Con ngáo ộp ‘Quyền Lực’ Messi

Messi đòi ra đi trước thềm mùa giải mới 2020/21 là một sự kiện khiến cả thế giới bóng đá phải bàng hoàng. Người ta vẫn tin rằng, ở Barcelona, Messi có một thứ quyền lực khuynh loát, có thể tống cổ tất cả mọi người, từ chủ tịch CLB trở xuống, và không ai có thể ép anh ra đi, huống hồ một tân HLV như Ronald Koeman. Nhưng thực sự, thứ quyền lực đó chỉ là một con ngáo ộp được phóng đại, khiến cho chính Messi cũng không thể chịu nổi.
 

Đó là mùa thu năm 2009, HLV Pep Guardiola đang ngồi ở ghế trên cùng của xe bus chở thành viên CLB Barcelona, cùng với người trợ lý lâu năm Manel Estiarte. Đột nhiên, điện thoại của Pep đổ chuông báo có tin nhắn có nội dung lửng lơ. "Chà, tôi thấy mình không còn quan trọng đối với đội nữa, vì vậy…".

Tin nhắn đó được gửi từ Lionel Messi, người đang ngồi ở phía cuối xe bus. Bản hợp đồng lớn trong mùa Hè của Barca là Zlatan Ibrahimovic đã ghi bàn trong những trận đấu đầu tiên ở La Liga. Messi cũng đã có một vài bàn thắng, và cả hai thậm chí hỗ trợ nhau ghi bàn. Nhưng gã trai trẻ hơn, trầm tính hơn đang cảm thấy bị đe dọa vị trí, vì vậy, anh ta đã chọn cách nhắn tin để nói ra mối canh cánh đó.

Pep đã nhanh chóng sửa chữa sai lầm, và Ibrahimovic chỉ trụ được một mùa giải ở Camp Nou. Messi thậm chí còn được trao một vai trò trung tâm hơn trong đội, để rồi đã có được thành công rực rỡ như chúng ta đã biết.

Nhiều thứ đã thay đổi ở Barcelona kể từ tin nhắn đó, Messi trưởng thành từ ngôi sao thành huyền thoại sống, gánh vác nhiều trách nhiệm hơn trong và ngoài sân cỏ. Tuy nhiên, có một điều vẫn không thay đổi là các chủ tịch, các giám đốc, các HLV và các ngôi sao đã đến và đi. Chỉ còn một người ở lại CLB, người quan trọng nhất để giữ bầu không khí hạnh phúc tại Nou Camp.

Vào tháng Hai năm nay, Messi lại lấy điện thoại ra để gửi một tin nhắn khác, mặc dù lần này anh đang ở nhà trong ngôi nhà tiện nghi của mình ở quận Castelldefels, thủ phủ xứ Catalan.

Sự khiêu khích lần này đến từ Giám đốc thể thao Eric Abidal, một đồng đội cũ của Messi, người đã bóng gió trong một cuộc phỏng vấn với tờ Sport rằng các cầu thủ Barca phải chịu trách nhiệm cho việc sa thải HLV Ernesto Valverde vào tháng Giêng.

"Thành thật mà nói, tôi không thích làm những điều này. Nhưng tôi nghĩ rằng mỗi người phải tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ của mình và những quyết định của họ. Điều đó bao gồm các cầu thủ, về những gì diễn ra trên sân. Nhưng chính chúng tôi là những người đầu tiên nhận ra khi nào Barca chơi không tốt.

Những người phụ trách ‘khu vực kỹ thuật’ cũng cần phải chịu trách nhiệm của họ, và trên hết là về các quyết định mà họ đưa ra. Cuối cùng, tôi nghĩ rằng khi ai đó đổ lỗi cho cầu thủ, họ nên nêu tên rõ ràng, vì nếu không, họ sẽ làm nhụt chí mọi người bằng những tin đồn làm dấy lên những lời đàm tiếu sai sự thật", Messi phản đòn trên Instagram.

Messi tiếp tục vấn đề này bằng một cuộc phỏng vấn trên Mundo Deportivo, trong đó anh giải thích lý do tại sao giám đốc Abidal tuyên bố có thể "ngửi thấy" các vấn đề giữa Valverde và các cầu thủ trụ cột đã gây căng thẳng như vậy.

"Tôi không biết ông ta nghĩ gì trong đầu, nhưng tôi tin rằng mình đã phản ứng đúng khi cảm thấy bị chơi đòn dưới thắt lưng. Tôi thấy ông ta đang tấn công các cầu thủ bằng việc kể chuyện về phòng thay đồ, rằng ai đó kiểm soát mọi thứ, rằng ai đó chỉ đạo thuê và sa thải HLV hay ký hợp đồng với các cầu thủ.

Tất cả đều ám chỉ đến tôi, như thể tôi có quá nhiều quyền lực và tôi ra các quyết định. Tôi khó chịu khi một người của CLB nói rằng tôi và các cầu thủ có quyền sa thải hay sử dụng ai đó. Thật điên rồ! Đó là chức phận của giám đốc kỹ thuật, người phải chịu trách nhiệm về các quyết định đó. Đó là lý do tôi phải làm rõ và không thể bỏ qua về việc bị GĐTT tấn công mình theo cách đó", Messi nói.

Khi được hỏi liệu sự thất vọng như vậy có ảnh hưởng đến tương lai lâu dài của anh tại Barca hay không, Messi đã đưa ra câu trả lời quen thuộc rằng anh muốn dành cả sự nghiệp của mình ở Nou Camp, nhưng cũng muốn hệ thống lãnh đạo được phân cấp tại CLB chứng minh rằng ủng hộ mong muốn của anh.

"Tại nhiều thời điểm, tôi có cơ hội ra đi bởi đã có rất nhiều CLB quan tâm và thậm chí sẵn sàng trả điều khoản giải phóng hợp đồng kỷ lục. Nhưng tôi chưa bao giờ thực sự nghĩ đến việc rời đi, và bây giờ cũng không. Tôi sẽ lặp lại một lần nữa. Nếu CLB muốn còn muốn có tôi, tôi sẽ ở lại".

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là rất khó để những người phải làm việc với Messi biết chính xác ngôi sao thủ lĩnh này muốn gì. Bản thân Messi còn phải cố gắng diễn tả điều đó. Tất cả chỉ biết rõ một điều rằng, Messi muốn thi đấu ở một đội bóng giành được mọi chiến thắng, đặc biệt là Champions League.

Bây giờ, khi Messi đang mấp mé ở bậc cửa Camp Nou, chúng ta đều nhận thấy rằng, sự tức giận của Messi đối với những bình luận của Abidal hồi tháng Hai, hay hồi tháng Sáu hay ở nhiều lần trong quá khứ là một thứ được hình thành và nuôi dưỡng trong một thời gian dài.

Những màn trình diễn và kết quả bất đắc chí của Barcelona trong mùa giải này, với các thất bại thảm hại tại La Liga, Champions League và Cúp Nhà Vua càng khiến tâm trạng của Messi thêm u uất và khiến anh cảm giác thất vọng rất lớn về việc bị gán cho phải chịu trách nhiệm cho mọi thứ xảy ra ở CLB.

Đó là lý do tại sao thông điệp quan trọng nhất trong cả bài đăng trên Instagram và cuộc phỏng vấn sau đó của Messi đều nhấn mạnh vấn đề, mỗi cá nhân ở CLB này phải chịu trách nhiệm về quyết định và sai lầm của chính họ. Họ chắc chắn không nên đổ lỗi cho Messi, người luôn bị coi là là một mục tiêu dễ dàng, vì lý lịch và tính cách của anh.

Mỗi mùa giải gần đây, và đặc biệt là mùa giải này, đã xuất hiện trên báo chí xứ Catalan rất nhiều câu chuyện thường bị rò rỉ từ một nơi nào đó trong CLB. Và nội dung của chúng đều xoay quanh vấn đề "quyền lực của Messi".

Nếu Antoine Griezmann vẫn chưa ổn định và không thể hiện đúng năng lực của mình thì đó là bởi vì Messi không thích chuyền bóng cho cầu thủ người Pháp. Nếu tài chính của CLB bị khủng hoảng thì chắc chắn là bởi vì cha con nhà Messi liên tục đòi hỏi nhiều tiền hơn. Rồi việc sa thải Valverde hay Quique Setien cũng là lỗi của Messi.

Những câu chuyện như vậy đã trở nên hấp dẫn vì nó đã được nhiều người trong và ngoài CLB chấp nhận rộng rãi rằng quyền lực của Messi mạnh đến mức chỉ cần nhấc điện thoại lên là gây ra địa chấn ở Camp Nou. Họ luôn nghĩ rằng, Messi có thể là một người nhút nhát và sống nội tâm, nhưng anh cần cảm thấy mình là số 1, và việc giữ cho Messi luôn hạnh phúc phải là nhiệm vụ hàng đầu của lãnh đạo CLB.

Tuy nhiên, chúng ta hãy nhìn thấu đáo 2 mặt của một đồng xu. Bởi nếu Messi thực sự nắm giữ thứ quyền lực như thế, mọi thứ đã diễn ra rất khác ở Barca trong vài năm qua.

Không ai trong số hơn 30 cầu thủ được ký hợp đồng với chi phí hơn 800 triệu euro kể từ năm 2014 là bạn bè hoặc đồng đội cũ của Messi. Nhiều cầu thủ Argentina mà báo chí cố liên kết với Messi và Barca như Sergio Aguero hay Ever Banega đều đã không đến Camp Nou.

Mùa Hè năm ngoái, nhân vật mà Messi yêu cầu Barca phải mua lại bằng được là Neymar, nhưng rốt cuộc ông chủ tịch Josep Maria Bartomeu lại lắc đầu và quay sang ký hợp đồng với Griezmann từ Atletico Madrid.

Những BHĐ lớn như Philippe Coutinho hay Ousmane Dembele đều không có tiếng nói nào của Messi, song, khi các cầu thủ này thất bại, Messi lại bị buộc trách nhiệm vào cổ. Thậm chí, có những tân binh mà Messi chỉ biết khi được giới thiệu trên sân tập, chứ không hề biết hợp đồng được ký khi nào. Chắc chắn, BLĐ là người quyết những thứ đó.

BLĐ của Barca biết rằng, việc ký hợp đồng với một siêu sao như Neymar vào mùa Hè năm 2013 sẽ khiến khâu huấn luyện gặp khó khăn. Vì vậy, họ quyết định bổ nhiệm Gerardo Martino, một người đồng hương xứ Rosario và là cựu cầu thủ của Newell’s Old Boy, làm HLV.

Nhưng ở vụ này, Messi và cha anh luôn phủ nhận họ có liên quan trực tiếp đến vụ bổ nhiệ m này và đó là sự thật. Bởi vị chủ tịch khi đó là Sandro Rosell chính là đạo diễn, khi ông này đích thân sang Nam Mỹ và sử dụng các mối quan hệ cá nhân của mình để thuyết phục Martino đồng ý.

Có thể, cha con nhà Messi đã được tham khảo ý kiến trước khi quyết định bổ nhiệm được đưa ra, nhưng họ đều tán thành với nó, cho đến khi mọi người nhanh chóng nhận ra rằng Martino không đủ năng lực dẫn dắt Barca, đem đến hệ quả trắng tay các danh hiệu lớn ở mùa 2013/14.

Những lần bổ nhiệm HLV tiếp theo như Luis Enrique, Valverde và Quique Setien cũng đều không liên quan đến Messi. Ngôi sao này cũng không đưa ra bất kỳ quan điểm cụ thể nào về sự phù hợp của họ trước khi họ ngồi lên ghế nóng. Mối quan hệ của anh với các HLV không phải lúc nào cũng hoàn hảo, thậm chí anh đã tranh cãi lớn với Enrique vào tháng 1/2015 - nhưng họ luôn tìm ra cách để cộng sinh.

Những ngày trước, có thể Messi sẽ yêu cầu HLV Pep Guardiola không nói quá nhiều về chiến thuật, mà chỉ đưa những cầu thủ tốt nhất ra sân và giành chiến thắng trong trận đấu. Đó vẫn là ý tưởng cơ bản, thô sơ của anh ấy về bóng đá - và giải thích lý do tại sao anh ấy muốn đưa Neymar trở lại, khi họ đã cùng nhau giành chức vô địch Champions League gần đây nhất của Barca.

Các HLV hiện đại thường có những ý tưởng sâu sắc hơn về việc thiết lập đội bóng, nhưng họ cũng biết rằng họ cần Messi cảm thấy thoải mái để phát huy hết khả năng của anh. Trong năm 2020, HLV buộc phải dùng một Luis Suarez ngay cả khi tiền đạo này không đủ 100% thể lực, cả trước và sau ca phẫu thuật đầu gối vào tháng Giêng.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Setien phải sử dụng và tìm được vị trí cho Arturo Vidal, mẫu tiền vệ không thực sự phù hợp với phong cách cầm bóng ưa thích của HLV nhưng chỉ vì anh ta có sự ăn ý với các đồng nghiệp Nam Mỹ cả trong và ngoài sân cỏ.

Tuy nhiên, việc chọn đội vẫn là trách nhiệm của huấn luyện viên. Bản thân Messi chỉ muốn tập trung vào những gì anh ấy giỏi - ghi bàn và chơi bóng. Anh muốn những người khác ở CLB cũng làm tốt công việc của riêng họ.

Đó là lý do tại sao anh ấy rất tức giận vì bị đổ lỗi cho việc sa thải HLV, hay các BHĐ mới không thi đấu thành công hoặc Barca có mùa giải thảm bại. Đó là trách nhiệm của BLĐ, cụ thể là chủ tịch Bartomeu và những giám đốc của ông ta. Anh không muốn trách nhiệm đó bị đá sang chân "phòng thay đồ" hay "các cầu thủ trụ cột".

Messi tự thấy mình là một con người khá bình thường, có thể hơi nhút nhát, nhưng không phải là người có ý tưởng "đứng trên thiên hạ". Anh là một cầu thủ luôn muốn thi đấu tốt nhất có thể. Anh không muốn đưa ra các quyết định lớn, quan trọng xung quanh việc chọn đội hình, chuyển nhượng, thuê hoặc sa thải HLV hay chọn người trở thành chủ tịch CLB.

Anh chỉ muốn làm việc - dù đó chỉ là tập luyện hay thi đấu - rồi về nhà và dành thời gian cho gia đình. Vì vậy, Messi rất khó chịu với một hình ảnh công khai như một gã yêu tinh hung hãn, áp đặt ý chí lên tất cả mọi người ở Nou Camp chỉ bằng một cái nhìn lạnh lùng. Nhất là khi cả CLB và đội bóng đều đang ở trong tình trạng lộn xộn của một mùa giải thất bại đắng cay.

Thực sự, Messi muốn có thể bỏ qua tất cả những ồn ào và phức tạp trên sân cỏ khi kết thúc tập luyện và thi đấu. Điều đó đã trở nên khó khăn hơn kể từ khi anh thay thế Andres Iniesta làm thủ quân đội bóng từ Hè 2018. Messi đã chấp nhận cần phải nói nhiều hơn trước công chúng, đặc biệt là trả lời phỏng vấn báo chí xứ Catalan nhiều hơn.

Những điều này làm xuất hiện xu hướng những lời nói của Messi bị bộ phận truyền thông của Barcelona kiểm soát chặt chẽ, nhưng anh đã cố gắng hết sức để bày tỏ những suy nghĩ và cảm xúc của chính mình. Messi cũng biết rằng nhiều người khác ở CLB - trong phòng thay đồ và phòng họp - thường xuyên bơm tin cho cánh báo chí thân thiết, trong đó có cả những câu chuyện tiêu cực về mình.

Messi cũng nhận thấy nhiều người phàn nàn rằng anh không phải là một thủ lĩnh và đội trưởng thực sự như Diego Maradona. Điều này cũng sai lệch như quan điểm cho rằng Messi đã cố gắng thâu tóm quá nhiều quyền lực, hay tự mình quyết định mọi thứ. Những điều đó chỉ làm tăng thêm sự thất vọng của Messi.

Rõ ràng, nếu Messi thực sự muốn sử dụng quyền lực của mình, với công trạng và thành tích của mình trong sự nghiệp cầu thủ tại Barca, với những HLV và giám đốc luôn kính sợ tài năng đó, ở CLB này hiện tại không ai có thể ngăn cản được Messi.

Một nguồn tin gắn bó với CLB này lâu dài từng khẳng định: "Nếu Leo muốn, ngày mai, anh có thể yêu cầu một chủ tịch mới hay một HLV mới. Messi nắm giữ valy phóng tên lửa hạt nhân, nhưng anh ta sẽ không bao giờ ấn nút đỏ đáng sợ đó". Đúng, Messi có thể lên Instagram "tâm sự" nhưng anh chưa bao giờ công khai kêu gọi sa thải bất kỳ ai, cũng như chưa bao giờ đến gặp chủ tịch để đưa ra bất kỳ yêu cầu nào.

Không ai nghi ngờ rằng những người thực sự đưa ra quyết định ở Barcelona vẫn cố gắng rất nhiều để giữ cho Messi hạnh phúc trong khi cân bằng điều đó với những lợi ích khác đang diễn ra. Những người công khai ý định vượt qua cầu thủ xuất sắc nhất của đội thường phải trả giá.

Khi giám đốc Javier Faus đặt câu hỏi, vào cuối năm 2013, tại sao CLB cần phải tiếp tục ký với Messi một hợp đồng mới "sáu tháng một lần", ông đã nhanh chóng bị vô hiệu và đưa ra khỏi HĐQT. Thời gian phục vụ lâu dài của Pere Gratacos tại lò La Masia đã không giúp ông giữ được vị trí sau khi trót tuyên bố vào tháng 1/2017 rằng "Ở đây, nếu không Iniesta hay Neymar thì Messi cũng thường thôi".

Trong mọi trường hợp, Messi đều không phải lên tiếng, dù là phát ngôn công khai hay mang tính cá nhân. Đã có người khác tự xử lý để tránh được những xung đột nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, vấn đề tài chính của Barca đang là một cơn đau đầu với những người đang tìm cách muốn giữ Messi tại Camp Nou đến hết sự nghiệp. Tiền luôn là thứ quan trọng với cầu thủ 33 tuổi này, với 9 lần tăng lương trong vòng 15 năm qua. Trong bối cảnh đó, chưa bao giờ thiếu những CLB sẵn sàng đáp ứng như cầu kinh tế của Messi.

Chelsea, Bayern Munich, PSG và Man City là những đội bóng giàu có đã xem xét nghiêm túc việc thuyết phục Messi về đầu quân. Thậm chí, còn có những cuộc gặp gỡ trong nhiều năm giữa bố của Messi và các sứ giả của chủ tịch Real Madrid Florentino Perez.

Cuộc khủng hoảng lớn nhất trong thời gian Messi ở Barca diễn ra vào mùa 2013/14 và liên quan trực tiếp đến việc Neymar đến vào mùa Hè trước đó. Cha con nhà Messi đã được đảm bảo rằng mức lương của Neymar thấp hơn nhiều so với những gì Barca trả cho Messi. Nhưng con số đến từ các khoản thu phụ và tiền thưởng của Neymar đã nói một thức tế khác.

Thêm vào đó, một hợp đồng mới béo bở của Cristiano Ronaldo tại Real Madrid vào thời điểm đó cũng cho thấy rõ vị thế của Messi với tư cách là cầu thủ bóng đá có thu nhập cao nhất bóng đá thế giới đang bị đe dọa.

Tình hình trở nên nghiêm trọng đến mức Messi đã nói với Tito Vilanova, khi đến thăm cựu HLV đang ốm nặng vào tháng 4 năm 2014, rằng: "Tôi sẽ đi, và đó không phải là vấn đề tiền bạc". Điều đó xảy ra trong mùa giải thất vọng nhất, chỉ sau mùa giải này của Messi.

Ngoài việc không giành được bất cứ danh hiệu lớn nào dưới thời HLV Martino, anh còn phải hầu tòa để đối mặt với cáo buộc gian lận thuế và nghỉ điều trị chấn thương 2 tháng. Tuy nhiên, cuối cùng, Messi vẫn ở lại với một BHĐ mới được ký kết vào hè năm sau.

Là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, Messi có trách nhiệm làm mọi thứ có thể để đưa Barca đến những thành tựu mới. Nhưng anh không có giải pháp cho mọi vấn đề của Barca, ​​cũng như không thích ý tưởng rằng "trăm dâu đổ đầu tằm" khi mọi thứ trở nên tệ hại.

Anh cũng không muốn mang tiếng là người có thể quyết định ai đắc cử vị trí chủ tịch và bổ nhiệm ai làm HLV. Anh cũng không thích ý tưởng được sử dụng bởi bất kỳ ứng cử viên nào để cơ hội giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vị trí chủ tịch. Messi chưa bao giờ có một cuộc họp với bất kỳ ứng cử viên nào hoặc tham gia vào việc tác động bầu chọn.

Dù thế nào, Messi vẫn chỉ là một cầu thủ, có thể là người giỏi nhất từ ​​trước đến nay, nhưng chỉ thế mà thôi. Và ai là chủ tịch Barca cũng biết rằng điều Messi thực sự muốn làm là giành chiến thắng cùng CLB đó chứ không phải bất kỳ nơi nào khác.

Thế nhưng, không có gì mãi mãi. Đêm 25 tháng 8 vừa qua, một tờ fax đã được Messi gửi tới BLĐ của Barca với nội dung như sau: "Thông qua bức thư này, tôi, Lionel Andres Messi Cuccitini, căn cước công dân số xxxx, sau đây yêu cầu chấm dứt hợp đồng lao động giữa tôi và đội bóng đáng mến của các ông, dựa theo điều khoản 24 trong hợp đồng.

Tôi rất biết ơn đội bóng đã trao cho tôi cơ hội để phát triển sự nghiệp cá nhân lẫn tập thể thời gian qua. Tôi đã học được những bài học để nâng cao kỹ thuật chơi bóng cũng như yếu tố con người. Nhưng, vì lý do cá nhân, tôi hy vọng BLĐ đội bóng sẽ chấp nhận quyết định khó khăn này, theo hướng tốt đẹp nhất. Thân chào".

Những gì đã khiến Messi quyết định dứt áo ra đi như thế? Bởi quá thất vọng với tình trạng của đội bóng sau một mùa giải xấu xí tột cùng? Bởi sự vô trách nhiệm của những vị lãnh đạo trốn tránh trách nhiệm? Bởi bị xúc phạm từ thông điệp của tân HLV Ronald Koeman? Hay bởi thứ "quyền lực" nặng như đá do người ta choàng lên cổ anh bấy lâu nay?

Cho dù, khả năng ra đi của Messi vẫn còn nhiều rắc rối vì tính pháp lý của điều khoản 24, do đã hết thời hạn hợp lệ ở mùa Hè này, nhưng Messi đã thực sự không còn muốn giữ ý định giải nghệ tại Camp Nou nữa. Anh bây giờ không còn là chàng trai trẻ ngồi sau cuối xe bus để nhắn tin "giận lẫy" cho HLV.

Mặc dù Messi vẫn là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, vẫn được cả thế giới thèm khát, và hứa hẹn một vụ nổ Big Gang trên TTCN Hè 2020, nhưng quyền lực của Messi không phải khủng khiếp vô hạn như nhiều người nhận định. Dưới chân anh vẫn là trái bóng, nhưng trên tay, ngoài chiếc điện thoại đang soạn sẵn tin nhắn, còn có cả chiếc máy fax.

Thực hiện

Nội dung: Hải An

Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

 
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x