Lịch thi đấu vòng loại Cúp Quốc Gia 2020
Lịch thi đấu V.League 2020 giai đoạn 1
“Trả lại tên cho tui”
Tôi biết Cường từ thời học trung học cơ sở. Nhà Cường ở Kỳ Anh, một huyện phía Nam của tỉnh Hà Tĩnh, có Đèo Ngang nổi tiếng trong thi ca, là nơi giáp ranh với tỉnh Quảng Bình. Kỳ Anh ngày nay vươn mình trở thành đô thị sầm uất với Khu công nghiệp Formosa, cảng nước sâu Vũng Áng, người xe ra vào tấp nập. Lại nhớ ngày trước vẫn hay chọc vui Cường “que” là dân chơi, bởi cái mảnh đất “chó ăn đá, gà ăn… cát” này từng trở thành nỗi ám ảm trên con đường thiên lý Bắc Nam với “món đặc sản” là “cơm tù”.
Cường nổi tiếng từ rất sớm. Anh được HLV Đậu Hồng Tiến “nhặt” về từ giải bóng đá thiếu niên nhi đồng của tỉnh. Hồi ấy, vừa đá bóng hay lại con nhà có điều kiện nên Cường là “thần tượng” của rất nhiều cô gái tuổi teen. Cường càng “nổi như cồn” và được săn đón khi cùng U16, U18 Hà Tĩnh đánh bại SLNA để vô địch các giải trẻ QG, rồi cùng U16 Việt Nam vào đến bán kết U16 châu Á 2000. Cũng từ đó, Cường rất ít khi về nhà bởi anh đi liên miên. Và cũng chẳng biết từ khi nào, Cường được đổi cái tên đệm từ Anh sang… Ánh.
Chiều qua tôi gọi, nghe giọng Cường có vẻ hơi dỗi. “Tên của tui là Nguyễn Anh Cường nha, đừng có nhắc là Nguyễn Ánh Cường nữa”. Hỏi chuyện, Cường bảo: “Mấy anh chị báo chí viết sai và không biết từ khi nào, cứ xem bóng đá là người ta gọi tôi là Nguyễn Ánh Cường, dù trong giấy tờ vẫn là Nguyễn Anh Cường”. Tôi chợt nghĩ, chuyện của Anh Cường có cái gì đó na ná chuyện của HLV Lai Hồng Vân (Đồng Tháp). Không biết có vì “tiện tay” hay không mà người ta đổi họ cho nhà cầm quân này từ Lai thành… Lại. Mãi đến bây giờ, ông Vân mới lấy lại được họ nhờ lên tiếng giải thích trên báo giới.
Quyến “béo” & Cường “que” - song kiếm không hợp bích
Anh Cường từng tưởng phải chôn vùi thanh xuân tại đội hạng Nhì Hà Tĩnh. Đúng lúc cao trào, Hòa Phát Hà Nội ra tay gỡ rối cho anh. Tôi từng hỏi Cường: “Có hay không chuyện anh từng trốn đi một nơi xa để bỏ bóng đá?”. Cường bảo: “Đúng là có lúc tôi chán và muốn bỏ quách bóng đá cho xong. Chứ quanh đi quẩn lại ở Hà Tĩnh thật tình chẳng có lối ra. Mà tôi đâu phải thằng bất tài. Ngó sang đồng đội cùng thời mà phát thèm”.
Những ngày Cường “que” chán nản là những ngày Quyến “béo” có mặt ở Hà Tĩnh nhiều nhất. Các đồng đội của họ kể, có những buổi chiều nhập nhoạng mới tập xong, Cường “que” tót lên xe của Quyến “béo”. Cũng chẳng sang chảnh gì, họ đến nơi nào đó uống cốc cà phê rồi ăn tô cháo lòng, má heo và đường ai nấy về. Rồi Cường ra Hòa Phát Hà Nội. Những năm tháng rực rỡ của “cặp đôi hoàn hảo” này chính thức bắt đầu. Nhưng cuộc đời thật tréo ngoe. Khi Cường “que” tìm được chỗ đứng thì cũng là lúc, Quyến “béo” rơi vào vòng lao lý.
Từ Hòa Phát Hà Nội đến Khánh Hòa rồi ngược lại, Cường bắt đầu thấy đôi chân mỏi mệt. Cầm bản hợp đồng thanh lý với đội bóng Thủ đô năm 2009, lần thứ ba Cường “que” đến với Khánh Hòa. Lúc này, tiền đạo người Hà Tĩnh đã không còn giữ được phong độ cao. Cũng chỉ 1 năm sau đó, anh quy cố hương đầu quân cho Hà Tĩnh.
Năm 2012, sau những chuỗi ngày lang bạt, Cường “que” quyết định giải nghệ. Niềm vui của Cường bây giờ là xách xe đưa đón con đi học, hay phụ vợ việc gia đình. Và để khỏa lấp nỗi đam mê, Cường đá “phủi” mỗi chiều tà. Ở Hà Tĩnh bây giờ, Cường nổi tiếng ở tất cả các mặt sân. Thậm chí, người ta vẫn gọi Anh Cường là ngôi sao. Nhưng đó là ngôi sao trên sân “phủi”.
Tiếc cho Anh Cường vì tuổi 29 đã rời xa sân cỏ, nhưng nhìn cuộc sống vui vẻ của tiền đạo này, ai cũng mừng cho anh. Bởi dẫu gì, Cường còn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác.
VÀI NÉT VỀ NGUYỄN ANH CƯỜNG |
XEM THÊM
ĐT Việt Nam sẽ có lực lượng mạnh nhất dự các giải cuối năm 2020