Điều gì đã kiến tạo nên một Messi huyền thoại, tài năng lẫy lừng, thành công tột đỉnh như thế? Hãy gạt đi trăm nghìn đáp án quen thuộc, mà hãy nhìn vào một câu trả lời mới: sự NGỐC NGHẾCH!
Trong thế giới bóng đá đương đại hiện vẫn tồn tại một cuộc tranh luận dai dẳng đã trở thành cuộc luận chiến bất phân thắng bại giữa hai nhóm người hâm mộ ủng hộ Lionel Messi và Cristiano Ronaldo để xem ai xứng đáng là GOAT – Cầu Thủ Vĩ Đại Nhất Mọi Thời Đại.
Messi được coi là ảo thuật gia sân cỏ thành công nhờ tài năng thiên bẩm. Còn Ronaldo cũng tạo dựng được sự nghiệp huy hoàng nhờ khả năng khổ luyện hơn người. Cả hai phía của cuộc tranh luận đều vẽ nên bức tranh về hai con đường đến với sự vĩ đại hoàn toàn khác nhau, song song như thể tài năng và khổ luyện triệt tiêu lẫn nhau trong tương quan so sánh 2 cầu thủ này.
Bản tóm tắt thiển cận trên có vẻ không công bằng với cả 2 cầu thủ, đặc biệt là trong trường hợp của Messi. Dường như chúng ta đặc biệt ngây thơ khi nghĩ rằng một cậu bé được chẩn đoán mắc chứng bệnh thiếu hụt hormone tăng trưởng, gia đình phải ly tán trên hành trình hàng vạn dặm, để dễ dàng từ Rosario đến Barcelona, để lên đỉnh của bóng đá.
Giống như nhiều ngôi sao Nam Mỹ khác, việc học hành của Messi rất khiêm tốn. Cậu đã đạt được ước mơ chơi cho CLB Newell’s Old Boys mà mình hâm mộ năm lên 6 tuổi. Nhưng không giống như nhiều cầu thủ trẻ, Messi ban đầu đến với bóng đá không phải vì cha mẹ định hướng, mà là bà nội.
Bà Celia Olivera, người đã đưa Messi đến với trái bóng đầu tiên, rồi sau đó thuyết phục bố mẹ cậu mua cho cậu một đôi giày bóng đá. Bà đã qua đời trước khi có thể chứng kiến cháu mình hoàn thành lời tiên tri trở thành cầu thủ giỏi nhất thế giới. Thế nên, Messi luôn tôn vinh bà sau mỗi bàn thắng, bằng cách chỉ 2 ngón tay lên trời.
Trong những năm định hình của mình, chiều cao của Messi là một khiếm khuyết kinh khủng khi so sánh với những cầu thủ đồng trang lứa to lớn. Nhưng trở ngại đó không cản trở Messi làm loá mắt đám đông bằng những kỹ năng chơi bóng.
"Khi nhìn thấy Messi, ai cũng nghĩ thằng nhóc này không thể chơi bóng. Nó quá lùn, nó quá mong manh, nó quá nhỏ bé. Nhưng ngay lập tức, chúng ta đã nhận ra rằng thằng nhóc ấy đã được sinh ra với sự khác biệt, rằng nó sẽ là một hiện tượng và sẽ trở thành một cái gì đó vô cùng ấn tượng", HLV Adrián Coria của Newell’s kể trong một cuốn sách viết về Messi của nhà báo Luca Caioli có tựa: "Chuyện nội tình về một cậu bé trở thành huyền thoại".
Năm 11 tuổi, Messi chỉ cao xấp xỉ 1,3m và các bác sĩ chẩn đoán anh bị thiếu hụt nội tiết tố tăng trưởng. Việc điều trị được thực hiện dưới hình thức tiêm hormone tăng trưởng hàng ngày với chi phí 1.000 USD một tháng - một con số mà ông bố Jorge có thể chi trả nhờ thẻ bảo hiểm y tế của mình, nhưng cũng chỉ trụ được trong 2 hoặc 3 năm.
"Mỗi đêm, tôi phải tự tiêm vào chân, đêm này qua đêm khác, 7 ngày mỗi tuần, và liên tục trong 3 năm. Tôi quá nhỏ bé, đó là điều mà thiên hạ nói về tôi trên sân bóng hay đi học. Ở đâu tôi cũng là thằng lùn cho đến khi tôi điều trị xong và bắt đầu phát triển đúng cách", Messi kể trong một sách khác của Guillem Balague.
Ban đầu, Newell's đã đồng ý giúp trả tiền điều trị nhưng rồi lại không thực hiện được lời hứa của mình. River Plate đã có cơ hội ký hợp đồng với Messi nhưng lại từ chối trợ cấp cho việc điều trị bởi vì CLB lúc đó cũng đang gặp khó khăn tài chính do cuộc khủng hoảng kinh tế của Argentina ở thời điểm đó.
Messi không chỉ cần theo đuổi phương pháp điều trị này để tăng trưởng về chiều cao và tầm vóc, mà còn giúp cậu tránh các vấn đề với hệ thống miễn dịch, thị lực, răng và da. Khi 13 tuổi, Messi đã có hai người đại diện là Fabian Soldini và Martin Montero, và tên của Messi đã xuất hiện trong các cuộc trò chuyện của giới săn đầu người châu Âu.
Hai người đại diện trên đều có mối liên hệ mật thiết với Horacio Gaggioli, một tay môi giới cầu thủ hoạt động ở Tây Ban Nha và người này càng ngày càng bị hấp dẫn bởi cậu nhóc có năng khiếu tuyệt luân bên kia Đại Tây Dương.
Sau khi nói chuyện với cố vấn tuyển dụng của Barcelona là Josep Maria Minguella, Gaggioli đã tổ chức một cơ hội để Messi xuất đầu lộ diện và phô bày khả năng với phía Barca. Nhưng ngay cả trước và sau khi xem Messi biểu diễn với trái bóng, ông chủ của Barca cũng chẳng có ý gì muốn ký hợp đồng với cậu.
Chàng trai trẻ tiếp tục tập luyện với những người như Gerard Pique và Cesc Fabregas, những người đã đặt biệt danh cho Messi là El Mudo - Chàng Câm - vì bản tính trầm lặng, ít nói của Messi. Đến bây giờ, Messi vẫn rất thầm lặng, như một con hến.
"Đó là một cậu bé rất nhút nhát, thân hình nhỏ bé như cái kẹo mút dở. Chúng tôi đã chuyền bóng cho cậu ấy, nhằm giúp cậu ta thoải mái hơn, cởi mở hơn. Tôi đã phải phòng ngự trước cậu ta, và biết rằng cậu ta sẽ đi bóng sang bên trái, ấy thế mà bằng cách nào, cậu ta đã làm tôi ngã lăn quay.
Đó là màn đấu tập, một đấu một với thủ môn, theo đó một cầu thủ phải chạy khỏi khung thành để phòng thủ trong khi đối thủ tấn công. Tôi đã tự tin khi đối mặt với Messi và nghĩ rằng chặn cái kẹo mút dở này dễ ợt. Nhưng đó là lần đầu tiên và duy nhất tôi nghĩ thế. Tôi không muốn bị làm nhục trên sân", Cesc Fabregas chia sẻ với tờ TyC vào năm 2018.
Song, chủ tịch Joan Laporta cùng bộ sậu vẫn thờ ơ với Messi và chỉ tập trung vào việc Barca đang thi đấu bết bát dưới tay Louis van Gaal, chỉ có Minguella yêu cầu CLB phải giữ Messi cho đến khi giám đốc kỹ thuật Carles Rexach trở lại từ Thế vận hội ở Sydney xem giò cẳng.
Rexach không xem màn trình diễn đầu tiên của Messi, ngay khi vừa thấy cậu nhóc chạm bóng, không cần phải mất nhiều thời gian để quyết định, ông đã khẩn cầu hội đồng quản trị "trói chặt" ngay cầu thủ nhí này. Trong khi đó, ông Jorge Messi bắt đầu mất kiên nhẫn với sự chần chừ của đội bóng xứ Catalan.
Và rồi một câu chuyện đã được kể hàng ngàn lần: Cuối cùng, Rexach đã gặp Gaggioli và Minguella trong bữa trưa và dùng một chiếc khăn ăn để viết bản hợp đồng lịch sử biến Lionel Messi trở thành cầu thủ của Barcelona. Vì vậy, Messi được cấp giấy thông hành vào lò La Masia.
Kể từ đó, việc điều trị căn bệnh thiếu hoóc môn tăng trưởng của Messi được CLB lo hoàn toàn. Và chúng ta nghĩ, con đường đến với đội một Barcelona và sự bất tử trên sân cỏ sau đó của Messi sẽ trở nên suôn sẻ, phải không? Nếu thế còn gì là cuộc đời khôn lường.
Nửa năm sau khi cùng gia đình chuyển đến Tây Ban Nha, Messi lại cân nhắc việc trở về Argentina. Các điều luật chuyển nhượng đối với các cầu thủ vị thành niên nước ngoài và bản hợp đồng giữa Messi và Newell’s khiến Messi không thể thi đấu chính thức cho đội trẻ của Barca, mà chỉ ngồi ngoài nhìn mà thôi.
Messi không thể đánh bạn với cứ bất cứ đồng đội nào và thời gian trên sân tập còn bị cắt ngắn bởi dính chấn thương mắt cá chân. Gia đình anh cũng không thể thích nghi với cuộc sống ở Barcelona. Cả nhà, từ người bố, người mẹ và các anh chị em của Messi đều vô cùng bất an, hoang mang trước tình hình phức tạp.
Trong thời điểm đó, Leo được hỏi liệu anh có muốn về nhà không? Câu trả lời là, ít lâu sau, gia đình Messi đã trở lại Argentina - nhưng không có Leo và cha anh. Một gia đình chia cắt, một sự hy sinh mà Messi không hề muốn đón nhận, nhưng anh ấy đã chọn.
Không có mẹ và các anh chị em, một Messi rụt rè, trầm lặng càng trở nên "câm điếc" và bị hành hạ bởi chứng nhớ nhà. Bạn bè ở La Masia chẳng có mấy ai, Messi bị trôi dạt vào sự cô đơn. Tuy nhiên, những ngày khổ tận cam lai cũng đến, xoá đi thế giới câm lặng của Messi.
Với việc tất cả các vấn đề pháp lý được giải quyết vào tháng 2 năm 2002, một Messi 14 tuổi đã được đăng ký với LĐBĐ Tây Ban Nha và cuối cùng có đủ điều kiện để thi đấu chính thức. Vài tháng sau, anh là một phần của đội Barcelona đã tới Italia để tham dự giải đấu trẻ Maestrelli.
Trong đội tuyển này còn có Fabregas và Pique, hai trong số trụ cột của đội. Theo thông lệ, họ đã dùng luật "ma cũ chơi khăm ma mới" với Messi. Và Messi đã trở thành một nạn nhân của vụ cướp.
"Pique quyết định đem mọi đồ đạc của Messi, và tạo hiện trường như một vụ đột nhập. Toàn đội xuống ăn tối, Pique đến muộn một chút bởi vì bận tiến hành vụ cướp giả. Đồ đạc của Messi để trên giường như máy chơi PlayStation, túi đựng đồ thi đấu, tư trang, hành lý… tất tần tật.
Sau khi chúng tôi ăn xong, mọi người quay lại phòng nghỉ chung. Cesc âm thầm quay phim cảnh Messi đi về phía giường của mình. Cậu ta như bị hoá đá, khuôn mặt đông cứng, không biểu hiện một cảm xúc. Cậu ta không biết nói gì và làm gì vì quá nhút nhát. Cuối cùng, Messi chỉ đưa tay lên ôm mặt.
Chỉ khi cả bọn phá lên cười và Pique bước ra giải thích, thần hồn thần tính mới trở lại với Messi. Đến lúc đó, Messi mới biết thế nào là lễ nhập môn dành cho những "ma mới" theo truyền thống của La Masia", đồng đội cũ Victor Vazquez của Messi kể lại với tờ FourFourTwo.
Nếu mày mò tìm kiếm trên mạng, chúng ta sẽ thấy một video về màn trình diễn hiển nhiên của Messi trong trận chung kết với Parma ở giải đấu đó. Các nhà làm phim thường lạm dụng nó trong các bộ phim nói về bóng đá chiếu trên truyền hình.
Bạn sẽ thấy nhân vật chính với tài năng vô song cầm bóng lướt qua vô số hậu vệ, vượt qua các cú chặt chém và để lại mọi đối thủ ở sau lưng, sau đó kiêu dũng ghi bàn. Chà thật oai phong. Nhưng đấy là phim, còn trong video nhắc đến phía trên kia, Messi đã biểu diễn đúng như thế mà không cần phóng đại hay sử dụng kỹ xảo hậu kỳ.
Màn trình diễn của Messi 14 tuổi ấy bao gồm động tác lắc vai nổi tiếng, những cú ngoặt bóng khiến đối phương sa sẩm mặt mày và khả năng kiểm soát bóng hoàn hảo với cái đầu luôn ngẩng cao. Barcelona đã giành Cúp, rõ ràng thế rồi. Messi được bầu là Cầu thủ hay nhất của giải đấu, đương nhiên thế rồi. Đó là cách mà lịch sử sẽ phát triển trong một thập kỷ rưỡi tới.
Do không được thi đấu nhiều trong màu áo Blaugrana, Messi hơi tụt hậu một chút so với các đồng đội còn lại trong giai đoạn đầu. Nhưng khi anh bắt đầu tìm thấy khoảng trống giữa hàng tiền vệ và hàng phòng ngự và bắt đầu rê bóng về phía khung thành, thực sự không có gì ngăn cản nổi Messi bởi anh như một cơn lũ quét hung hãn vậy.
12 tháng tiếp theo chứng kiến Messi ghi 36 bàn sau 30 trận ở giải trẻ. Danh tiếng của anh tăng vọt và chẳng mấy chốc anh là chủ đề thảo luận ở La Masia, ở Barcelona, và ở Tây Ban Nha. Các hậu vệ trẻ đã tuyệt vọng tìm cách để ngăn cản Messi giống y hệt 16 năm sau, những bộ óc vĩ đại nhất của thế giới bóng đá cũng tìm cách ngăn cản Messi một cách hiệu quả.
Làm thế nào để ngăn chặn Messi? Nhiều HLV đã được hỏi câu hỏi này trong các cuộc họp báo trước trận đấu họ phải đối mặt với Barcelona. Tất cả mọi người, từ Juergen Klopp đến Zinedine Zidane, đều ngồi đần ra như những đứa trẻ trước một bài toán hóc búa. Họ không biết nói gì ngoài những lời ca ngợi Messi và một câu chung chung "chúng tôi sẽ chơi tập trung cao nhất". Chỉ như thế mà thôi.
Khi đội bóng nổi tiếng của Barcelona, với biệt danh Đội bóng của thế hệ 1987, giành được Cúp vô địch xứ Catalan trong trận chung kết với Espanyol, thì trước đó Messi đã bị gãy xương gò má trong một pha va chạm với một cầu thủ của Espanyol trong hiệp một của trận chung kết lượt đi.
Chấn thương buộc anh phải ra sân trước giờ nghỉ. Espanyol đã hy vọng Messi không thể đá ở trận tái đấu được tổ chức một tuần sau đó. Nhưng Messi tái xuất tại Montjuic với một chiếc mặt nạ bảo vệ mặt.
Chỉ thi đấu với mặt nạ được 5 phút, bất chấp những khuyên can của đội ngũ y tế, Messi đã lột phăng và ném nó sang một bên bởi vì anh cảm thấy không thể thi đấu tốt với cái mặt nạ đó. Anh đã hứa sẽ chỉ chơi nửa hiệp để tránh làm trầm trọng chấn thương. 45 phút, thế là quá đủ với Messi.
Hai pha lập công trong hiệp một của anh đã giúp Barcelona giành chiến thắng 4-1 và thêm một huy chương khác cho bộ sưu tập của CLB và của chính anh. Trận đấu này trở nên nổi tiếng sau đó với cái tên: El Partido de la Máscara - Trận đấu của mặt nạ - ngay cả khi Messi chỉ đeo mặt nạ trong 5 phút.
Đội bóng trẻ thành công nhất của Barca đã chia tay vào mùa Hè năm đó. Pique lên đường gia nhập Man United, trong khi Arsenal cuỗm được Fabregas và cố gắng ký hợp đồng với Messi. Nhưng cầu thủ người Argentina đã ở lại. "Tôi có thể ra đi", và phần còn lại là lịch sử. Sáo rỗng, bạn sẽ nói thế, nhưng nó là phần mở đầu cho một chương mới.
Lướt nhanh một vài trang báo và giở bài viết xuất bản vào tháng 11/2003. Đội một của Barca đang ở Porto để khai trương sân bóng Estadio do Dragao của Porto. Với trận giao hữu diễn ra trong giai đoạn các giải đấu tạm dừng để các ĐTQG thi đấu. HLV Frank Rijkaard đã đưa một số cầu thủ trẻ đến để xem họ có thể làm gì trước ĐKVĐ Champions League của Jose Mourinho.
Messi, mặc áo số 14 của Johan Cruyff, đã được vào sân thay người. "Cậu ta đã tiến hoá trận đấu". Tờ báo Mundo Deportivo của số ngày hôm sau đã viết như thế về Messi.
Sự thăng tiến trong sự nghiệp của Messi cứ nối tiếp nhau mà không gì có thể cản nổi. Anh vươn lên từng thứ hạng của các cấp đội tuyển như một điều tất nhiên. 14 tuổi đá đội thiếu niên, 16 tuổi đá đội trẻ và rồi lên đội hình chính, mục đích cao nhất của mọi đứa trẻ ở La Masia.
Sự xuất hiện tiếp theo của Messi tại đội một là tháng 11/2004, dưới cánh của huyền thoại răng vẩu Ronaldinho.
"Tôi luôn cố gắng để trở thành nguồn ảnh hưởng tốt đến cậu ta theo đúng cách mà tôi đã được đại ca Ronaldo dạy dỗ khi xưa vậy. Tôi cảm thấy đã được Ronaldo bao bọc, và giờ tôi muốn bao bọc Messi. Thằng cu này nhát lắm, nhưng nó là một cầu thủ siêu đẳng. Chúng tôi sống cùng trên một con phố ở Barcelona, do đó, tôi có mối quan hệ thân thiết với cả gia đình Messi. Ngay từ lúc đó, tôi đã biết, Messi giỏi ăn đứt mình", Ronaldinho nói với tờ FourFourTwo vào năm 2014.
Trận đấu ra mắt của Messi tại La Liga là trận gặp Espanyol khi anh 17 tuổi 3 tháng 22 ngày và trở thành cầu thủ trẻ nhất Barcelona được tham gia các giải đấu chính. Messi ngày càng tự tin khi đội bóng của Rijkaard đi như vũ bão tới danh hiệu La Liga.
Sự tự tin đó thể hiện rõ khi anh vào sân thay người ở phút thứ 88 để đối mặt với Albacete tại Camp Nou hồi tháng Năm. Vài giây sau khi xuất hiện trên sân, Messi được Ronaldinho chuyền cho một đường bóng điệu nghệ, và một đường cuộn bóng tuyệt đẹp từ chân Messi đã đưa bóng găm vào góc xa khung thành, trong sự bất lực của thủ môn. Chỉ tiếc, Messi đã bị việt vị.
Tuy thế, thủ môn Raul Valbuena đã cho Messi một sự tán thưởng đầy thán phục bằng cách xoa mái tóc rối bù của đối thủ, hy vọng rằng cậu thiếu niên tóc dài, có khuôn mặt tươi tắn này sẽ dám thử một thứ tương tự. Đừng đùa, không lâu sau, Valbuena trở thành người đầu tiên trong số hàng trăm thủ môn chuyên nghiệp bị hạ gục bởi cú lốp bóng "tanh tưởi" của Messi.
Chính Ronaldinho một lần nữa đã tìm thấy cầu thủ trẻ với một cú vẩy bóng và trong khi Valbuena lao ra, Messi lốp trái bóng qua đầu thủ môn bay vào lưới. Sau đó, Messi ăn mừng bàn thắng đầu tiên, tay vẫy trong không trung, há miệng rộng ra trong sự hưng phấn.
Thậm chí, Ronaldinho đã cõng Messi. Điều đó khiến cả thế giới phải nhớ đến pha ghi bàn đầu tiên của Messi. Ludovic Giuly, Carles Puyol, Andres Iniesta và Deco đều chạy đến chúc mừng chàng trai.
Đấy đều là những ngôi sao lớn, nhưng tại khoảnh khắc ấy, chỉ có một ngôi sao duy nhất, một người đã vượt qua những trở ngại trong suốt cuộc đời mình để có được khoảnh khắc này. "Tôi đã trải qua 17 năm và 114 ngày để thành công chỉ sau một đêm", sau này Messi đã nói như thế về sự nghiệp của mình và thời khắc đặc biệt đó.
Nhưng rồi Messi lại có cơ hội tốt để rời khỏi Barca. Lại một lần nữa, màn trình diễn siêu phàm trong trận gặp Inter tại Cúp Joan Gamper vào mùa Hè năm đó đã khiến đại gia Italia đề nghị Barca một khoản tiền giải phóng hợp đồng lên tới 150 triệu euro, cao gấp đôi kỷ lục của thế giới của Zidane.
Fabio Capello là một fan lớn của Messi và mặc dù bị dụ dỗ một mức lương không tưởng vào thời điểm đó, Messi vẫn quyết định ở lại Barcelona. Nhưng vẫn còn nhiều rắc rối xảy ra. Người ta vẫn nghi ngại tư cách và điều kiện để Messi được phép chơi ở La Liga do vấn đề tuổi tác và quốc tịch.
Lúc này, một phép màu xuất hiện, hoá ra bà cố ngoại Rosa của Messi là người Catalan nên Messi được nhận hộ chiếu Tây Ban Nha dễ dàng. Nói nôm na, tổ tiên đằng ngoại nhà Messi có gốc Catalan, sau đó di cư sang Italia và rồi Argentina.
Giờ đây với quyền công dân Tây Ban Nha, cầu thủ 18 tuổi này đã được chơi cho Barcelona ở mùa giải 2005/06. Tuy nhiên, Messi cũng đã từ chối lời mời khoác áo ĐT Tây Ban Nha để về thi đấu cho Argentina. Mọi tranh cãi về màu áo của Messi đã chấm dứt khi anh tham gia Giải vô địch trẻ thế giới cùng ĐT Argentina.
Đến tháng 8/2005, trận ra mắt của Messi tại ĐTQG Argentina đến làm khách của Hungary ở Budapest, đã được đánh dấu bằng sự kiện mang tính điềm báo: Anh bị đuổi ra khỏi sân vào cuối trận. Phải chăng vì thế mà đã bao năm qua, Messi chỉ nhận toàn cay đắng tại Albiceleste?
Với việc Messi mặc áo của Barcelona và ĐT Argentina, cái bóng không thể tránh khỏi của Diego Maradona bắt đầu xuất hiện. "Tôi đã nhìn thấy cầu thủ sẽ kế thừa vị trí của tôi và tên của cậu ta là Messi", Maradona nói như thế vào tháng 2/2006.
Thời điểm đó, Messi đang tung hoành thoả chí cùng Ronaldinho và Samuel Eto'o trong triều đại của HLV Rijkaard. Anh bỏ lỡ cơ hội đánh bại Arsenal và Fabregas tại chung kết Champions League do bị rách gân khoeo trong trận gặp Chelsea ở vòng 1/8.
Gần một năm sau đó, hiện tượng Cuồng Messi (Messi-mania) bùng nổ ở mọi nơi trên thế giới. "Messi Messi, Messi, Messi", các BLV đã rên rỉ trong cơn phấn khích trong khoang bình luận tại sân Camp Nou khi chứng kiến ngôi sao 19 tuổi hoàn thành cú hat-trick trong trận đấu tàn khốc El Clasico.
"Messi, Messi, Messi", tên của vị Thánh trẻ lại vang lên trong trận hoà 3-3 trên bảng tỉ số, ngay dưới dòng chữ Barcelona. "Messi, Messi, Messi" là tiêu đề trên trang nhất của mọi tờ báo thể thao tại xứ Catalan được người dân tranh giành nhau mua nhằm lưu giữ dấu vết của một đêm đáng nhớ.
"Messi, Messi, Messi, Messi, Messi, Messi" lời ca này có thể lại cất lên khi Messi đoạt Quả Bóng Vàng thứ 6. Messi đã trỗi dậy thành huyền thoại vĩ đại nhất của Barcelona, nơi anh vừa có trận đấu thứ 700, cùng 613 bàn thắng, 34 danh hiệu. Tất cả nhờ anh quá NGỐC NGHẾCH, không dám rời CLB này để tìm kiếm vinh quang nơi khác như Cesc Fabregas hay Gerrard Pique.