Tái cơ cấu danh mục đầu tư, lựa chọn ít mất mát nhất là những điều mà giới tài chính hay nói đến khi các thị trường chứng khoán sụp đổ hay khủng hoảng.
Lại nói về bóng đá trong cơn đại hồng thủy mang tên Covid-19. Không một nền bóng đá nào đứng ngoài cuộc khủng hoảng hiện tại. Hùng mạnh như giải Ngoại hạng Anh cũng điêu đứng. Khổng lồ như Barca, Real cũng phải méo mặt thắt lưng buộc bụng. Đến các giải vô địch Nhật Bản, Trung Quốc vốn thừa tiền cũng tiến thoái lưỡng nan. Nhìn sang các nước hàng xóm vốn được cho là đi trước trên con đường chuyên nghiệp hóa cũng đang bị chao đảo trước cơn sóng dữ.
Khó khăn mà các nền bóng đá phải hứng chịu lên đến cực đỉnh. Nó không chỉ là cuộc khủng hoảng về tài chính mà còn là sự mâu thuẫn, xung đột về quyền lợi, về khả năng điều hòa các mục tiêu trong một khoảng thời gian. Khi các giải đấu bị dồn toa vì đại dịch, rất khó để có được một giải pháp tổng thể dung hòa được mâu thuẫn giữa CLB và các ĐTQG, giữa quyền lợi và trách nhiệm của các bên tham gia hoạt động bóng đá.
Những quyết định tiêu cực, chối bỏ trách nhiệm là điều dễ làm nhất và được cho là có lý nhất trong bối cảnh khủng hoảng chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt. Nhưng, để một nền bóng đá duy trì được tiềm lực, có trách nhiệm với cuộc chơi và tiến trình phát triển thì cần sự hy sinh chứ không phải hành động chối bỏ trách nhiệm.
Trong khủng hoảng vẫn có cơ hội cho những người xử lý tình huống khôn khéo. Thậm chí, lựa chọn ít tổn thất nhất cũng mang đến cơ hội thành công trong tương lai không xa. Chia đều cơ hội và cả khó khăn cho tất cả những thành viên trong làng bóng đá là cách tốt nhất để níu giữ động lực cho sự phát triển. Bởi nói cho cùng, sẽ không có đội tuyển tốt nếu giải đấu bị hủy.
Các CLB cũng khó lòng tìm kiếm nguồn lực từ xã hội nếu thiếu những ngôi sao từ đội tuyển và sức lan tỏa bởi thành công ở sân chơi quốc tế. Thế nên, hãy vì nhau, vì mình mà hành động!