Reiner Calmund là vị Giám đốc điều hành năng nổ và đầy tham vọng của Leverkusen. Trong nhiều năm, ông đã cố gắng không ngừng để nâng cấp Leverkusen, biến đội bóng này thành nhà vô địch và thay đổi vị thế nhược tiểu.
Mùa 2001/02, đội bóng đã thực sự thay đổi theo cách mà Calmund mong muốn. Rudi Voeller, huyền thoại bóng đá Đức có 2 mùa chơi ở Bay Arena, nói rằng HLV Klaus Toppmoeller khi đó đã tạo nên “tâm lý chiến thắng chưa từng có trong phòng thay đồ”. Họ chơi bóng với sự tự tin hiếm thấy, không bao giờ sợ hãi và sẵn sàng chiến đấu cho những danh hiệu.
Với tinh thần ấy, ngày 09/04/2002, Leverkusen đã tạo nên màn trình diễn thuộc hàng hay nhất lịch sử CLB khi đả bại Liverpool 4-2 ở tứ kết lượt về Champions League. Cộng thêm ngôi đầu bảng Bundesliga và vào đến chung kết Cúp Quốc gia, thầy trò Toppmoeller đang đứng trước cơ hội giành cú ăn 3 không tưởng.
Nhưng trong lúc người hâm mộ đang phát cuồng, Calmund trở về nhà với tâm trạng lo lắng. Là một người thực tế, ông hiểu rằng Leverkusen chưa đủ tầm để vô địch ở cả 3 đấu trường. Cụ thể hơn, đội hình của họ quá mỏng để căng sức trong 5 tuần quyết định sắp tới. “Chiến thắng này sẽ khiến chúng ta mất Đĩa bạc Bundesliga”, Calmund nói với vợ tối hôm đó.
Linh cảm của ông đã đúng. Có điều Calmund không bao giờ hình dung nổi, Leverkusen sẽ thất bại toàn tập, để thay vì ăn 3 lại giành hat-trick về nhì đau đớn.
Tại Bundesliga, Leverkusen chỉ cần 4 điểm trong 3 trận cuối cùng là có thể đăng quang, lần đầu tiên trong lịch sử. Ai mà ngờ họ lại thua Bremen ngay tại sân nhà, thua tiếp một Nuernberg ngấp nghé xuống hạng! Ác mộng 2 năm trước, khi Leverkusen thua 0-2 trước Unterhaching ở vòng cuối Bundesliga 1999/2000 dù chỉ cần hòa là vô địch, đang lặp lại.
Nhưng nỗi thất vọng tạm nguôi khi toàn đội vượt qua M.U ở bán kết Champions League. Đó là một chiến tích kỳ vỹ bởi ai cũng biết gã khổng lồ nước Anh từng vô địch cách đó 3 năm, trong khi Leverkusen hoàn toàn vô danh ở châu Âu, đến mức Sir Alex Ferguson 2 lần gọi nhầm là “Kaiserslautern”.
4 ngày sau, vì Dortmund đánh bại Bremen, nên chiến thắng của Leverkusen trước Hertha Berlin trở thành vô nghĩa. Chiếc Đĩa bạc đã vuột khỏi tay dù đã có lúc tưởng như chắc chắn thuộc về họ. Nhưng, dù sao thì trước mặt họ vẫn còn 2 trận chung kết khác.
Ngày 11/05/2002, họ hành quân tới sân Olympic Berlin để đối đầu với Schalke. Các học trò của Klaus Toppmoeller ghi 2 bàn, nhưng đối thủ lại ghi tới 4. Thêm một danh hiệu nữa lướt qua mặt Leverkusen. Trong đau khổ, họ an ủi nhau rằng, mọi điều tồi tệ sẽ bị xóa sạch nếu đánh bại Real và lên đỉnh châu Âu ở Champions League.
Vấn đề là trước trận đánh lớn cuối cùng, tâm lý sợ hãi lại len lỏi vào. Dimitar Berbatov nói rằng anh lo lắng cực độ vì phải đối mặt với Raul, Figo, Roberto Carlos và đặc biệt là Zidane. Nỗi lo lắng này thành sự thật khi Zizou thực hiện tuyệt tác vô lê ở phút 45, ấn định chiến thắng 2-1 cho Real. “Lúc bóng bay đến vị trí của anh ấy, tôi chỉ có thể cầu nguyện, làm ơn, đừng làm thế”, Berbatov hồi tưởng. Dĩ nhiên là Zidane vẫn làm, đá bay luôn hy vọng cuối của Leverkusen.
Toppmoller nói rằng “đây là ngày tồi tệ nhất cuộc đời tôi”. Và các học trò của ông cũng thế. Họ đổ gục xuống sân khóc nức nở, sau đó ném đi chiếc huy chương bạc thứ 3. Riêng Calmund thì không. Là một người thực tế, ông nói: “Đừng bao giờ cố đi tiểu cao hơn mức bạn có thể”, ám chỉ trình của Leverkusen chỉ có vậy.
Những người đen đủi sau cùng Jens Nowotny - hậu vệ Leverkusen giai đoạn 1996 - 2006 nói: “Trắng tay, nhưng Leverkusen đã giành được sự yêu mến trên toàn thế giới, bởi những màn trình diễn của một tập thể không ngôi sao, nhưng gắn bó và chiến đấu vì nhau. Đi tới trận chung kết Champions League đã là một chiến tích lớn”. |
XEM THÊM
Haaland biết ơn ân sư Solskjaer đã truyền thụ bí quyết săn bàn
Sếp Bayern ưa Flick vì khả năng thúc đẩy cầu thủ trẻ phát triển