Bóng Đá Plus trên MXH

Lịch sử túc cầu: Và Chúa Bóng Đá đã tạo ra trọng tài, xà ngang...

16:43 ngày 20/02/2015
Ngày Xuân, tâm hồn thư thái, u nhàn. Ta có thể gạt bỏ nỗi bận rộn thường nhật mà thưởng thức khoái cảm nghỉ ngơi, trong tiếng thánh thót của dòng đời trôi rất chậm. Những lúc này, chi bằng nâng chén trà sen ngào ngạt hương hay ly rượu nồng, ngồi đàm đạo với bằng hữu về chuyện bóng đá xưa nay.
    Cũng như cái Tết, ngày xưa khác nay nhiều lắm, môn thể thao Vua đã từng trải bao thăng trầm, biến đổi, tiến hóa suốt hơn 150 năm qua. 

    Ồ lạ chưa, ngày xưa bóng đá không có xà ngang hay trọng tài ông ạ. Thế thì khác gì công nghệ goal-line mới xuất hiện gần đây. Khởi thủy, bóng đá là môn thể thao đầy tự trọng của các quý ông và bây giờ cốt lõi đó vẫn thế, có khác là khác ở những thứ bên ngoài. Như cách ăn Tết thì bây giờ thật khác ngày xưa song những giá trị cốt lõi chẳng thay đổi như đêm Giao thừa, sáng Mùng Một hay khói hương trầm…

    NGÀY XƯA, LÀM GÌ CÓ TRỌNG TÀI BÓNG ĐÁ
    Luật bóng đá đã có từ lâu, nhưng chỉ khi nó được Đại học Cambridge hệ thống hóa một cách hoàn chỉnh vào năm 1848 (gọi là “luật Cambridge”) thì môn bóng đá mới được xem là chính thức ra đời. Năm 1857, CLB đầu tiên trong lịch sử bóng đá là Sheffield FC được thành lập. Năm 1862, Notts County xuất hiện. Đấy là CLB bóng đá lâu đời nhất hiện vẫn tồn tại. 

    FA - tức LĐBĐ Anh - được thành lập vào năm 1863. Đến giờ, đấy là LĐBĐ quốc gia duy nhất không cần có tên nước trong tên gọi. Bản thân FA cũng bộ luật riêng, và “luật bóng đá” của FA cũng chính là “luật bóng đá” của FIFA - tức LĐBĐ thế giới, xuất hiện năm 1904. Bạn có biết, khái niệm “trọng tài” chưa hề xuất hiện khi FA soạn thảo “luật bóng đá”.


    Ban đầu, người ta nghĩ rằng chả ai ăn gian làm gì. Đã là quý ông thì không cố tình phạm lỗi. Còn khi phạm lỗi, các “quý ông” lập tức thừa nhận cái sai của mình. Chỉ là trò chơi thôi mà! Đấy có lẽ là sai lầm lớn đầu tiên trong môn bóng đá - một sai lầm đáng yêu, nói lên rằng chính những nhà tiên phong trong môn bóng đá cũng không ngờ nổi rằng trò chơi này lại hấp dẫn, quan trọng, vĩ đại, có sức ảnh hưởng to tát đến mức độ nào!

    Tầm quan trọng ngày càng cao của sự thắng/thua nhanh chóng xô đổ cái suy nghĩ “ăn gian làm gì” trong trò chơi bóng đá. Ban đầu, mỗi đội cử ra một đại diện để “nói chuyện phải quấy” khi xuất hiện tình huống gây tranh cãi. Không ăn thua. Giải pháp tạm thời tiếp theo là mượn thêm hai người ngoài cuộc tạm gọi là “giám sát viên”. 

    Nếu 2 “giám sát viên” không thể thống nhất ý kiến với nhau thì nhân vật thứ ba, trong chức danh “trọng tài” sẽ có quyết định cuối cùng. Cứ thế, cho đến năm 1891 - tức 43 năm sau khi có “luật Cambridge” và 28 năm sau khi có “luật FA” - khái niệm “trọng tài” mới được bổ sung vào luật bóng đá.

    CHIẾC LƯỚI ĐÁNH CÁ CỦA NGƯỜI NGƯ PHỦ
    Đúng 140 năm trước, chiếc xà ngang xuất hiện lần đầu tiên trong môn bóng đá (năm 1875). Trước nữa, luật chỉ quy định: khung thành được giới hạn bởi 2 cột dọc cách nhau 7m32 và một dây vải giăng ngang, cách mặt đất 2m44. 

    Cũng cần nói thêm: những con số vừa nêu chẳng qua đến từ sự quy đổi đơn vị đo lường cho phù hợp với cách đo lường phổ biến trên thế giới, khi bóng đá đã phát triển khắp toàn cầu. Luật bóng đá bây giờ gồm rất nhiều con số lẻ là vì vậy, vì các con số ban đầu là số đo theo đơn vị đo lường của người Anh (foot, yard, inch...).

    Đường bóng thành bàn là đường bóng đi vào khoảng trống giữa 2 cột dọc và dưới dây vải. Sút trúng dây vải thì dĩ nhiên là không vào, nhưng trận đấu phải tạm ngưng để người ta cột lại dây (mà nếu không giám sát kỹ càng, chắc gì dây đã được cột đúng vị trí quy định). Thế nên FA chỉnh sửa dây vải thành xà ngang cho bớt phiền phức. 

    Chưa hết rắc rối. Đôi khi chẳng biết bóng đã bay qua phía dưới hay phía trên xà ngang. Vậy nên, chiếc lưới xuất hiện vào năm 1891 - đúng thời điểm FA bổ sung luật trọng tài và, khá quan trọng, luật về quả phạt đền. Nếu như sự tích chiếc còi có liên quan đến cảnh sát thì sự tích mành lưới cũng liên quan đến... ngư nghiệp. Người nghĩ ra giải pháp mắc lưới vào cầu môn chính là một ngư phủ! Thế còn quả phạt đền?

    Ở trận East Stirlingshire - Heart of Midlothian tại vòng Tứ kết Cúp Scotland năm 1890 và trận Notts County - Stoke City ở Cúp FA cũng trong năm ấy, xuất hiện những pha phạm lỗi rất tương đồng và... láu cá. Cầu thủ của đội phòng ngự dùng tay chơi bóng để ngăn bàn thua ngay trước khung thành. 


    Dĩ nhiên là phải chịu phạt. Nhưng làm sao sút được quả phạt khi đối phương lập “hàng rào” ngay sát quả bóng? Quả phạt đền ra đời trong hoàn cảnh như vậy. Nhưng ban đầu, người ta chỉ kẻ một vạch ngang, song song và cách khung thành 11m (12 yard) làm mốc sút phạt đền. Chấm 11m hoặc khu vực 16m50, khu vực 5m50... đều chưa xuất hiện khi bóng đá đã có quả phạt đền.

    Kỷ lục dứt điểm trúng xà ngang, cột dọc
    Khán giả chắc hẳn rất hài lòng khi theo dõi trận đấu giữa Eintracht Frankfurt và Werder Bremen ở vòng 14 Bundesliga 2014/15. Trận đấu diễn ra sôi nổi với chiến thắng 5-2 nghiêng về đội chủ nhà  sẽ không dừng lại ở con số 7 nếu cầu thủ hai đội không quá thiếu may mắn với các pha dứt điểm của mình. Theo thống kê, có tới 6 lần cầu thủ của Frankfurt và Bremen dứt điểm trúng xà ngang, cột dọc. Kể từ năm 2007 tới nay, chưa có một trận đấu nào có số lần dứt điểm trúng khung gỗ nhiều như vậy.
    Kinh Kha • 16:43 ngày 20/02/2015

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Nguyễn Hà Thanh Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay