"Đám cưới chuột", bức tranh dân gian có tuổi đời 5 thế kỷ

Dù là năm Chuột hay chẳng phải năm Chuột, cái anh Tý này luôn xuất hiện trong đời sống văn hoá ăn Tết của người Việt Nam. Nào là pháo chuột – loại pháo khi đốt sẽ chạy loằng ngoằng trên mặt đất như chú chuột nhắt. Nào là bánh chưng chuột, thứ bánh bé tin hin được làm từ nguyên liệu thừa sau khi gói bánh chưng cho bọn trẻ con. Và cả bức tranh chuột dán chơi Tết, vốn là thứ không thể thiếu khi sắm Tết. Bức tranh đó có tên là "Đám Cưới Chuột" nổi tiếng của làng tranh Đông Hồ, vốn có tuổi đời hơn 5 thế kỷ.

Tết về nhớ bánh chưng xanh
Nhớ đám cưới chuột, nhớ tranh lợn gà

Có lẽ cũng ít loài được mượn hình tượng làm nhân vật để sáng tác, coi chúng như một xã hội thu nhỏ, có lớp có lang, có tính cách giống người như loài chuột. Bức tranh dân gian "Đám cưới chuột" đã trở thành một phong vị tiêu biểu của ngày Tết cổ truyền.

Một bức tranh vừa hài hước, vừa châm biếm được người xưa gửi gắm nhiều tầng triết lý. Một đám cưới rộn ràng có kiệu khiêng, ngựa cưỡi nghênh ngang, lọng che, biểu rước uy nghi.

"Ngựa anh đi trước, kiệu nàng theo sau", chú rể chuột cưỡi ngựa vẫn không quên ngoái đầu ngắm cô dâu xúng xính trong bộ áo gấm. Nhưng đối lập với nét hoan hỉ của cô dâu chú rể là vẻ sợ sệt của các bậc trưởng lão gồm 4 chú chuột ở phía trên. Họ phải đi đầu, làm nhiệm vụ dâng lễ vật cho quan mèo nếu muốn đám cưới diễn ra suôn sẻ.

Thậm chí, cụ chuột cầm chim đối mặt với mèo còn run đến mức cụp hết cả đuôi. Còn hai cụ chuột thổi kèn cuối đoàn thì mặt mày nhớn nhác, sẵn sàng đánh bài chuồn để giữ mạng nếu có biến cố xảy ra, ví dụ như con mèo nổi giận hay nhận chim cá xong liền vồ luôn 2 ông chuột đi trước.

Nhưng bao phủ lên "Đám cưới chuột" vẫn là bầu không khí rộn ràng của lễ vu quy. Những nét màu đa dạng nhưng ấm áp, như lan tỏa niềm vui và sự sinh sôi đâu đó. Nhìn vào bức tranh chúng ta thấy đủ màu sắc vui tươi, ấm áp như màu đỏ tía, màu sen lục hay màu vàng.

Nó làm người ta nhớ lại những đám cưới đầy màu sắc của Việt Nam thời xưa, được tổ chức long trọng trong một tâm thế hết sức thiêng liêng và ẩn chứa những nghi thức được truyền lại từ bao đời. Những đám cưới mà chỉ nghe thấy tiếng khèn cũng có thể tưởng tượng ra cảnh dân làng mặt mày rạng rỡ chen chúc nhau xem mặt cô dâu.

Bản sắc văn hóa Việt Nam luôn đậm đặc trong tranh Đông Hồ, mà "Đám cưới chuột" là điển hình tiêu biểu. Ở đó có ô, lọng, khèn, đoàn rước dâu, có việc riêng của một gia đình nhưng cũng là việc trọng đại của làng xóm. Nét châm biếm đả kích nếu có thì cũng nhẹ nhàng, mộc mạc như tính cách của người nông dân.

Điểm đặc biệt của bố cục bức tranh Đám cưới chuột của làng tranh Đông Hồ đó là bố cục tranh theo tuyến tính tròn. Nó vừa như một câu chuyện kể có tính nối tiếp (từ chỗ đám chuột đi cống mèo đến đi đón dâu), vừa thể hiện một vòng tuần hoàn của lẽ sống.

Theo họa sỹ Lê Quốc Việt, tác giả cuốn sách "Nghệ thuật đồ họa cổ Việt Nam", tuyến tính này là một vòng tròn khép kín, một tuyến tính rất thanh bình yên ả, rất ngay ngắn và quy củ. Vòng tròn hoàn mỹ đó đã góp phần nói lên nội dung tư tưởng của bức tranh.

Điều đó giải thích tại sao "Đám cưới chuột" đi vào từng gia đình trong ngày Tết cổ truyền. Bởi một lẽ khi nhìn vào bức tranh, ai cũng thấy "màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp".

Trên dưới phân minh, biết người biết ta, sống luôn phải tuân theo quy tắc gần thì là hương ước làng xóm, lớn thì là phép tắc quốc gia song cũng biết tôn trọng những sự kiện mang tính thiêng liêng của người cao kẻ thấp. Đấy chính là tinh thần của bức tranh "Đám cưới chuột", thể hiện rõ ràng triết lý sống của người dân Việt thời xưa.

Bố cục bức tranh chia làm hai phần. Phần dưới vẽ một đoàn rước dâu của đám cưới chuột. Một anh chuột trưởng giả vinh hoa phú quý đi có người che lọng, thong thả cuỡi ngựa dẫn đầu đoàn rước dâu. Cô dâu chuột xinh đẹp ngồi trong kiệu hoa, có chuột lính hầu bê kiệu ở dưới. Phía trên là một đoàn chuột kèn hoa tưng bừng, vác theo cá và gà để "dâng cúng" mèo - kẻ thù truyền kiếp của chuột.

Đám cưới là một sự kiện quan trọng trong đời sống của con người, và tất nhiên của cả loài chuột. "Làm nhà, cưới vợ, tậu trâu", 3 đại sự cơ mà. Thế nên, đám cưới là việc vui mừng, tốt lành và ngay cả con mèo cũng chấp nhận lễ vật để yên cho vợ chồng chuột nên duyên Tần Tấn.

Nhưng để có được điều đó, thì nộp cheo, nộp cống vật. Ngày xưa, muốn lấy nhau, nhà trai ngoài tiền sính lễ cho nhà gái, còn phải nộp tiền cho cánh lý dịch trong làng. Nhẹ nhàng thì vài mâm rượu thịt, một ít tiền cheo cưới. Nặng nề thì vài trăm gạch để lát đường làng.

Con mèo, ngoài món khoái khẩu là thịt chuột, rất ưa thích xơi chim hoặc cá. Thế nên, để hài lòng quan lớn mèo, tốt nhất phải đem chim và cá đi cống nạp. Mà nào có phải cống nạp kiểu cho có, cũng phải "tiền lễ, hậu binh", phải cử phái đoàn đi có lời đàng hoàng, cộng thêm ban nhạc thổi kèn, đánh trống cho trịnh trọng linh đình.

Bức tranh mượn chuyện mèo - chuột để phản ánh xã hội xưa. Chẳng phải, các nghệ nhân dân gian đã chủ ý "nhân cách hóa" chuột và mèo trong một mối quan hệ "kẻ cai trị và người bị trị hay cá lớn nuốt cá bé " hay sao? Muốn yên ổn làm đám cưới, tạo dựng cuộc sống mới thì vẫn phải qua "cửa" quan.

Đó chính là nét đả kích, thâm ý sâu xa của người xưa. Chế độ phong kiến lạc hậu đẩy những người nông dân đói khổ vào lầm than, chịu bất công thiệt thòi. Ngược lại là tầng lớp quan lại, hống hách, thích ăn của đút lót. Quan mèo béo tốt, vẻ mặt hách dịch nhưng vẫn chìa tay ra nhận lễ vật của đàn chuột lấm lét.

Thế đấy, ở xã hội phong kiến Việt Nam xưa kia, và có phần nào đó của hôm nay, cứ muốn phồn vinh, vinh hoa phú quý, muốn trong ấm ngoài êm thì phải biết kính trên nhường dưới, có trên có dưới, biết nín nhịn, biết nịnh nọt, biết cho người ta cảm giác được cung phụng.

Xem ra, loài chuột cũng chả phải ngoan hay tử tế gì, mà ngược lại, chúng rất biết! Cái từ biết, xem ra quan trọng. Người biết là kẻ khôn ngoan, xưa nay là vậy! Hơn 500 năm trước, những nét vẽ tài hoa từ "Đám cưới chuột" vẫn là câu chuyện thời sự tới hôm nay.

Tuy nhiên, nhìn bề mặt, bức tranh "Đám cưới chuột" là tiếng nói đả kích nạn tham nhũng trong thời phong kiến. Nhưng để treo Tết, bức tranh còn truyền tải một tầng triết lý sâu hơn, đậm tính nhân văn.

Mèo và chuột ở hai chiến tuyến, hai giai tầng nhưng rốt cuộc vẫn phải sống chung. Sự tồn tại của giai cấp này ảnh hưởng đến sự tồn tại của giai cấp kia. Và kết cục cuối cùng vẫn là một đám cưới rình rang, tất cả hòa chung vào không khí hội làng.

Quan mèo không phá đám cưới mà chủ động chìa tay nhận quà. Thôi thì anh và tôi nhìn nhau mà sống. Đấu tranh giai cấp là vấn đề của bất kỳ thời đại nào, nhưng ý nghĩa cộng sinh mới là yếu tố chính để phát triển và cũng là góc nhìn triết học của "Đám cưới chuột".

Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, bức tranh "Đám cưới chuột" có nguồn gốc từ truyện dân gian "Đám cưới chuột". Nhưng chỉ bằng những nét vẽ giản dị, phóng khoáng, các nghệ nhân Đông Hồ đã lồng thêm tầng nghĩa sâu xa vào câu chuyện mèo - chuột.

Trong truyện dân gian "Đám cưới chuột", quan mèo không để yên cho họ hàng nhà chuột. Chờ đúng ngày cô vợ chuột sinh con, mèo ta xuất hiện bắt đi tất cả đàn con của chuột. Họ nhà chuột phẫn nộ nhưng chỉ biết xót xa cho thân phận thấp hèn không thể đấu lại giai cấp thống trị.

Còn trong bức tranh Đông Hồ, đàn chuột dù khúm núm dâng lễ vật nhưng vẫn lộ rõ vẻ tinh nhanh có phần mưu mẹo. Còn mèo dù ánh mắt hách dịch nhưng trong tư thế nhận quà vẫn có sự long trọng cần thiết của một đám cưới. Cán cân hai bên đã không còn chênh lệch như trong câu chuyện dân gian mèo - chuột.

Thậm chí còn có một chút "giao tình", hòa hoãn cốt để không làm hỏng ngày vui của đôi trẻ. Tâm lý dĩ hòa vi quý của người Việt nổi bật lên làm mờ đi những mâu thuẫn giai cấp. Mèo cần chuột để tồn tại còn chuột cũng không thể lật đổ mèo. Ý nghĩa cộng sinh đem tới giá trị nhân văn cho bức tranh thường được người Việt treo trong ngày Tết.

Dòng tranh dân gian Đông Hồ (làng Đông Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) đã có lịch sử hơn 500 năm. Tranh được bán ra chủ yếu phục vụ dịp Tết nguyên đán, người dân nông thôn, thành thị ai cũng mua về chơi Tết, sang năm lại mua tranh mới.

Tranh Đông Hồ đa dạng chủ đề nhưng tựu trung mô tả đời sống thường nhật của người nông dân và thường "nhân cách hóa" các loài vật bằng nét vẽ dí dỏm.

Nhưng "Đám cưới chuột" không phải di sản của riêng làng tranh Đông Hồ. Tranh dân gian Hàng Trống cũng có bức "Đám cưới chuột" với tạo hình tương tự. Nhưng ở mức độ lan tỏa, tranh Đông Hồ gây ấn tượng đậm hơn cho người xem.

Có thể vì tranh Đông Hồ được in trên giấy điệp làm nổi bật lên màu sắc tự nhiên nhưng rất "đằm" tạo nét gần gũi, vui tươi. Trong khi đó, tranh Hàng Trống sử dụng kỹ thuật nửa in nửa vẽ, tranh chỉ in ván nét lấy hình, còn màu là thuốc nước tô bằng bút lông mềm rộng bản.

Do đó độ chi tiết và màu sắc có phần ít nổi bật hơn tranh Đông Hồ. Đặc biệt trong bức "Đám cưới chuột", vẻ rộn ràng của một lễ vu quy được thể hiện sống động trên giấy điệp.

Treo tranh Đông Hồ vào dịp lễ tết đã trở thành một thú chơi của người Việt. Nhưng đã là "thú chơi" thì cũng lắm công phu. Thưởng thức tranh Đông Hồ cũng phải đúng cách.

Theo các nghệ nhân của làng tranh dân gian này, bức "Đám cưới chuột" phải treo bên cạnh bức "Chuột múa rồng" thì mới toát lên đầy đủ ý nghĩa. Bởi, nội dung bức "Chuột múa rồng" là khát khao hòa bình, mưa thuận gió hòa, mùa màng no đủ. Hai bức tranh đặt cạnh nhau mới hiện lên trọn vẹn đời sống của người nông dân, có cống thuế nạp tô với quan mèo thì mới mong cuộc sống thuận chèo mát mái.

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp

Hai câu thơ của thi sĩ Hoàng Cầm trong thi phẩm "Bên kia sông Đuống" đã khái quát hóa vẻ đẹp của tranh Đông Hồ, di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nét tươi, nét trong là linh hồn chủ đạo trong "Đám cưới chuột", "Lợn ỷ", "Hái dừa", "Mục đồng thổi sáo"…, gợi lên vẻ dung dị rất đỗi thân thuộc của làng quê Việt Nam.

Những lồng ghép, gửi gắm sâu xa trong tranh Đông Hồ vẫn còn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay. Đám cưới chuột vui đấy, rộn ràng đấy nhưng cũng nhuốm màu lo toan. Cuộc sống của chuột, của mèo cũng đều nằm trong quy luật cộng sinh cùng phát triển. Ngày xuân Canh Tý, ngắm "Đám cưới chuột" để có thêm một nụ cười hiểu đời và hiểu người.

Mang nhiều ý nghĩa sâu xa, nên bức tranh giấy dó Đông Hồ từ mấy trăm năm tới nay, vẫn có sức trường tồn trong văn hóa dân gian Việt Nam. Mỗi lần năm mới về, khi những người hoài niệm thường yêu một dòng tranh đang dần mai một, họ thường tìm tới tranh dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống, sắm những bức tranh Tết giống như cha ông họ trước kia mỗi dịp năm mới, treo tranh mới.

Những sắc màu trong các bức tranh đậm chất dân tộc này khiến việc thưởng ngoạn Tết như một vệt màu chân chất rực rỡ làm ấm áp ngày Xuân. Do đó, dù xã hội và đời sống văn hoá của chúng ta đã thay đổi rất nhanh, đã bước vào thời đại 4.0, nhưng chúng ta sẽ chẳng thể nào giấu được niềm vui rộn ràng mỗi khi dán bức tranh "Đám cưới chuột" lên tường nhà để chơi Tết.

Thực hiện

Nội dung: Hoàng Nguyên - Hải An

Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x