Theo chân Mohamed Salah để xuống địa ngục

Mỗi ngày, có rất nhiều cầu thủ châu Phi bước ra khỏi nhà mình và đi khỏi đấu nước, khỏi lục địa Đen. Họ có chung một đích đến là châu Âu, lục địa nằm bên kia bờ Địa Trung Hải. Họ ôm trong lòng khát vọng được trở thành Sadio Mane hay Mohamed Salah, với cuộc sống giàu sang và vinh quang tột đỉnh. Nhưng phần lớn lại lạc lối xuống những "thiên đường" chưa hề nghe tên, nằm đâu đó bên rìa đại lục, ở vùng cực địa hay sa mạc.
 

Đã có những buổi sáng trong tháng qua, khi sự biến mất của bóng đá cho Luqman Gilmore cơ hội nhìn ra ngoài cửa sổ phòng khách chật hẹp của căn hộ ở thành phố Tbilisi và suy nghĩ về hành trình từ Nigeria.

Anh ta đang sống trong một căn hộ thuộc những khu tập thể được xây theo phong cách Liên Xô khi xưa. Những căn hộ đó từng dành cho các xã viên nông trường, công nhân nhà máy, bây giờ dành cho những cầu thủ châu Phi đến thủ đô Georgia tìm cơ hội đổi đời.

Luqman Gilmore mà một trong vô số những cầu thủ của Lục địa Đen sang châu Âu đá bóng. Anh ta phải rời Nigeria để theo đuổi giấc mơ của mình. Nhưng giờ đây, bóng đá đang bị phong toả ở Georgia giống như ở hầu hết các quốc gia khác trên thế giới.

Khi ở Georgia, Gilmore thường sống ở Tbilisi. Anh giữ căn hộ của mình sau khi rời Dinamo Tbilisi đến Zugdidi 14 tháng trước. Zugdidi cách Tbilisi 200 dặm, nằm gần biên giới với Abkhazia - một khu vực tự trị của Georgia nằm giữa Biển Đen và vùng núi Caucasus.

Tháng tới, Gilmore sẽ tròn 24 tuổi và vẫn theo đuổi giấc mơ được thi đấu cho một trong những giải đấu danh giá nhất châu Âu. Ỏ TTCN mùa Đông vừa rồi, cũng đã có một vài CLB ở Nga quan tâm đến anh nhưng không có lời đề nghị chính thức nào được đưa ra. Anh đã quen với sự phấn khích kéo theo sự thất vọng.

Câu chuyện của Gilmore cũng là câu chuyện của hàng trăm hay hàng ngàn cầu thủ châu Phi, những người hàng năm tới châu Âu nhờ những lời hứa hão huyền và những CLB đôi khi chưa từng ai nghe đến. Ta chỉ có thể ngưỡng mộ quyết tâm của anh ta khi lắng nghe những gì đã xảy ra từ lúc còn là một thiếu niên.

Được gia đình và bạn bè khuyến khích, Gilmore rời khỏi nhà đến một châu lục khác mà không có đảm bảo hợp đồng nào, ngoại trừ sự tin tưởng mù quáng dành cho những kẻ môi giới.

Gilmore được phát hiện qua video vào năm 2013 sau khi đội trẻ của anh ta là AACC FC gửi hàng trăm clip đến vô số CLB hay tổ chức bóng đá trên khắp châu Âu. CLB này thuộc dạng vô thừa nhận và không liên quan đến bất kỳ giải chuyên nghiệp nào ở Nigeria. Chỉ là nhằm bán cầu thủ trẻ của Nigeria mà thôi.

Sau khi thử chân cẳng thất bại tại Fulham, Gilmore đã thể hiện tốt hơn ở Stoke City, nơi anh được đào tạo cùng đội U18. Các HLV kết luận anh ấy đã đủ thể lực để đá ở đội U21 nhưng rồi tuổi tác và việc thiếu những giấy tờ cần thiết cho việc thi đấu quốc tế đã khiến mọi việc hỏng bét.

Ở Nigeria, Gilmore quyết tâm duy trì sự độc lập với các CLB chuyên nghiệp để được rộng đường sang châu Âu tuỳ ý. Nhưng điều này cũng có nghĩa là anh không có ảnh hưởng đặc biệt các quyết định triệu tập vào ĐTQG. Trước World Cup U17 năm 2013, anh đã tập luyện cùng U17 Nigeria với Kelechi Iheanacho. Nhưng danh sách cuối cùng không có tên của Gilmore.

Sau khi không thể ký hợp đồng chuyên nghiệp cùng Stoke City, anh tìm cơ hội khác cùng CLB Leixoes ở giải hạng Nhì Bồ Đào Nha, nơi đã định ký hợp đồng sau 3 ngày thử chân. Nhưng đến lúc này, CLB mới phát hiện ra là cầu thủ này mới 16 tuổi trong khi tay cò khẳng định Gilmore đã 18. Mọi việc lại đổ bể.

Một lần nữa, Gilmore lại đứng trước quyết định quay về Nigeria, đồng nghĩa với thất bại. Nhưng anh quyết không về quê hương trong cảnh tay trắng. Vì vậy anh đã đi đến Madrid, nơi anh được đào tạo với đội hạng Hai Alcorcon. Song vẫn còn vấn đề thị thực đầy rắc rối và anh buộc phải về nước khi mà đám cò bỏ rơi.

Sau khi thuyết phục được các quan chức Tây Ban Nha ở Nigeria rằng anh ta xứng đáng được cấp giấy phép lao động, Gilmore mới phát hiện ra tay cò đã yêu cầu quá nhiều tiền trong việc giải quyết hợp đồng bị huỷ bỏ. Đến lúc này, Gilmore bắt đầu nghĩ rằng bóng đá không dành cho mình.

 

Tuy nhiên, Gilmore vẫn cố tiếp tục. Mặc dù CLB đầu tiên mà Gilmore khoác áo ở Georgia đã không thể cho anh một vị trí chính thức bởi họ đã có những cầu thủ ở đội một ở vị trí của Gilmore, nhưng anh được phép ở lại đất nước này trong ba tháng.

Tay cò mới đã trấn an Gilmore rằng cuối cùng anh ta cũng tìm được cho Gilmore một đội bóng nhưng anh phải đến Ethiopia để lấy giấy tờ đảm bảo cho việc ký hợp đồng được hợp lệ. Lý do là không có đại sứ quán của Georgia ở Nigeria và Addis Ababa là nơi gần nhất.

Sau một hành trình dài dằng dặc và tốn kém, sự kiên trì của Gilmore đã được đền đáp khi FC Imereti cuối cùng đã chiêu mộ tiền vệ này trước khi anh được chuyển đến CLB lớn nhất Georgia là Dinamo Tbilisi. Trước đây, anh chưa hề nghe tới nơi nào là Georgia, nhưng giờ nó là thiên đường.

Nếu Luqman Gilmore có một điều hối tiếc thì đó là việc anh không có khả năng xác định người nào đáng tin và người nào nên tránh xa. Đó chính là cạm bẫy dành cho những cầu thủ trẻ châu Phi trên con đường tìm kiếm thiên đường ở các giải bóng đá châu Âu.

Ngay cả các tay cò, việc đưa cầu thủ trẻ châu Phi sang châu Âu cũng được coi như một canh bạc. Không có gì đảm bảo, không có gì chắc chắn. Họ chỉ đến những mỏ tài năng như Nigeria và Ghana tìm kiếm cầu thủ, kể những câu chuyện của Mohamed Salah hay Sadio Mane và rồi lên đường. Tuy nhiên, đa phần đều không thể xin được giấy phép lao động.

Một cựu tuyển trạch viên cho một CLB Premier League, người chuyên tìm ngọc ở những nước châu Phi là thuộc địa cũ của Pháp, đã kể về những kinh nghiệm của ông ta khi ký hợp đồng với những cầu thủ người Senegal và Bờ Biển Ngà. Ông nhấn mạnh những gì là đặc trưng cho cầu thủ ở khu vực Tây Phi.

"Một tay cò có thể gửi cho ta một bản sao hộ chiếu của cầu thủ và một tờ giấy chứng minh rằng anh ta có nhiệm vụ thay mặt cầu thủ để thực hiện một thỏa thuận. Ngày hôm sau, một tay cò khác cũng sẽ gửi cho ta đúng những gì liên quan đến cầu thủ trên.

Có vẻ như đây là cách tiếp cận phổ biến của các cầu thủ châu Phi. Họ nhờ một đống cò đi rải thính mà không nghĩ rằng việc nhờ 2 tay cò đại diện cho mình là vi phạm luật. Thậm chí, ta có thể được cò A gửi một tờ giấy xác nhận tính hợp pháp của người đại diện ở thương vụ này, nhưng đó lại là danh tính của cò B".

Một trong những nỗi thất vọng phổ biến đối với các CLB Anh khi chiêu mộ các cầu thủ châu Phi là sự phức tạp về giấy tờ. Trường hợp của Gilmore là một ví dụ điển hình: quá trẻ và không có giấy tờ nào đảm bảo có thể lao động hợp pháp ở nước ngoài.

Các quy tắc cấp giấy phép lao động là khác nhau ở khắp châu Âu, nhưng để một cầu thủ ngoài lục địa được cấp giấy phép lao động ở Anh, trước tiên họ phải đảm bảo có được sự chứng thực từ FA rằng cầu thủ này có lý lịch sạch sẽ, có tài năng bóng đá có thể đem lại những đóng góp đáng kể cho bóng đá Anh.

Những chứng thực này lại đến từ việc đánh giá mức độ đóng góp của họ ở CLB ở đất nước mình, tỷ lệ phần trăm các trận đấu ở ĐTQG mà họ đã tham gia, tham chiếu cả BXH FIFA dành cho ĐTQG mà cầu thủ đó khoác áo, mức phí chuyển nhượng và tiền lương.

Do đó, việc ký hợp đồng với một cầu thủ châu Phi đã có hộ chiếu châu Âu bao giờ cũng dễ dàng và hấp dẫn hơn nhiều. Câu hỏi đầu tiên mà bất kỳ tuyển trạch viên nào cũng sẽ hỏi về một cầu thủ là họ đã có hộ chiếu châu Âu chưa?

Nếu một cầu thấy yêu cầu này xứng đáng với nỗ lực, anh ta đã cố gắng đảm bảo giấy tờ. Nếu có được điều kiện này, tiền chuyển nhượng và tiền lương của cầu thủ phải cao hơn ít nhất 2 lần. Anh ta sẽ không giống như Gilmore và sẽ có cơ hội thành công cao hơn.

Luqman Gilmore nghĩ rằng chỉ có 3 cách một cầu thủ bóng đá có thể rời khỏi châu Phi: 1/ Đặt niềm tin vào một tay môi giới; 2/ Ký hợp đồng với một CLB trong nước và hy vọng họ bán được; 3/ Gia nhập một học viện bóng đá độc lập.

Lựa chọn đầu tiên chính là con đường mà anh ta đã trải qua. Cách thức này có thể đem lại chút tự do lựa chọn nhưng hoàn toàn mù mờ và phó mặc cho may rủi. Cách tốt nhất là vẫn đi theo con đường của những kẻ đã thành công khác để giảm thiểu khả năng thất bại.

Con đường của Mohamed Salah và Sadio Mane đang là tấm gương sáng. Hai cầu thủ châu Phi này đã được đề cử là 2 cầu thủ xuất sắc nhất châu Phi trong ba mùa liên tiếp. Họ chơi cho cùng CLB Liverpool và điều này chưa bao giờ xảy ra trước đây. Có một số điểm tương đồng trong mỗi câu chuyện nhưng chúng liên quan đến các bệ phóng khác nhau.

Salah, giống như Gilmore, đã nghi ngờ khi nhận được những lời hứa hẹn trên mây của các tay môi giới và CLB. Không có quá khứ thuộc địa gắn liền đất nước của mình với một "mẫu quốc" ở châu Âu, Salah sáng suốt nhận ra rằng mình không thể rời Ai Cập mà chưa chơi bóng đá trong nước trước.

Điều này dẫn đến việc anh gia nhập El Mokawloon, CLB chuyên nghiệp duy nhất giúp anh nhận được lời đề nghị khi còn tuổi teen. Chỉ sau một vài trận đấu, nhiều sự quan tâm bắt đầu đến với anh. Có 2 lời đề nghị từ các CLB Đức, được chỉ điểm thông qua Hany Ramzy, một cựu cầu thủ Kaiserslautern. Họ đã đưa những lời hứa lớn nhưng Salah tin rằng mình nên ở lại Ai Cập thêm một thời gian nữa.

Có một câu chuyện nổi tiếng rằng về chủ tịch của CLB Zamalek đã quyết định không ký hợp đồng Salah vì đánh giá thấp khả năng của cầu thủ này. Nhưng Salah - như Gilmore - đã cố tránh ký hợp đồng với bất cứ CLB nào trong nước vì anh nhận thấy xu hướng "an cư" của những cầu thủ ở các CLB này. Anh cũng cho rằng, các CLB cũng sẽ không tạo điều kiện cho anh ra nước ngoài thi đấu.

CLB châu Âu đầu tiên của Salah là Basel (Thuỵ Sỹ), và nhờ quãng thời gian khoác áo El Mokawloon mà mọi chuyện trơn tru hơn so với trường hợp của Gilmore tại Stoke City.

Gilmore cố gắng gây ấn tượng với các CLB còn các CLB đã đến Salah. Đấy thực sự là sự khác biệt và câu chuyện anh đến Basel có thể tạo cảm hứng để viết một cuốn tiểu thuyết tình báo.

Salah, thực sự, ban đầu được phát hiện bởi tuyển trạch viên của Basel hoạt động tại thủ đô Buenos Aires của Argentina nhân giải World Cup U20 năm 2011 được tổ chức tại Colombia. Thợ săn này đã ghi chú vào cơ sở dữ liệu của CLB rằng sự tiến bộ của Salah nên được theo dõi bởi vì đây là 1 trong 4 cầu thủ hay nhất giải đấu.

Tuy nhiên, người có ảnh hưởng quan trọng là Ruedi Zbinden, trưởng bộ phận tuyển trạch của Basel, người thậm chí không bao giờ bỏ lỡ một màn khởi động của mục tiêu, không bao giờ gọi điện khi trận đấu đang diễn ra hay trò chuyện với người ngồi bên cạnh vị sợ bị mất tập trung. Ông quyết định tự mình theo dõi Salah.

Zbinden đôi khi chỉ xem một cầu thủ duy nhất trong một trận đấu, đôi khi lại theo dõi cả 22 cầu thủ, chú mục vào chuyển động của mỗi người. Đôi lúc trông ông ta như ngủ gật, nhưng thật ra là cực kỳ tập trung. Trong một khoảnh khắc lơ mơ như thế, ông ta đã nhìn thấy phẩm chất của Salah.

Zbinden biết những người nào đáng tin cậy và một chuyến đi do thám tới Argentina vào năm 2002 cuối cùng sẽ dẫn đến Salah kết thúc ở Thụy Sĩ một thập kỷ sau đó.

Trước đó, Zbinden dùng bữa trưa với Enzo Trossero - HLV trưởng của Independiente và trợ lý Nestor Clausen. Ông nói rằng sẽ dành buổi chiều để xem đội trẻ của Chacarita, một CLB có trụ sở tại một khu phố nhếch nhác ở Buenos Aires.

Trossero biết Zbinden, bởi vì ông từng làm HLV ở Thụy Sĩ khi dẫn dắt CLB Sion. "Ông điên à? Đừng bao giờ đi xem trận đấu của bọn nhóc, chỉ phí thời gian", Trossero can. Nhưng Zbinden đã phớt lờ và đó là lần đầu tiên ông gặp một cầu thủ 19 tuổi có tên là Matias Delgado.

Delgado có kỹ năng đơn giản mà cực kỳ lợi hại là biết giấu những đường chuyền lợi hại cho tiền đạo. Điều này khiến Zbinden liên lạc với ông chủ của đội bóng Chacarita. Tuy nhiên, thông điệp ông nhận được chỉ là: "Không đời nào, đừng mơ". Song điều này đã dạy cho Zbinden một bài học quý giá, mà ông đã vận dụng tốt khi chiêu mộ Salah.

Vài tháng sau, khi một tay môi giới người Israel hỏi ông ta muốn ký hợp đồng với ai thì Zbinden nói là Delgado. Người đại diện kia đã liên lạc trực tiếp với cha của cầu thủ này, và giúp ông ta nhận thấy con trai mình có cơ hội thành công ở châu Âu, do đó đã gây áp lực với CLB. Đột nhiên, Delgado trở thành bản hợp đồng Argentina đầu tiên của Zbinden.

Về sau, Delgado đã chơi hơn 250 trận và ghi 83 bàn trên con đường giành 6 chức vô địch Thuỵ Sỹ cho Basel. Anh cũng kiếm được hơn 5 triệu bảng thông qua việc chuyển đến Besiktas 7 năm sau đó.

Trong 10 năm tiếp theo, Zbinden đã liên tiếp có được hàng ngon ở Argentina. Đó là lý do tại sao một tiền đạo 17 tuổi người Ecuador ở đội hạng Hai Rocafuerte lại lọt vào tầm ngắm của Basel. Sau đó là thương vụ mua Felipe Caicedo với giá 200 nghìn bảng, nhưng sau bán cho Man City với giá 5 triệu bảng.

Tuy nhiên, Zbinden có thể khiêm tốn để mô tả việc ký hợp đồng với Salah, là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hơn là chủ tâm khám phá bởi con đường phát triển của cầu thủ này không được tốt trong thời gian đầu. Chỉ sau khi dùng thử 5 ngày, Zbinden mới có những ghi chú tích cực về Salah. Nhờ đó, Basel mới không bỏ lỡ một viên ngọc quý thật sự.

Sadio Mane già hơn Mohamed Salah hai tháng, nhưng lại đến châu Âu muộn hơn hai năm so với người đồng đội ở Liverpool bây giờ. Gilmore nghĩ rằng con đường của ngôi sao người Senegal này là một lựa chọn hợp lý và an toàn nhất, vì anh cũng từng được vào một học viện bóng đá ở Dakar, nơi được thành lập như một học viện trẻ với mục đích đưa cầu thủ vào châu Âu.

Học viện Generation Foot đã thiết lập liên kết với CLB Metz vào năm 2003, và kể từ khi thành lập 3 năm trước đó, chỗ này đã đưa 30 cầu thủ bóng đá hàng đầu đến giải Ligue 1. Số lượng những câu chuyện thành công đã truyền cảm hứng cho những người Gilmore ở Nigeria.

"Tôi biết rằng nếu làm tốt, một tương lai tốt đẹp sẽ đến với tôi", Mane nói sau khi gia nhập Southampton vào năm 2014, sau hai mùa giải tại Red Bull Salzburg ở giải VĐQG Áo.

Ở cấp độ chuyên nghiệp, còn lâu Gilmore mới đạt được thành quả như Salah hay Mane, nhưng có lẽ anh ta nên hài lòng với những gì mình đã có. Mọi sự thay đổi, nâng cấp điểm đến sẽ có khả năng xảy ra và thành công cực thấp.

Đầu tuần này, tổ chức Quan Sát Bóng Đá đã công bố một báo cáo đánh giá quỹ đạo sự nghiệp của các cầu thủ được ký hợp đồng tại các CLB trong 5 giải đấu lớn của châu Âu trước khi bị tạm dừng do đại dịch COVID-19. Nghiên cứu này cho phép chúng ta xác định các CLB và ĐTQG đóng vai trò là bước đệm để cầu thủ tiếp cận với các giải vô địch giàu có và cạnh tranh nhất thế giới.

Ba nhà cung cấp tài năng hàng đầu cho 5 giải đấu lớn, có lẽ, không có gì đáng ngạc nhiên: Ajax dẫn đầu (22 cầu thủ hiện đang chơi ở năm giải đấu hàng đầu đã rời Ajax), sau đó là Benfica (21 cầu thủ) và RB Salzburg (20 cầu thủ). Basel xếp hạng thứ 7, với 15 cầu thủ đã bán cho các CLB lớn nhất châu Âu.

Le Havre, Tours và Clermont (đều ở Ligue 2) là 3 nhà sản xuất tài năng hàng đầu cho các CLB Ligue 1. Để so sánh, 3 CLB sản xuất cầu thủ hàng đầu cho Premier League là PSV Eindhoven, Sporting Lisbon và Leeds United, trong khi đội Real Madrid B, Benfica và Barcelona B chi phối La Liga.

Nguồn hàng của các CLB Pháp giờ tốt hơn nhiều so với nguồn hàng của các CLB Anh. Thế nhưng, giải đấu Ligue 1 giờ cũng đã kiếm được tiền BQTH tốt hơn nên các CLB có thể chống lại sự hút máu của các CLB giàu có ở hải ngoại. Và như thế, dòng di cư của các cầu thủ châu Phi sang châu Âu sẽ mạnh mẽ hơn, đồng nghĩa với nhiều bước chân tới được thiên đường như Mane hay Salah.

Nhưng cũng có nhiều hơn những hành trình lạc lối dẫn các cầu thủ ra rìa địa lục Già như trường hợp của Gilmore.

Thực hiện

Nội dung: Hải An

Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

 
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x