Dẫu đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng nếu ai gặp Lý Hùng của thời điểm hiện tại, chắc vẫn sẽ gọi anh là “Bạch mã hoàng tử”. Bởi anh vẫn giữ được vẻ lịch lãm, điển trai của ngày nào. Điều đó là nhờ công phu khổ luyện võ thuật.

SINH RA TỪ CHỐN VÕ ĐƯỜNG
Lý Hùng sinh ra và lớn lên trong gia đình có lò võ nổi tiếng mang tên Lý Huỳnh. Ba của Lý Hùng tên thật là Lý Kim Tuyền hay còn gọi là Lý Huỳnh. Trước năm 1975, ông từng làm mưa làm gió trên võ đài quyền Anh và võ tự do. Lý Huỳnh là một người trầm tính nhưng khẳng khái, mạnh mẽ và tinh thần phóng khoáng đúng chất Nam bộ.
Chính vì thế, khác với nhiều đứa trẻ cùng lứa, Lý Hùng sinh ra trong võ đường. “Từ năm 6 tuổi, tôi đã được ba huấn luyện võ thuật một cách nghiêm khắc. Trước khi học võ phải rèn luyện sức khỏe, tập đứng tấn, chạy bộ, nhảy dây…
Sau lớn hơn một chút, cứ đi học về là tôi lại lao vào võ đường tập từ 3 giờ chiều đến 7 giờ tối, cho đến khi mồ hôi ướt đầm như tắm, thân thể rã rời mới thôi. Học võ phải tập luyện rất nhiều và tập luyện một cách có kỷ luật”- Lý Hùng kể lại.
Được cha dạy dỗ và dìu dắt trên con đường võ thuật, nghệ thuật, chính vì vậy mà Lý Hùng vẫn luôn nể sợ ba. Trong tâm trí của Lý Hùng, ba vừa là ba, lại vừa là thầy khó tính. Lý Hùng vẫn nhớ mãi, những lần trốn ba đi bơi, hoặc đi chơi đêm về muộn bị ba la, cấm đi mà không dám cãi một lời. Nhưng nhờ vậy, anh lại cảm thấy gắn bó với ba hơn.
“Tôi cảm thấy rất may mắn khi lớn lên trong võ đường. 6 anh chị em tôi đều được sớm làm quen với tinh thần võ đạo, sinh hoạt theo kỷ luật của con nhà võ. Vì vậy chúng tôi đều khỏe về thể chất và vững về tinh thần để giải quyết mọi tình huống trong cuộc sống.
Tôi tự thấy võ đạo rất tốt, giúp con người có ý chí, nhanh vượt qua những cơn buồn nản, biết kiềm chế sự nóng nảy, ôn hòa trong đối nhân xử thế, bình tĩnh xử lý mọi sự việc và kiên trì vượt khó khăn”, Lý Hùng nói.
Lý Hùng cho biết ngày còn nhỏ anh đam mê võ thuật hơn. Anh luyện môn võ Vovinam và võ Thiếu lâm. Lý Hùng vẫn tâm đắc rằng học võ để cứu người hơn là đánh người và anh đã thực thi điều đó khá nhiều như cách mà chúng ta vẫn thấy trong những bộ phim chưởng về anh hùng hảo hán.
Hơn nữa, theo Lý Hùng, điện ảnh là cách tốt nhất để quảng bá về võ thuật Việt Nam. Anh cũng tự hào cho rằng võ thuật Việt Nam không hề thua kém bất cứ nền võ công nào khác.
“THÀNH LONG CỦA VIỆT NAM”
Thấy con tập võ vất vả, mẹ Lý Hùng rất lo lắng. Bà đã khuyên anh rằng thôi đừng theo nghề võ nữa mà đi học nghề diễn viên. Vậy là Lý Hùng thi vô khoa Diễn viên khóa 1 Trường Sân khấu Điện ảnh TP.HCM.
Học trong trường khi đã là diễn viên nổi tiếng, Lý Hùng và Diễm Hương cũng vẫn phải đi thực tập làm diễn viên quần chúng như bất cứ bạn đồng niên nào. Các đạo diễn khi đó đành phải đẩy Hùng và Hương ra phía sau để đỡ “mang tiếng” đưa diễn viên nổi danh vào vai quần chúng.
Nhờ phẩm chất con nhà võ và khả năng diễn xuất do được học hành, đào tạo bài bản mà một số các đạo diễn đã giao cho Lý Hùng những vai diễn hành động, thường xuyên phải đánh đấm trên màn ảnh... “Tất cả các cảnh quay đánh võ, tôi đều diễn thật sự chứ không quay đúp và dùng cascadeur” - Lý Hùng nói.
Thập kỷ 1990 là thời kỳ hoàng kim của dòng phim thị trường ăn khách ở Việt Nam. Thời điểm đó, anh đóng nhiều thể loại phim khác nhau, trong đó dòng phim võ thuật cũng là điểm nhấn đáng nhớ trong đời diễn viên của anh. Khi đó, rất nhiều khán giả Việt Nam mê phim chưởng bộ Hồng Kông. Năm 1993, một nhà sản xuất phim người Mỹ gốc Hoa mời anh qua Hồng Kông đóng phim.

Anh tham gia tất cả 6 phim của Hồng Kông như: Hồng hải tặc, Cảnh sát đặc khu… hợp tác cùng nhiều ngôi sao đình đám như Lê Tư, Mạc Thiếu Thông, Thang Chấn Nghiệp... Vì thế mà Lý Hùng được báo chí ưu ái gọi “Thành Long của Việt Nam”.
Theo Lý Hùng, để trở thành một diễn viên điện ảnh thực sự đã khó và ngôi sao võ thuật sẽ lại càng khó hơn. Muốn đóng được phim võ thuật, người nghệ sĩ phải kết hợp hài hòa hai yếu tố: diễn xuất và hành động.
Ngoài là diễn viên võ thuật, Lý Hùng còn đảm nhận vai trò chỉ đạo võ thuật trong các bộ phim hành động. Kỷ niệm mà anh nhớ nhất chính là đấu võ với ba mình trong phim “Người không mang họ”. Anh vào vai Trương Sỏi, còn Lý Huỳnh thủ vai chủ đoàn Sơn Nam mãi võ.
Ở cảnh quay tại Vũng Tàu, hai nhân vật này phải tỉ thí. Khi đó, đạo diễn nói, Lý Hùng đánh người khác thì mạnh thế mà sao lại đánh ba mình nhẹ và yếu thế. Lý Huỳnh phải bảo rằng, con cứ ra đòn đại đi, bố võ sư dạy con có gì mà phải sợ. Sau đó Lý Hùng mới dám tỉ thí thực sự.
Miệt mài luyện võ, nên trên người Lý Hùng có rất nhiều sẹo. Năm 17 tuổi, khi vào vai tướng cướp Trương Sỏi, anh bị đạo diễn yêu cầu dùng tay không chặt bay cổ một chai rượu thật. Sau cảnh này anh phải khâu 9 mũi ở tay. Có lần diễn cảnh bay qua xe ô tô, bị đập vào kính cũng phải khâu ở đùi.
Sống trong niềm đam mê võ thuật, nên Lý Hùng và cùng hãng phim gia đình làm những bộ phim hành động, lịch sử. Bộ phim lớn nhất của gia đình Lý Huỳnh với chi phí lên tới 12 tỷ đồng đó là bộ phim “Tây Sơn hào kiệt”.

Phim được dựng công phu với nhiều đại cảnh, nhiều pha hành động, với 20.000 diễn viên quần chúng, 100 voi, 100 ngựa và 200 võ sư, diễn viên đóng thế. Trong bộ phim này, Lý Hùng vào vai Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ và là đạo diễn võ thuật và chỉ đạo diễn xuất.
Nhìn Lý Hùng ướt đẫm mồ hôi, giọng nói đã khản đặc, vẫn cầm loa tay chỉ đạo từng màn đánh võ, rồi sau đó lại vào vai diễn chính, nhiều người thực sự nể phục nhiệt huyết, đam mê và cường độ làm việc của anh.
THÔNG TIN THÊM:
Bạn thân của nhiều cầu thủ
Lý Hùng chơi khá thân với nhiều cầu thủ bóng đá Việt Nam như Văn Sĩ Thủy, Văn Sĩ Hùng, Lê Huỳnh Đức, Trần Công Minh. “Có đợt ra Hà Nội công tác, tôi gặp Minh Hiếu ở khách sạn. Hai anh em làm 2 ly bia mừng tao ngộ” - Lý Hùng kể. Trong các trận đấu của Đội tuyển Việt Nam trên sân Thống Nhất (TP.HCM), hai cha con Lý Huỳnh - Lý Hùng cũng luôn có mặt trên khán đài A theo dõi, cổ vũ.
Mê tập gym và bơi lội
Những ngày không chạy show đi hát hay đóng phim, Lý Hùng dùng thời gian để tập gym và bơi lội. Lý Hùng bơi giỏi cả 4 kiểu gồm bơi ếch, bơi sải, bơi ngửa, bơi bướm. Thú vui lớn nhất của anh ở nhà chính là chơi với con chó nhỏ lông xù và đàn cá dĩa trong bể. Lý Hùng chăm cá dĩa tài đến mức, người bán cá phải thốt lên: “Chưa thấy ai nuôi cá giống Hùng, cả năm trời mà cá vẫn sống”.