Bóng Đá Plus trên MXH

Big story
Choi Ju Young: Cãi nhau nảy lửa với Hiddink, thần y may mắn của đội tuyển Việt Nam

Choi Ju Young: Cãi nhau nảy lửa với Hiddink, thần y may mắn của đội tuyển Việt Nam

Hơn 30 năm làm việc, bôn ba từ Qatar, Hàn Quốc và nay là Việt Nam, ông Choi Ju Young đã trải qua những đắng, cay, ngọt, bùi cùng với các ĐTQG. Gọi ông là chuyên gia vật lý trị liệu thì thật sự xuề xoà. Bởi với những gì mà ông Choi đã và đang đồng hành cùng các tuyển thủ quốc gia, gọi ông là thần y cũng không hề quá.

Phút 20 của hiệp 2 vòng bảng World Cup 1998, trận đấu giữa Hàn Quốc và Bỉ. Máu đổ trên khuôn mặt của hậu vệ Lee Im Saeng. Mí mắt anh bị rách sau pha va chạm với cầu thủ đội bạn. Một cái bóng hớt hải chạy vào, với hộp cứu thương trên cánh tay phải…

World Cup 2002 tại Hàn Quốc, Hwang Sun Hong bị rách lông mày, trong trận đấu với đội tuyển Mỹ ở phút 23. Anh được người đàn ông kể trên cuốn băng quanh trán. Trong lúc được chữa trị ngoài đường biên, Hàn Quốc ghi bàn. Hwang Sun Hong giận mình vì đã không tham gia được tình huống giàu kỷ niệm ấy…

Lại là phút 23 nhưng ở trận đấu vòng bảng giữa Hàn Quốc và Thuỵ Sỹ tại World Cup 2006 ở Đức, Choi Jin Cheol va chạm mạnh khi tranh bóng bổng với Philippe Senderos bên phía đối phương. Trán của Choi bị rách. Lại là người đàn ông với mái tóc lãng tử kia chạy thật nhanh vào vòng cấm Hàn Quốc. Ông chụp lưới y tế và lấy băng y tế bịt chặt phần chảy máu trên trán của hậu vệ Choi…

"Nhanh, nhanh nữa nào", cả ba cầu thủ Hàn Quốc kể trên đều thúc giục người đàn ông đảm nhận trọng trách bác sỹ ở đội tuyển quốc gia Hàn Quốc phải sơ cứu hết tốc lực để họ có thể vào sân chiến đấu cùng toàn đội. Những khoảnh khắc hớt hải của người đàn ông ấy cũng được bám sát bởi ống kính máy quay.

Một BLV truyền hình tường thuật trực tiếp một trong ba thời điểm ấy chia sẻ lại với tờ Dong A rằng: "Chúng tôi không biết tên vị bác sỹ ấy là ai. Nhưng ông ấy chạy nhanh hơn cả Usain Bolt vậy. Ông ấy không muốn cầu thủ phải đau đớn quá lâu. Và ông ấy cũng chẳng mong muốn Hàn Quốc bị tổn thất về lực lượng".

Người đàn ông ấy chính là Choi Ju Young, vị chuyên gia vật lý trị liệu đang làm việc tại bóng đá Việt Nam hiện tại. "Tôi vẫn nhớ những từ ngắn trong sự hối thúc của các tuyển thủ Hàn Quốc. 19 năm làm việc ở ĐTQG, họ luôn giục tôi như vậy mỗi khi ở trên sân vận động. Cũng đúng thôi, họ nôn nóng muốn trở lại sân thi đấu. Và tôi, một bác sỹ không thể làm cho họ thất vọng", ông Choi chia sẻ với Dong A cách đây 3 năm về trước.

Vật lý trị liệu là cả cuộc đời với Choi Ju Young. Khi ở tuổi 30, ông bay từ Hàn Quốc sang Qatar để làm việc trong ngành vật lý trị liệu của Hiệp hội bóng chuyền quốc gia này. 10 năm lăn lộn ở Tây Á, ông trở lại Hàn Quốc với một lá đơn xin việc vào một CLB bóng chày. Công việc mà ông Choi được nhận vẫn không đổi.

Và rồi qua một lời giới thiệu, ông Choi trở thành người quan trọng và là một phần lịch sử của các ĐTQG Hàn Quốc, với vai trò Trưởng Bộ phận y tế của ĐT Hàn Quốc. Khi ấy, những Park Ji Sung, Ahn Jung Hwan… gọi ông là "Lucky Man" (người may mắn). Bởi Hàn Quốc trở thành thế lực mạnh nhất châu Á đầu thế kỷ XXI có công rất lớn của Choi Ju Young. Dù rằng ông chỉ âm thầm làm công việc của mình phía sau hậu trường.

Năm 2002 là đỉnh cao của ĐTQG Hàn Quốc. Guus Hiddink cùng 2 cánh tay đắc lực Park Hang Seo và Chung Hae Soung đưa đội tuyển Hàn Quốc vào đến bán kết World Cup. Đó vẫn là thành tích kinh điển trong lịch sử bóng đá châu Á. Họ như những chiến tướng thúc đẩy tinh thần các cầu thủ Hàn Quốc làm nên kỳ tích vi diệu. Nhưng để những đôi chân có thể đủ sức chiến đấu đến những trận cuối cùng của VCK World Cup 2002, công lao rất lớn nằm ở phía sau cánh gà. Hay cụ thể hơn là tại phòng mạch của Choi Ju Young.

"Tôi đã nghĩ rằng công việc của mình đơn thuần là vật lý trị liệu", ông Choi chia sẻ. "Nhưng phải đến khi tiếp túc với các tuyển thủ quốc gia Hàn Quốc, hiểu được suy nghĩ, khao khát và quyết tâm của họ, tôi mới hiểu rằng một chuyên gia vật lý trị liệu không chỉ là giúp anh ta bình phục chấn thương ở giai đoạn ấy mà còn là để cầu thủ mà mình điều trị luôn yên tâm cho phần còn lại của sự nghiệp. Niềm tin của các cầu thủ là thứ thuốc thần cho mọi ca chữa trị. Chẳng một phương thuốc nào kỳ diệu bằng sự lạc quan và quyết tâm của cầu thủ".

Một kỷ niệm được gọi là đỉnh cao trong thay đổi quan điểm công việc đối với ông Choi Ju Young chính là xung đột với HLV trưởng Guus Hiddink tại VCK World Cup 2002. Lee Chun Soo, cầu thủ trẻ nhất trong đội tuyển Hàn Quốc dính chấn thương mắt cá chân trong một buổi tập. "Cậu ấy không đến phòng của tôi trong đêm hôm ấy. Sáng hôm sau, tôi hỏi Lee: Sao hôm qua cậu không đến. Lee cười: Tôi có thể tự lo được mà!", ông Choi kể lại.

Đúng là Lee đã tự dùng thuốc và chữa phần chấn thương của mình. Rồi hai ngày sau, ông Hiddink thấy Lee vẫn đang phải tập riêng. Vị HLV người Hà Lan gọi cả tổ y tế do ông Choi phụ trách để chất vấn. Ông Hiddink thậm chí đã to tiếng khi cho rằng Lee Chun Soo đã nói dối về tình hình chấn thương của mình và đổ lỗi cho sự thiếu trách nhiệm của ông Choi.

Rầm! Hai tay của ông Choi đập xuống bàn một cách giận dữ. Lần đầu tiên người ta thấy ông Choi tức tối đến như vậy. "Cậu ta vẫn được tôi theo dõi kỹ càng. Lee Chun Soo không hề nói dối về chấn thương. Cậu ta vẫn đang tự nỗ lực tập luyện dưới sự tư vấn của tôi. Thay vì cáo buộc anh ta là kẻ dối trá và thậm chí đuổi ra khỏi đội thì hãy quan sát những nỗ lực và cố gắng của Lee".

Sau một thoáng im lặng trước cơn tức giận của ông Choi, Hiddink nói ngắn: "Cuộc họp đến đây là kết thúc". Ông vỗ vai chuyên gia Choi và khẽ thì thầm: "Tôi xin lỗi. Tôi tin anh".

Khép lại 19 năm làm việc ở đội tuyển Hàn Quốc, ông Choi Ju Young chia tay vị trí Trưởng bộ phận y tế vào năm 2012. Nhưng 6 năm sau, cái duyên bóng đá lại đưa ông trở lại. Người kết nối chính là cộng sự của ông hồi năm 2002: Park Hang Seo.

Giúp tôi. Ông Park nhắn cho tôi như vậy kèm theo sau đó là một cuộc gọi chính thức. Sau đó, tôi đến Việt Nam, từ tư cách hỗ trợ tạm thời và nay là ký hợp đồng chính thức với VFF", bác sỹ Choi chia sẻ trên Yonhap. "Rời Hàn Quốc là một quyết định chẳng hề dễ dàng. Ban đầu khi làm việc ở Việt Nam, vì không hoà nhập và quen với môi trường ở đây, dù rằng từ ở Qatar hơn 10 năm. Tôi đã có ý định trở lại Hàn Quốc. Nhưng trước nhiệt huyết từ ông Park, tôi quyết định ở lại. Dần dần, tôi thích cuộc sống ở Việt Nam. Năm ngoái, tôi còn bay đi bay về giữa Việt Nam và Hàn Quốc, giờ tôi ổn định công việc và quen rồi, không muốn về Hàn Quốc nữa".

Chia sẻ với đài KBS, ông Choi nói: "Có hai điều mà tôi nhận ra tại Việt Nam. Đó là nền y tế, đặc biệt trong lĩnh vực thể thao còn nhiều hạn chế. Các bác sỹ tại Việt Nam đơn giản chỉ là xoa bóp cho cầu thủ, tiến hành siêu âm trị liệu hoặc kê thuốc. Mọi thứ rập khuôn và không có một phương án nào phù hợp. Dinh dưỡng, các bài tập trị liệu không được áp dụng một cách bài bản, hiện đại".

Ông tiếp tục phân tích: "Thứ hai là vấn đề trong ăn uống tại đây. Người Việt Nam rất thích ăn phở. Từ trẻ con đến người già, ai cũng ăn phở, có khi là bữa sáng, bữa trưa lẫn bữa tối. Vấn đề quan trọng nằm ở đấy. Thay đổi văn hoá sống của một dân tộc là không thể. Sẽ rất khó để nói rằng hãy ăn nhiều các món ăn chứa nhiều carbohydrate để duy trì cuộc sống lành mạnh. Tôi không thể cấm ai đó không được ăn gì, hay ăn nhiều hơn món gì cả. Đó là sự khác biệt trong cách ăn uống giữa một người nghiệp dư và một người chuyên nghiệp. Những người nghiệp dư ăn món mà họ thích. Còn người chuyên nghiệp ăn món mà họ cần. Đặc biệt là trong thể thao".

Ông phân tích tiếp: "Người châu Á có thể chất hoàn toàn khác so với người châu Âu. Giữa những người Hàn Quốc với nhau cũng có sự khác biệt. Người Việt Nam có thể chất yếu hơn so với Hàn Quốc. Đó cũng là lý do mà dinh dưỡng, chế độ ăn uống, chế độ tập luyện phải đặc biệt chú trọng. Khi mới sang Hàn Quốc, HLV Guus Hiddink đã chỉ ra những vấn đề trong chế độ ăn của cầu thủ Hàn Quốc. Đối với cầu thủ Việt Nam cũng vậy. Đó là thay vì ăn những món tôi thích, các cầu thủ cần ăn những món tốt cho sức khoẻ và sự nghiệp của mình".

Hơn 3 năm đồng hành với HLV Park Hang Seo, chuyên gia Choi Ju Young đã giúp không biết bao nhiêu cầu thủ vượt qua nỗi ám ảnh chấn thương sân cỏ. Nguyễn Tuấn Anh đương nhiên là cái tên điển hình nhất. Ông Choi kể lại: "Tôi đã nghe rằng Tuấn Anh có tiền sử về chấn thương. Khi gặp cậu ta ở Hàn Quốc, nhìn gương mặt tôi biết ngay cậu ta gặp vấn đề về tâm lý, đó là hội chứng ám ảnh chấn thương.

Nghĩa là từ trong suy nghĩ, ngay cả khi cơ thể bình thường thì cậu ta luôn lo lắng, tự hỏi chính bản thân: Liệu lúc nào mình sẽ bị chấn thương đây? Sau khi Tuấn Anh thực hiện ca phẫu thuật ở Hàn Quốc, cậu ta rất hay hỏi tôi một câu: "Liệu em có thể đá bóng được nữa không?". Tôi nói chuyện với Tuấn Anh rất nhiều lần, thường xuyên khuyên bảo: "Cậu hãy quên chấn thương đi, hãy bắt đầu lại từ đầu. Hãy thư giãn và tự tin vào tương lai…". Các bạn đã thấy Tuấn Anh đá vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á như thế nào rồi đấy".

Có một điều nữa mà ông Choi cảm thấy tự hào. Đó là những nỗ lực để giúp cầu thủ Việt Nam hiểu được tầm quan trọng trong dinh dưỡng đã được một số gương mặt áp dụng một cách thực tiễn và cảm thấy có ích. "Tôi không phải bác sĩ chuyên về dinh dưỡng nhưng chế độ ăn uống của các cầu thủ giờ cũng thành việc của tôi ở Việt Nam. Chế độ ăn uống của các VĐV quan trọng nhất là bổ sung carbohydrate, thứ sẽ chuyển hoá thành năng lượng. Trong y học thể thao, bữa ăn thường gồm 3 phần là bổ sung carbohydrate, protein và còn lại là rau (vitamin, chất xơ,…). Đối với cầu thủ Việt Nam, tạo thành thói quen ăn uống như vậy không dễ. Quan trọng nhất, tôi phải thay đổi chế độ ăn uống của họ mà không làm ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Ví dụ, Đoàn Văn Hậu giờ đã chuyển hẳn chế độ ăn uống mì gạo, mì ăn liền sang ăn mì spaghetti (giàu carbohydrate, cung cấp năng lượng và được khuyên dùng cho VĐV thể thao). Khi đến châu Âu, cậu ấy càng nhận ra tầm quan trọng của chế độ ăn uống hợp lý. Các cầu thủ tôi làm việc cùng cũng đang dần hiểu tại sao tôi nhấn mạnh đến chế độ ăn uống. Tôi sẽ giúp họ có thể trạng tốt nhất trong tương lai".

Vừa rồi, ông Choi lại được VFF gia hạn hợp đồng thêm 1 năm. Tầm ảnh hưởng của ông Choi sẽ không chỉ dừng lại trong những công việc với thầy Park. Đó còn là những tư vấn và điều trị với các đội tuyển trẻ, đội tuyển nữ Việt Nam. Vật lý trị liệu thực sự đưa ông Choi đến với nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người và trải qua nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong sự nghiệp mà người ta vẫn gọi chung là thầy thuốc.

Thực hiện

Nội dung: Vy Cầm

Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

Bài viết hay? Ấn để tương tác

Bình luận
Thông tin Toà soạn
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ:
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Tel:
(84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax:
(84.24) 3553 9898
Email:
Thông tin Liên hệ
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Hotline:
0903 203 412
Email:

Địa chỉ liên hệ:

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Đăng nhập
hoặc

Email:

Mật khẩu:

Quên mật khẩu?


Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay