Bóng Đá Plus trên MXH

Năm Thân nói chuyện khỉ: Cầu khỉ chỉ khó đi thôi

09:33 ngày 13/02/2016
“Ví dầu cầu ván long đinh - Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi”, đó là câu ca dao mà có lẽ hầu như người Nam Bộ nào cũng biết, vì nó nằm trong bộ sưu tập những câu ca dao thường được các bà mẹ hát ru con nhiều nhất.
    Cầu tre, cầu dừa... đều có tên gọi chung là cầu khỉ, là một loại cầu đặc trưng cho vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Đó là loại cầu được bắc tạm qua các con kênh, rạch nhỏ bằng những thứ vật liệu thô sơ, vốn là một thói quen của người dân Nam Bộ. Thực ra, loại cầu này còn có ở nhiều vùng miền khác trong cả nước, kể cả đồng bằng sông Hồng. 

    Nhưng chỉ ở đồng bằng sông Cửu Long, nó mới hiển hiện ở khắp nơi để trở thành một hình ảnh rất đặc thù, rất quen thuộc và nhất là chỉ ở đây nó mới được gọi là cầu khỉ. Vì sao lại gọi là cầu khỉ? 

    Khi phải qua một cây cầu rất mong manh, chông chênh, được bắc tạm bợ bằng vài thân tre hay tràm, đố ai có thể đi đứng một cách thẳng thớm, đường hoàng được mà cứ phải lom khom, dò dẫm, chấp chới, trông xa chẳng khác gì khỉ đi lại trên cành cây. Người Nam Bộ vốn ưa vui vẻ, hài hước, nên gọi luôn là cầu khỉ cho tiện và dễ nhớ. 

    Là cầu tạm, tự làm bằng vật liệu tận dụng, nên cầu khỉ đương nhiên nhìn chẳng đẹp đẽ gì. Thế nhưng, trong bức họa đồng quê đầy những sắc màu tươi tắn với những con kênh, rạch chằng chịt chảy giữa những xóm làng trù phú, cánh đồng lúa xanh mướt hay những vườn trái cây trĩu quả, thì cái dáng vẻ rất quê kệch, còm cõi ấy lại như một nét vẽ tuy vụng về mà hồn nhiên, chân chất, gần gũi và thân thiện như tâm tính người Nam Bộ. 

    Có lẽ vì thế mà người dân đồng bằng khi rời xa xứ xở, luôn thấp thoáng bóng cây cầu khỉ trong nỗi nhớ nhà. Và khách phương xa đến với đồng bằng, cũng không thể không tìm tới những cây cầu khỉ để thử một lần đi qua, để chụp vài kiểu ảnh làm kỷ niệm. 


    Cầu khỉ đúng là mong manh, chông chênh thật, rất đúng với câu hát “đi mà không khéo té như chơi”. Nhưng mới đây, khi tờ DailyMail (Anh) liệt nó vào danh sách 10 cây cầu nguy hiểm nhất thế giới, thì hoặc là người ta không hiểu gì lắm về cây cầu này hoặc là một sự cường điệu có phần thái quá. 

    Bởi cầu khỉ thường bắc qua những con kênh, rạch nhỏ, nước không sâu, đa số người dân miệt vườn, miệt ruộng lại biết bơi từ khi còn nhỏ xíu, lỡ té cái ùm từ cầu khỉ xuống kênh, rạch thì chỉ phiền một chút vì ướt hết áo quần. Còn riêng với đám nam sinh cấp 3 ở đồng bằng bắt đầu tò mò về giới tính hay tập tọng yêu đương, thì những khi các cô bạn học lỡ té cầu khỉ, có khi lại là những dịp vui. 

    Vui vì được làm anh hùng cứu mỹ nhân, và sướng vì được thấy những đường cong tươi non đang hằn lên dưới làn áo trắng ướt nước. Đến một nhạc sỹ danh tiếng như Trịnh Công Sơn còn có lần mong “Em đi về cầu mưa ướt áo”, thì ai nỡ trách niềm vui thầm kín ấy của đám học trò? Ai bảo cầu khỉ là đáng sợ nào?

    Mấy chục năm về trước, cầu khỉ từng xuất hiện dày đặc ở miền sông nước Đồng bằng sông Cửu Long. Thuở sinh thời, trong một chuyến đi điền dã ở xã Vĩnh Hòa Hưng (xã này từ năm 1988 đã tách ra thành 2 xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc và Vĩnh Hòa Hưng Nam), theo sông Cái Lớn từ UBND xã đến ấp Vĩnh Anh mà tính theo đường chim bay chỉ chừng 7 km, “ông già Nam Bộ” Sơn Nam đã tỷ mẩn đếm được tới 241 cây cầu thô sơ lớn nhỏ, mà đại đa số là dạng cầu khỉ. 

    Nhưng với chương trình xây dựng nông thôn mới, cây cầu khỉ đang dần vắng bóng trên các con kênh, rạch ở Đồng bằng sông Cửu Long. Thay vào đó là những cây cầu bê tông, cầu treo chắc chắn hơn nhiều và đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn hẳn. Ở nhiều xã, huyện, hầu như không còn bóng dáng một cây cầu khỉ nào nữa. 

    Đó là một sự chuyển động tất yếu trên đường phát triển của đồng bằng. Tuy nhiên, cũng đã bắt đầu có những tiếng nói lo lắng cho nguy cơ “tuyệt chủng” của cây cầu khỉ ở Đồng bằng sông Cửu Long và mong muốn có sự bảo tồn loại cầu này ở một số không gian nhất định, chẳng hạn ở những vùng quê đang làm du lịch home stay hay trong những bảo tàng về làng quê Nam Bộ.
    SƠN TRANG • 09:33 ngày 13/02/2016

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Nguyễn Hà Thanh Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay