Đây là chuyên mục trào phúng của Anh Hùng Bàn Phiếm, các dữ kiện trong bài có thể là sự thật hoặc cũng có thể là sự tưởng tượng trong phút cao hứng của người viết. |
Có thể khẳng định, Man United bây giờ chính là đại biểu xứng đáng nhất của giai cấp công nhân và tầng lớp người lao động ở giải Premier League cũng như tại châu Âu. Sự hình thành của cảng biển Manchester đã khiến cho vị thế độc quyền của cảng biển Liverpool bị phá vỡ, các nguồn việc ồ ạt chuyển về Manchester khiến cảng Liverpool lâm thảm cảnh kinh tế đi xuống, thu nhập suy giảm, thất nghiệp tăng.
Đấy mới chính là nguyên nhân khiến người Liverpool thù hận người Manchester, chứ không phải số lượng cúp giải VĐQG Anh bởi cúp đâu có mài ra ăn được như số lượng tàu bè cập cảng Manchester mỗi ngày. Nhờ đó, Manchester trở thành thành phố công nghiệp mới của nước Anh, sau này biến hóa thành trung tâm xuất nhập khẩu, vận tải đường biển lớn của cả châu Âu.

Young, người công nhân không biết già của Man United
Thế nên, không có gì khó hiểu khi lực lượng công nhân trong thành phần của đội bóng Man United ngày một đông lên và vững mạnh hơn. Ở tuyến trên có anh công nhân Lukaku thuộc tổ bốc vác từng 10 lần nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua sút bóng lên trời. Xế xế phía dưới là Ashley Young, đội trưởng đội chuyền bóng vào chân đối phương với kỹ năng loay hoay xử lý cực kỳ điệu nghệ.
Nhưng nơi tập trung nhiều công nhân nhất của Man United chính là hàng phòng ngự với những lá chắn tôn mát vốn lừng danh “vai thép chân đồng” như Chris Smalling, Phil Jones, Victor Lindelof, Eric Bailly, Marcos Rojo…
Nói những đôi chân của họ là đồng là hoàn toàn chính xác. Mỗi khi đối phương lừa bóng là lập tức chân hóa đồng, mặc kệ đối thủ xỏ háng, xâu kim hay lừa qua cả dàn hậu vệ xếp hình ống hút đu đủ. Hoặc họ sẽ tung những cú tắc khiến đối phương phải nằm sân như kiểu xe sedan đối đầu với xe container vậy. Hoặc khi bóng chạm họ liền văng ra cả chục mét.

Smalling - Jones, những anh công nhân kiểu mẫu cho De Gea
Những chàng công nhân của Man United chính là niềm cảm hứng của cả nền bóng đá. Bởi cứ mỗi cuối tuần, được xem họ thi đấu là tinh thần thoải bằng mấy chục lần đi xem Trấn Thành cù nách khán giả trên truyền hình hay hồi hộp như chờ đợi kết quả đám Avengers + họ hàng đại chiến gã Thanos da tím cằm chẻ nhiều múi.
Với một đội bóng có truyền thống công nhân như vậy, những nghệ sĩ không có đất diễn. Để tồn tại được, họ buộc phải tiến hóa thành công nhân, như những gì Mata hay De Gea đang thực hiện. Những mùa trước, De Gea bay như nghệ sĩ ballet để bảo vệ khung thành, khiến cho đám công nhân Smalling được rảnh việc. Mùa này, cảm thấy quá lạc lõng khi lực lượng công nhân ngày càng đông nên De Gea quyết định đứng vào giai cấp này.
Càng thi đấu, De Gea càng mắc nhiều sai lầm ngớ ngẩn, cụ thể như pha ói bóng để Chelsea ập vào gỡ hòa mới đây. Khi De Gea là nghệ sĩ, chỉ cần anh mắc sai lầm nhỏ là bị chê trách, còn bây giờ, khi là công nhân, De Gea tha hồ sơ sẩy mà chẳng bị ai nhắc nhở. Hê hê hê, công nhân mà, sai lầm chút có sao, có phải nghệ sĩ bắt gôn đâu?

Chúc mừng Ngày lễ Lao Động, De Gea
Thế nên, De Gea đã thấy sự thiêng liêng của giai cấp lao động, chỉ ăn tập, thi đấu và bắt bóng theo kế hoạch, theo mặt bằng chung của toàn đội. Cần cù sẽ bù thông minh, chăm chỉ sẽ thay kỹ nghệ, ngoan ngoãn thì sẽ được tăng lương. Thế nên tại sao phải làm nghệ sĩ ở một nơi đầy rẫy công nhân và công nhân được coi là người cầm lái vĩ đại chứ không phải nghệ sĩ?
Mọi người đừng trách nhầm De Gea nữa nhé!