Năm Canh Tý, nói chuyện chú chuột

Chẳng phải ngẫu nhiên mà chuột là loài vật được xếp đứng đầu trong 12 con giáp. Có lẽ không phải bởi vẻ ngoài bé nhỏ, mà chuột thể hiện sự tinh khôn, lanh lợi, thoắt ẩn thoắt hiện nhưng rất kiên trì bền bỉ.
 

Thật kỳ lạ cái loài chuột. Con người vốn thường dùng chuột để ví von với những người mà mình coi thường lắm lắm. Vô số câu "dìm hàng" chuột như thế như: "Đồ chuột nhắt; đồ tuổi Tý; đồ chuột bọ; đồ sư tử có lá gan chuột nhắt; cái thằng bé tý tẹo teo…

Ấy thế mà người dân Việt Nam kính trọng chuột lắm, sợ hãi như sợ hổ vậy. Chẳng thế mà tôn chuột làm Ông Tý, uy nghiêm ngang ngửa với Ông Hổ, Ông Hùm, Ông Cọp hay Ông Voi. Các bà mẹ ngày xưa hay doạ con quấy khóc: "Im im, kẻo Ông Tý ra tha mày bây giờ". Nghe cũng hiệu quả rùng mình như "cọp tha, ma bắt" vậy.

Bởi vì Việt Nam vốn là nước có nền văn minh lúa nước, việc trồng lúa được coi là quan trọng nhất nhì trong tháp danh dự nghề nghiệp: Sĩ - Nông - Công - Thương. Mà trồng lúa thì sợ nhất là Ông Tý đến phá hoại. Gớm, chẳng hiểu trời đất đẻ đâu ra cái giống "Vừa bằng quả mướp, ăn cướp cả làng" ấy.

Thế nên, người trồng lúa, tuy ghét chuột, thù chuột, nhưng cũng… sợ chuột. Chuột phá hoại mùa màng, con người cố sức diệt cũng không hết. Do đó, ngày xưa, người nông dân với sự tin tưởng thần linh cố hữu trong đầu óc họ, họ nghĩ rằng nên thờ cúng chuột, may ra chuột sẽ không phá hoại công sức, tài sản của họ tạo ra.

Vì thế, bên cạnh miếu thờ Thần Nông, họ lập ra miếu thờ chuột, gọi là miếu chuột và luôn gọi chuột bằng Ông Tý. Đến ngày lễ Thượng điền, vào tháng 11 âm lịch, thời điểm lúa đang trổ, dân làng tổ chức tế lễ, cầu xin Thần Nông, Ông Tý ban cho vụ mùa bội thu và xin đừng phá hoại lúa.

Thế nên, dễ hiểu tại sao chú chuột bé như nắm tay, lại được phân công ngồi ghế đầu trong số 12 con giáp, trước cả những con vật to lớn như trâu, ngựa, dê, lợn; trước cả những con vật linh thiêng như rồng, hổ; trước cả những loài chuyên tiêu diệt chuột như rắn, mèo…

Có vài truyền thuyết lý giải điều đó. Sở dĩ, chuột đứng đầu 12 con giáp mà không phải chúa sơn lâm là nhờ sự gian xảo, tinh ranh của giống vật nhỏ con này. Khi Ngọc Hoàng tổ chức chạy thi để phân ngôi thứ trong 12 tháng, chuột thấy trâu chạy đầu bèn nhảy lên bám vào đuôi trâu, và khi đến đích, nó liền cắn trâu một nhát thật đau, khiến chú trâu phải quất đuôi lên phía trước và chuột bay về đích đầu tiên. Thật là một chiến thuật "chạy núp gió" đại tài.

Tuy nhiên, có một điều mà ai cũng phải khâm phục loài chuột là bản năng sinh tồn của nó mạnh mẽ hơn tất cả. Chúng ta có thể nhìn thấy chuột sinh sống ở mọi nơi trên thế giới, dù đó là sa mạc nóng cháy, hay vùng cực địa âm vài chục độ, thậm chí ở những nơi bị phóng xạ huỷ diệt thì chuột vẫn tồn tại như thường.

Thêm vào đó, trời còn phú cho chuột tính thông minh, tinh ranh khôn lường. Khi tàu sắp đắm, chuột là loài thoát khỏi con tàu đầu tiên để bảo toàn mạng sống. Bị săn lùng bởi vô số thiên địch như mèo, rắn, chim ưng, và đặc biệt là con người nhưng chuột không bao giờ bị tiêu diệt đến mức tuyệt chủng bởi chúng luôn tìm ra những cách đối phó hiệu quả.

Thế nên, dễ hiểu tại sao, tuy "Bé Tý" nhưng Ông Tý lại ăn trên ngồi trốc cả đám to đùng.

Từ bao đời nay, loài chuột đã trở thành con vật gắn liền với đời sống của người dân, nhất là cư dân vùng lúa sống chủ yếu bằng nông nghiệp. Hình ảnh loài chuột xuất hiện trong văn hóa dân gian rất phổ biến. Đọc những gì mà dân gian nói về chuột, chúng ta cứ ngỡ ấy là nói về loài người.

Cũng giống như nhiều động vật khác, những đặc điểm sinh học, hình thể của chuột được dùng để miêu tả tướng mạo của con người, cho dù đa phần là xấu xa hay mang tính tiêu cực như: tai chuột, mặt chuột, râu chuột, răng chuột, hôi như chuột chù, bắp chuột, mõm chuột…

Hầu hết, những đặc điểm tướng mạo bị so sánh với với chuột đều nhằm ám chỉ tính cách xấu xa, hình thể xấu xí, phản thẩm mỹ và luôn bị xa lánh, hắt hủi, chê cười. Thế nhưng, tính cách của chuột lại mang một ý nghĩa tương phản, nó biểu thị sự tích cực, khôn ngoan và may mắn. "Khôn như chuột, nhanh như chuột nhắt, số chuột sa chĩnh gạo"… là những ví dụ như thế.

Nhưng trong chuyện ứng xử nhân tình thế thái, tình yêu trai gái thì mới gọi là lắm chuột. Một bà vợ muốn bảo vệ chồng trước miệng lưỡi chê bai của thế gian, chẳng bằng gì đem ông xã ví với chuột nhà:

Chuột khôn cũng thể chuột nhà
Dầu khôn dầu dại cũng là chồng em.

Rồi bỗng nhiên chuột trở thành nguyên cớ để một cô gái thể hiện nỗi cô đơn. Đọc câu ca dao này có thể hình dung nơi cô gái đang nằm trong tối thanh vắng, mà lại chỉ một mình, xung quanh có lẽ chỉ còn nỗi cô quạnh tới mức tiếng chuột bạo gan lục lọi dưới bếp kêu chíu chít cũng khiến cô phải hoảng sợ. Nỗi sợ chuột của đàn bà, lúc ấy chỉ cần ai đó mạnh bạo, giải quyết được cho cô, lúc cô đang cần…

Đó có thể là cuộc gợi mở duyên dáng, nhưng rất "dễ thương" trong ca dao tục ngữ Việt Nam:

Chuột kêu chút chít trong vò
Lòng anh có muốn thì mò lại đây.

Cô gái đã tạo cho chàng trai một lý do quá chính đáng: anh sang đây mà đuổi con chuột hư hộ em. Cái từ "mò" cũng gợi hình gợi tượng đầy vui vẻ và dí dỏm. Vậy tại sao lại không? Lại một mối lương duyên bắt đầu!

Hoặc còn táo bạo hơn, khi vừa mời gọi bạn tình, lại vừa dặn dò phải khéo léo kẻo bố mẹ biết:

Chuột kêu chút chít trong rương
Anh đi cho khéo, kẻo đụng giường mẹ hay.

Thế mới hay, tại sao chuyện trai gái yêu nhau thường hay bị người đời gọi là trò "chim chuột". Bởi vì tiếng những người yêu nhau giả vờ làm tiếng chuột rúc trong đêm để báo tin tình tự đã trở thành một ẩn dụ điển hình.

Xét cho cùng, bóng đá có mối liên hệ khá mật thiết với loài chuột. Sự phát triển của bóng đá thành môn thể thao phổ biến khắp hành tinh và được coi là môn thể thao vua sở dĩ là nhờ sự phát triển của ngành hàng hải và những chuyến chuyến tàu vượt đại dương.

Chúng ta đều biết rằng, bóng đá được cho là do người Anh nghĩ ra. Chẳng thế mà đảo quốc sương mù vốn được coi là "quê hương bóng đá". Nhưng vào thời kỳ người Anh bắt đầu thích chơi bóng đá, thì ngành hàng hải của đế quốc Anh cũng phát triển rực rỡ.

Vô số những chuyến tàu của người Anh đi khắp nơi trên thế giới, đem theo chuột dưới hầm tàu và bóng đá do các thuỷ thủ Anh chơi ở mọi bến cảng, từ đó truyền bá ra khắp nơi. Như thế, có thể nói, chuột và bóng đá chính là những thứ mà thuỷ thủ Anh vận chuyển khắp toàn cầu đầu tiên.

Vui vẻ một chút vậy thôi, nhưng thực tế, gần như cầu thủ bóng đá nào cũng phải liên quan đến chuột. Đó là chứng "chuột rút", khiến các cầu thủ phải nằm lăn nằm bò trên sân, không thể thi đấu, đặc biệt xảy ra nhiều vào lúc cuối trận. Chuột rút là hệ quả của việc các cơ bắp ở chân, đùi đã hoạt động quá nhiều, khiến cầu thủ bị căng cơ. Chuột rút đồng hành cùng cầu thủ như trái bóng vậy, không bao giờ vắng mặt.

Chuột cũng chính là sinh vật, không tính con người, thường xuyên được thấy xuất hiện trên sân cỏ nhất. Nguy hại hơn, chuột là loài gậm nhấm siêu đẳng thế nên chúng chính là nguồn phá hoại lớn nhất đối với các sân vận động. Chúng gặm nát phần rễ cỏ, ghế ngồi trên khán đài và các cơ sở vật chất khác. Sân bóng Emirates của CLB Arsenal đã từng phải dừng hoạt động để đối phó với nạn chuột.

Đối với dân cá độ bóng đá, một cú click chuột vào một tỉ lệ cược có thể khiến họ "đem phòng khách của người khác về làm toilet nhà mình", hoặc "đem nhà mình gán làm toilet" cho nhà cái. Chính con chuột máy tính này mới là giống chuột phát hoại khủng khiếp nhất đối với những gia đình có người mê cá độ bóng đá online.

Trong khi đó, chuột bông lại thường là thứ tặng phẩm mà các cổ động viên hay tặng cho các cầu thủ mà họ coi là "đồ phản bội". Những cơn mưa chuột bông đã bay tới tấp vào người thủ thành Thibaut Courtoi trong trận derby Madrid, bởi thủ thành này đã từng là người của Atletico Madrid nay lại chống đội bóng cũ trong màu áo của Real Madrid.

Nhưng nếu cầu thủ muốn thành công thì họ phải biết học tập chuột. Tinh thần phối hợp đồng đội của chuột rất cao. Ví dụ như để tha một quả trứng dễ vỡ về tổ, một con sẽ nằm ngửa, ôm trứng trên bụng, thò đuôi để những con chuột khác "hò dô" kéo về.

Chuột gần như hoạt động theo đàn để luôn luôn có được sự phối hợp khi cần thiết. Và bóng đá chính là một môn thể thao đặt cao tính đồng đội và sự phối hợp. Ngoài ra, cầu thủ cũng cần nhanh như chuột, luôn biết rình rập cơ hội để có thể ghi bàn chớp nhoáng khiến đối thủ phải ngớ người như "bị chuột ăn vụng" ngay trước mắt.

Thực hiện

Nội dung: Tuệ Lam - Hải An

Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

 
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x