15 NĂM CHO MỘT LỜI TỎ TÌNH
Khi được giao lại một cô học trò 13 tuổi sinh năm 1969 nhỏ bé, đen nhẻm, ông thầy trẻ gốc Hà Nội Đỗ Trọng Thịnh vào TP.HCM lập nghiệp có thể tin rằng mình sở đang sở hữu một “viên ngọc thô” chứ không thể hình dung rằng đó lại trở thành người yêu, người vợ sau này của mình. Một phần vì vị thế thầy trò, phần nữa vì khoảng cách chênh lệch tới 14 tuổi.
Cái duyên của họ có lẽ bắt nguồn từ sự đồng cảm sâu sắc của hai thầy trò với nghiệp bơi, nhất là sự đam mê và tận tâm của HLV Trọng Thịnh đến mức trong mười mấy năm dẫn dắt Oanh, anh quên mất cả chuyện riêng tư của mình.
Cùng với sự chăm lo hết mình cho sự phát triển của Oanh, anh cũng dần tự nhiên cảm thấy trái tim mình có những “nhịp đập không bình thường” với cô học trò càng lớn càng không chỉ tài năng mà còn xinh tươi, duyên dáng.
Tình cảm phải giấu kín trong lòng, có những buổi Oanh từ bể bơi về nhà rồi, Thịnh lại ngồi thẫn thờ một mình. Còn với kình ngư trẻ Kiều Oanh dù hồn nhiên, nhưng với bản tính nhạy cảm của con gái cũng đã sớm lờ mờ nhận ra những… tín hiệu mới nhưng thực sự cũng chẳng nghĩ ngợi gì.
Phải đến khi Oanh tròn 18 tuổi - thời khắc mà ông thầy là người chờ mong và chuẩn bị kỹ lưỡng nhất - HLV Thịnh mới chính thức xuất hiện trước chị với thêm tư cách mới - một chàng trai si tình.
Anh đến nhà Oanh chơi, chủ động thay đổi cách xưng hô với bố mẹ trò thành “cô chú” thay vì “anh chị” như trước, mời học trò đi uống nước, đề nghị đổi “thầy trò” thành “anh em”, rồi ngỏ lời tỏ tình. Như một hành trình dài đã đến lúc về đích, Oanh bẽn lẽn nhận lời trong niềm hạnh phúc rạng ngời của cả hai.

Gia đình hạnh phúc của nữ kỷ lục gia
VƯỢT ĐỊNH KIẾN, THẮNG ĐỊNH MỆNH
Tình yêu của họ diễn ra êm đềm, thực sự thành một động lực giúp Kiều Oanh vươn lên không ngừng trên đường bơi, ai cũng khen đó là một cặp, một mối tình đẹp nhất của làng bơi.
Nhưng mọi chuyện không hề đơn giản như thế, bởi không ít người thủ cựu hay có mâu thuẫn với HLV Trọng Thịnh coi đây là cớ để chống phá, thậm chí “phang” anh thẳng cánh, đưa ra cả các cuộc họp, quy chụp thành vấn đề đạo đức, giáo dục, đại loại sao thầy trò lại yêu nhau, hay yêu đương gì mà hơn nhau đến 14 tuổi.
Rồi ngay cả gia đình hai bên, nhất là nhà Oanh vì vốn đã không ưng về khoảng cách tuổi tác, thấy dư luận ghê quá, cũng hùa vào phản đối gay gắt. Bố mẹ Oanh sau khi can ngăn con gái không được đã “tẩy chay” thầy Thịnh ra mặt. Còn bố mẹ Thịnh bị chạm tự ái cũng kiên quyết bắt con trai thôi, vì con gái thiếu gì, đã “dạm” sẵn cho một mối ở Hà Nội.
Người đàn ông cứng cỏi Trọng Thịnh đã từng phải bật khóc bởi định kiến và định mệnh ngăn trở quá lớn có lúc khiến anh bất lực, trong khi Kiều Oanh cũng không biết làm thế nào chỉ… mặc kệ anh thầy.
Thế nhưng tình yêu đích thực, cùng lòng dũng cảm, bền bỉ đấu tranh đã giúp Trọng Thịnh - Kiều Oanh vượt qua tất cả những sóng gió, bằng chính “nguyên lý” cơ bản mà Thịnh từng phải nhiều lần thẳng thắn đấu lại với những người cố tình phản đối “quyền được yêu của một người con trai chưa vợ và một người con gái chưa chồng”. Phải đến khi lãnh đạo ngành thể thao vì cảm động và cảm phục mối tình ấy lên tiếng ủng hộ, mọi chuyện mới đột phá.
Năm 1997 khi Oanh nghỉ thi đấu, hai người mới nên duyên vợ chồng - kết thúc trọn vẹn cho mối tình đẹp nhất mà cũng sóng gió nhất của môn bơi và cả thể thao Việt Nam.

Kiều Oanh bên các học trò nhí của “lò” bơi Yết Kiêu
TỔ ẤM THỂ THAO KIỂU MẪU
Tháng 2 này cũng đúng là dịp kỷ niệm 15 năm ngày cưới của cặp uyên ương Kiều Oanh - Trọng Thịnh. Oanh nhớ lại, ngày cưới vào 25/2 của mình giản dị, ấm cúng, vui tươi, và nhận được sự quan tâm chúc mừng của cả ngành thể thao, vì ít ai nghĩ họ lại vượt qua được một hành trình giông bão đến vậy.
Hồi mới về nhà chồng, kình ngư Vàng sợ đến phát… mếu khi hoàn toàn mù tịt về nữ công gia chánh bởi nghiệp VĐV toàn ăn, ngủ, tập luyện tại CLB, thậm chí quần áo không biết giặt. Rất may, chị một phần được mẹ chồng chia sẻ, và quan trọng hơn, ông chồng vốn là một chàng trai Hà Thành tháo vát lại đóng vai người thầy hướng dẫn vợ từng li từng tí để chỉ mất nửa năm Oanh đã có thể làm tất cả một cách ngon lành.
15 năm bên nhau, họ đã vun đắp nên một tổ ấm thực sự, với thành quả lớn nhất là hai cậu con trai Minh Trí và Minh Khoa khỏe mạnh, thông minh và học giỏi. Gia đình Kiều Oanh - Trọng Thịnh mang đầy đủ những nét điển hình của cặp vợ chổng thể thao: môn bơi hiện diện khắp nơi trong cuộc sống, xa nhau liên miên vì những chuyến tập huấn thi đấu. Trong đó, có 2 năm, Oanh phải xa chồng con dẫn quân sang Australia rèn giũa.
Có ông chồng trước đó là thầy “ruột” là tiến sĩ nên Kiều Oanh cũng rất ham học hỏi và cầu tiến. Sắp tới, chị cũng sẽ hoàn thành khóa học để trở thành tiến sĩ thể thao như chồng. Anh Thịnh (hiện là cán bộ của trường ĐH TDTT TP.HCM) vẫn hay nói vui mà rất thật rằng, số bằng cấp các loại của vợ, nhất là bằng quốc tế về bơi, đã gấp mấy lần chồng, còn sự thăng tiến thì hơn hẳn. Hiện, Kiều Oanh đang là phó giám đốc của Yết Kiêu - Trung tâm bơi lội truyền thống và lớn nhất Việt Nam.
Từng từ chối xuất cảnh sang Mỹ
Năm 1982, khi tài năng của Kiều Oanh bắt đầu nở rộ, gia đình chị quyết định xuất cảnh sang Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình. Cả nhà chị đã thống nhất, đồng thời xúc tiến các thủ tục cần thiết trước khi thông báo tới cô con gái rượu. Nhưng Kiều Oanh đã nằng nặc đòi và xin cả nhà ở lại Việt Nam, vì chị chỉ yêu và thích ở quê nhà, lại đang mê mải đường bơi xanh.
Cuối cùng, chiều theo ý của cô con gái cưng, cả nhà Kiều Oanh đã quyết định hủy bỏ hành trình, ở lại gắn bó với quê hương đến tận bây giờ. Và nhờ thế, bơi Việt Nam mới có được một tên tuổi Kiều Oanh lẫy lừng như thế. Hồi đó, hành động của gia đình, cùng ý thức của Oanh đã được hoan nghênh nhiệt liệt, và có tác động xã hội lớn.
Kỷ lục độc nhất vô nhị: Một giải giành 14 HCV
24 năm đã trôi qua song kỳ tích giành 14 HCV của Kiều Oanh tại Đại hội TDTT toàn quốc 1990 vẫn là một cột mốc độc nhất vô nhị của bơi và thể thao Việt Nam, thậm chí ngay cả trên bình diện quốc tế.
Câu thành ngữ thể thao “Xuống nước là có Vàng” được ra đời chính từ đây khi Oanh đăng ký dự 14 cự ly và giành 14 HCV, trong đó phá tới 5 KLQG, khiến cho ngành thể thao phải lập tức thay đổi điều lệ khống chế số nội dung tối đa mà một kình ngư được tham gia.
Kiều Oanh cũng là người duy nhất từng giữ tới 13 KLQG của bơi Việt Nam trong 1 năm, có kỷ lục tồn tại đến 19 năm mới có người phá được. Chị cũng từng 2 lần giành quyền tham dự Olympic.