CHIẾC ÁO SỐ 10 TÌM ĐƯỢC CHỦ NHÂN
Thời gian đầu tôi chỉ chơi cho đội trẻ và ghi bàn đủ nhiều để thuyết phục Santos ký hợp đồng với mình dù việc này không thật sự hợp pháp bởi vì tôi còn quá nhỏ. Đấu thêm vài trận cùng đội trẻ nữa, cánh cửa lên đội một của tôi đã mở ra. Hôm ấy Santos có một trận đấu tập ở thành phố Cubatao lân cận, nhưng hầu hết các thành viên đều không thể tham dự nên tôi được HLV cho thi đấu thử. Đấy là một trận đấu thành công mỹ mãn khi tôi ghi 4 bàn trong chiến thắng 6-1 của đội nhà.
Sau hôm ấy, các đàn anh trong đội đã đối xử với tôi khác đi. Truyền thông tại Santos cũng bắt đầu chú ý khi viết về một cậu bé từ đội trẻ nhưng có thể làm được những điều tuyệt vời với quả bóng. Tin tức nhanh chóng loan đi, khiến mỗi buổi tập của Santos phải có đến 10.000 người theo dõi, gấp đôi con số bình thường.
Ngày 7/9/1956 là ngày Quốc khánh của Brazil, cũng là ngày tôi được chơi trận đấu chính thức đầu tiên cho Santos. Đối thủ là Corinthians, không phải là Corinthians nổi tiếng mà là một đội bóng nhỏ hơn, trùng tên và đến từ Santo Andre, Sao Paulo. Ngay khi tôi được tung vào sân thì Pepe, một trong những cầu thủ Santos hay nhất lúc ấy, tung một cú sút. Thủ môn đỡ được và tôi lao đến sút bồi thành bàn.
Đấy chính là bàn thắng chính thức đầu tiên của tôi trong sự nghiệp, khởi đầu cho một bộ sưu tập với hơn 1.280 bàn sau đó. Tôi chạy khắp sân trong niềm hân hoan khó tả. Kết thúc trận đấu, ngay cả CĐV Corinthians cũng vỗ tay cho tôi. Cầu thủ của họ cũng rất dễ thương, họ đến chúc mừng tôi.
Đấy là một màn ra mắt quá thành công. Truyền thông Santos mở chiến dịch kêu gọi CLB sử dụng tôi nhiều hơn nữa. Dân chúng ở thành phố cảng này cũng dần nhận ra tôi và tự hỏi bao giờ thì tôi sẽ chiếm được một suất đá chính. Về phần mình, tôi sẵn sàng chờ đợi.
Khi ấy tôi khởi nghiệp ở vị trí tiền vệ tấn công, vị trí của một “số 10”. Nhưng ở vị trí ấy Santos đã có Del Vecchio và Vasconcelos, chính là người đã vòng tay tay qua vai và chào đón tôi trong ngày đầu tiên tôi đến với Santos.
Một buổi chiều nọ, Santos thi đấu với Sao Paulo tại giải vô địch. Vasconcelos có một pha va chạm rất nặng và bị gãy chân. Biến cố ấy đã mang lại cho tôi một suất đá chính dù thật lòng tôi không muốn mình được thi đấu nhiều hơn theo cách này một chút nào. Khi mùa bóng tái khởi tranh vào đầu năm 1957, tôi đã được giao một suất đá chính và không bao giờ trả nó lại cho ai nữa.
BIỆT DANH VÔ NGHĨA
Có hàng trăm, hàng nghìn câu chuyện điên rồ xung quanh nguồn gốc của cái tên Pele. Có người nói trong tiếng cổ nó có nghĩa là bóng đá, nhưng thời cổ đại thì làm gì đã có bóng đá. Trong tiếng Do Thái, Pele có nghĩa là “kỳ quan”, nhưng những người theo lý thuyết này không giải thích được vì sao một cậu bé ở Bauru lại mang biệt danh này.
Một lý thuyết khác như sau: các nhà buôn Thổ Nhĩ Kỳ đi ngang qua Bauru và nhìn thấy tôi vô tình chạm tay chơi bóng. Vì thế họ đá nói “Pe”, tức là “chân” trong tiếng Bồ Đào Nha và “Le”, tức chữ “ngu ngốc” trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Quá khiên cưỡng. Vậy mà những cách giải thích ấy vẫn rải rác trong những cuốn sách được viết về tôi.
Vậy đâu mới là sự thật?
Sự thật là: chả có sự thật nào cả. Không một ai có thể biết được nguồn gốc của chữ Pele ấy. Nó là một từ hoàn toàn vô nghĩa. Chỉ có một cách giải thích được xem là hợp lý hơn cả, được ông chú Jorge của tôi sau này kể lại. Như tôi từng nói khi còn bé tôi phải chơi bóng ở vị trí thủ môn bởi nếu đá ở vị trí khác, tôi luôn ghi được nhiều bàn và đội đối phương sẽ chán nản bỏ về.
Ngày ấy, trong đội bóng bán chuyên của bố tôi có một thủ môn tên Bile. Bọn trẻ khi chơi bóng với tôi thường xuyên chọc ghẹo: “Xem kìa, nó cứ nghĩ mình là Bile cơ đấy”. Chữ Bile ấy một thời gian sau chuyển hóa thành chữ Pele và sau đó, chữ Pele này đã theo tôi đi suốt cả cuộc đời.
Suốt một thời gian dài, tôi rất ghét cái tên ấy vì nó là một từ hoàn toàn vô nghĩa. Tôi thích cái tên Edson mà bố mẹ đặt cho mình vì nó dựa theo tên của nhà khoa học Edison. Tôi đã từng đánh nhau không biết bao nhiêu lần vì đám bạn cứ gọi mình là Pele. Chúng thà gọi tôi với cái tên ở nhà là Dico còn hơn. Nhưng rồi tôi dần học cách chấp nhận đó, nhất là khi cái tên Pele liên tục vang xa trong khoảng thời gian khởi nghiệp ở Santos.
“BỐ KHỈ” CÁI TÊN PELE
Một buổi chiều nọ, tôi tìm đến văn phòng của HLV tại Santos để gọi điện thoại ké về Bauru cho bố mẹ.
Bố tôi nói với giọng hào hứng hết sức bên kia đầu dây:
- Dico, con nghe tin chưa. Bố nghĩ con được gọi vào đội tuyển quốc gia rồi đó.
Tôi hét lên với tất cả sự sung sướng, thậm chí còn làm một điệu nhảy nho nhỏ. Điều này có nghĩa là tôi sẽ được sang châu Âu dự World Cup 1958 dù chỉ mới 17 tuổi mà thôi. Nhưng bố tôi lại nói:
- Khoan mừng đã con trai. Ta đã nói là chỉ “nghĩ” thôi à.
- Ý bố là sao?
- Bố nghe đài phát thanh, họ công bố danh sách dự World Cup trên đấy. Bố không biết liệu mình có nghe nhầm giữa tên Pele và Tele hay không nữa. Bố nghĩ con nên đến gặp các HLV để hỏi cho chắc.
Tele là một cầu thủ của Fluminense, cũng nằm trong danh sách có thể được triệu tập.
Tôi gác máy và cố chạy đi tìm ai đó ở CLB có thể giải đáp thắc mắc cho mình. Cuối cùng tôi gặp được Modesto Roma, chủ tịch CLB Santos khi ấy. Khi nghe tôi hỏi về việc này, ông đã phá lên cười:
- Haha. Đấy tất nhiên là Pele rồi, con trai ạ. Ta nhận được cuộc gọi vài giờ trước, nhưng chưa tìm thấy con để báo tin này. Chúc mừng nhóc, tuyển thủ quốc gia Brazil đấy, oai phết.
Tôi sung sướng, nhưng cũng không quên nguyền rủa trong đầu: bố khỉ cái biệt danh Pele!
Vasconcelos (ảnh) là một quý ông đích thực. Anh ấy chấp nhận việc ấy và chúc mừng tôi. Nhiều năm sau, khi phóng viên hỏi về việc này, Vasconcelos đã nói: “Chiếc áo số 10 của Santos luôn là của tôi cho đến khi một cậu bé da đen xuất hiện, người sau này đã đi vào lịch sử với cái tên Pele”.
(Còn nữa)