Bóng Đá Plus trên MXH

Big story
Angela Merkel, con gái của mục sư và chị gái của Bundesliga
 

Angela Merkel, con gái của mục sư và chị gái của Bundesliga

Khi châu Âu nằm xuống, nước Đức lại đứng lên. Nước Đức đã đi đầu trong việc giải cứu nguy cơ vỡ nợ của nội khối, đi đầu trong việc mở cửa biên giới đón người tị nạn, đi đầu trong quá trình xử lý hậu quả Brexit, và bây giờ, họ lại đi đầu trong việc đưa bóng đá trở lại sân cỏ bất chấp bóng ma COVID-19. Họ làm được như thế nhờ trái tim của con gái một vị mục sư, chị gái của bóng đá Đức - Thủ tướng Angela Merkel.
 

Angel Merkel là con gái của một vị mục sư Tin Lành vùng Tây Bắc nước Đức. Năm 1954, khi bà Merkel chào đời, cả gia đình chuyển sâu vào Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức), ngược với dòng người chạy sang Tây Đức. Năm 1957, gia đình bà định cư ở Templin, thị trấn nhỏ vùng nông thôn Brandenburg.

Tại đây, mục sư Horst Kasner quản nhiệm một nhà thờ ở khu Waldhof, rìa thị trấn Templin. Thời nhỏ, cô bé Angela Kasner học giỏi và hay dành thời gian để chăm sóc các khu vườn cũng những người khuyết tật ở Waldhof. Kể từ ngày ấy, lòng từ bi và trắc ẩn với con người đã được ươm mầm trong trái tim Thủ tướng Đức thứ chín kể từ Thế chiến II.

Gia nhập đảng Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) từ năm 1990 và đến năm 2007, bà trúng cử ghế Thủ tướng. Sự thay đổi liên tục, như các nhà sử học nêu danh, cũng là công việc của Merkel. Trong 15 năm, bà đã giám sát một dự án chính trị đã tái định vị CDU nổi tiếng bảo thủ thành đảng của trung tâm tiến bộ và đáng kính trọng. Đó là một sự chuyển đổi mạnh mẽ.

Chủ nghĩa bảo thủ xã hội chạy sâu vào Đức. Ví dụ như tội hiếp dâm trong hôn nhân chỉ bị hình sự hóa vào năm 1998. Dưới thời Merkel, CDU đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Merkel đã trở thành một nhà lãnh đạo của thế giới về vấn đề môi trường và nhân đạo.

Dưới thời của Thủ tướng Angela Merkel, nước Đức đã lấy lại sự vĩ đại của mình trước Thế chiến II, nhưng đó là một nước Đức hùng mạnh, nhân bản và văn minh. Khi châu Âu chìm trong cơn suy thoái và bóng ma của những quốc gia vỡ nợ như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… bà Merkel chính là nhân vật chèo chống châu Âu thoát khỏi thảm họa chia rẽ và tan rã.

Tương tự, khi nước Anh nhất quyết Brexit, để lại gánh nặng tài chính đổ dồn lên nước Đức (Đức và Anh là hai thành viên EU đóng góp tài chính lớn nhất toàn khối), Thủ tướng Merkel cũng ở trong nhóm đầu não xử lý sự việc và đảm bảo tính toàn vẹn của EU cho dù không còn Anh quốc.

Một quyết định khác của Thủ tướng Merkel cũng cho thấy một nước Đức dũng cảm và nhân văn. Trong cuộc khủng hoảng nhân đạo bởi cuộc nội chiến Syria năm 2015, hàng triệu người di cư đã đổ về châu Âu và bị ngăn chặn bởi những hàng rào dây thép gai, tạo nên một thảm họa nhân đạo nghiêm trọng.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Merkel là lãnh đạo châu Âu đầu tiên mở cửa đất nước, đón hơn một triệu người tị nạn vào Đức, tạo sự khuyến khích cho các quốc gia châu Âu khác hành động tương tự. Hành động này bị nhiều người chỉ trích sẽ tạo nguy cơ khủng bố lớn nhưng bà Merkel không hề hối hận. Hai năm sau, Thủ tướng Merkel vẫn tuyên bố rằng, nếu phải làm lại, bà vẫn đưa ra quyết định đó.

Vị thế của nước Đức đã lên rất cao sau 3 nhiệm kỳ của nữ Thủ tướng này. Họ luôn đi đầu trong khủng hoảng và là lá cờ đầu cho châu Âu nói riêng và thế giới nói chung. Ngay tại đại dịch COVID-19, nước Đức cũng là một tấm gương sáng trong công xử lý dịch bệnh.

Merkel là một Thủ tướng Đức được biết đến hơn bao giờ hết bởi sự khoan dung và chủ nghĩa quốc tế. Không chỉ bởi vì bà thường xuyên đưa ra chính sách mở cửa cho người tị nạn, mà còn nhờ bảo vệ quyết liệt quan điểm Christian Wuff rằng "Đạo Hồi thuộc về nước Đức".

Tờ Der Spiegel đã từng nhận định: "Merkel tiếp cận chính trị như thể bà đang cố gắng thoát khỏi những cơn phát ban. Bà nổi tiếng cai trị bằng sự đồng thuận, ví dụ như ở các dự án năng lượng, người tị nạn và các chính sách kinh tế vĩ mô, bà sẵn sàng thay đổi 180 độ nếu cảm thấy không được công chúng ủng hộ".

Điều đó, theo nhiều cách, là bí mật thành công của bà, một khả năng tiếp cận thị trường đáng kinh ngạc, từ đó kiên định biến đảng của mình thành một chính đảng như một chính đảng duy nhất. Các cố vấn của bà gọi đó là "sự giải trình bất đối xứng". Martin Schulz gọi đó là một cuộc tấn công vào nền dân chủ.

Cho dù, trong nhiệm kỳ tới, chúng ta sẽ có thể không thấy Merkel trên chính trường nước Đức, châu Âu và thế giới nữa, nhưng chúng ta vẫn phải nghiêng mình trước di sản của nữ nhân tuyệt vời này để lại. Những di sản đó đã biến nước Đức thành lá cờ đầu của thế giới, nhất là trong những thời điểm khủng hoảng, nguy cấp và mọi giá trị bị đảo lộn.

Nhưng trên hết, những di sản đó được hình thành bằng trái tim trắc ẩn của con gái một vị mục sư dành cho công cuộc phụng sự con người, phụng sự nước Đức và phụng sự chủ nghĩa quốc tế. Thành tựu của nước Đức trước đại dịch COVID-19 trong tương quan so sánh với các quốc gia châu Âu hùng mạnh khác như Anh, Tây Ban Nha, Italia… đã cho thấy rõ điều đó.

 

Cũng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người rất quan tâm đến bóng đá Việt Nam và ĐT Việt Nam, Thủ tướng Angela Merkel cũng vậy, đồng thời bà cũng có tình bạn chân thành với HLV ĐT Đức Joachim Loew.

Bà thường mời Loew dùng bữa với mình mỗi khi có thời gian rảnh rỗi. Khi đó, vị thuyền trưởng đẹp mã của Die Mannschaft lại gọi món thịt xông khói ăn cực hợp với khoai tây chiên. Đây là món tủ của đầu bếp phục vụ tại văn phòng Thủ tướng Merkel.

Trong bữa ăn, họ cũng trò chuyện về những mối quan tâm chung: Brexit, Hy Lạp vỡ nợ, người tị nạn và bóng đá. Nói cách khác, nó không chỉ là trò chuyện lịch sự. Loew trở thành HLV ĐT Đức năm 2006, chỉ một năm sau khi Merkel trở thành Thủ tướng.

Trong bóng đá cũng như trong chính trị, 15 năm qua đã chứng kiến ​​nước Đức mới mẻ, khác xa những giá trị cũ. Trên cỗ xe đưa nước Đức đến với chân trời mới đó, trên ghế xà ích là hai gương mặt thường xuyên xuất hiện trên các khán đài: Joachim Loew và Angela Merkel.

Merkel say mê bóng đá, điều đó không phủ nhận được. Bà thường xuyên tham dự các giải đấu có sự góp mặt của ĐT Đức. World Cup 2010 tại Nam Phi, EURO 2012 tại Ba Lan và Ukraine, World Cup 2014 tại Brazil - và đó là năm mà bà xuống sân để trao huy chương vô địch cho những đứa em, những đứa con của mình.

Thậm chí, sau trận chung kết World Cup 2014, Thủ tướng Merkel còn vào phòng thay đồ của ĐT Đức để uống nước và trò chuyện với thày trò HLV Joachim Loew. Điều này đã để lại ấn tượng mạnh trong lòng từng thành viên của nhà vô địch thế giới năm 2014. Họ cảm thấy như sau khi trở về từ chiến trường, có một bà mẹ hoặc chị gái ân cần chào đón, lau từng giọt mồ hôi, xuýt xoa mỗi vết thương.

Ngay cả ở World Cup 2018, cho dù những chuyên gia chính trị và cả bản thân Thủ tướng Merkel đều thấy rằng, việc đến nước Nga có thể ẩn chứa nhiều độc hại về mặt chính trường, nhưng một lời mời từ nước Nga dành cho bà và nguyện vọng của 69% dân Đức muốn bà tới cổ vũ đội tuyển đã nói lên tất cả.

Phải có trái tim của một người chị gái thì bà Merkel mới thản nhiên bắt tay với một Mesut Oezil gần như khỏa thân tại khu huấn luyện của ĐT Đức tại Nam Phi năm 2010. Bà am hiểu và say mê bóng đá thực sự, không chỉ coi đây như một công cụ chính trị để đánh bóng tên tuổi giống những chính trị gia đồng cấp như Tony Blair. Và bóng đá cũng dành cho Merkel một sự tôn trọng lớn.

Khi bóng đá toàn cầu bị phong tỏa bởi đại dịch COVID-19, đã có nhiều lựa chọn được thực hiện. Bỉ, Pháp, Hà Lan đã kết thúc ngay các giải đấu của mình, chọn phương thức an toàn nhất. Trong khi đó, Anh, Italia và Tây Ban Nha vẫn cứng cỏi tuyên bố sẽ thực hiện việc đưa bóng đá trở lại, nhưng chỉ ở mức độ chung chung và đầy phụ thuộc vào yếu tố khách quan.

Một lần nữa, Thủ tướng Angela Merkel và nước Đức lại đứng lên phất ngọn cờ đầu. Tự tin vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của mình và ý thức kỷ luật đã trở thành đặc điểm cơ bản của người Đức, bà Merkel là chính trị gia duy nhất cho đến lúc này ở châu Âu và thế giới "bật đèn xanh" cho Bundesliga trở lại.

Ngày 16/5, Bundesliga 2019/20 đã chính thức tái khởi tranh với trận cầu đinh Dortmund - Schalke. Các CLB vẫn sẽ được thi đấu trên sân nhà chứ không phải dùng sân trung lập, giải pháp vốn đang gây tranh cãi tại Premier League.

Một lần nữa, cả châu Âu với các đại gia hùng mạnh như Premier League, La Liga, Serie A đang nín thở, to mắt nhìn về nước Đức, cầu nguyện cho mọi việc được hanh thông, an toàn và tốt đẹp. Có như thế thì ba giải đấu mới có cơ sở và hy vọng để trở lại, nếu không sẽ phải đi theo con đường của Ligue 1.

Tại sao bà Merkel lại là người chủ động cấp giấy phép cho Bundesliga trở lại? Phải chăng đó là quyết định của một chính trị gia đang bước vào "hoàng hôn nhiệm kỳ"? Không, quyết định đó xuất phát từ sự tự tin về phẩm chất người Đức trong những thời điểm khủng hoảng, biến đất nước này thành đầu tàu cho cả lục địa như đã xuất hiện nhiều lần trong suốt bề dày lịch sử.

Nước Đức có nền khoa học công nghệ tiên tiến, sức mạnh tài chính và tính kỷ luật cao, và đó đều là những vũ khí lợi hại để chống lại virus Corona và tác động do nó gây ra. Đó chính là cơ sở để Thủ tướng Merkel đưa ra một quyết định khiến không chỉ bóng đá Đức mà còn cả bóng đá Anh, TBN, Italia vui mừng.

Trên hết, với tình yêu bóng đá luôn cháy bỏng, trên cương vị nguyên thủ quốc gia, bà Merkel biết người dân của mình cần gì, nền bóng đá của mình cần gì, để đưa ra một "giải trình bất đối xứng" khác.

Hy vọng, ngay ở tình thế nguy nan này, khi dũng cảm đứng lên phất lá cờ bóng đá, mọi chuyện tốt lành sẽ đến với bóng đá Đức - đứa em tinh thần của người chị gái Angela Merkel!

Thực hiện

Nội dung: Hải An

Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

 

Bài viết hay? Ấn để tương tác

Bình luận
Thông tin Toà soạn
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ:
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Tel:
(84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax:
(84.24) 3553 9898
Email:
Thông tin Liên hệ
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Hotline:
0903 203 412
Email:

Địa chỉ liên hệ:

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Đăng nhập
hoặc

Email:

Mật khẩu:

Quên mật khẩu?


Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay