johnston, người được phân công theo kèm Hidegkuti chới với vì không biết có nên dâng cao đeo bám “trung phong” đối phương hay không. Rốt cuộc, Hidegkuti lập hattrick trong Trận đấu thế kỷ.

    Thứ hai là sự ăn ý. Sebes chủ đích xây dựng một đội tuyển gồm những cầu thủ nhiều năm sát cánh bên nhau, tạo thành một tập thể ăn kết và hiểu nhau trong từng hơi thở. Ngày nay, ý tưởng ấy đã quá phổ biến nhưng lúc bấy giờ, đó là quan điểm đột phá bởi mọi đội tuyển đều được xây dựng theo công thức quy tụ những cầu thủ giỏi nhất ở từng vị trí.

    Thứ ba, tương tự thứ hai, ngày nay đã quá quen thuộc nhưng lúc bấy giờ là ý tưởng đột phá, đó là vấn đề thể lực. Ở cái thời điểm khoa học thể thao chưa thành hình này, Sebes đã bắt đầu quan tâm đến các vấn đề dinh dưỡng và tập luyện nhằm tăng cường thể chất cho các cầu thủ. Kết quả, các tuyển thủ Hungary vốn đã tài năng lại còn sung mãn hơn gấp bội đối phương. 

    Và cuối cùng, Sebes yêu cầu các cầu thủ thi đấu được nhiều vị trí trên sân, khi tấn công cùng tấn công, khi phòng ngự cùng phòng ngự. Vâng, đó là triết lý mà 20 năm sau, người Hà Lan làm mưa làm gió trên thế giới túc cầu với cái tên Total Football!  Với 2 thất bại và 4 sự khác biệt ấy, ĐT Hungary trở thành đội tuyển vĩ đại nhất chưa từng vô địch World Cup và buộc người Anh phải cúi đầu nhìn làm chính mình để thay đổi.
    Ngọc Trung • 16:07 ngày 26/11/2018

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Nguyễn Hà Thanh Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay