Pele - Người anh hùng đơn độc

 

Vậy là Pele ra đi ở tuổi 82. Ông đi về miền mây trắng, nơi không có những trận đấu, những vận động trường kín người như những miệng núi lửa gầm vang tên ông. Những người anh hùng thường đơn độc, nhưng họ khiến cho cuộc sống có ý nghĩa hơn và làm trái tim mọi người xao xuyến. Pele là một người như vậy. Vẻ đẹp hoàn hảo của bóng đá thế kỷ XX mang gương mặt của Pele. Những người như Pele chỉ xuất hiện một lần, trong suốt trăm năm. Khi ông ra đi, bóng đá thế giới vĩnh viễn mồ côi.

 
 

Lần đầu tôi "gặp" Pele là qua một tấm ảnh đen trắng. Bọn trẻ con chúng tôi hồi ấy, thập niên 1970 có một thú vui con nhà nghèo là sưu tầm những bức ảnh bóng đá. Những bức ảnh đen trắng hoặc hiếm hoi ảnh màu cắt ra từ những tờ báo, tạp chí mà theo những con đường ngẫu nhiên nào đó bất ngờ rơi vào tay chúng tôi.

 

Những bức ảnh mờ nhòe do công nghệ in báo hồi ấy còn rất lạ hậu. May mắn nếu cắt ra từ một tờ tạp chí nước ngoài nào đấy thì thật là tuyệt tác! Có khi chỉ là một pha bóng nào đấy trong một trận đấu ở tận đẩu tận đâu, hoặc toàn thể một đội bóng đứng xếp hàng chụp ảnh…

Tất cả được chúng tôi nâng niu, cắt dán vào trong những cuốn sổ dày cộp bằng bìa mà tự tay chúng tôi làm thành những cuốn album độc nhất vô nhị, không có cuốn nào giống cuốn nào. Chúng tôi cũng đổi cho nhau những bức ảnh ấy, coi như là những món hàng sưu tập quý giá.

Trong số những bức ảnh bóng đá sưu tập được ấy, quý nhất là những ảnh chân dung hoặc ảnh một cầu thủ mà chúng tôi hóng hớt nghe rằng "vô cùng nổi tiếng!". Sau này tôi nhớ lại, "đỉnh cao" trong số những ảnh chân dung mà tụi chúng tôi háo hức sưu tầm được chỉ là Oleg Blokhine, cầu thủ Liên Xô chơi cho Dinamo Kiev mà chúng tôi say mê nghe về chiến tích đã lùa bóng qua khe chân "Hoàng đế Beckenbauer" của Bayern Munich trong hai trận đi về siêu cúp châu Âu, giúp cho đội bóng Ukraine lần đầu đoạt được siêu cúp…

 

Ấy thế mà tôi lại có trong tay một bức ảnh Pele, ảnh chụp và in trên giấy ảnh hẳn hoi. Thế mới kinh! Xuất xứ của bức ảnh này khá kì bí. Hồi đó các sứ quán nước ngoài ở Hà Nội thường có một cái hộp khung kính trước sứ quán, trong đó dán các bức ảnh giới thiệu đất nước con người mà sứ quán đó đại diện.

Bức ảnh Pele tôi có được dán trong khung ở trước sứ quán Tiệp Khắc, giới thiệu về nền bóng đá Tiệp Khắc. Đội tuyển nước này đã vào chung kết giải thế giới năm 1962 ở Chile, gặp đội tuyển Brazil của Pele. Vì thế mà ảnh Pele đã xuất hiện trong khung kính và theo một cách thần bí nào đó, lọt vào tay tôi.

Khỏi phải nói tôi nâng niu, trân trọng bức ảnh đen trắng chụp Pele ấy như thế nào. Nó theo tôi vào cả những giấc mơ, khi tôi mơ màng được gặp Pele ngoài đời bằng xương bằng thịt. Đến khi tỉnh giấc, chỉ còn lại những tiếc nuối.

Để cho những giấc mơ tiếp tục, tôi đã bỏ thời gian để tìm hiểu kỹ càng về thân thế và sự nghiệp của Pele, người đã đi vào những giấc mơ tôi suốt một thời tuổi trẻ.

 

TUỔI THƠ NGHÈO KHÓ CỦA PELE

 

Edson Arantes do Nascimento sinh ngày 23-10-1940 trong một gia đình nghèo tại Tres Coracoes (theo tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là Ba Trái Tim), một thành phố nhỏ nghèo khó ven bờ biển ở bang Minas Gerais miền đông nam của Brazil. Cha của cậu, ông Joao Ramos do Nascimento, cũng là một cầu thủ bóng đá nhà nghề, chơi ở vị trí trung phong của đội bóng hạng nhất Fluminense.

Biệt danh trên sân cỏ của ông là Dondinho. Ông Dondinho là một người chơi bóng đá vì đam mê và cả để mưu sinh cho gia đình nữa, bởi khoản tiền nhỏ nhoi ông kiếm được từ bóng đá là nguồn thu nhập chính trong gia đình. Thành tích lớn nhất trong bóng đá khiến người ta còn nhớ tới ông chính là việc trong một trận đấu, ông đã ghi được 5 bàn thắng, tất cả đều bằng đánh đầu!

Nhưng ông là một người không may trong sự nghiệp. Trong một lần va chạm với Augusto của đội Sao Christovao tới từ Rio de Janeiro, người sau này sẽ là đội trưởng ĐT Brazil dự giải vô địch thế giới năm 1950, Dondinho bị chấn thương dây chằng đầu gối.

Vào thời ấy, một chấn thương như vậy vượt quá khả năng của y học thể thao. Nó đã chấm dứt sự nghiệp sân cỏ của Dondinho khi ông mới 24 tuổi và ông chuyển sang làm công tác huấn luyện viên bóng đá. Ngoài ra, để kiếm thêm tiền nuôi gia đình, ông còn phải làm lao công trong một bệnh viện.

Sau này người ta chỉ biết đến ông chủ yếu với tư cách là cha của Pele. Nhưng đối với Pele thì người cha chính là một hình mẫu cầu thủ mà suốt đời cậu muốn noi theo. Sau này, khi đã thành danh, một lần Pele đã nói: "Tất cả những gì tôi muốn là trở thành một cầu thủ như cha tôi, Dondinho."

Cũng như hầu hết những đứa trẻ Brazil khác, để thay thế cho cái tên dài lòng thòng trong tiếng Bồ Đào Nha, cậu bé Edson Arantes do Nascimento được những người trong gia đình gọi ngắn gọn theo họ Edson một cách âu yếm là Edinho, rồi ngắn hơn nữa là Edico và cuối cùng là Dico.

Tres Coracoes là một thành phố nghèo, vậy mà gia đình cậu bé Dico lại còn sống ở Favela, khu vực nghèo khổ nhất của thành phố. Gia đình Dico thuộc dòng dõi những người châu Phi và Bồ Đào Nha, vào khoảng 3 triệu người, đã tới Brazil để làm nô lệ trong khoảng thời gian từ giữa thế kỷ 16 đến thế kỷ 18. Đó là một cộng đồng da đen nghèo khổ, đa phần thất học, thuộc vào thành phần dưới đáy của hội. Cái nghèo luôn là một nỗi ám ảnh đối với gia đình cậu bé, làm cho họ mất đi sự tôn trọng cũng như tự tin đối với bản thân mình.

Mặc dù dòng máu tổ tiên của những người Bồ Đào Nha gốc Phi châu vẫn chảy trong huyết quản của gia đình cậu bé nhưng sống ở Brazil, rõ ràng nền văn hoá cũng như những giáo lý của Thiên chúa giáo đã ảnh hưởng mạnh đến cung cách sinh hoạt của gia đình. Những giá trị của gia đình truyền thống luôn được đề cao.

Ngoài Dico, bà Marria Celeste, mẹ cậu còn sinh hạ được hai anh em trai nữa. Ngoài ra còn có mẹ bà Celeste là Dona Ambrrosina và người anh trai của bà, tức bác của Dico, tên là Jorge, cũng sống chung với gia đình. Cả một đại gia đình 7 người sống trong một căn nhà chật hẹp gồm hai phòng thuê ở khu Favela không điện, không nước, ăn bữa nay lo bữa mai…

Pele bắt đầu yêu trái bóng kể từ khi cậu biết đá cho nó lăn đi! Lẽ dĩ nhiên, là một cầu thủ nhà nghề, ông Dondinho mong cậu con trai của mình sẽ trở thành một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng mẹ của cậu, bà Celeste Nascimento, một người có tính khí cực kỳ nghiêm khắc, hoàn toàn không thích một tý nào.

Bà không muốn cậu con trai mình đi vào nghiệp bóng đá như cha cậu. Ông Dondhino không kiếm được nhiều tiền từ các trận đấu bóng đá của ông và bà mong cho Pele có một tương lai sáng sủa hơn. Bà muốn cậu trở thành một bác sỹ.

Ở cái thị trấn nghèo quê hương bà, một bác sỹ, cho dù là bác sỹ da đen, là một biểu tượng của danh giá và thành đạt. Kèm theo đó sẽ là tiền bạc, cái chắc chắn giúp cho gia đình bà vượt qua được hoàn cảnh nghèo khó. Nếu như bà Celeste thực hiện được ý định của mình thì hẳn là thế giới bóng đá đã mất đi tài năng bóng đá lớn nhất của mình.

Riêng Pele thì ngoài thú vui đá bóng, cậu mơ ước trở thành phi công! Đấy là một ước mơ không tưởng đối với một đứa trẻ da đen ở một thị trấn nghèo của Brazil, thế nhưng cũng như nhiều đứa trẻ khác, cậu mơ một ngày kia được tự do bay trên bầu trời cao xanh, rộng lớn.

Gia đình nghèo khiến Pele sớm phải tự lập kiếm tiền bằng đủ mọi cách. Đi bán củi cùng ông bác Jorge, bán lạc hay bánh mì ở sân ga, thậm chí cả những đầu mẩu thuốc lá hút dở cũng trở thành một món hàng rẻ tiền… Nhưng "nghề nghiệp" chính gắn bó với cả tuổi thơ của cậu bé mang tên Dico là đánh giày.

Những công việc sinh nhai đó khiến cho cậu bé theo học ở trường hết sức vất vả. Lên đến lớp 4, cậu bé bị đúp hai năm khiến cho số năm học ở trường phổ thông của cậu kéo dài ra thành…6 năm và sau đấy, cậu bỏ học luôn. Thời kỳ ấy, chỉ cần biết đọc và biết viết đã là quá đủ đối với những đứa trẻ da đen nghèo khổ ở Tres Coracoes và việc cậu bé con nhà bà Celeste Nascimento học được đến hết lớp 4 đã là một cố gắng lớn, không chỉ của bản thân cậu mà còn của cả gia đình.

 

SINH RA ĐỂ CHƠI BÓNG ĐÁ

 

Vẫn có một niềm vui hiếm hoi trong cuộc sống nặng nề ấy: bóng đá. Niềm đam mê bóng đá được bố truyền cho ngay từ thời thơ bé đã hút Dico đến sân bóng mỗi khi có dịp và một khi đã ở gần trái bóng rồi thì không gì có thể tách cậu bé ra khỏi niềm đam mê của mình nữa.

 

Những trận đấu bất tận với bọn trẻ con trên đường phố, với bất cứ thứ gì có thể lăn được, trái bưởi, những cái bít tất ăn trộm trên dây phơi quần áo của nhà hàng xóm được nhồi báo, thậm chí cả những vỏ quả dừa cứng ngắc, đều có thể biến thành quả bóng. Hai cái gậy cắm xuống đất làm khung thành. Mãi đến lần sinh nhật thứ 6 của Dido, Sosa, một cầu thủ trong đội bóng của ông Dondinho mới tặng cậu bé một quả bóng da và đó là lần đầu tiên cậu được chơi với một quả bóng thực thụ.

Cậu bé Dico luôn là đứa giỏi nhất trong số những đứa bạn đồng lứa và mang dáng dấp của một thủ lĩnh. Năm lên 10 tuổi, Dico đã tự lập ra một đội bóng của riêng mình để đi thi đấu với những đội bóng của bọn trẻ con ở các khu lân cận. Dico đặt tên cho đội bóng của mình là Setimo de Setembro-Mùng Bảy Tháng Chín, tên đường phố nơi gia đình cậu đang sống!

Chính trong thời gian này, cái tên Pele ra đời. Không ai có ý niệm về việc nó đã xuất hiện từ đâu. Trong tiếng Bồ Đào Nha, nó không có một ý nghĩa nào hết. Có thể nó là do người…Thổ Nhĩ Kỳ đặt cho!

Cuộc đời cầu thủ nay đây mai đó của ông Dondinho đã khiến cho gia đình phải theo ông di chuyển đến những thành phố mới. Khi Dico lên 4 tuổi, gia đình chuyển tới thành phố Bauru ở bang Sao Paulo bởi vì ông Dondinho khi ấy vẫn còn đá bóng và ngoài ra lại có thêm việc làm ở câu lạc bộ. Ở Bauru có khá đông người Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống.

Khi cậu bé Dico mải mê chạy theo trái bóng cùng các bạn, nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ tới xem bọn trẻ đá bóng. Trong một trận đấu, thay vì chơi bóng bằng chân, cậu bé Dico lại dùng tay bắt bóng. Một trong số những khán giả bên ngoài người Thổ Nhĩ Kỳ kêu lên: Pele! Trong tiếng Thổ, nó có nghĩa là "đồ tồi", với hàm ý rằng người khán giả nọ chê trách cậu bé Dico không biết chơi bóng!

 

Cũng có một cách khác giải thích nguồn gốc của cái biêt danh nổi tiếng này nghiêng về khía cạnh bóng đá hơn. Như nhiều đứa trẻ khác ham mê chạy đuổi theo trái bóng, Dico cũng có một thần tượng riêng của mình, nhưng là một…thủ môn! Đó là thủ môn mang tên Bile của CLB Vasco de Sao Lourenco và cậu muốn các bạn trong đội gọi mình là "Bile".

Một hôm, trong khi trận đấu trên đường phố đang diễn ra, một đứa trong số đang chơi bóng cùng cậu bỗng hét lên gọi tên cậu: Bile, thì những đứa khác cũng gọi theo, nhưng vì chúng bạn phát âm nhanh nên tất cả mọi người xung quanh hiểu rằng tên cậu là "Pele".

Dico rõ ràng là không thích cái tên này một tí nào. Biệt danh của cậu do gia đình đặt cho là "Dico" và cậu muốn lũ bạn gọi mình theo cái tên đó. Nhưng mặc kệ, lũ bạn ương bướng vẫn cứ gọi cậu là "Pele". Đã có lần, cậu đánh lộn với một thằng bạn chỉ vì cho rằng cái tên đó là một sự xúc phạm đối với cậu.

Nhưng rồi cậu buộc phải chấp nhận và cái tên "Pele" sẽ theo cậu trong suốt cuộc đời, không chỉ trên sân cỏ mà còn cả trong cuộc sống. Cậu không thể biết rằng trong mấy chục năm sau, Pele sẽ trở thành một trong những cái tên được biết đến nhiều nhất trên thế giới. Chỉ có một cái tên Pele khác cũng được nhiều người biết là tên của nữ thần núi lửa trên đảo Kilauea ở Hawaii!

Đã có một sự kiện xảy ra trong năm 1950 khiến cho Pele còn nhớ mãi. Đấy là việc ĐT Brazil, trong "trận chung kết" với Uruguay ở World Cup lần thứ tư diễn ra ngay trên sân nhà Maracana, đã thua tức tưởi với tỷ số 1-2. Không chỉ có hơn 20 vạn khán giả trực tiếp có mặt trên sân đau đớn mà hầu như cả đất nước Brazil rơi vào tang tóc.

Trong số những người đau khổ nhất có Dondinho, cha của Pele. Cậu bé Pele khi ấy mới 10 tuổi đã an ủi cha mình: "Đừng buồn cha à. Khi nào lớn lên, con sẽ mang cúp vàng về cho cha!"

 

CLB SANTOS – NƠI KHAI SINH MỘT HUYỀN THOẠI

 

Năm 12 tuổi, Pele gia nhập CLB bóng đá trẻ Bauru Athletic ở Sao Paulo, khi ấy do Waldemar de Brito, một cựu cầu thủ bóng đá quốc tế của Brazil, người từng tham gia đội tuyển Brazil dự Giải vô địch thế giới năm 1934 tại Ý, huấn luyện. Những kỹ năng bóng đá của Pele khi còn là một cậu bé con đã khiến cho ông Waldemar de Brito chú ý.

Ông nhận lời làm HLV cho cậu và năm 1956, bất chấp việc Pele vẫn còn bị một vết chấn thương ở đầu gối, ông De Brito đưa Pele đến giới thiệu với Santos, một câu lạc bộ hạng trung ở vùng bờ biển của Brazil. Ông nói với Chủ tịch câu lạc bộ Santos vẫn còn bán tín bán nghi: "Cậu bé này rồi sẽ trở thành cầu thủ vĩ đại nhất thế giới".

Ngày 23/7/1956, khi còn chưa đầy 16 tuổi, Pele được phép chơi thử trận đầu tiên cho Santos. Không có gì để chê! Vậy là mười ngày sau, 3/8/1956, Pele ký hợp đồng với CLB Santos, trở thành cầu thủ bóng đá nhà nghề khi mới chưa đầy 16 tuổi. Pele đã nhanh chóng chứng minh rằng người thầy của mình là một nhà tiên tri. Cùng với câu lạc bộ Santos, Pele trở thành huyền thoại.

Mặc dù đạt được ước nguyện thi đấu cho một đội bóng nhà nghề, thế nhưng dù sao Pele vẫn còn là một cậu bé. Trong những ngày tập trung đầu tiên ở trại huấn luyện của đội Santos, nỗi nhớ nhà cồn cào đã giày vò cậu bé lần đầu tiên xa nhà. Không chịu nổi, một hôm, Pele đã quyết định trốn khỏi nơi tập trung đội để về nhà, dù cho ra sao thì ra.

May mắn cho Pele, cho bóng đá, một người làm công ở câu lạc bộ Santos tên là Sabu đã tóm được cậu bé trên đường cậu trốn về rồi đem cậu trở lại CLB. Không có Sabu, hẳn là lịch sử bóng đá thế giới đã ngoặt sang một hướng khác!

Cũng ở Santos, Pele có biệt danh thứ hai của mình: "Gasoline"-tức "Dầu máy". Lý do: vốn là cầu thủ đàn em trẻ nhất trong đội, Pele thường bị các "ma cũ" trong đội, những đàn anh lớn tuổi hơn, sai chạy đi mua coffe hay làm những công việc lặt vặt. Mỗi lần như thế, họ lại trêu: "Nhanh lên, đừng để hao "dầu máy" đấy nhé!"

Mức lương đầu tiên Pele nhận ở Santos vào khoảng 5.000 cruzeiro (tương đương với 60 dollar Mỹ) một tháng, không nhiều nhưng cũng tạm đủ để bà mẹ bớt lo lắng vào tương lai của cậu con trai. Nhưng mức lương còm cõi ấy không ngăn cản được Pele chơi bóng với một niềm đam mê mãnh liệt.

Ngày 7/9/1956, hơn một tháng sau khi ký hợp đồng với Santos, chưa đầy 16 tuổi, Pele đã có trận đầu tiên trong sự nghiệp cầu thủ nhà nghề của mình. Pele thay thế vị trí của Del Vecchio tham gia đội hình một của Santos chủ nhà thi đấu với CLB FC Corinthians.

Đó là một sự khởi đầu đầy ấn tượng: Pele ghi bàn thắng thứ 6 cho Santos trong chiến thắng 7-1 trước Corinthian, còn thủ môn Zaluar của FC Corinthians, người bị cho là gặp hạn trong trận đấu ấy, lại là người may mắn bởi đã đi vào lịch sử với tư cách thủ môn đầu tiên bị cầu thủ vĩ đại nhất thế giới sút thủng lưới.

Trong 10 trận kế tiếp sau đó, Pele ghi thêm 16 bàn thắng nữa cho Santos và nhịp độ đó được duy trì một cách đều đặn. Ngay trong mùa bóng đầu tiên có mặt của Pele (1956), Santos đoạt chức vô địch bang Sao Paulo (khi ấy Brazil không có giải vô địch toàn Liên bang mà chỉ có giải vô địch của các bang).

Đó mới chỉ là sự khởi đầu. Năm sau đó, 1957, Pele giành danh hiệu Vua phá lưới giải vô địch bang Sao Paulo với 17 bàn thắng. Đến năm 1958 thì Santos lại đoạt chức vô địch bang Sao Paulo, còn Pele cũng một lần nữa giành danh hiệu vua phá lưới, nhưng lần này thì với hiệu suất kinh khủng: 58 bàn thắng! Một cỗ máy ghi bàn đã ra đời.

Với sự có mặt thường xuyên trong đội hình chính của Santos và khả năng ghi bàn đều đặn cho đội bóng này, điều không tránh khỏi là Pele sớm lọt vào tầm ngắm của ông Sylvio Pirilo, khi ấy đang là huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia Brazil.

Ngày 7-7-1957, tức là khi chưa tròn 17 tuổi, Pele đã có trận ra mắt trong màu áo Selecao - đội tuyển quốc gia - trận Brazil gặp đội tuyển Argentina ở cúp Roca, là giải đấu truyền thống được tổ chức giữa hai nền bóng đá hàng đầu Nam Mỹ này, bắt đầu từ năm 1914. Phút thứ 55, Pele mới được tung vào sân nhưng chỉ 3 phút sau đó, đã ghi bàn thắng cân bằng tỷ số 1-1 cho đội nhà. Nhưng đó không phải là một trận ra mắt mỹ mãn cho lắm: Brazil thua 1-2.

Chàng trai trẻ bắt đầu sự nghiệp lẫy lừng của mình cùng với đội tuyển quốc gia Brazil. Đỉnh núi đầu tiên mà Pele hướng tới để chinh phục: Giải vô địch thế giới năm 1958 trên đất Thụy Điển.

 

RỰC RỠ MÙA HÈ THUỴ ĐIỂN 1958

 

Chuyến bay đi Thụy Điển là chuyến đi xa đầu tiên trong đời của chàng trai chưa đầy 17 tuổi Pele. Trước khi bước vào cuộc tranh tài, thậm chí Pele còn không biết Thụy Điển nằm ở đâu. Cậu phải cắm mặt vào tấm bản đồ để tìm vùng Bắc Âu rồi từ đó mới lần ra được Thụy Điển.

Đối với một cậu bé tỉnh lẻ như Pele mới gia nhập thế giới bóng đá chỉ ít tháng trước đó thì quả thật đây là một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ, lạ lẫm. Mọi cái dường như đều bị đảo lộn. Trong đời cậu chưa bao giờ thấy nhiều người tóc vàng đến thế! Hàng loạt cảm xúc ùa vào tâm hồn chàng trai trẻ, thế nhưng cậu cố gắng không nói ra bởi sợ trở thành đối tượng giễu cợt của các đồng đội lớn tuổi hơn.

Trước đấy, khi Pele mới lần thứ hai được gọi vào ĐT Brazil, trong một trận đấu của Santos gặp Americano trên sân vận động Maracana, phóng viên tường thuật trận đấu là Nelson Rodrigues, quá hâm mộ phong độ của Pele trong trận đấu này (Santos thắng 5-3, Pele lập hat-trick), đã không hề do dự gọi Pele là O Rei (tức Nhà Vua).

Ông còn đồng thời nhiệt thành tiên đoán: "Với Pele trong đội hình cùng với những cầu thủ khác nữa, chúng ta sẽ không tới Thụy Điển với nỗi sợ hãi. Chính các đối thủ sẽ phải run sợ trước chúng ta". Đó quả thật là một lời tiên tri chính xác, còn Nelson Rodrigues chính là người đầu tiên đặt danh hiệu "Vua" cho Pele, một danh xưng tương xứng với tài nghệ vô song của người cầu thủ này.

Nhưng mọi sự bắt đầu không hề suôn sẻ đối với Pele. Trong một trận đấu tập ngay trước khi lên đường sang Thụy Điển giữa Selecao với CLB Corinthians ở Sao Paulo, Pele bị một hậu vệ của Corinhians là Ari Clemente "chém" ác liệt. Kết quả là Pele bị chấn thương đầu gối. Pele phải nằm bất động, chườm nước đá và uống đủ các loại thuốc chống viêm.

Đã xuất hiện những tin đồn rằng một tiền đạo khác sẽ được gọi bổ sung để thế chỗ của Pele. Những tin đồn đó làm cho chàng trai trẻ bấn loạn. Ban ngày Pele nằm ở phòng điều trị, còn đến đêm thì Pele khóc lặng lẽ ở trên giường. Tất cả những gì mà Pele có thể làm là cầu nguyện!

Rồi điều kỳ diệu đã diễn ra: vết chấn thương của Pele có những dấu hiệu tiến triển tốt. Bác sĩ Hilton Gosling, người phụ trách y tế của đội tuyển Brazil đã cẩn thận chăm sóc và chữa chạy chấn thương cho chàng cầu thủ trẻ, cuối cùng tuyên bố là Pele có thể ra sân.

HLV ĐT Brazil khi ấy không còn là ông Sylvio Pirilo nữa mà là ông Vincente Feola, cũng nhận thấy rằng đội tuyển không thể đi Thụy Điển mà lại thiếu chàng trai trẻ đầy tài năng đến từ Santos. Chỉ đến khi bước vào khoang máy bay đi Thụy Điển, Pele mới biết là mình có thể tham dự World Cup.

Nhưng cũng không hoàn toàn chắc chắn bởi ngay cả khi đã sang đến Thụy Điển, HLV vẫn có thể thay thế Pele bằng một cầu thủ khác nếu vết chấn thương tái phát. Đó là lần đầu tiên Pele ra nước ngoài và theo những tìm hiểu trước khi đi, Pele biết rằng Thụy Điển là một đất nước có nền văn hoá cổ kính, nghiêm cẩn.

Nhưng những gì mà Pele chứng kiến ở Thụy Điển lại hoàn toàn khác so với điều Pele hình dung. Tại gần nơi tập trung của đội tuyển Brazil ở Goterborg có một cái hồ rất đẹp. Một hôm, Pele bỗng tình cờ thấy những cô gái tắm nắng bên bờ hồ với bộ ngực trần!

Rất may Pele là đứa trẻ lớn lên trong một gia đình ngoan đạo và chỉ riêng việc nhìn trộm những cảnh tượng ấy đã là tội lỗi! Nếu Pele bị cuốn hút vào những điều lạ lùng đầy tội lỗi ấy thì rất có thể Brazil đã thua một vài trận và Pele phải trắng tay rời Thụy Điển!

Trong hai trận đấu đầu tiên của ĐT Brazil, ông Feola không dám mạo hiểm tung Pele, vẫn còn bị chấn thương nhẹ, vào sân. Trận đầu gặp ĐT Áo ở Udevalla, Brazil thắng 3-0, trận thứ hai ở Goterborg, hoà ĐT Anh 0-0. Nhưng sau những trận đầu tiên, lực lượng của Brazil bắt đầu sứt mẻ, Joel bị chấn thương.

Các cựu thần trong đội đề nghị Feola hãy tung chàng trai trẻ Pele vào sân trong trận cuối cùng ở bảng gặp ĐT Liên Xô ở Goterborg. Vậy là ngày 15/6/1958, bên cạnh những hảo thủ quen thuộc của Brazil như thủ môn Gilmar, các cầu thủ Nilton Santos, Didi, Vava, Zagallo, Zito… và một "lính mới" là Garrincha, có thêm…Pele! Đây là lần thứ 11 Pele khoác áo ĐT Brazil.

Số phận kỳ lạ đã sắp xếp để trận đầu tiên ra mắt của Pele tại World Cup cũng là trận đối mặt giữa hai cầu thủ sau này sẽ trở nên vĩ đại, đó là Pele và thủ môn huyền thoại Liên Xô, Lev Yachine. Khi ấy, cả hai đều là lính mới và lần đầu tận hưởng bầu không khí lạ lùng của ngày hội bóng đá trong mùa hè Thụy Điển.

Trại tập của hai đội ở sát cạnh nhau và các cầu thủ Brazil đã có dịp xem đội Liên Xô đấu tập. Thủ môn Gilmar của đội Brazil, sau khi quan sát kỹ người trấn giữ khung thành của đội tuyển Liên Xô đã nhận xét rằng "ai mà sút được một quả vào khung thành của anh chàng này sẽ là một người hạnh phúc".

Đội tuyển Liên Xô, với quân số được tuyển chọn từ hàng ngàn CLB trên đất nước rộng lớn Liên bang Xô viết, được đánh giá cao khi lần đầu tham dự giải vô địch thế giới. Nhiều nhà phân tích còn cho rằng nếu tham gia giải thế giới sớm hơn, hẳn là đội tuyển mang tên "Đội bóng Đỏ vĩ đại" này đã có thể có những danh hiệu.

Trong đội hình đội tuyển Liên Xô tham dự giải vô địch thế giới lần này, ngoài thủ môn Lev Yachine, còn có những cầu thủ đã vang danh như đội trưởng Igor Netto chơi vị trí tiền vệ trái, tiền đạo có lối chơi biến hóa như một giọt thủy ngân Omian Simonian…

Trong trận đầu ra quân ấy, Pele, xuất hiện với áo số 10 trên lưng và trong dáng vẻ gần như một cậu bé, là một người hạnh phúc cho dù đã nhiều lần thử thách tài năng của Lev Yachine mà không ghi được bàn thắng nào cho riêng mình.

Ghi cả hai bàn thắng trong trận này là Vava, người bị ngất do các đồng đội ôm hôn quá nồng nhiệt sau khi anh ghi bàn thắng! Các bác sỹ của đội tuyển Brazil phải mất vài phút mới làm cho Vava tỉnh lại được! Bàn thắng thứ nhất của Vava trong hiệp 1 do Didi kiến tạo, còn bàn thắng thứ hai, người kiến tạo là…Pele! Brazil thắng 2-0, còn chàng trai trẻ Pele lâng lâng như bước trên mây.

Nhưng đêm ấy, khi trở về nơi tập trung của đội, Pele đã mất ngủ cả đêm để "tua" lại trong đầu từng pha bóng trong trận đấu. Mình đã quá căng thẳng khi tham gia trận đầu tiên ở World Cup - đó là kết luận mà Pele rút ra cho riêng mình. Cần phải bình tĩnh, lạnh lùng hơn mới có thể tận dụng được các cơ hội.

Pele tự hứa với mình là nếu được xếp trong đội hình chính trong trận tứ kết sắp tới gặp xứ Wales, anh sẽ phải "chuyên nghiệp" hơn, có thái độ bình tĩnh như các đồng đội Didi, Vava, Garrincha và Zagallo. Và ông Feola đã xếp Pele đá chính trong trận đấu gặp ĐT Xứ Wales diễn ra ở Goteborg. Trên khán đài chỉ có 25.000 người xem.

ĐT Xứ Wales vừa mới mất nhiều sức lực để loại đội Hungary trong trận tranh ngôi nhì bảng vào thi đấu ở tứ kết (nhất bảng này là đội chủ nhà Thụy Điển). Mặc dù vậy, Xứ Wales không dễ dàng đầu hàng. Thủ môn Xứ Wales là Kelsey kiên cường chống đỡ hết cú sút này đến cú sút khác của các hảo thủ Brazil.

Nhưng tới phút thứ 73 của trận đấu, Pele đã ghi dấu ấn của mình ở giải thế giới bằng một bàn thắng tuyệt đẹp. Bóng được chuyền từ cánh phải vào giữa, Pele dùng ngực hãm bóng rồi búng bóng qua đầu hậu vệ đang theo chặt mình như hình với bóng - cú sombrero nổi tiếng - sau đó tung cú voley cực mạnh hạ Kelsey.

Chàng thanh niên 17 tuổi giơ hai tay lên trời để mừng chiến thắng trước khi các đồng đội lao vào đè xuống sân cỏ để chào mừng. Thế giới sẽ còn được chứng kiến hình ảnh quen thuộc ấy trong nhiều năm sau nữa.

Sau này, Pele đã ghi được hàng nghìn bàn thắng, nhưng như Pele đã có lần thừa nhận, bàn thắng trong trận gặp ĐT Xứ Wales chính là bàn thắng quan trọng nhất trong sự nghiệp cầu thủ của mình. Bàn thắng duy nhất của Pele trận gặp Xứ Wales đã đưa Brazil vào bán kết, nơi họ gặp đội Pháp với các hảo thủ tấn công như Fontaine, Kopa, Piatoni.

Đội Pháp đã phải chịu một thiệt thòi lớn khi trung vệ Robert Jonquet bị chấn thương rời sân (khi ấy chưa có luật thay người). Mới phút thứ hai của trận đấu, Vava đã đưa Brazil dẫn trước 1-0. Phút thứ 9, Fontaine ghi bàn gỡ hoà 1-1 cho đội tuyển Pháp, thêm vào bảng thành tích số bàn thắng của mình tại giải sau này sẽ lên đến 13 bàn-một con số không tưởng.

Nhưng chính Pele mới là người làm được điều khiến cả thế giới phải sửng sốt: lập hat-trick trong vòng có 23 phút của hiệp 2, góp phần vào chiến thắng 5-2 của đội nhà. Brazil vào chung kết, còn Pele đã lấy lại được bình tĩnh sau những cảm xúc ngây ngất ban đầu…

Ngay khi mới bước vào giải, HLV của ĐT Thụy Điển là ông George Raynor, người Anh, đã khẳng định với các CĐV chủ nhà là đội bóng do ông dẫn dắt sẽ vào chơi trận chung kết ở thủ đô Stockholm. Khi đó, không có mấy người tin lời ông Raynor, bởi dù đội Thụy Điển được chơi trên sân nhà, trước khán giả nhà, nhưng nền bóng đá Thụy Điển chưa bao giờ được liệt vào hàng ngũ các "đại gia" trên bản đồ bóng đá thế giới.

Nhưng rồi người dân xứ lạnh Thụy Điển trầm lặng bắt đầu "nóng" dần với những thắng lợi liên tiếp của đội nhà: thắng Mexico 3-0 trong trận mở màn, hạ Hungary cực mạnh với tỷ số 2-1, rồi hoà Xứ Wales 0-0 trong trận đấu cuối ở vòng bảng.

Trận thắng đội Liên Xô 2-0 ở tứ kết tại Stockholm khiến các CĐV Thụy Điển phát cuồng lên và đến khi đội bóng của họ vượt qua được đội Tây Đức trong trận bán kết ở Goteborg với tỷ số 3-1 thì nhiều người đã thấy lấp lánh trước mặt mình hình ảnh Nữ thần Vàng đang mỉm cười với họ! Ông George Raynor đã thực hiện được lời hứa danh dự của mình.

Những ai không tin vào lời hứa của ông Raynor đã phải trả giá đắt. Nhiều người Thụy Điển trước đó không chịu mua trước vé xem trận chung kết được bán với giá 24 curon, tiền Thụy Điển. Đến khi đội bóng của họ lọt vào chung kết, việc sở hữu một chiếc vé của trận đấu này trở thành vô cùng khó khăn và nhiều người đã phải chịu để cho dân phe vé chợ đen "cắt cổ" với giá 80 USD một vé!

Sau trận bán kết giữa Thụy Điển với Tây Đức, trước sự ngạc nhiên của các nhân viên bảo vệ, HLV kỳ tài Josef "Sepp" Herberger của đội Tây Đức bỗng xuất hiện trong "quân doanh" của đội Thụy Điển. Điều mà ông Herberger muốn nhắn nhủ ông George Raynor cùng các cầu thủ Thụy Điển rất đơn giản: hãy cố gắng đánh bại người Brazil để giữ cúp vàng ở lại châu Âu!

Vốn là người ưa tiên đoán, ông George Raynor nói rằng đội bóng của ông sẽ ghi bàn trước trong trận chung kết với Brazil diễn ra vào ngày 29/6/1958 trên sân Rasunda ở khu Solna, ngoại ô thủ đô Stockholm. Quả nhiên như thế.

Mới đến phút thứ 3, trước sự cổ vũ cuồng nhiệt của hơn 51.800 khán giả, trong đó có cả nhà Vua Thụy Điển Gustave Adolfe VI, Thụy Điển đã có bàn thắng đầu tiên. Liedholm phối hợp với cầu thủ cánh trái có tốc độ rất cao Skoglund, vượt qua hai hậu vệ Brazil và đánh lừa cả thủ môn Gilmar, ghi bàn mở điểm cho Thụy Điển.

Nhưng lời tiên đoán của Raynor chỉ đúng đến lúc đó. 6 phút sau, nhận một đường chuyền như đặt từ cánh trái của Garrincha, Vava của Brazil đã gỡ hoà 1-1, cứu cho bao con tim của hàng triệu CĐV Brazil bên kia đại dương khỏi lạc nhịp. Các cầu thủ Brazil tăng cường nhịp điệu samba, liên tục gây sức ép lên hàng thủ Thụy Điển. Điều gì phải đến đã đến. Phút 32, vẫn là Garrincha chuyền bóng để Vava ghi bàn thắng thứ hai của mình trong trận này, nâng tỷ số lên 2-1.

Sang hiệp 2, các cầu thủ Thụy Điển tiếp tục căng mình ra chống đỡ những đợt tiến công của dàn hảo thủ Brazil đang trong trạng thái hưng phấn. Trọng tài người Pháp Maurice Guigue ngày càng phải sử dụng nhiều tiếng còi để phạt các cầu thủ Thụy Điển phạm lỗi nhằm ngăn những chân sút Brazil ghi bàn.

Pele và Vava thay phiên vờn nhau với các hậu vệ Thụy Điển. Nhưng đội bóng Bắc Âu cũng chỉ giữ được đến phút thứ 55. Bóng từ Mario Zagallo được chuyền từ cánh phải vào giữa cho Pele. Pele hãm bóng bằng đùi, rồi lại thực hiện động tác sombrero, nhẹ nhàng búng trái bóng vòng qua đầu hậu vệ cuối cùng của Thụy Điển và trong khi trái bóng còn chưa tiếp đất, Pele quay tròn trên chân trụ rồi tung ra cú sút như chớp giật, đưa trái bóng bay như điện xẹt sát nách thủ môn Thụy Điển vào lưới. Một màn ảo thuật thực sự.

Zagallo tiếp tục nâng tỷ số lên 4-1 cho Brazil ở phút 68. Bàn thắng muộn màng của Simonsson ở phút 80 rút ngắn cách biệt xuống còn 2-4 không giúp gì được nhiều cho Thụy Điển khi họ phải đối mặt với Pele trong một ngày quá sung sức. Phút 90, Pele đã ghi bàn thắng thứ hai trong trận chung kết giải thế giới của mình bằng một cú đánh đầu tuyệt đẹp trước thủ thành Thụy Điển dường như đang bị thôi miên.

Người chuyền bóng là Zagallo. Hậu vệ Thụy Điển Sigge Parling sau này thú nhận: "Sau bàn thắng thứ 5 ấy, đến tôi cũng muốn vỗ tay!". Trong suốt sự nghiệp cầu thủ của mình, đã không ít lần Pele không chỉ chinh phục trái bóng mà còn chinh phục cả đối thủ của mình như thế.

Tiếng còi chấm dứt trận đấu của trọng tài Maurice Guigue vừa cất lên, cả người Pele như vỡ vụn ra vì những cảm xúc choáng ngợp. Mọi việc diễn ra quá nhanh đối với một người gần như vẫn còn là một cậu bé con và mới chỉ ít ngày trước đó thôi vẫn còn không biết là mình liệu có được tham dự World Cup hay không.

Vậy mà giờ đây, cậu đã là nhà vô địch thế giới, được cả thế giới biết đến và tôn sùng. Cả một trời nước mắt bỗng ùa ra và Pele cứ gục đầu vào vai thủ môn Gilmar của đội tuyển mà nức nở, không sao kìm lại được, chỉ khổ cho Gilmar ra sức vỗ về người đồng đội trẻ tuổi của mình.

Một ông Vua đã ra đời trong nước mắt hạnh phúc.

 

SỰ OÁI ĂM CỦA SỐ PHẬN

 

12 năm sau. Hôm đó là ngày 21/6/1970. Chiếc xe bus chở ĐT Brazil đang trên đường đưa đội bóng đến SVĐ Azteca của thủ đô Mexico để tham dự trận chung kết Giải vô địch thế giới lần thứ 9. Pele ngồi lẫn giữa những đồng đội nổi tiếng của mình: Jairzinho, Tostao, Rivelino, Carlos Alberto…

Tất cả đều căng thẳng nên không ai để ý đến Pele đang âm thầm khóc. Lại là những giọt nước mắt. Dường như những cảm xúc mãnh liệt khiến cho Pele không thể kiểm soát nổi bản thân. Pele giả vờ cúi xuống sàn xe bus tìm kiếm một vật gì đó để các đồng đội không nhận thấy mình đang khóc.

Không phải vì xấu hổ, bởi dù sao thì trong số những người có mặt tại đây, Pele cũng thuộc loại kỳ cựu nhất; đây đã là lần thứ 4 Pele tham dự một World Cup và là lần thứ hai có mặt trong trận chung kết ở giải đấu danh giá nhưng cũng khốc liệt nhất hành tinh này.

Chẳng có gì phải xấu hổ vì những giọt nước mắt. Pele chỉ không muốn gây nên sự căng thẳng không cần thiết trong đội bóng của mình, đồng thời cứ để cho cảm xúc tự nhiên tuôn trào ra. Khi ấy, Pele cảm thấy thư thái hơn và điều đó có ích cho trận đấu sắp tới…

Chính trong lúc ngồi trên xe bus để tới sân Azteca vào lúc giữa trưa ấy, Pele đã nhớ lại những gì xảy ra trong hai World Cup gần đây nhất của mình, sau cái mùa hè đáng nhớ đầy nước mắt trên đất Thụy Điển.

Năm 1962, trong tâm trạng tràn đầy hứng khởi, Pele cùng đội tuyển Brazil tới Chile tham dự World Cup lần thứ bảy. Đó sẽ là một sân khấu đích thực để Pele phát sáng, để thế giới chiêm ngưỡng tài năng đang độ rực rỡ của anh. Rất ít đội bóng cho rằng có cơ hội chiến thắng Brazil ở giải đấu này.

Đội hình vô địch thế giới bốn năm trước đó hầu như vẫn còn nguyên vẹn, chỉ có vài thay đổi nhỏ. HLV Aymore Moreira đã thay huấn luyện viên Feola nắm đội tuyển. Trong số các cầu thủ, Bellini bị đẩy xuống ghế dự bị, thay thế bởi Mauro, người đã dự bị hồi năm 1958.

Vị trí của Orlando, khi ấy đang chơi bóng tại Argentina, cũng được thay thế bằng cầu thủ da đen nhỏ con Zozimo. Bên cạnh Pele, đội đương kim vô địch vẫn có Didi và Vava, hai danh thủ đi tìm vinh quang ở trời Âu nhưng thất bại trở về. Didi không sao hòa nhập được với lối chơi của Real Madrid, khi đó đang được cầm trịch bởi một huyền thoại khác là Di Stefano.

Vava cũng không may mắn ở Athletico Madrid. Ngoài ra còn có Garrincha ở cánh phải, cầu thủ bị dị tật ở chân nhưng có lối lừa bóng ma quái và tốc độ nước rút thần sầu. Bộ khung còn lại với thủ môn Gilmar, hai cầu thủ Santos, Zito, Amarildo, Zagallo vẫn giữ nguyên. Tính ổn định cùng với sự ăn ý của các cầu thủ có nhiều năm kinh nghiệm chơi bóng cùng nhau là sức mạnh lớn nhất của Brazil ở giải đấu lần này.

Có một điểm khá thú vị là để lấy hên, Ban lãnh đạo ĐT Brazil yêu cầu vẫn chiếc máy bay cùng với phi hành đoàn đã đưa đội tuyển sang Thụy Điển 4 năm trước đó - mà Brazil vô địch - lần này đưa đội Brazil sang Chile. May mắn ở đâu không thấy chứ đối với Pele thì chỉ gặp vận rủi.

Trận đầu gặp Mexico chủ nhà thi đấu kiên cường, phải sang đến hiệp 2, Zagallo mở điểm cho Brazil bằng một pha đánh đầu sau đường chuyền của Pele. Tiếp đó, Pele lần lượt lừa bóng qua 4 cầu thủ Mexico và cả thủ thành Carbajal, đưa bóng vào lưới, ghi bàn thắng thứ hai. Một bàn thắng phi thường.

Brazil thắng 2-0, trận thứ hai gặp Tiệp Khắc, đội bóng trước đó đã đánh bại Tây Ban Nha với tỷ số 1-0. Ngay đầu trận đấu, trong một pha va chạm với thủ thành Tiệp Khắc Schroiff, Pele bị chấn thương cơ. Đến phút thứ 25, nhận một đường chuyền từ Garrincha, Pele lấy hết sức bình sinh tung một cú sút mạnh.

Bóng đập cột dọc dội ra và Pele tung tiếp cú sút thứ hai cũng rất mạnh. Bất chợt Pele thấy đau nhói lên ở háng. Pele đổ vật xuống sân. Bác sĩ đội tuyển Brazil lao vào sân. Luật của FIFA khi ấy chưa cho phép thay người nên một cầu thủ như Pele dù tập tễnh có mặt trên sân vẫn buộc các hậu vệ của đối phương phải dè chừng.

Thế nên Pele từ chối rời sân. Từ đó cho đến hết trận đấu, Pele chỉ chạy nhúc nhắc trên sân cho có mặt. Tuy nhiên, Pele nhận thấy các cầu thủ phòng ngự Tiệp Khắc như Masopust, Popluhar, Lala vốn thường ngày chơi rất quyết liệt, đều cố gắng tránh những va chạm mạnh có thể khiến cho Pele bị chấn thương nặng hơn.

Trong suốt sự nghiệp thể thao của mình, Pele không bao giờ quên được những cử chỉ cao thượng đó của các cầu thủ Tiệp Khắc, dù đương nhiên là họ muốn thắng Brazil trận này. Hai đội rời sân với tỷ số hòa 0-0.

Kể từ trận thứ ba trở đi, HLV buộc phải đưa cầu thủ 24 tuổi Amarildo, người đang chơi cho CLB Botafogo, vào chơi thay ở vị trí của Pele. Pele ngồi ngoài, xem người đồng đội nổi danh Garrincha tung hoành trước các đối thủ cũng như cầu thủ kế nhiệm của mình Amarildo chơi tuyệt hay. Trong trận gặp Tây Ban Nha, khi ấy có trong đội hình cầu thủ kỳ tài người Hungary Puskas, Amarildo ghi cả hai bàn, mang về thắng lợi 2-1 cho Brazil.

Các bác sỹ của đội tuyển Brazil, sau khi kiểm tra cẩn thận chấn thương của Pele đã khẳng định rằng Pele chỉ cần tĩnh dưỡng và điều trị bằng vật lý trị liệu là có thể tham dự trận chung kết. Vậy nhưng trong một buổi tập để chuẩn bị cho trận chung kết, khi thực hiện một đường chuyền từ ngoài biên vào giữa sân, Pele đột nhiên lại cảm thấy cơn đau dữ dội trở lại.

Thường thì một chấn thương như vậy là do va chạm mạnh giữa hai cầu thủ. Thế mà Pele đã phải vắng mặt ở trận chung kết World Cup do thực hiện đường chuyền trong một buổi tập!

Brazil gặp lại Tiệp Khắc trong trận chung kết ở Santiago ngày 17/6/1962, thắng 3-1, lần thứ hai đoạt cúp nữ thần vàng. Ở Brazil, tất cả mọi hoạt động ngừng lại trong hai ngày để dân chúng ăn mừng việc đội tuyển đoạt được cúp vàng thế giới. Đó cũng là chiếc cúp thế giới thứ hai trong sự nghiệp của Pele. Nhưng Pele vẫn cảm thấy áy náy vì đã không góp được nhiều công sức trong chiến thắng của đội tuyển.

Bốn năm sau, nỗi thất vọng còn lớn hơn nữa ở World Cup lần thứ 8 diễn ra trên đất Anh. Brazil gọi tập trung đến 44 cầu thủ và chỉ gút lại danh sách ngay trước khi diễn ra vòng chung kết. Chính vì có quá nhiều cầu thủ được gọi tập trung và số bị loại chiếm gần một nửa nên vấn đề lớn nhất của ĐT Brazil ở giải này chính là những mâu thuẫn trong nội bộ đội.

Thậm chí nhiều cầu thủ trong đội không nói chuyện với nhau. Tâm trạng không chắc chắn đã tác động xấu đến các cầu thủ. Do yếu tố tâm lý, một số cầu thủ tài năng chơi không đúng với phong độ khiến cho có những người lẽ ra xứng đáng có mặt trong đội tuyển thì phải về nhà, trong khi cầu chơi tồi vẫn có mặt.

Ngoài ra, hai lần vô địch thế giới liên tiếp đã khiến cho những người làm bóng đá Brazil chủ quan. Công tác chuẩn bị hời hợt, các cầu thủ đội dự tuyển được chia làm 4 nhóm và lần lượt di chuyển đi tập huấn ở hết thành phố này đến thành phố khác ở Brazil.

Huấn luyện viên đội tuyển tham dự giải đấu này lại là Feola, nhưng đây đã không còn là Feola của giải thế giới năm 1958 nữa. Trong đợt tập huấn ở châu Âu trước khi giải diễn ra, ông Feola sắp xếp mỗi trận một đội hình, không có bất cứ sự kế thừa nào để đảm bảo tính ổn định của một dội bóng, dẫu đó là đương kim vô địch thế giới.

Vừa mới lấy vợ, rồi những chấn thương dai dẳng khiến cho Pele không thể thi đấu với phong độ cao nhất của mình. Các đối thủ, khi ấy đã biết quá rõ sự lợi hại của Pele, tìm mọi cách, kể cả những đòn triệt hạ ác ý, nhằm vô hiệu hoá cầu thủ nguy hiểm nhất của Brazil.

Trong trận mở màn Brazil thắng Bulgaria với tỷ số 2-0, Pele và Garrincha mỗi người ghi một bàn chia đều cho hai hiệp, nhưng Pele bị hậu vệ Bulgaria là Shechev thực hiện một cú "tắc" tàn bạo, phải rời sân. Do vậy, trận tiếp theo gặp Hungary của Florian Albert, Pele không thể thi đấu, Brazil thua 1-3.

Trận quyết định gặp Bồ Đào Nha của Eusebio, Brazil phải thắng thì mới lọt được vào vòng sau, bởi vậy HLV Feola không có lựa chọn nào khác là vẫn phải mạo hiểm tung Pele, khi ấy vẫn còn khập khiễng, vào sân. Các cầu thủ Bồ Đào Nha nhanh chóng nhận thấy chìa khoá của chiến thắng là loại Pele ra khỏi cuộc chơi.

Người được giao nhiệm vụ đó là hậu vệ Morais và cầu thủ này thực hiện nhiệm vụ của mình "nhiệt tình" đến nỗi Pele ra khỏi sân trên cáng cứu thương. Brazil bị Bồ Đào Nha "vùi dập" với tỷ số thua 1-3, trắng tay rời khỏi giải ngay từ vòng đấu bảng. Có lẽ đó chính là thời điểm đen tối nhất trong sự nghiệp của Pele. Pele đã buồn bã thốt lên: "Bóng đá đã bị bạo lực làm cho trở nên dị dạng. Tôi không muốn trở thành một phế nhân".

Sau giải đấu bi kịch này, Pele đã nghĩ đến chuyện từ giã sắc áo Selecao, chỉ tập trung chơi cho Santos. Nhưng rồi Pele nghĩ lại, để 4 năm sau, lần thứ 4 có mặt tại một World Cup, trên đất Mexico.

 

MA THUẬT Ở MEXICO

 

Vòng loại để chọn các đội bóng tham dự giải vô địch thế giới lần thứ 9 ở Mexico ghi dấu ấn với cuộc "chiến tranh bóng đá" ngắn ngủi trong gần một tháng giữa Honduras và El Salvador, khởi đầu từ những xích mích do hai bên đã dành những điều kiện thi đấu tồi tệ khi đội kia đến làm khách trong hai trận đấu quyết định đi Mexico. Cuộc "chiến tranh bóng đá" hi hữu này khiến cho gần 3000 người thiệt mạng!

Có tất cả 70 đội bóng tham dự vòng loại để chọn ra 15 đội cùng với chủ nhà thi đấu vòng chung kết. Một số đội không qua được vòng loại như Bồ Đào Nha (huy chương đồng giải năm 1966), Nam Tư (đương kim vô địch châu Âu), Hungary (đương kim vô địch Thế vận hội) và Argentina.

Mexico 1970 là giải thế giới đầu tiên áp dụng luật phạt thẻ đỏ thẻ vàng, dựa trên ý tưởng của trọng tài người Anh Ken Aston. Ông này tình cờ quan sát hệ thống đèn giao thông với đèn vàng và đỏ đã nghĩ ra cách để áp dụng trên sân cỏ. Chiếc thẻ vàng đầu tiên được trọng tài rút ra trong trận Mexico-Liên Xô diễn ra ngày 31/5/1970 trên sân Azteca.

Tuy nhiên, chiếc thẻ đỏ đầu tiên ở World Cup thì phải đến 4 năm sau đó mới xuất hiện trong trận vòng bảng giữa Chile với Tây Đức ở World Cup 1974 và cầu thủ Carlos Caszely của Chile là người "vinh dự" đi vào lịch sử với chiếc thẻ đỏ đầu tiên ở một World Cup.

Cũng là lần đầu tiên, ở World Cup 1970, mỗi đội được phép thay cầu thủ chính bằng cầu thủ dự bị, trong một trận đấu mỗi đội được thay hai người. Tiền đạo Anatoliy Puzach của đội tuyển Liên Xô là người đầu tiên vào thay cho Viktor Serebryanikov. Ở các trận đấu vòng tứ kết và bán kết, nếu sau khi thi đấu thêm giờ mà vẫn bất phân thắng bại thì phải tung đồng xu để quyết định đội bóng nào thắng.

Đây cũng là World Cup đầu tiên áp dụng công nghệ truyền hình màu trực tiếp đi khắp thế giới. Vì vậy, để phù hợp với thời điểm có số người xem truyền hình đông nhất vào bữa ăn tốỉ ở châu Âu, các cầu thủ ở Mexico buộc phải ra sân thi đấu vào lúc giữa trưa, trong cái nắng nóng nung người và không khí loãng tại những sân vận động có khi ở độ cao 2680m so với mực nước biển.

Đấy có thể là ngày hội với hàng tỷ khán giả trước máy truyền hình, nhưng với nhiều cầu thủ, họ phải thi đấu trong hoàn cảnh giống như khổ sai. Tuy vậy, các đội bóng nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh thi đấu khó khăn và giải đấu ở Mexico vẫn được coi là một trong những World Cup hay nhất trong lịch sử giải đấu này.

Đội Brazil tới Mexico với sức ép nặng như núi đè của các cổ động viên muốn họ phải đoạt được chức vô địch thế giới lần thứ ba, mang vĩnh viễn Nữ thần Vàng về cho Brazil. Một chiến thắng trong bóng đá cũng sẽ làm giảm bớt những áp lực trong đời sống xã hội Brazil, khi đó đang dưới quyền kiểm sát của chính quyền quân sự.

 

Mặc dù vậy, khi đội tuyển lên đường bay đi Mexico, không mấy ai tin rằng Brazil sẽ làm nên chuyện ở giải đấu này. Trong giai đoạn chuẩn bị, chiếc ghế HLV trưởng của đội tuyển thay đổi liên tục. Các đối thủ của Brazil trong bảng như Anh và Tiệp Khắc, chưa kể Romania, đều là những đội bóng đang đạt phong độ cao, cực kỳ khó chơi, thậm chí là ứng cử viên vô địch như Tiệp Khắc.

Riêng đối với Pele, nếu như giải đấu năm 1958 ở Thụy Điển hoàn toàn là một lễ hội thì ở Mexico, đó là gánh nặng trách nhiệm nặng nề. Hồi đầu năm 1969, khi nhận được lời mời từ Liên đoàn bóng đá Brazil quay lại với đội tuyển, phản ứng đầu tiên của Pele là từ chối.

Ám ảnh về chấn thương ở giải đấu trước vẫn còn rất nặng nề. Pele không muốn liều lĩnh hứng chịu rủi ro. Nhưng rồi viễn cảnh đoạt chiếc cúp Nữ thần vàng lần thứ ba và bằng cách đó biến nó thành của riêng cho Brazil có một sức quyến rũ ghê gớm. Hơn nữa, việc tham dự giải thế giới có thể xóa đi nỗi ám ảnh chấn thương. Pele quay lại với đội tuyển vàng xanh.

Brazil vào World Cup ở Mexico với bộ khung dựa trên Carlos Alberto ở hàng phòng ngự, Gerson ở trung tuyến và bộ tứ tấn công nguyên tử có sức mạnh khủng khiếp gồm Jairzinho, Tostao, Rivelino và Pele. HLV đội tuyển không phải ai khác chính là Zagallo, đồng đội của Pele ở các giải vô địch thế giới 1958 và 1962.

Trận đầu tiên, Brazil gặp Tiệp Khắc trên sân Guadalajara. Tiệp Khắc dẫn trước ở phút 15 nhưng kể từ đó trở đi, các cầu thủ Brazil bắt đầu nhảy samba trên sân. Rivelino gỡ hoà cho Brazil bằng một cú sút phạt trực tiếp cực mạnh. Pele nâng tỷ số lên 2-1.

Bàn thắng này là một kiểu ghi bàn "nhãn hiệu" Pele điển hình: hãm bóng bằng ngực trong khi đang di chuyển, đổi chân trụ, hơi lắc hông để đánh lừa thủ môn Viktor của Tiệp Khắc rồi sút ghi bàn. Vậy là Pele trở thành cầu thủ đầu tiên trong lịch sử ghi được bàn thắng ở 4 vòng chung kết World Cup.

Brazil tiếp tục tăng cường sức ép và đến lượt Jairzinho làm hàng thủ Tiệp Khắc hoàn toàn rối loạn với hai pha đột phá rồi kết thúc gọn gàng. Brazil thắng 4-1. Nhưng thời điểm đáng nhớ nhất của trận đấu này lại không phải những bàn thắng đã được ghi mà là lúc một bàn thắng suýt được ghi!

Trước đấy, khi nghiên cứu băng hình ghi lại các trận đấu của Tiệp Khắc, Pele nhận thấy thủ môn Ivo Viktor của Tiệp Khắc có thói quen rời rất xa khung thành trong khi đội nhà đang tấn công. Vậy là trong một đợt tiến công của đội Tiệp Khắc, Pele đoạt được bóng bên phần sân nhà của Brazil. Quan sát rất nhanh thấy Ivo Viktor lại dâng lên quá cao, Pele quyết định làm theo lời người cha mình đã từng dạy: "Hãy hành động theo bản năng mách bảo chứ đừng suy xét gì cả".

 

Từ khoảng cách xa đến 70 mét, Pele "phóng" trái bóng về phía khung thành Tiệp Khắc trong sự ngạc nhiên của khán giả trên sân và cả các đồng đội của mình. Khi thủ môn Viktor của Tiệp Khắc nhận ra mối nguy hiểm thì đã quá trễ. Trái bóng bay theo quỹ đạo như một tên lửa đạn đạo vượt qua đầu Viktor và may mắn cho thủ môn này, nó vượt trên xà ngang khung thành chỉ trong gang tấc. Cả sân vận động đứng dậy vỗ tay vang dội tán thưởng tầm quan sát nhanh nhạy, khả năng thực hiện kỹ thuật sút bóng tuyệt hảo và năng lực ứng biến của người cầu thủ kỳ tài.

Cũng kể từ đó, khi đối mặt với đội Brazil có Pele, không một thủ môn nào của đối phương dám mạo hiểm vượt lên quá xa khỏi vạch vôi khung thành của mình, ngay cả trong khi đội nhà đang tấn công. Nhiều cầu thủ khác sau đó đã nhanh chóng học hỏi Pele, không ít lần thực hiện những cú sút tương tự ở tầm xa như thế để tìm kiếm chiến thắng.

Trận tiếp theo, đường chuyền như có mắt đằng sau gáy của Pele giúp một đồng đội là Jairzinho ghi bàn thắng duy nhất, đủ để Brazil đánh bại Anh với tỷ số tối thiểu 1-0 trong cái nóng lên đến 40 độ C. Pele không ghi bàn nhưng là người khởi xướng mọi đợt tiến công từ xa của Brazil. Đội bóng có hàng tiến công hay nhất thế giới đã chiến thắng đội bóng có hàng phòng ngự thuộc vào loại xuất sắc nhất thế giới.

Trong trận đấu này có một tình huống cũng đã đi vào lịch sử bóng đá thế giới. Jairzinho đi bóng tốc độ ở cánh phải, thoáng quan sát thấy Pele đang nhập vào vòng cấm bèn thực hiện một cú tạt bóng hoàn hảo đúng tầm đầu của Pele. Thậm chí Pele còn có đủ thời gian nhảy lên và lái quả bóng đập đất bay sát cột dọc về một phía khung thành đội tuyển Anh, trong khi thủ môn đội Anh Gordon Banks đang ở gần cột dọc phía bên kia.

Vậy mà không hiểu nhờ một phép lạ kỳ bí nào đấy mà thủ môn người Anh đã gần như phóng người suốt chiều ngang của khung thành và kịp vươn tay vớt trái bóng hất ra ngoài. Một cách không chính thức, cú cứu bóng của Banks được coi là một trong những pha cứu thua ngoạn mục nhất trong các kỳ World Cup và sau này Pele cũng thừa nhận rằng trong suốt cả sự nghiệp của mình, chưa từng bao giờ chứng kiến một pha cứu bóng hay đến kỳ lạ như thế.

 

Brazil thắng tiếp Rumania 3-2, trong đó Pele ghi hai bàn thắng. Vào tứ kết, Brazil gặp đối thủ Peru, khi đó có danh thủ Cubillas đang trên đỉnh cao phong độ. HLV của Peru không phải ai xa lạ mà chính là một đồng đội cũ của Pele: danh thủ Brazil Didi. Đó chính là điều đáng lo ngại với Pele khi Didi biết rất rõ về điểm mạnh, điểm yếu của những đồng đội cũ trong đội tuyển Brazil.

Trước đấy, Peru đã thể hiện khả năng lật ngược tình thế ngoạn mục khi họ bị Bulgaria dẫn trước 2-0 nhưng rồi thắng ngược 3-2. Nhưng không có bất ngờ nào cả. Pele hoạt động không biết mệt mỏi, thu hút các hậu vệ đối phương, tạo những khoảng trống để đồng đội của mình lao vào tấn công.

Brazil dễ dàng đánh bại Peru với tỷ số 4-2, tạo lập một trận bán kết "nội bộ Nam Mỹ" với đội Uruguay, khi đó vừa mới loại đội Liên Xô bằng một bàn thắng gây tranh cãi ở phút thứ 120 của trận đấu tứ kết.

Uruguay chỉ thi đấu ngang ngửa được với Brazil trong hiệp 1 trận bán kết. Sang hiệp 2, khi các cầu thủ Brazil đẩy tốc độ trận đấu lên cao thì những đồng hương Nam Mỹ của họ thở không ra hơi.

Trong trận đấu này, một lần nữa, Pele lại ghi dấu ấn của mình vào lịch sử bóng đá thế giới bằng một pha biểu diễn đậm chất kỹ thuật không tiền khoáng hậu: bóng được chuyền tới thẳng hướng với Pele, trong khi thủ thành nổi tiếng của Uruguay là Ladislao Mazurkiewicz cũng băng ra truy cản.

Bằng một động tác giả điêu luyện đến khó tin, Pele chạy cắt ngang đường đi của trái bóng, hút Mazurkiewicz theo mình, trong khi bỏ trái bóng lướt ngay qua người của thủ thành Uruguay và Pele chạy vòng ra phía đằng sau Mazurkiewicz để nhận lại trái bóng!

Rất tiếc là cú sút sau đó của Pele đi sát cột dọc ra ngoài. Chung cuộc, Brazil thắng 3-1. Ở thủ đô Rio de Janeiro của Brazil, các cổ động viên bắt đầu đốt pháo ăn mừng. Phía trước Pele và đồng đội chỉ còn một trận chung kết nữa với ĐT Ý. Rồi đến chuyến xe bus đưa Pele và các đồng đội tới sân Azteca, trong khi Pele cố gắng che dấu những giọt nước mắt bằng cách giả vờ tìm kiếm cái gì đó bị rơi trên sàn xe…

 

CÓ MỘT CÁCH KHÁC ĐỂ GỌI TÊN PELE: CHÚA TRỜI

 

Trận chung kết World Cup lần thứ 9 diễn ra vào lúc12 giờ trưa ngày 21/6/1970 trên sân Azteca trước 107.000 khán giả. Trọng tài điều khiển trận đấu là ông Glockner, một trọng tài của Đông Đức nổi tiếng như có đôi mắt ở sau gáy!

Đấy là cuộc va chạm của hai nền văn hoá bóng đá: sự cuồng nhiệt, ngẫu hứng của trường phái tấn công Brazil chống lại lối chơi thực dụng nghiêm ngặt của bóng đá Ý. Người Ý đã vượt qua vòng đấu bảng bằng chính lối đá ấy: họ chỉ thắng tối thiểu Thụy Điển 1-0 trong trận đầu tiên, sau đó hoà không bàn thắng với cả Uruguay lẫn Israel!

Nhưng khi đã bước vào giai đoạn knock-out thì người Ý bắt đầu tăng tốc và cho thấy sự nguy hiểm của họ, không chỉ trong phòng thủ catenaccio nổi tiếng mà còn cả trong những đợt phản công nguy hiểm chết người. Họ thắng chủ nhà Mexico tới 4-1 ở tứ kết, ngôi sao Luigi Riva ghi hai bàn, tiếp đó vượt qua Tây Đức ở bán kết sau 120 phút nghẹt thở ở một trong những trận đấu hay nhất mọi thời đại với tỷ số 4-3, khi có tới 5 bàn thắng được ghi trong thời gian đấu hai hiệp phụ. Rất may là luật tung đồng xu đầy may rủi đã không phải đem ra áp dụng trong trận đấu này.

Diễn biến của trận đấu đã không phụ lòng người hâm mộ trên khắp hành tinh theo dõi giải bóng đá qua truyền hình trực tiếp. Với việc cả Brazil lẫn Ý đều đã hai lần đoạt chức vô địch thế giới trước đó, đã rõ là đội nào chiến thắng trong trận đấu này sẽ vĩnh viễn mang cúp Nữ thần Vàng về quê hương.

Màn trình diễn tuyệt diệu của Brazil do Rivelino khởi xướng. Phút 18 của trận đấu, Rivelino dẫn bóng ở cánh quan sát thấy Pele đang lặng lẽ đột nhập vào vòng cấm địa của Ý, bèn thực hiện một đường chuyền chính xác vào trong. Dường như có một khối nam châm cực mạnh đã hút trái bóng về phía Pele.

Cầu thủ số 10 bật lên rất cao và cú đánh đầu chính xác vào phần dưới góc lưới bên trái của Ý đã mở điểm cho Brazil trong sự bất lực của hậu vệ Burgnich và thủ môn Albertosi. Một cách ngẫu nhiên, đó cũng chính là bàn thắng thứ 100 của đội tuyển Brazil trong các World Cup tính đến thời điểm đó.

Sau này nhớ lại bàn thắng đó, Pele thổ lộ: "Ghi bàn thắng bằng đầu luôn là một cảm giác rất đặc biệt. Bố tôi - người mà tôi coi là thần tượng - đã từng ghi cả năm bàn thắng bằng đầu trong một trận đấu, kỷ lục mà tôi chưa bao giờ có thể đạt được".

Bàn gỡ hoà 1-1 cho Ý của Roberto Boninsegna ở phút 37 của trận đấu chỉ giúp cho các CĐV có được cảm giác dễ chịu trong thời gian nghỉ giữa hai hiệp đấu. Sang hiệp 2, phút 65, một mình Gerson đột nhập qua hai hậu vệ của Ý và nâng tỷ số lên 2-1 cho Brazil. Tiếp đó là hai đợt tấn công mẫu do Pele thực hiện, với hai đường chuyền như đặt cho Jairzinho (phút 70) rồi Carlos Alberto(phút 87) lần lượt ghi bàn, nâng tỷ số lên 4-1 cho Brazil.

Sau trận đấu, hậu vệ Ý Tarcisio Burgnich, người được giao nhiệm vụ gần như không thể thực hiện nổi là phải "đeo chặt" và vô hiệu hóa Pele trong trận chung kết, đã cay đắng thừa nhận: "Trước trận đấu, tôi nhủ thầm là anh ta cũng bằng xương bằng thịt như mọi người, có gì là ghê gớm đâu; thế nhưng tôi đã nhầm!"

Khi tiếng còi của trọng tài Glockner cất lên chấm dứt trận chung kết, tất cả các đồng đội cùng những CĐV đang vui sướng điên cuồng đã ùa lại công kênh Pele lên vai để diễu hành trên khắp đường pitch. Nhà Vua vĩ đại đã chính thức lên ngôi và Pele trở thành huyền thoại ngay khi còn sống. Ngày hôm sau, tờ Thời báo Chủ nhật của Anh giật tít lớn: "Có một cách để gọi tên Pele: Chúa Trời!"

Brazil đoạt vĩnh viễn cúp Nữ thần Vàng, mang về trưng bày trong trụ sở của LĐBĐ Brazil. Ngày 20/12/1983, hai kẻ lạ mặt có vũ trang đã đột nhập vào nơi cất giữ cúp, khống chế các nhân viên bảo vệ và lấy đi chiếc cúp danh giá. Gần hai tháng sau, cảnh sát Brazil mới lần ra được thủ phạm, nhưng tiếc thay, Nữ thần đã bị bọn trộm nấu chảy ra rồi đúc thành thỏi để dễ tiêu thụ! Khi biết chuyện này, Pele đau lòng thốt lên: "Quả là một sự xúc phạm nặng nề đối với những người hâm mộ bóng đá Brazil…"

Những ngày trên đất Mexico chính là quãng thời gian sung mãn nhất trong sự nghiệp chói sáng của Pele dưới màu áo ĐT Brazil. Có cảm tưởng như Pele đủ khả năng làm được tất cả những trò ma thuật với trái bóng. Mặc dù về lý thuyết, Pele được xếp ở vị trí tiền đạo trong đội tuyển, nhưng Pele luôn ưa thích bắt đầu tấn công từ phần giữa sân.

Pele có tốc độ của một VĐV chạy nước rút quãng ngắn, sự mềm mại của một con báo và vẻ chắc chắn, sức mạnh điềm tĩnh của một con sư tử. Pele có khả năng xuất phát cực nhanh và dừng lại một cách đột ngột trong khi vẫn giữ được sự thăng bằng tuyệt vời, khiến cho các hậu vệ đối phương vô cùng khó khăn khi muốn kèm chặt anh.

Khả năng di chuyển liên tục, bền bỉ trên khắp mặt sân làm cho người ta có cảm tưởng như Pele có buồng phổi của một con cá voi và nhiều hậu vệ đã hụt hơi khi đua thể lực với Pele. Mặc dù chỉ cao có 1m70, khá khiêm tốn so với chiều cao trung bình của các cầu thủ trên thế giới nhưng Pele có khả năng ghi bàn bằng đầu không kém ai, chơi hai chân đều tốt và kỹ thuật lừa bóng siêu hạng.

Một trong những kỹ thuật mà Pele đã lưu danh vào các cuốn sách giáo khoa bóng đá chính là kỹ thuật tung người móc bóng theo tư thế "xe đạp chổng ngược". Thoạt tiên, cú đá này được gọi là "Chilena" do thời kỳ đầu, rất nhiều cầu thủ của các câu lạc bộ ở Chile áp dụng kỹ thuật đẹp mắt này trong các trận đấu. Người cầu thủ tung hai chân lên không trung, thân mình gần như song song với mặt đất rồi hai chân văng ngược chiều nhau như cắt kéo, một chân móc bóng.

Nhưng chính các cầu thủ Brazil mới là những người hoàn thiện kỹ thuật này và đưa nó lên hàng nghệ thuật. Ngày 5/6/1938, tại sân Meinau ở Strasbourg, trong trận đấu với Ba Lan ở vòng bảng World Cup 1938, "Viên kim cương đen" Leonidas của Brazil, người sẽ là Vua phá lưới ở World Cup năm đó, đã thực hiện một cú "Chilena" mẫu mực đẹp như vẽ, ấn định tỉ số thắng 6-5 cho đội Brazil.

Bởi vậy nên người ta thường gán cho Leonidas là người đã "phát minh" ra kỹ thuật này. Pele là người khiến cho nó trở nên hoàn hảo, với một vẻ đẹp thanh thoát và dũng mãnh không chê vào đâu được đến mức mà đôi khi người ta còn gọi nó là "Pele Kick" - Cú đá Pele.

Nhưng "kỹ thuật" mà Pele vượt trội hơn mọi đối thủ chính là khả năng đưa bóng vào lưới đối phương! Trong cả 4 lần tham dự World Cup, Pele chưa từng được đeo băng đội trưởng ĐTQG, nhưng tầm ảnh hưởng, tư chất thủ lĩnh của Pele ở đội tuyển là điều hoàn toàn không phải tranh cãi. Kể từ khi có Pele, bóng đá được hiển hiện dưới tên gọi của chính PELE: P (perfection) là sự hoàn hảo; E (exceptional) là độc nhất vô nhị; L (love), tình yêu đối với trái bóng; E (elegance), sự thanh nhã tuyệt vời!

 

PELE TRỞ THÀNH TÀI SẢN QUỐC GIA

 

Những trận du đấu của Santos ở châu Âu khiến cho Pele càng nổi tiếng hơn bao giờ hết. Trình độ kỹ thuật bậc thầy, thể lực hoàn hảo và tốc độ nước rút cực nhanh cho phép Pele thực hiện những động tác đi bóng mà không một cầu thủ nào của châu Âu có thể thực hiện được.

Pele khi ấy là cầu thủ duy nhất có thể thực hiện những cú đột phá xuyên sâu trên suốt chiều dài của sân, vượt qua toàn bộ hàng thủ của đối phương rồi ghi bàn thắng. Quan sát Pele chơi bóng trong chuyến lưu diễn năm 1959 ấy, tờ báo thể thao nổi tiếng L'Equipe của Pháp đã phải thán phục nhận xét: "Nay thì chúng ta đã được chứng kiến một trình độ biểu diễn nghệ thuật siêu đẳng. Pele đi bóng xuyên qua hàng thủ đối phương dễ dàng như một liều novocain đi xuyên qua mạch máu của người bệnh vậy!"

Hẳn là các phóng viên tờ L'Equipe sẽ còn phải trầm trồ thán phục hơn nữa nếu họ được chứng kiến một bàn thắng của Pele trong trận Santos gặp Fluminese diễn ra vào ngày 5/3/1961 trên sân Maracana. Trong trận đấu này, ở phút thứ 75, khi tỷ số giữa hai đội đang là 1-1, Pele đã ghi bàn thắng có tên là gol de placa-bàn thắng phi thường.

Sau khi nhận được bóng từ phần sân nhà, Pele lừa qua 7 cầu thủ đối phương bằng những động tác giả liên tục bằng cả hai chân, rồi lừa thêm cả thủ môn Castilho của Fluminese, biến anh này thành "nạn nhân" thứ tám, trước khi đưa bóng vào lưới! Những người chủ của sân Maracana đã khắc một tấm biển đồng trên bức tường của sân để kỷ niệm bàn thắng này.

Trước đấy, ngày 2/8/1959, ở tuổi 18, Pele thực hiện bàn thắng mà sau này các nhà viết sử bóng đá, thông qua những thước phim tư liệu của hãng Briquet Film ghi lại được, đã nhất trí gọi là Rua Javari, bàn thắng đẹp nhất trong sự nghiệp của Pele.

Santos của Pele gặp Juventus, một CLB ở bang Sao Paulo trên SVĐ mang tên Rua Javari của đội này. Trong trận đấu này, Pele liên tục bị những khán giả quá khích nhục mạ bởi nước da đen của mình. Pele lẳng lặng đáp trả bằng một kỹ thuật ghi bàn siêu đẳng.

Nhận một đường chuyền bổng từ biên phải theo hướng tiến công của đồng đội, Pele nhận bóng ngay trước vòng cấm địa rồi vừa di chuyển vào trong, vừa lần lượt ba lần tâng bóng qua 3 cầu thủ phòng ngự của Juventus mà không hề để bóng chạm đất. Bằng pha tâng bóng thứ tư, Pele vượt qua nốt thủ môn rồi trong khi quả bóng vẫn còn trên không, chàng trai 18 tuổi dùng đầu "gật" bóng vào lưới trước sự sững sờ của toàn bộ cầu trường. Đến ngay cả các khán giả quá khích cũng phải câm bặt!

Nhưng cũng chính sự chói sáng của Pele trên sân cỏ châu Âu đã khiến cho các CLB giàu có của châu Âu tìm mọi cách để có bằng được "viên ngọc đen" Brazil. Các CLB hàng đầu châu Âu của Tây Ban Nha và Ý đều ra sức chèo kéo Pele với những lời mời hấp dẫn.

Tha thiết nhất phải kể đến Real Madrid của Tây Ban Nha và Juventus của Ý. Hồi đó, sự khác biệt về lối đá giữa Santos với Real Madrid hay các CLB của Ý hầu như không đáng kể, thậm chí lối đá của Real Madrid cũng giống hệt như của Santos. Nếu chuyển sang Real, Pele sẽ không gặp khó khăn gì nhiều để hoà nhập với lối chơi của đội bóng tiếng tăm này.

Đại diện của Real Madrid đã có ba cuộc tiếp xúc với Pele. Chủ tịch Juventus khi ấy là ông Agnelli cũng tìm mọi cách để lôi kéo cầu thủ xuất sắc nhất thế giới về với mình. Còn Inter Milan thì đơn giản hơn: họ đề nghị cái giá 1 triệu USD, một con số kinh khủng vào thời bấy giờ, để có được Pele.

Người Brazil phát sốt phát rét trước nguy cơ người con tài năng của họ sẽ rời bỏ đất nước sang châu Âu đá bóng. Năm 1961, Quốc hội Brazil họp bàn và sau đó, Tổng thống Brazil là ông Janio Quadros tuyên bố Pele là "tài sản quốc gia!" Điều đó có nghĩa là nếu muốn ra thi đấu ở nước ngoài, Pele phải nhận được sự chấp thuận của Quốc hội Brazil!

Cũng bởi vậy mà trong suốt những năm tháng đỉnh cao trong sự nghiệp của mình, Pele chỉ thi đấu duy nhất cho câu lạc bộ Santos. Và mặc dù được coi là "tài sản quốc gia" nhưng Pele vẫn phải đóng thuế thu nhập!

Cũng trong năm 1961, Santos đoạt được chiếc cúp Libertadores đầu tiên (tương đương với cúp C1 ở châu Âu), thành tích mà họ lặp lại được một lần nữa vào năm sau, 1962. Đó cũng là năm mà Santos gặp Benfica của Bồ Đào Nha ở trận tranh Cúp thế giới các câu lạc bộ (chính là cúp Liên lục địa sau này), diễn ra giữa đội vô địch châu Âu với đội vô địch Nam Mỹ.

Benfica khi ấy đang là đội bóng số 1 của châu Âu và vừa mới lật đổ sự thống trị của Real Madrid với hai chức vô địch liên tiếp cúp C1 vào các năm 1961 và 1962. Trong đội hình Benfica có một cầu thủ người gốc Mozambique tên là Eusebio đang được châu Âu hy vọng sẽ trở thành một…Pele! Kỹ năng lừa bóng, độ càn lướt, khả năng đọc trận đấu của Eusebio cũng vào hàng kỳ tài. Tuy vậy, Benfica vẫn chưa thể đạt được đẳng cấp như Santos vào thời điểm đó.

Trận lượt đi diễn ra vào ngày 19/9/1962 trên sân Maracana ở thủ đô Rio de Janeiro, trước 90.000 khán giả nhà, Pele đã ghi bàn thắng mở điểm ở phút thứ 31 của trận đấu bằng một bàn thắng mà được các nhà báo có mặt trong trận đấu đó mô tả lại đầy vẻ truyền kỳ là "sau khi tung cú nhảy xa khoảng 7 mét để đón một đường chuyền của đồng đội là Pepe". Santana của Benfica gỡ hoà 1-1 ở phút 58 nhưng ngay lập tức Coutinho lập lại ưu thế cho Santos bằng bàn thắng ở phút 64 rồi Pele nâng tỷ số lên 3-1 ở phút 86. Bàn thắng thứ hai của Santana một phút sau đó không cứu được cho Benfica khỏi một trận thua với tỷ số 2-3.

Đến trận lượt về diễn ra trên SVĐ Ánh Sáng của thủ đô Lisbon vào ngày 11/10/1962, Benfica còn thảm bại hơn! 75.000 khán giả có mặt trên sân đã chứng kiến tài nghệ tuyệt luân của Pele, lập một hat-trick với các bàn thắng vào các phút 17, 28, 64. Coutinho và Pepe mỗi người ghi thêm một bàn thắng nữa, trong khi Eusebio và Santana chỉ ghi được hai bàn thắng cho Benfica vào những phút cuối của trận đấu. Santos thắng 5-2, đoạt vương miện thế giới của các câu lạc bộ.

Năm sau đó, để giành cúp Liên lục địa, Santos tiếp tục phải gặp một đối thủ châu Âu hùng mạnh khác là CLB AC Milan, khi đó có hàng loạt hảo thủ như Rivera, Trapattoni, Maldini, Altafini, Amarildo.

Lượt đi tại thánh địa San Siro ngày 16-10-1963, Santos thúc thủ với tỷ số 2-4 (Pele ghi cả hai bàn cho Santos); đến trận lượt về ở sân Maracana ngày 14-11, Santos thắng lại 4-2! Do vậy, AC Milan phải ở lại Brazil để hai ngày sau chơi trận play-off vẫn trên sân Maracana. Santos thắng 1-0 bằng bàn thắng duy nhất của Dalmo, đoạt cúp Liên lục địa lần thứ hai.

 

BÀN THẮNG THỨ 1000

Hai cúp Libertadores và hai cúp Liên lục địa mới chỉ là số ít trong vô số những chiếc cúp chiến thắng mà Pele đã góp phần quan trọng mang lại cho Santos trong những năm thi đấu lẫy lừng của mình. Với những bàn thắng của Pele, Santos dễ dàng làm mưa làm gió ở các giải vô địch bang cũng như Brazil trong suốt hơn một thập kỷ.

Với Santos, Pele đã 9 lần vô địch quốc gia Brazil, 5 lần đoạt cúp Brazil (1961, 1962, 1963, 1964, 1965), 4 lần vô địch bang Rio-Sao Paulo (1959, 1963, 1964, 1966), 10 lần vô địch bang Sao Paulo (1958, 1960, 1961, 1962, 1964, 1965, 1967, 1968, 1969, 1973).

Pele cũng là Vua phá lưới giải vô địch bang Sao Paulo các năm 1957 (17 bàn), 1958 (58 bàn), 1959 (45 bàn), 1960 (33 bàn), 1961 (47 bàn), 1962 (37 bàn), 1963 (22 bàn), 1964 (34 bàn), 1965 (49 bàn), 1969 (26 bàn), 1973 (11 bàn). Một tốc độ ghi bàn kinh khủng và đều đặn như máy đánh nhịp trên chiếc đàn dương cầm!

Thậm chí ít người biết rằng vào năm 1959, theo luật nghĩa vụ quân sự của Brazil, khi vừa tròn 18 tuổi, Pele đã có một quãng thời gian gia nhập quân đội. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, Pele cũng đã kịp thi đấu 10 trận cho đội bóng quân đội Brazil và ghi được 14 bàn thắng!

Trải qua toàn bộ sự nghiệp của mình, trong số 1363 trận đấu, đã có 92 trận Pele lập hat-trick ghi 3 bàn thắng, 30 trận ghi 4 bàn và có tới 6 trận đấu, cầu thủ vóc người đậm này (Pele cao có 1m70, nặng trung bình 74 kg trong thời gian thi đấu) đã 5 lần đưa được bóng vào lưới đối phương. Thậm chí trong một trận đấu giữa Santos với Botafogo diễn ra trong năm 1964, Pele ghi được 8 bàn thắng!

Chỉ có vị Vua trị vì vương quốc bóng đá với trái bóng trong chân mới có thể làm được những điều kì diệu như thế. Ngày 5/3/1961, đội Santos của Pele có một trận đấu với đội Fluminense trên sân Maracana.

Trong trận này, có một thời điểm Pele nhận được bóng trong khu cấm địa của đội nhà, bình tĩnh rê bóng qua tất cả các cầu thủ phòng ngự của đối phương, rồi khi tới gần khung thành của Fluminense sút bóng ghi bàn. Chỉ đơn giản có vậy! Santos thắng 3-1.

Nhưng sau trận đấu, tờ báo thể thao xuất bản ở Sao Paulo đã gọi đây là "bàn thắng đẹp nhất từ trước đến nay trên sân Maracana!". Ban biên tập tờ báo đã tiến hành quyên góp để dựng một tấm bia đá lưu niệm bàn thắng này ở lối vào sân Maracana.

Với tốc độ ghi bàn được duy trì một cách đều đặn nên chẳng bao lâu sau, con số bàn thắng trong "tài khoản" của Pele cứ tăng dần lên, vượt ngưỡng 500 bàn thắng, rồi 600, 700, 800. Đến khi số bàn thắng của Pele vượt ngưỡng 900 thì các cổ động viên Brazil bắt đầu hồi hộp dõi theo mỗi trận đấu có Pele tham gia.

Con số bàn thắng cứ tăng dần lên và đến khi nó chạm đến mức 990 bàn thì cả đất nước Brazil lên chứng "cuồng Pele". Khi ấy, Santos đang thi đấu trong giải vô địch quốc gia và người ta ra sức dự đoán xem bàn thắng thứ 1000 của Pele sẽ được thực hiện trong trận đấu với đối thủ nào.

Số bàn thắng của Pele tiếp tục nhích lên và sau các trận đấu với Santa Cruz, rồi Botafogo, đã lên tới con số 999. Người ta dự đoán Pele có thể sẽ ghi được bàn thắng thứ 1000 trong trận Santos gặp Bahia trên sân đội này ở Fonte Nova. Thế nhưng oái oăm thay, trong suốt trận đấu ấy, Pele không ghi được bàn thắng nào mà chỉ có một cú sút dội xà ngang!

Sự chờ đợi cái thời khắc lịch sử mãnh liệt đến nỗi trong trận đấu này, khi một hậu vệ của Bahia cứu được một bàn thua mười mươi cho đội nhà sau một cú sút của Pele, anh ta đã bị chính các CĐV của đội Bahia la ó!

Nhưng rồi cái ngày ấy cũng đã đến. Hôm ấy là ngày 19/11/1969, ngày của Pele! Santos gặp Vasco da Gama trên sân vận động Maracana. Vasco chính là đội bóng mà Pele đã từng khoác áo trong đội bóng hỗn hợp ở giải đấu ra mắt hồi tháng 6/1957. 125.000 khán giả có mặt trên sân Maracana hôm ấy cũng như hàng triệu CĐV Brazil hồi hộp theo dõi mỗi lần Pele chạm bóng. Vasco bố trí đến 3 hậu vệ kèm chặt Pele, quyết không cho cầu thủ vĩ đại của đối phương lập kỷ lục.

Nhưng rồi đến phút thứ 83 của trận đấu, Pele nhận một đường chuyền của Clodoaldo rồi đột nhập thẳng vào trong vòng cấm địa khiến trung vệ Rene của Vasco phải đốn ngã Pele. Trọng tài Amaro de Lima lập tức chỉ tay vào chấm phạt đền. Pele không muốn đá quả này nhưng Carlos Alberto, người đồng đội cùng chơi trong đội tuyển chạy đến thì thầm vào tai Pele.

Vậy là Pele bước lên đối mặt với thủ môn quốc tế người Argentina là Andrade. Chưa bao giờ Pele trải qua một cảm xúc kỳ lạ như khi đứng trước trái bóng trong ngày hôm ấy, trước sự nín thở của hàng triệu CĐV. Khung thành như hẹp hơn trong khi cái bóng của Andrade thì cứ to ra mãi!

Pele lùi lại, từ từ chạy lấy đà rồi thực hiện động tác paradinha nổi tiếng, chuyển động nhanh, bất ngờ dừng rồi tung chân sút. Bóng bay về phía trái trong khi Andrade cũng bay hết tầm về phía đó, nhưng tay của Andrade chỉ chạm nhẹ được vào trái bóng mà không chặn được nó bay vào lưới. Bàn thắng thứ 1000 của Vua!

Pele chạy đến móc trái bóng nằm trong lưới rồi hôn lên nó trước khi được các đồng đội công kênh trên vai. Bất chấp việc trận đấu còn tới 7 phút nữa mới kết thúc, các phóng viên rồi sau đó khán giả ùa vào sân mừng bàn thắng lịch sử của Vua bóng đá. "Đó là bàn thắng mà tôi dâng tặng cho tất cả những trẻ em nghèo khổ trên toàn thế giới" - sau này Pele bộc bạch như vậy.

Sau trận đấu này, sân Maracana có thêm tấm biển thứ hai ghi lại dấu ấn sự kiện lịch sử, còn Pele nhận được phần thưởng kỷ niệm bàn thắng thứ 1000 của mình là một quả bóng bằng vàng khối nặng khoảng 1,8 kg!

 

NHỮNG HUYỀN THOẠI CỦA MỘT PELE HUYỀN THOẠI

 

Bàn thắng thứ 1000 mới chỉ là một điều kỳ diệu trong vô số những điều kỳ diệu mà Pele đã làm được cùng với trái bóng. Đã có vô số những truyền thuyết liên quan đến cuộc đời bóng đá của Pele, thực cũng có mà hư cũng có. Nhưng với những người hâm mộ quả bóng tròn thì chúng đều đáng tin như bản thân những con số thống kê nói lên năng lực ghi bàn ghê gớm đến mức khó tin của Vua bóng đá.

 
 

Một trong những truyền thuyết đó liên quan đến một trận đấu của Pele diễn ra ở Colombia năm 1969. Đối phương sử dụng những lời lẽ phân biệt chủng tộc để chọc tức Pele cùng các đồng đội của mình. Một đồng đội của Pele là Edu phản ứng và bị cảnh cáo. Pele phản đối quyết định của trọng tài, liền bị đuổi khỏi sân.

Nhưng chỉ vài phút sau, trong khi còn đang loay hoay tháo giày ở trong phòng thay quần áo, Pele được một quan chức chạy vội vào và hộ tống quay trở lại sân. Một cảnh tượng khó tin đang diễn ra: các CĐV tức giận trước việc trọng tài đuổi Pele đã làm loạn trên sân khiến trận đấu phải tạm dừng. Cuối cùng thì Pele được mời trở lại thi đấu tiếp, còn vị trọng tài nọ được các cảnh sát vất vả hộ tống rời khỏi sân để đảm bảo an toàn!

Cũng chỉ có Pele là cầu thủ duy nhất có thể làm tạm ngừng một cuộc chiến tranh! Đó chính là chuyến đi thi đấu ở châu Phi năm 1968 của câu lạc bộ Santos. Khi ấy, tại Nigeria đang diễn ra cuộc nội chiến với vùng lãnh thổ Biafra đòi ly khai. Cả hai bên tham chiến đã thống nhất sẽ tạm ngừng chiến tranh trong vòng 48 giờ đồng hồ để NHM có thể xem Pele thi đấu biểu diễn ở Lagos!

Đó không phải là lần duy nhất. Việc Pele, với danh tiếng lẫy lừng của mình, có khả năng ngừng cuộc chiến tranh ở Congo là chuyện hoàn toàn có thật. Chuyện này xảy ra trong năm 1969. Khi ấy, chính phủ ở Kinshasa (Congo thuộc Bỉ) đang có chiến tranh với chính quyền Brazzaville (Congo thuộc Pháp).

Pele cùng đội bóng Santos tới phi trường Kinshasa, thủ đô của nước Cộng hoà dân chủ Congo, để sau đó sẽ tới Brazzaville thi đấu với đội tuyển quốc gia Congo. Chính phủ Kinshasa đã ra thông báo ngừng bắn, sau đó hộ tống đội bóng của Pele tới sát biên giới để họ sang bên Brazzaville thi đấu theo kế hoạch đã định.

Ngày 19/1/1969, đội Santos thi đấu với ĐTQG Congo rồi sau đó, chính phủ ở Brazzaville lại cử đội hộ tống Santos quay trở lại Kinshasa. Tại đây, Tổng thống Cộng hoà dân chủ Congo đã long trọng tiếp đội bóng rồi sau đó thông báo rằng NHM muốn xem Vua bóng đá Pele thi đấu; đội bóng chỉ có thể rời đi nếu đáp ứng được yêu cầu này!

Thế là ngày 21/1/1969, Pele ra sân trong màu áo Santos thi đấu với đội tuyển thanh niên của Cộng hoà dân chủ Congo, thắng 2-0. Vị Tổng thống tuyên bố cần phải có thêm một trận đấu "phục thù" nữa để các công dân của ông có thể thoả mãn xem Vua bóng đá thi đấu.

Vậy là hai ngày sau, 23/1/1969, Pele lại ra sân cùng Santos thi đấu với câu lạc bộ Kinshasal Leopards. Lần này thì Pele và các cầu thủ Santos đã biết rút kinh nghiệm: họ "chịu thua" đội bóng Kinshasal Leopards với tỷ số 2-3! Chỉ đến lúc ấy, họ mới được phép rời khỏi Kinshasa. Khi máy bay chở đội bóng vừa cất cánh rời khỏi sân bay, hai bên lại lập tức lao vào cuộc chiến…

Đó là những năm tháng mà danh tiếng của Pele lẫy lừng hơn bao giờ hết. Chú bé Brazil nghèo khổ năm xưa, người từng mơ trở thành phi công nhưng không thành, giờ trở thành một trong những người đi máy bay nhiều nhất thế giới, qua 88 nước trên 5 lục địa.

Trong những năm thi đấu, Pele đã gặp hơn 70 Tổng thống và 40 người đứng đầu nhà nước khác, 10 vị Vua, 5 vị Hoàng đế, 2 vị Giáo Hoàng John XXIII và Paul VI. Khi gặp Pele, Giáo Hoàng Paul VI đã nói: "Đừng hồi hộp con à, bởi vì chính ta cũng đang hồi hộp hơn cả con! Ta đã chờ đợi cuộc gặp gỡ với Pele từ lâu lắm rồi!".

Quốc vương Shah của Iran chờ tới ba giờ đồng hồ ở phi trường để gặp và chụp ảnh chung với Pele. Cố vấn an ninh đặc biệt của Tổng thống Mỹ Henry Kissinger, một người hâm mộ bóng đá, có bài viết riêng về Vua bóng đá. Pele cũng là người da đen đầu tiên trong lịch sử xuất hiện trên trang bìa tờ tạp chí nổi tiếng Life của Mỹ! Theo kết quả của một cuộc thăm dò, "Pele" là một trong số những cái tên được biết đến nhiều nhất trên thế giới, chỉ sau có nhãn hiệu Coca Cola!

Sau khi giành danh hiệu vô địch thế giới lần thứ ba với ĐT Brazil ở Mexico1970, Pele còn tiếp tục thi đấu cho đội tuyển quốc gia thêm một năm nữa. Ngày 11/7/1971, Pele ghi bàn thắng cuối cùng cho Selecao trong trận hoà ĐT Áo 1-1.

Đúng một tuần sau đó, ngày 18/7/1971, trước 180.000 khán giả trên sân Maracana, Pele đã có trận cuối cùng trong màu áo Selecao, đấu với đội tuyển Nam Tư, hoà 2-2. Tổng cộng Pele đã thi đấu 92 lần cho ĐT Brazil, ghi được 77 bàn thắng, một thành tích mà phải đến kỳ World Cup 2022, hậu bối Neymar mới bắt kịp.

Mọi lời năn nỉ của các CĐV cùng những lời đề nghị của các quan chức bóng đá Brazil muốn Pele tiếp tục thi đấu cho Selecao ở World Cup 1974 đều không làm thay đổi được quyết định từ giã đội tuyển của Pele. Khi có người nói với Pele rằng "anh là người Brazil nên anh phải thi đấu vì Tổ quốc", Pele trả lời: "Bóng đá không phải là một cuộc chiến tranh. Nếu là chiến tranh, tôi sẽ là người đầu tiên ra trận." Sâu xa, tự trong thâm tâm, Pele không muốn mình trở thành một phế nhân vào năm 1974 ấy! Bài học ở giải thế giới năm 1966 tại Anh là quá đủ rồi.

Pele vẫn tiếp tục gắn bó với Santos ba năm nữa, giúp CLB này đoạt thêm một chức vô địch bang Sao Paulo mùa giải năm 1973 (Pele là vua phá lưới với 11 bàn thắng). Ngày 3/10/1974, trận đấu giữa Santos với Ponte Preta, Santos thắng 2-0. Thời điểm kịch tính nhất diễn ra ở phút thứ 21 của trận đấu. Đang thi đấu, bỗng dưng Pele dừng lại, dùng hai tay cầm quả bóng đưa lên quá đầu rồi quỳ xuống ở vòng tròn giữa sân.

Cả SVĐ chết lặng đi nhưng rồi tất cả nhanh chóng hiểu ra rằng đó là thời khắc cuối cùng của Pele trong màu áo Santos. Các CĐV của câu lạc bộ này rưng rưng nước mắt từ biệt cầu thủ ưu tú nhất trong lịch sử câu lạc bộ, người đã mang lại cho họ vô số danh hiệu vinh quang cùng những niềm vui bất tận trong suốt hơn hai thập kỷ.

Trong 22 năm từ 1956 đến 1974, Pele đã thi đấu cho Santos tổng cộng 1.114 trận, ghi được 1.088 bàn thắng. Quả thật, Pele là một tượng đài mà không có bất cứ cầu thủ nào của Santos có thể vượt qua được. Nhưng Pele không hoàn toàn rời bỏ sân bóng. Bắt đầu một giai doạn mới, "giai đoạn Cosmos" trong sự nghiệp của Pele.

 

TRĂM NĂM CHỈ CÓ MỘT NGƯỜI

 

Một năm sau khi rời khỏi Santos, trong khi Pele đang có kế hoạch rời khỏi bóng đá vĩnh viễn thì công việc làm ăn kinh doanh thua lỗ đã mang lại cho cầu thủ vĩ đại nhất của mọi thời đại…món nợ 1 triệu USD. Vậy là không có cách nào khác, Pele đành phải lên một kế hoạch khác, quay lại với bóng đá để kiếm tiền trả nợ!

Vấn đề là sau một sự nghiệp lẫy lừng đến thế, địa chỉ nào sẽ được Pele lựa chọn cho sự trở lại của mình? Ít ai có thể ngờ được rằng đó lại là đội bóng vô danh Cosmos New York ở Mỹ, đội bóng mà mỗi trận đấu thu hút được 1500 khán giả! Điều đó cũng dễ hiểu bởi vì đối với đa số người Mỹ, bóng đá vẫn là một môn thể thao xa lạ, không hấp dẫn, nơi người ta thi đấu hùng hục suốt 90 phút mà vẫn có thể chẳng ghi được điểm nào!

Trong khi cả thế giới gọi bóng đá là football thì nước Mỹ vẫn gọi môn này bằng một cái tên lạ hoắc là soccer; còn football - "bóng đá Mỹ" - là một môn thể thao đậm chất bạo lực mà hầu hết phần còn lại của thế giới cũng chẳng biết rõ luật lệ ra sao. Bóng đá, đối với thế giới là môn thể thao Vua thì ở Mỹ, vào thời điểm ấy, là môn thể thao không chuyên nghiệp, không ngôi sao và cũng chẳng có dollar vì ít khán giả.

Rất nhiều đội bóng lớn của châu Âu mời chào nhưng Pele đã quyết định chọn Cosmos New York, chơi trong giải của Liên đoàn bóng đá Bắc Mỹ (NASL). Người có vai trò quan trọng trong quyết định này là Clive Toye, ông bầu đội Cosmos. Ông cùng với bộ sậu của mình đã vạch ra hẳn một kế hoạch bí mật để lôi kéo cầu thủ vĩ đại nhất thế giới về thi đấu cho đội bóng vô danh ở một nền bóng đá vô danh.

Các cuộc gặp bí mật diễn ra ở nhiều địa điểm trên trái đất, Brazil, Mỹ, Ý, Bỉ…Trong kế hoạch bí mật này, Pele được đặt biệt danh là "Cá sấu to"! Kế hoạch phải kéo dài tới hơn 4 năm mới hoàn thành nhờ… khoản nợ đầm đìa của Pele sau thời kỳ chập chững bước vào kinh doanh.

Nhưng điều quan trọng nhất là ông Clive Toye đã nói với Pele: "Nếu anh tới Ý hay Tây Ban Nha, tất cả những gì mà anh có thể giành được chỉ là những chức vô địch. Còn nếu tới Mỹ, anh sẽ chinh phục được cả một đất nước!". Trả lời chất vấn vì sao lại chọn nước Mỹ làm chặng kết thúc cho sự nghiệp của mình, Pele trả lời: "Tôi thấy một ngọn núi mới cần phải vượt qua!"

Tất nhiên là một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng đã tác động để kéo được con "Cá sấu to" tới Mỹ: một miếng mồi cực ngon là bản hợp đồng với Cosmos New York trị giá ước chừng khoảng 7 triệu USD, kéo dài 6 năm, trong đó 3 năm Pele xuất hiện với tư cách cầu thủ, còn 3 năm sau trên cương vị của một "Đại sứ bóng đá".

Vậy là ngày 10/6/1975, Pele lần đầu ra sân trong màu áo của Cosmos New York thi đấu trong giải NASL. Điều kỳ diệu đã diễn ra. Chỉ trong vòng 27 tháng thi đấu cho Cosmos New York, Pele đã biến bóng đá thành một môn thể thao đại chúng đối với người Mỹ, giúp họ khám phá ra những điều kỳ diệu mà hàng thế kỷ họ không hề biết. Số lượng các cầu thủ đăng ký chơi môn bóng đá ở Liên đoàn bóng đá Mỹ tăng lên gấp 4 lần, từ 100.000 lên 400.000 cầu thủ.

Nhưng điều quan trọng hơn là số lượng khán giả tới các sân xem bóng đá cũng tăng vọt lên. Thời điểm khi Pele bắt đầu thi đấu ở Mỹ vào năm 1975, lượng khán giả trung bình trong mỗi trận đấu là 7.597 người thì tới năm 1977, lượng khán giả trung bình đã là 13.584 người, tăng 80%!

Ở Brazil, hàng hóa Mỹ luôn được coi tốt hơn hàng nội. Nhưng với Pele ở Cosmos, "món hàng" Brazil đã chiến thắng trên thị trường Mỹ! Sự có mặt của Pele tại Mỹ cũng là tác nhân quyết định kéo theo hàng loạt những cầu thủ lừng lẫy khác quyết định chọn nước này làm nơi chấm dứt sự nghiệp cầu thủ của mình, trong đó phải kể đến những siêu sao như Franz Beckenbauer, Gerd Muller, Johan Cruyff, Johan Neeskens, Eusebio, Carlos Alberto, George Best…

Beckenbauer, người đã từng có thời gian thi đấu cạnh Pele trong đội hình Cosmos, nói: "Tôi đã có những khoảnh khắc vĩ đại nhất trong sự nghiệp, thế nhưng điều làm tôi sung sướng và tự hào nhất chính là được thi đấu bên cạnh Pele!" Trong ba năm ở Mỹ, Pele đã thi đấu cho Cosmos New York tổng cộng 105 trận, ghi được 55 bàn thắng, giúp đội bóng vô danh này đoạt được chức vô địch Mỹ năm 1977.

Ngày 1/10/1977, sứ mệnh cầu thủ của Pele ở nước Mỹ kết thúc. Trong cái ngày ảm đạm ấy, 75.000 khán giả đã tới SVĐ Giants ở thành phố New York để chứng kiến trận đấu giã từ - lần này là vĩnh viễn - của Pele với bóng đá. Trận đấu diễn ra giữa Santos, đội bóng cũ của Pele, với Cosmos New York. 650 phóng viên đã tới đưa tin về trận đấu này và nó được truyền hình trực tiếp tới 38 nước. Trước trận đấu, võ sỹ quyền Anh huyền thoại Muhammad Ali đã tới gặp Pele và nói: "Bây giờ thì đã có hai con người vĩ đại!"

Pele thi đấu hiệp 1 cho Cosmos, hiệp 2 cho Santos. Trong hiệp 1 của trận đấu này, Pele ghi bàn thắng cuối cùng trong sự nghiệp cầu thủ của mình bằng một cú sút mạnh như hoả tiễn từ cự ly 30 mét, ghi bàn cho Cosmos. Một tờ báo Brazil đã mô tả trận đấu diễn ra dưới trời mưa ấy bằng một hàng chữ: "Đến ông Trời cũng phải khóc than!". Còn Nilton Santos, người đồng đội cùng Pele chinh chiến tại các World Cup 1958 và 1962 trong đội tuyển quốc gia, tối hôm ấy đã ngậm ngùi: "Sau khi Pele ra đi, bóng đá không còn là chính mình nữa!"

Đại sứ Brazil ở Liên hợp quốc, ông J.B Pinheiro nhận xét: "Trong 22 năm chơi bóng của mình, Pele đã làm được nhiều hơn bất cứ một đại sứ nào để thúc đẩy thiện chí và tình hữu nghị giữa các dân tộc".

Sau này, Pele còn đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng khác như đại sứ củaTổ chức nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF, Bộ trưởng thể thao Brazil, được bầu chọn là Vận động viên của thế kỷ…Nhưng Pele mãi mãi vẫn là nhà Vua vĩ đại trong trái tim của hàng trăm triệu "thần dân" yêu bóng đá trên khắp hành tinh.

Tôi thẫn thờ khi nghe tin Pele ra đi ở tuổi 82. Ông đi về miền mây trắng, nơi không có những trận đấu, những vận động trường kín người như những miệng núi lửa gầm vang tên ông. Những người anh hùng thường đơn độc, nhưng họ khiến cho cuộc sống có ý nghĩa hơn và làm trái tim mọi người xao xuyến. Pele là một người như vậy. Vẻ đẹp hoàn hảo của bóng đá thế kỷ XX mang gương mặt của Pele. Những người như Pele chỉ xuất hiện một lần, trong suốt trăm năm. Khi ông ra đi, bóng đá thế giới vĩnh viễn mồ côi.

Chỉ còn lại trong tâm khảm những đứa bé trên khắp thế giới, như tôi một thời đã từng như vậy, hình ảnh một Pele chói sáng, người đã làm nên những điều kỳ bí trên sân cỏ mà chỉ một vị Vua quyền năng như Pele mới có thể làm được. Mong ông nhẹ bước trên đường trời. RIP ông.

Thực hiện

Nội dung: Nhà báo Yên Ba

Đồ họa & Thiết kế: Trần Linh

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

 
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x