Người đập tan ‘FC Hollywood’ tại Bayern Munich

Sau khi bóng đá Đức trở lại sau thời kỳ phong toả bởi virus Corona, Bayern Munich đang tiến tới chức vô địch Bundesliga lần thứ 8 liên tiếp cho dù ở mùa giải này họ khởi đầu không như ý.
 
 

Thành công đáng kinh ngạc tại một giải bóng đá nằm trong "ngũ đại gia" châu Âu thể hiện tầm vóc vĩ đại của Bayern. Đội bóng này kết tinh rất nhiều tinh hoa nhưng không có ai là ngôi sao, ngoại trừ tập thể và lợi ích chung của CLB.

Hãy nhớ đến cụm từ "không có ai là ngôi sao" như bí quyết biến Bayern Munich trở thành nhà vô địch tuyệt đối. Bởi hơn ai hết, CLB đã thấm thía nỗi đau "FC Hollywoood" đầy rẫy những cái Tôi kiêu căng, đẩy CLB vào đầm lầy ngập ngụa mâu thuẫn, scandal và cãi vã. Cho đến khi, một người đàn ông xuất hiện.

 

Mùa giải 1997/98 thực tình rất tệ với CLB vĩ đại nhất nước Đức Bayern Munich. Vào tháng 5 năm 1998, đội bóng vô địch Bundesliga nhiều nhất đã cay đắng chứng kiến tân binh mới thăng hạng hồi đầu mùa là Kaiserslautern đăng quang ngôi vương. Bayern kém đội bóng của HLV Otto Rehhagel 2 điểm.

Thất bại này khiến Bayern chỉ có được 2 chiếc Mâm Bạc trong 8 mùa Bundesliga gần nhất, một kết quả đầy tai tiếng cho một đội bóng đã từng giành được 5 trong số 6 Mâm Bạc trong giai đoạn từ năm 1985 đến năm 1990.

Bởi vì, sau giai đoạn vinh quang này, Bayern bị biến chất bởi một thứ virus gây bệnh ngôi sao có tên "FC Hollywood". Không cần giải thích, chắc chắn độc giả cũng hiểu được, Hollywood là kinh đô của giới showbiz thị phi, đầy rẫy tinh hoa song cũng lắm scandal và bê bối.

Từ giữa thập niên 1990, Bayern đã bị gắn mác "FC Hollywood", vì thường xuyên để các ngôi sao gây scandal bằng những phát ngôn ngu ngốc đăng đầy trên các tờ báo lá cải, đem lại những màn cãi vã nội bộ triền miên, khiến phong độ thi đấu và thành tích sân cỏ bị ảnh hưởng nặng nề.

Năm 1994, chủ tịch Uli Hoeness đã "chấm được" HLV mà ông muốn dùng để lập lại trật tự nhưng Monaco không để Arsene Wenger ra đi. Cuối cùng, ông đã bổ nhiệm Giovanni Trapattoni, HLV chỉ đưa Bayern xếp hạng 6 chung cuộc ở Bundesliga mùa đó.

Thất vọng với kết quả này, Trapattoni lại bị sa thải và ông chủ Hoeness đã đặt Otto Rehhagel lên ghế nóng. Nhưng chiến lược gia đã giúp Kaiserslautern thành công kinh ngạc này lại bó tay với Bayern đầy rẫy anh hùng. Ông chỉ giúp đội bóng về nhì ở mùa giải đó, bởi không thể trấn áp được cuộc nội chiến giữa các vì sao.

Mùa 1996/97, Giovanni Trapattoni trở lại và Bayern giành chức vô địch. Nhưng trong 8 tháng sau đó, đội bóng của ông bỗng phát sinh nhiều biến cố khiến HLV người Italia giàu kinh nghiệm đối nhân xử thế này cũng phải phát điên.

Đầu tháng 3/1998, trong trận làm khách trước Schalke 04, Thomas Strunz bị chấn thương. Trước tình thế đó, Trapattoni buộc phải sử dụng 2 học trò hư là Mehmet Scholl và Mario Basler, những cầu thủ đã thể hiện sự chống đối HLV bằng cách từ chối rời khỏi xe bus chở đội.

Tuy phải miễn cưỡng vào sân thi đấu, nhưng bộ đôi này chẳng đem lại chút hiệu quả nào trong việc giúp Bayern Munich tránh được thất bại 0-1, đồng nghĩa với trận thua thứ ba liên tiếp. Đó là một cái tát vào giữa mặt ông già Trapattoni.

Hai ngày sau, Trapattoni tổ chức một cuộc họp báo đáng nhớ khi ông gầm gừ suốt 3 phút rưỡi với những ngôn từ đầy kích động bạo lực và những biểu tượng bẩn được hiển thị bằng những ngón tay.

"Trong trận đấy này, 1, 2, 3 rồi 4 cầu thủ chạy lờ vờ như sản phụ trên sân. Các bạn có xem trận đấu hôm thứ Tư không? Scholl có đá không? Basler có đá không? Họ phàn nàn nhiều hơn cả thi đấu, như đám đàn bà. Giờ tôi đã hiểu tại sao không có CLB Italia nào hỏi mua. Bởi vì họ đã xem đám của nợ kia thi đấu rồi và tự nhủ muốn vô địch thì chớ dính vào lũ này".

Tiếp đến là một vài giây im lặng, rồi Trapattoni lại gầm lên:

"Strunz. Bố trẻ Strunz đã ở đây 2 năm nhưng mới chơi được 10 trận và luôn bị chấn thương. Thật quá thể. Tôi đã quá mệt mỏi với đám bố già, bố trẻ này, những kẻ luôn bảo vệ cầu thủ một cách mù quáng. Không phải lỗi do Scholl, không phải lỗi do Basler, cũng không phải lỗi do Strunz dù mới chỉ thi đấu 25% số trận cần phải đá. Lỗi do tôi. Tôi nghỉ!".

 
 

Mùa Hè tiếp theo, Bayern bổ nhiệm một HLV nghiêm khắc để quản lý những cầu thủ ngạo mạn, một hình mẫu Bá Kiến cho đám du côn làng Bayern Munich, người có đủ phẩm chất cần thiết để xử lý những tay Chí Phèo giỏi rạch mặt ăn vạ này.

Sinh ra ở làng Lorrach của nước Đức, gần biên giới phía Nam, Ottmar Hitzfeld đã dành phần lớn sự nghiệp chơi bóng với vai trò tiền đạo ở Thụy Sĩ, với các CLB như Basel, Lugano và Luzern. Lần duy nhất ông thi đấu ở Đức là khoác áo Stuttgart, CLB thăng hạng Bundesliga năm 1977 cùng Hitzfeld.

Năm 1972, Hitzfeld đã sát cánh cùng Hoeness tại ĐT Tây Đức dự TVH mùa Hè. Ông ghi được 5 bàn sau 6 trận và đấy chính là trải nghiệm quốc tế đầu tiên và duy nhất trong đời cầu thủ của ông. Khi chuyển sang huấn luyện, Hitzfeld mới 34 tuổi và chỉ hoạt động ở môi trường bóng đá Thuỵ Sỹ.

CLB khởi nghiệp HLV của ông là Zug 94, nơi mà Hitzfeld chỉ dẫn dắt trong 1 mùa. Bởi chưng, cuộc hôn nhân đầu đời nào cũng mang tính tạm thời và đầy khó khăn. Nhưng trải nghiệm sống cùng vị chủ tịch dữ dằn của CLB này giúp ông có được kinh nghiệm trị "thứ dữ".

Chủ tịch Werner Hofstetter theo mô tả của Hitzfeld là "một người nghiện công việc, chỉ muốn các cầu thủ phải tập luyện 8 giờ mỗi ngày chứ không phải 2 tiếng". Giữa họ đã có những cuộc tranh luận triền miên, thậm chí "Hofstetter đã dùng 2 tay bóp yết hầu tôi và bắt đầu siết lại". Quá dữ dội!

Sau đó Hitzfeld chuyển đến CLB Aarau, rồi Grasshoppers, CLB mà ông đã giành được 2 chức VĐQG và 2 Cúp Quốc gia Thụy Sỹ từ năm 1988 đến năm 1991. Thành tích này đã đưa ông đến Dortmund, đội bóng mà ông đã dẫn dắt đến 2 chức vô địch Bundesliga liên tiếp vào năm 1995 và 1996.

Để làm nổi bật công lao của Hitzfeld, cần nhắc lại để độc giả nhớ rằng, chức vô địch quốc gia gần nhất của Dortmund khi đó là ở mùa giải 1963, thời điểm giải chưa đổi thành Bundesliga.

Khoảnh khắc huy hoàng nhất là khi ông cùng Dortmund đăng quang Champions League năm 1997, sau khi đánh bại Juventus của HLV Marcello Lippi 3-1 trong trận chung kết được tổ chức trên chính sân của Bayern Munich.

Đến bây giờ, sự khôn ngoan trong chiến thuật và phong cách quản lý thông minh của Hitzfeld đã mang lại cho ông biệt danh Der General - Tướng Quân. Với người ngoài, ông rất lạnh lùng, lịch sự và nói năng nhỏ nhẹ. Nhưng với quân nhà, Hitzfeld đề cao kỷ luật, coi trọng công tác tổ chức và chú trọng tính hiệu quả.

"Với Hitzfeld, tất cả mọi thứ đều phải được tổ chức tốt. Ông ấy có thể biết những gì cần phải làm trước một tháng. Tướng Quân thật siêu việt", Paul Lambert, cựu tiền vệ phòng ngự của Dortmund thời Hitzfeld nói với Telegraph.

 
 

Tại Bayern, Hitzfeld được trao một đội hình tràn ngập những gã trẻ trâu hào hoa. Bố Già trong nhà là Lothar Matthaus, người có tầm ảnh hưởng không thể tưởng tượng được ở tuổi 37 khi đó. Báo chí Đức gọi Matthaus là "cái loa phường" vì những phát ngôn ngu ngốc, "ruột để ngoài da" của tay thủ quân đã góp phần thúc đẩy "văn hóa Hollywood" tại Bayern.

Khi Juergen Klinsmann ký hợp đồng với Bayern năm 1995, Matthaus đã lập tức lên báo chửi tân binh này. Mâu thuẫn cá nhân cứ việc đăng đàn công khai, vạch áo cho người xem lưng và không ai có khuynh hướng giải quyết các vấn đề đằng sau cánh cửa đóng kín.

Thậm chí, Matthaus còn nằng nặc đề nghị rằng, anh ta và Klinsmann sẽ giải quyết mâu thuẫn trong một cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình, ai được ủng hộ nhiều hơn thì thắng.

Cuộc xung đột rõ ràng đã ảnh hưởng đến thành tích sân cỏ của đội bóng. Nhưng khi Bayern xếp thứ nhì chung cuộc sau nhà vô địch Dortmund vào mùa giải 1995/96, câu chuyện "đổ lỗi vòng quanh" lại diễn ra như loài cỏ dại đáng ghét.

Mùa Hè năm đó, HLV ĐTQG Đức Berti Vogts đã phải đuổi Matthaus khỏi đội hình tham dự VCK EURO 1996 vì những đề nghị ngu ngốc của cầu thủ này. Matthaus đã lập lời thề rằng sẽ không bao giờ khoác áo ĐT Đức nữa. Sau đó, Klinsmann được trao băng đội trưởng và ĐT Đức vô địch.

Matthaus không phải là cầu thủ duy nhất của Bayern bị Berti Vogts tống cổ. Hitzfeld đã ký hợp đồng với tiền vệ rất thích gây tranh cãi là Stefan Effenberg từ Borussia Moenchengladbach như thể đội bóng này còn chưa có nhiều vấn đề rắc rối vậy.

Cùng với Matthaus, đây là nhân vật có "khẩu nghiệp" vĩ đại, sẵn sàng dùng cả 100 năm vào việc cãi vã. Sự cố điên rồ nhất trong quá khứ đầy biến cố của Effenberg là một trận đấu tại VCK World Cup 1994, khi Vogts thay tiền vệ này ra trong hiệp hai.

Những CĐV Đức đã la ó rầm trời khi Effenberg bước ra khỏi sân vì thi đấu quá tệ. Nằm ngoài óc tưởng tượng của mọi người, Effenberg liền đáp lại bằng cách chĩa ngón tay thối về phía khán giả. Vogts không bao giờ triệu tập "thằng con hoang" này nữa.

Nhân vật thứ ba để hoàn thành bộ ba ma quỷ của Bayern là Mario Basler, một cầu thủ chạy cánh có tài, khéo léo nhưng cực kỳ khó kiểm soát. Anh ta hút thuốc như sẽ chết vào ngày mai và nổi tiếng trên sân tập với phong cách lử khử cò bợ. Nhưng ở các đám tiệc tùng, Basler quẩy hăng hái phải biết.

Khi Trapattoni đã thuê thám tử tư để theo dõi các cầu thủ của mình, Basler là mục tiêu hàng đầu. Và chính cầu thủ này đã chia sẻ với tờ Der Spiegel: "50% cầu thủ, kể cả đồng đội hay địch thủ ghét tôi. 50% CĐV căm thù tôi. Đám hater này chỉ muốn mua vé một chiều tống khứ tôi lên mặt trăng".

Basler đã nhân cách hóa hồ sơ của đội hình Bayern ở thời điểm đó: Một nhóm đánh trống múa rối, chuyên gây scandal nhưng có khả năng chơi bóng phi thường. Cái tập thể đó hoặc là làm những chuyện chọc trời khuấy nước, hoặc là làm nổ tung đội bóng.

Ở cầu môn, là Oliver Kahn, một thủ môn hổ báo nhất trong làng hổ báo canh đền. Đây chính là một kỷ lục chuyển nhượng của Bayern khi bản hợp đồng mua Kahn từ Karlsruhe vào năm 1994 trị giá 2 triệu bảng. Oliver Kahn còn có biệt danh là "Chó Ngao", thực là xứng đáng.

Trụ cột hàng phòng ngự của Bayern là một Markus Babbel siêng năng và một Thomas Helmer giàu kinh nghiệm. Bên cạnh đó là chàng trai trẻ Samuel Kuffour người Ghana và hậu vệ trái năng động Bixente Lizarazu người Pháp gốc Basque.

Lizarazu chính là mục tiêu bị tổ chức khủng bố ETA xứ Basque doạ giết cả gia đình vào thời điểm đó vì dám phản bội Athletic Bilbao để đầu quân cho "Bọn Đức khốn khiếp". Ngoài ra, còn một Michael Tarnat, hậu vệ cánh với bàn chân trái đáng sợ.

Bayern cũng đã ký hợp đồng với Thomas Linke, một trung vệ có phẩm chất quân tử Tàu. Họ đã bán Dietmar Hamann cho Newcastle nhưng Hitzfeld đã có Thorsten Fink và Strunz để cân bằng sức phòng thủ, bên cạnh tân binh mặt rỗ Jens Jeremies vừa cướp được từ "hàng xóm" 1860 München.

Ở hàng tiền vệ, sức sáng tạo được giao cho Basler và Effenberg. Ngoài cái lưỡi "khẩu nghiệp", Effenberg là một tiền vệ cực chất, có cú sút xa hiệu quả, đầu óc sắc bén, cực giỏi các tình huống xử lý bóng 1 chạm và giác quan chiến thuật nhanh nhạy.

Ngoài hai nhân vật này, chúng ta phải nói đến Mehmet Scholl, một tiền vệ có kỹ thuật gọn gàng và chàng trai trẻ người Bosnia là Hasan Salihamidzic vừa mua từ Hamburg.

Trên hàng công, Hitzfeld được thừa hưởng gã khổng lồ Carsten Jancker, một tay không chiến cừ khôi, có thân hình vạm vỡ, to cao đủ sức áp chế mọi hậu vệ. Ngoài một Alexander Zickler giàu tốc độ, Hitzfeld còn sở hữu thợ săn bàn Giovane Elber.

Đó là chưa kể đến tiền đạo người Iran là Ali Daei, người được chủ tịch Franz Beckenbauer gắn mác "đẳng cấp thế giới".

 

Hitzfeld giải quyết một hệ thống chiến thuật mà bây giờ sẽ được mô tả là lỗi thời và độc lạ. Vai trò Libero vẫn còn thịnh hành ở bóng đá Đức, vì vậy, Matthaus được thi đấu tự do với áo đính số 10. Trước mặt anh là 2 trong số 4 hậu vệ sau: Linke, Kuffour, Helmer hoặc Babbel.

Hậu vệ cánh phải là Strunz, trong khi Lizarazu hoặc Tarnat đảm nhiệm cánh trái. Ở vị trí tiền vệ trung tâm, Jeremies đá tổ chức trong khi Effenberg chỉ đạo lối chơi và tham gia các cuộc tấn công.

Trên cùng, Hitzfeld đã sử dụng các kết hợp khác nhau: Jancker đá cặp cùng Elber với Basler hỗ trợ nhưng Élber cũng thừa thông minh để chơi sâu hơn. Đôi khi, Jancker sẽ là trung phong cắm đơn độc trong khi 2 trong số Basler, Zickler và Elber sẽ chơi rộng ở phía dưới.

Một số người có thể gọi đây là một diễn giải phiêu lưu của hệ thống Libero của bóng đá Đức. Khi Bayern có bóng, hệ thống này hoạt động giống như sơ đồ chiến thuật 3-4-3.

Trong vài tuần đầu tiên, rõ ràng Hitzfeld đã thành công bước đầu. Bayern đã thắng 6 trận đấu đầu tiên của họ. Tại sân nhà Olympiastadion, các trận đấu của Bayern đều tưng bừng và mang tính giải trí cao. Họ đánh bại Duisburg 3-1, Hansa Rostock 6-1 và Hamburg 5-3.

Khi xa nhà, chiến thuật của Bayern đã trở nên cân bằng hơn. Họ đã thắng Wolfsburg 1-0, Freiburg 2-0 và Bremen 1-0. Hitzfeld xoay tua đều để giữ cho toàn đội hình "cảm thấy hạnh phúc" và chăm chỉ vuốt ve những cái Tôi lớn nhất. Basler được gọi là một thiên tài, và Effenberg mà là tiền vệ số hai thì chẳng ai là số một.

Nhưng không phải mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát của Hitzfeld. Một vài vụ khét tiếng đã diễn ra trong cuộc đụng độ hạng nặng tại Dortmund vào đầu tháng Tư. Bayern đã thắng 7 trận liền mà không để thủng lưới bàn nào - một cuộc chạy đua khiến Kahn "Chó Ngao" dù bị bầm tím chân trái vẫn không chịu nghỉ.

Ngay từ đầu trận, khi tỷ số là 0-0, anh đã nhảy lên để bắt một quả bóng cao. Khi vừa tiếp đất, tiền đạo Heiko Herrlich đã cố gắng đẩy "Chó Ngao" qua vạch cầu môn. Kahn liền giận dữ, sủa thẳng vào mặt đối thủ, thậm chí còn cố cắn cổ Herrlich.

Tâm trạng của Kahn không hề nhẹ nhõm khi bị Herrlich chọc thủng lưới 2 lần ngay sau đó. Ở phút 39, kỷ lục giữ sạch lưới của anh bị phá. Sau đó, Oliver Kahn đã hăm hở lao ra để phá một bóng dài của Dortmund đã bị trọng tài thổi việt vị.

Với đà chạy của một thân hình đồ sộ, chất đầy sự giận dữ, Kahn đã phóng một cú kung-fu về phía tiền đạo Stéphane Chapuisat của Dortmund, người đang có bóng. Những chiếc đinh giày gầm gừ lưng áo của Chapuisat nhưng rất may tiền đạo này không bị làm sao.

Kahn thực sự mất bình tĩnh khi kỷ lục giữ sạch lưới của mình bị phá. Nhưng sau đó trong trận đấu, dù cho Kuffour bị đuổi khỏi sân trong hiệp một, Bayern đã gỡ hoà 2-2 nhờ 2 bàn thắng của Zickler và Jancker. Sau đó, Kahn cản được một quả phạt đền do lỗi cầu thủ Bayern để bóng chạm tay trong vòng cấm.

Sau tiếng còi mãn cuộc vang lên, Bayern Munich ăn mừng như thể họ vừa chiến thắng trong trận chung kết vậy. Trong một cuộc phỏng vấn sau đó, Kahn tuyên bố rằng anh không bao giờ cố gắng cắn cổ Herrlich, và đinh giày của anh còn cách lưng của Chapuisat tới 3 mét.

"Có vẻ các bạn nhìn tôi và cho rằng tôi là con người khá hoang dã nhưng thực tế, tôi kiểm soát hoàn toàn được bản thân mình. Tôi không bao giờ thực sự muốn làm tổn thương bất cứ ai trong suốt sự nghiệp thi đấu của mình", Kahn chia sẻ với Der Spiegel.

Tuy nhiên, có một điều mà ai cũng phải thừa nhận, những sự vụ bùng nổ của Kahn chỉ là hãn hữu tại một FC Hollywood đã dần bị thuần phục. Bayern đã vô địch Bundesliga ở mùa giải Hitzfeld đến cầm quân và liên tiếp vô giành Mâm Bạc ở 2 mùa giải tiếp theo.

Thời gian trôi đi, sự biến mất của những cái Tôi quá lớn như Matthaus, Basler và Effenberg khiến cho phòng thay đồ của Bayern dịu rất nhiều. Sau giai đoạn này, hiếm khi người ta thấy những scandal liên quan đến nội bộ đội bóng.

Chính thể "tập thể mới là ngôi sao lớn nhất và duy nhất" được tạo ra và vĩnh viễn đập tan cái gọi là "FC Hollywood" ở CLB bóng đá xứ Bavaria này. Cũng cần nhắc lại, để có được điều đó, chủ tịch Uli Hoeness và HLV Ottmar Hitzfeld đã đóng góp rất nhiều công sức. Và đây cũng là 2 người đàn ông luôn có vị trí trang trọng tại CLB này, bất kể hoàn cảnh và thời điểm nào.

Thực hiện

Nội dung: Hải An

Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

 
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x