Neymar, một thân tài hoa đầy tai họa - Bongdaplus.vn

Neymar, một thân tài hoa đầy tai họa

Báo chí gọi Neymar là "Tiểu Pele". Chính phủ Brazil coi Neymar là "Quốc Bảo". Người hâm mộ khẳng định Neymar là truyền nhân cuối cùng của Joga Bonito, thứ bóng đá đẹp đang trên đà tuyệt chủng. Chỉ có vinh quang gọi Neymar là Thất Bại, Lỡ Làng hoặc Vô Duyên.

Thế là Copa America 2019 do Brazil đăng cai lại vắng đi một tên tuổi lớn nhất nhì lục địa Nam Mỹ. Brazil có Neymar, Argentina có Lionel Messi. Ngoài ra, Nam Mỹ không có cao thủ nào xứng đáng lên "Hoa Sơn luận kiếm" nữa, cho dù vẫn còn đó Luis Suarez hay Alexis Sanchez.

Neymar và Messi là hai đại diện của người Nam Mỹ tại châu Âu. Họ là đại diện cho hai nền bóng đá đối lập nhau từ xa xưa. Neymar là Selecao hoa mỹ, nghệ sĩ sân cỏ theo trường phái Joga Bonito. Còn Messi là Albiceleste vẫn hoa mỹ nhưng pha nhiều tính thực dụng của những di dân Italia.

Tuy nhiên, Neymar và Messi có khá nhiều điểm giống nhau. Họ là những thiên tài sân cỏ không thể nghi ngờ, đã từng sát cánh tại Barcelona, là biểu tượng cũng như niềm kỳ vọng lớn nhất của cả nền bóng đá, và đều đem lại những nỗi thất vọng tràn trề.

Chỉ có điều, sự thất vọng của Neymar và đàn anh Messi đến theo hai cách khác nhau. Messi cứ miệt mài thi đấu, để rồi chỉ đón nhận sự thất bại. Còn Neymar, cứ mỗi khi bước vào chiến dịch lớn lại xuất hiện những sự cố nằm ngoài mọi tính toán.

Thế nên, khi Copa America 2019 khởi tranh, người ta đâu có lạ gì với thông tin Neymar lại vắng mặt. Đó là là điều quá quen thuộc đối với "cầu thủ quốc bảo" của Selecao, bởi anh luôn đạp đổ niềm hy vọng bằng vô số lý do đứng ngoài đội tuyển Vàng – Xanh.

Nửa thập niên về trước, khi Brazil đăng cai World Cup 2014, người ta tràn trề niềm hy vọng đem Cúp Vàng về Nam Mỹ bởi đó là thời đại của Neymar. Nhưng sau những giây phút thăng hoa sớm, niềm hy vọng đã hóa thành thảm họa vì Neymar dính đòn kín của Zuniga (Colombia), khiến anh bị chấn thương cột sống buộc phải chia tay giải đấu.

Thảm họa kế tiếp thảm họa. Vắng Neymar, Brazil thảm bại 1-7 trước Đức, đội tuyển sau đó lên ngôi vô địch. Cả đất nước Brazil chìm trong nước mắt và suy sụp, như hồi gặp thảm họa Macarana ở World Cup 1950. Neymar chính là tác nhân chính của cơn đau này.

Một năm sau, tại Copa America 2015, Neymar cũng không thể giúp Brazil giành được vinh quang tối thượng. Anh ta đã lột bỏ lớp vỏ của một nghệ sĩ sân cỏ để trưng ra phần ác quỷ bên trong. Thua Colombia 0-1, Neymar cay cú đá vào người Pablo Amero rồi húc tiếp Jeison Murillo, chửi bới trọng tài và nhận tấm thẻ đỏ kèm án phạt treo giò 4 trận (tương đương hết giải). Rồi Brazil lại trắng tay ở năm đó.

Đến năm kỷ niệm Bách Niên Copa America 2016, Neymar đã từ chối thi đấu vì muốn giữ sức cho Thế vận hội mùa Hè tổ chức tại Brazil cùng năm. Người ta không thể quên hình ảnh Neymar ăn mặc bảnh chọe ngồi trên khán đài để xem Selecao thất bại.

Hình ảnh đó rất giống với hình ảnh của Neymar trong trận knock-out lượt về giữa PSG và Man United tại Champions League mùa này. Neymar với quần áo thời thượng, ung dung ngồi trên khán đài xem đội nhà "ăn gỏi" Man United và đợi cơ hội thể hiện ở vòng tứ kết. Nào ngờ, Man United đã khiến PSG ôm hận, khiến Neymar phải nhảy xuống đường biên tuôn ra những lời lẽ thô bỉ.

Sự thất vọng mà Neymar đem lại khá nhiều. PSG mua Neymar để phục vụ mục đích vô địch châu Âu chứ không phải chỉ ở Ligue 1 làng nhàng. Thế nhưng, kể từ khi khoác áo PSG, 4 trận knock-out Champions League quan trọng nhất, Neymar chỉ đá được có 1 trận, tức 25%.

Hay như tại World Cup 2018 hồi năm ngoái. Ấn tượng mà Neymar để lại không phải những pha bóng tài hoa, những bàn thắng diệu kỳ đậm chất thơ hay vẻ đẹp bừng sáng của bóng đá vị nghệ thuật. Người ta chỉ nhớ đến Neymar như kẻ ăn vạ chuyên nghiệp với hàng chục pha ngã điệu đà trên sân cỏ. Và kết cục bị loại sớm cùng Selecao.

Và rồi, tại Copa America năm nay, anh lại không thể thi đấu do chấn thương. Đấy là định mệnh của Neymar tại Selecao, ngăn cản cầu thủ này bước lên tầm vĩ đại vốn chỉ dành cho những nhà vô địch, những người dẫn dắt tập thể bước lên ngôi báu. Nó cũng là định mệnh khiến Messi luôn thất bại tại ĐTQG, ngoại trừ một tấm HCV Thế vận hội trước vinh quang duy nhất của Neymar đúng 8 năm.

Vậy Neymar là gì? Lẽ đâu "Quốc Bảo" của cường quốc bóng đá Brazil chỉ tầm thường như thế chăng? Câu hỏi này sẽ được giải quyết khi chúng ta lần ngược về hoàn cảnh xuất thế của Neymar.

Neymar là một tài năng đặc biệt. Dù yêu hay ghét tiền đạo người Brazil này cũng không thể phủ nhận điều đó. Chẳng có gương mặt làng nhàng nào mà cả Barcelona lẫn Real Madrid phải lao vào tranh giành lúc mới 21 tuổi, để rồi ông trùm Florentino Perez đau đáu thèm thuồng cho đến nhiều năm sau.

Cũng chẳng có gã điên nào bỏ ra 222 triệu euro, phá sâu kỷ lục chuyển nhượng thế giới, hơn gấp đôi phí chuyển nhượng của Cristiano Ronaldo để đem về một cầu thủ tầm thường và khiến Barcelona căm hận cho đến tận bây giờ. Không những thế, Barca giận thì có giận mà thương thì vẫn còn thương, bởi cái tài của Neymar.

Và, một cầu thủ đã trở thành biểu tượng, trở thành siêu anh hùng của nền bóng đá vĩ đại nhất hành tinh, rồi khiến người dân cả nước xuống đường cầu nguyện sau một chấn thương kinh hoàng thì nhất định không thể bình phàm.

Betinho, người đã phát hiện ra Neymar, khẳng định: "Ném cậu ta vào một rừng gồm 200 đứa trẻ cùng lứa, Neymar vẫn có cách thể hiện sự khác biệt". Lần đầu chứng kiến Neymar chơi bóng của Betinho cũng là một câu chuyện ly kỳ. Đó là cuối năm 1998, ông đến xem một trận đấu trên bãi biển tại Sao Vicente.

Nơi đây, ông trông thấy một cậu bé gày còm chạy lên chạy xuống những bậc thang. Dáng chạy của cậu ta mới thật bất phàm, thanh thoát và ung dung như thể chạy trên đất bằng. Và rồi Betino chứng kiến Neymar chạm bóng. "Tim tôi đập liên hồi", vị tuyển trạch viên này nhớ lại. "Tôi tin là mình vừa nhìn thấy những bước chạy của thiên tài".

Trong khi đó, theo quan điểm của Xavi, Neymar thuộc mẫu cầu thủ có cả tài năng lẫn thể chất, điều chỉ thấy ở những thiên tài như Maradona, Pele, Ronaldo (béo), Messi, Neymar và Mbappe. Hẳn sẽ có ý kiến phản bác về chuyện thể chất của tiền đạo người Brazil, bởi trông anh gày còm như một que củi khô.

Vậy thì hãy nghe HLV thể lực của Santos, Ricardo Sosa phân tích: "Quả thực Neymar gầy còm, thiếu cơ bắp, nhưng kỳ thực cậu ấy rất, rất khỏe. Đôi chân cậu ấy được cấu tạo đặc biệt để chạy, để rê dắt và để lách qua đối phương. Cậu ấy thanh thoát, nhanh nhẹn và có sức bền không thể tin nổi.

Cậu ấy gần như không bao giờ mệt mỏi và có thể lặp đi lặp lại các bước chạy nhiều lần. Cậu ấy chịu được những cú va của hậu vệ. Cậu ấy ngã xuống nhưng chẳng đau đớn gì đâu!".

Rõ ràng, với phẩm chất kỹ thuật, vật lý và tài năng di chuyển, chơi bóng như thế, Neymar hội tụ đủ tố chất để trở thành một thiên tài sân cỏ, một nghệ sĩ hào hoa, khiến con tim của tuyển trạch viên phải ngưng đập và cả khán đài phải dậy sóng. Nhưng thế đã đủ chưa?

Bóng đá là một câu chuyện tập thể. Đội tuyển đẹp nhất mọi thời đại là Brazil 1970. Cho dù Pele có tài hoa đến mấy, có thể dẫn bóng từ đầu sân đến cuối sân để ghi bàn thì cũng chẳng thể làm gì nếu như không có những người đồng đội tài hoa chẳng kém như Rivelino, Tostao, Jairzinho… để rồi đoạt Cúp Vàng Jules Rimet lần thứ ba và vĩnh viễn. Nếu cô đơn mình Pele thì ĐT Brazil đó chẳng có danh hiệu mỹ miều "The Beautyful Team - Đội Bóng Đẹp".

Luôn luôn là như thế. Một cánh én nhỏ như Messi hay Neymar đều không thể kéo được một tập thể không đồng đều phẩm chất. Như đã nói ở trên, tại sao một Neymar còn kém xa Ronaldo Béo, chỉ tiệm cận tầm vóc Ronaldinho mà đã được coi là "Bảo Vật Quốc Gia"?

Bởi vì Joga Bonito của Brazil đang chết dần chết mòn, thế hệ cầu thủ tài hoa được thay thế bằng những cầu thủ công nghiệp, được đào tạo rập khuôn trong các lò bóng đá hoành tráng, quy mô và quản lý theo quy trình. Chứ không phải những sân bóng mù bụi trong khu ổ chuột hay mặt đường bê tông nóng rãy.

Cái làm nên giá trị đặc sắc của Neymar cũng chính là bi kịch của anh. Nghệ sĩ sân cỏ rơi vào phân xưởng bóng đá với những đồng đội công nhân của mình. Mà cầu thủ cần cù hiện đang là xu thế của bóng đá Brazil. Tính ngẫu hứng, sáng tạo bị thay thế bằng ý thức chiến thuật và thái độ chấp hành chỉ đạo của HLV.

Hãy nhìn cách HLV Tite sắp xếp đội hình thế nào ở Copa America 2019 khi không có Neymar để thấy phẩm chất của những người đá xung quanh Neymar là thế nào?

Đầu tiên, Roberto Firmino chiếm suất trung phong chính, chứ không phải Gabriel Jesus. Tiền đạo của Man City cũng chẳng phải diện kỹ thuật thượng đẳng gì cho cam nhưng ít ra lối chơi của anh từng khiến NHM kỳ vọng vào một "Ronaldo Béo mới", chứ không như Firmino - một tiền đạo… phòng ngự.

Firmino là mẫu cầu thủ đặc trưng của thời đại ngày nay. Không cần biết anh đá ở vị trí nào, đóng góp tích cực vào lối chơi chung của toàn đội, cụ thể là lui về bắt người, pressing chính là thước đo năng lực của anh. Firmino không hề xứng với danh từ "sát thủ" nhưng lại luôn được các HLV tân tiến ưa chuộng. Trước là Juergen Klopp và giờ là Tite.

Ở trận ra quân Copa America 2019 gặp đối thủ yếu Bolivia, Tite sử dụng Firmino đã đành, lại còn mang tới 2 tiền vệ phòng ngự Casemiro và Fernandinho cùng vào sân. Cầu thủ thi đấu hoang dã nhất, dám chịu khó cầm bóng đột phá nhất là David Neres thì lại bị đánh giá thấp nhất.

Hệ quả, Brazil đá như "cơm nguội" trước hàng thủ số đông của đối phương. Nếu không được hưởng quả penalty từ trên trời rơi xuống, Selecao còn lâu mới giành được 3 điểm.

Lối chơi đầy toan tính nhưng thiếu đột biến này nhận hậu quả nhanh chóng ở lượt trận thứ 2 khi Brazil bị Venezuela cầm chân không bàn thắng. Cả trận, Brazil chuyền bóng chính xác tới 91%. Nhưng để làm gì? Khi cứ chuyền qua chuyền lại và chẳng hề muốn mạo hiểm. Nếu không che mặt HLV, người ta còn tưởng là Pep Guardiola chứ không phải là Tite đang dẫn dắt Brazil.

Từ bao giờ niềm tự hào số 1 Nam Mỹ lại thi đấu như một đội bóng châu Âu? Cái gọi là bản sắc, phong cách, đam mê đâu còn nữa. Và đúng là chỉ khi bỏ Neymar ra, người ta mới nhìn rõ hơn về bộ mặt thật của bóng đá xứ Samba ngày nay.

Neymar là nhân vật của thời thế. Nhờ phẩm chất của một cầu thủ Brazil đúng gốc vẫn còn nên khác hẳn những cầu thủ Brazil cùng thế hệ, anh vượt trội lên giữa tầng lớp "công nhân sân cỏ áo Vàng – Xanh" như con hạc giữa bầy gà. Và nhờ đó Neymar trở nên nổi tiếng, giàu có và hư hỏng.

Khác với những nghệ sĩ tiền bối như Ronaldo Béo, Kaka, Ronaldinho… những người phải cần đến chức vô địch World Cup hay Quả Bóng Vàng thì mới bắt đầu xoa tay thu lượm tiền bạc, danh vọng và đời sống xa hoa. Bởi những thứ kia là giấy chứng nhận chất lượng uy tín.

Neymar chưa hề có Quả Bóng Vàng nào nhưng danh tiếng thì vượt xa những tiền bối và giúp anh tạo thành một thương hiệu, một kênh kiếm tiền xuất sắc. Mỗi năm, Neymar được PSG chuyển vào tài khoản khoảng 36 triệu euro - mức thu nhập tương đương với những siêu nhân như Messi và Cristiano Ronaldo.

Nhưng như vậy đã là gì, chỉ với 2 bản hợp đồng từ Santos tới Barcelona và từ Barcelona tới PSG, gia đình Neymar đã kiếm về gần 100 triệu euro. Những hạng mục kinh doanh bên ngoài mang về thêm cho siêu sao 27 tuổi xấp xỉ 30 triệu euro nữa.

Chẳng cần phấn đấu mà vẫn bơi trong biển tiền, bi kịch của Neymar chính là ở đây. Anh không có động lực để hướng về phía trước, để đột phá bản thân cũng như gây dựng lại sự nghiệp. Thời gian đáng lẽ cần đổ mồ hôi trên sân tập, Neymar dành vào những thú vui xa xỉ của mình.

Nhưng trên hết, anh đã quá quen với việc được chiều chuộng, cung phụng. Bảo vật quốc gia cơ mà, có phải công nhân bậc cao đâu? Bằng tài năng phi phàm, Neymar thực hiện những bước "đại nhảy vọt" trong sự nghiệp giữa những tiếng hoan hô của người đời, mà đó lại là thứ gây nghiện.

17 tuổi, anh được đôn lên đội một Santos. 18 tuổi, Neymar được bình chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất Campeonato Paulista (vô địch bang Sao Paulo), với 14 bàn thắng chỉ trong 19 trận. Nhờ vậy, Neymar được ví như Pele mới và cùng năm đó, được triệu tập vào ĐT Brazil.

19 tuổi, Neymar dẫn dắt Santos vô địch Copa Libertadores, danh hiệu danh giá nhất cấp CLB tại Nam Mỹ, tương đương Champions League tại châu Âu. Đúng sinh nhật thứ 20, anh ghi bàn thắng thứ 100 trong sự nghiệp. Và 21 tuổi, như đã để cập, Neymar bỏ qua Real để gia nhập Barca. Phần còn lại có lẽ không cần giới thiệu thêm.

Chính bởi sự thăng tiến ấy, Neymar nhanh chóng trở thành triệu phú bởi những bản hợp đồng quảng cáo béo bở. Thậm chí, cựu HLV Santos là Dorival Junior, người sau này sẽ bị Neymar chơi cho một vố đau còn miêu tả: "Vừa kết thúc buổi tập tại sân 1, thì bên sân 2 đã có trực thăng đợi sẵn để đưa Neymar tới Rio hoặc Sao Paulo dự sự kiện hoặc tham gia show truyền hình".

Đáng nói hơn nữa, Neymar được xem như bảo vật quốc gia. 100 năm trước và có lẽ cả 100 năm sau, chỉ Vua bóng đá Pele mới có được sự trân quý từ người dân Brazil hơn Neymar. Nhưng khác Pele, Neymar sớm tự phụ và trở nên kiêu ngạo.

Khi mới 19 tuổi, thần đồng này đã dám chỉ trích trọng tài là tên trộm ngồi trên xe cảnh sát và đạp thẳng vào người cầu thủ đối phương vì đội nhà thua trận. Đáng nói, cả hai hành vi ấy Neymar đều không phải chịu bất cứ hình phạt nào từ đội bóng chủ quản cho đến cơ quan hữu trách.

Lần hiếm hoi Neymar bị phạt là sự cố trong trận Santos gặp Atletico Goianiense. Neymar kiếm về một quả phạt đền và anh ôm lấy trái bóng tiến về chấm đá penalty. Tuy nhiên, HLV Dorival Junior lại chỉ định một cầu thủ khác đá phạt đền. Neymar quẳng bóng xuống sân và có những cử chỉ bất cần. Chưa dừng lại, anh ta còn tiến về phía ban huấn luyện để văng ra những từ ngữ khiếm nhã, tục tĩu.

Cuối cùng, Neymar chơi bóng bỡn cợt bất tuân kỷ luật trong thời gian còn lại của trận đấu. Chứng kiến cách hành xử thiếu chuyên nghiệp của "bảo vật quốc gia" ấy, đến HLV đối phương là Rene Simoes cũng phải thốt lên: "Tôi quá sức thất vọng. Chưa thấy thằng nhóc nào thô lỗ như thế. Bóng đá Brazil đang tạo ra một con quái vật!".

Trong khi đó, để trừng phạt sự ngỗ ngược của Neymar, HLV Dorival Junior quyết định treo giò nội bộ thần đồng này 2 trận. Sau trận thứ nhất, ông bị… sa thải. Chủ tịch Santos Luis Alvaro de Oliveira Ribeiro không chấp nhận việc Neymar bị treo giò tới 2 trận và nổi đóa. "Dorival đã thua", "Neymar đã thắng", "Neymar lật đổ Dorival" vân vân… là những gì báo giới Brazil đã viết.

Bởi sự nuông chiều thái quá của cả đất nước ấy, Neymar hợm hĩnh tới mức quên cả quá khứ nghèo khó mà khiêu khích một cầu thủ đối phương: "Tao là triệu phú, tao thích gì tao làm nấy!". Chưa dừng lại, thần đồng này ngạo mạn tới mức ẩu đả với đồng đội rồi bỏ tập để đi du lịch tại Qatar. Sự nghiệp của Neymar không sa lầy nhưng bởi sự nuông chiều, "Tiểu Pele" lạc lối nhiều lần.

Neymar rồi sẽ trôi về đâu khi anh vẫn chìm đắm trong cơn thác của tiền tài, sự tung hô và sự yêu chiều dành cho một "cầu thủ quốc dân"? Tương lai của anh tại PSG đang bị đặt nhiều dấu chấm hỏi bởi Neymar không đáp ứng được nhu cầu vô địch Champions League của giới chủ.

Sang Real Madrid hay Barcelona đều là những bước cờ đau đầu vì giá trị chiêu mộ và yêu cầu lương thưởng của Neymar đều rất cao. Trong khi đó, Neymar đang trôi dần về ngưỡng tam thập (hiện đã 27 tuổi), thế nên việc chiêu mộ Neymar được coi là một phi vụ đầu tư đầy mạo hiểm.

Tài năng của anh là điều không thể nghi ngờ nhưng cần có môi trường thích hợp để tài năng đó thăng hoa và đem lại vinh quang. Quan trọng hơn, thái độ của cầu thủ quyết định tất cả. Thái độ chứ không phải phong độ sẽ giúp Neymar trả lời được câu hỏi: Anh sẽ đi về đâu?

Bình luận

THỰC HIỆN:

Nội dung: Hải An - Ngọc Trung- Trần Lộc
Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh
Kỹ thuật: Đỗ Trần Linh
Một sản phẩm của Bongdaplus.vn
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x