Cựu thủ môn Dương Hồng Sơn: "Từng có lúc ở SLNA, cứ mắc lỗi là bị coi bán độ, chống đối lãnh đạo"

Với cựu thủ môn, Sông Lam Nghệ An là một biểu tượng, là cái nôi chắp cánh đến với bóng đá chuyên nghiệp của anh. Đã có thời điểm, Dương Hồng Sơn khao khát ở lại đội bóng quê hương. Nhưng nguyện vọng ấy lại không được SLNA đáp lại.
 

- PV: Tôi hỏi địa chỉ nhà anh dọc cả chợ Kim Chung, người ta đều nói: "À, thủ môn Dương Hồng Sơn, vô địch AFF Cup 2008" chứ gì. Quả thực, dấu ấn để đời của anh vẫn là giải đấu 12 năm về trước. Nhưng có một cái tên khác mà bạn bè thích gọi ở anh hơn, đó là Sơn miền núi. Anh có thể lý giải biệt danh này được không?

- Dương Hồng Sơn: À, cái biệt danh ấy xuất phát khi tôi tập trung đội U16 Việt Nam tại Nhổn. Đó cũng là một kỷ niệm xuyên suốt chặng đường bóng đá của tôi. Khi ấy, tôi nhuộm tóc vàng, da lại ngăm đen như người từ trên cao xuống. Bạn Ngọc Anh, đồng đội của tôi liền gọi là Sơn miền núi. Tôi cũng thích lắm. Vì đấy là tên thân mật mà bạn bè gọi mình.

- Vậy trước khi lên U16 Việt Nam thì sao, hãy kể cho mọi người biết về "tuổi thơ dữ dội" của anh ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) đi nào?

Tôi thích bóng đá từ nhỏ. Bóng đá đến với tôi qua những buổi sau giờ lên lớp. Tôi mê bóng đá đến nỗi quên cả nấu cơm cho bố hay đưa cơm cho mẹ. Cũng vì thế mà tôi bị bố đánh đòn rất nhiều. Nhưng đến giờ, tôi lại rất nhớ những lần chịu roi vọt của bố. Thậm chí là mong được bố cầm roi đánh vào mông.

Gia đình tôi không phải thuộc diện khó khăn ở xã. Nhà tôi buôn bán từ thời ông bà đến bố mẹ. Nhiều cầu thủ Nghệ An khác phải mưu sinh từ bóng đá, nhưng tôi thì khác. Bố mẹ tôi không phải lo chạy ăn từng bữa một. Đó là may mắn của tôi. Tôi sống với bóng đá đúng bằng đam mê. Tôi có thể chơi bóng mà không cần ăn cơm trưa. Chiều về thì tôi có thể đá đến khi trời tối mịt. Rồi đến một ngày, Sông Lam Nghệ An (SLNA) về xã để tuyển người. Đúng lúc đấy, thủ môn của đội tôi lại đi thi. Vì không có thủ môn, thầy Nguyễn Quang Huy bảo tôi xuống bắt. Trận đấu đấy, đội tôi thắng 1-0. Cũng sau đó, tôi được SLNA chọn.

- Tôi tò mò phản ứng của anh và bố anh sau khi được SLNA chọn thế nào?

Lúc vào đội tôi thấy các bạn cùng lứa ăn, ở, tập theo kiểu tập trung. Tôi thích lắm. Nhưng mới 10-12 tuổi, tôi nhớ nhà chứ. Nhà tôi cách SLNA tới 60 cây số. Tôi phải ở nội trú. Tôi nhớ những buổi đi đá bóng sân đình với các bạn mình. Nhớ kinh khủng. Lúc SLNA báo tin tôi được chọn, bà nội không cho tôi đi. Bà rất thương tôi và sợ tôi đi sẽ không còn ở bên bà. Thực sự thì lúc bà mất, tôi cũng không thể ở bên. Còn bố, bố khuyên ông bà cho tôi đi. Bố nói với tôi rằng hãy trải nghiệm cho đam mê của mình. Còn nếu đã xác định theo cái nghề này thì phải cố gắng nỗ lực.

Mà thời đấy, được SLNA gọi là quý giá lắm, tự hào lắm. Bố mẹ nào ở xã cũng thế. Con cái được SLNA chọn là vô cùng hãnh diện.

- Như anh nói, SLNA dường như không chỉ dừng lại với tính chất của một đội bóng?

SLNA là một biểu tượng của quê hương. Người Nghệ An vô cùng yêu bóng đá. Ai mà có con cháu nằm trong đội SLNA là thích vô cùng. Có thể xem như đó là niềm tự hào của cả một họ. Cầu thủ SLNA đi đến đâu cũng được người ta quý. Lúc tôi vào SLNA 3-4 tháng thì cảm nhận từ phía mình là các anh lớn được CĐV yêu quý lắm. Chỉ cần ra sân nhìn các anh tập là tôi đã thích lắm rồi, huồng hồ là còn được nhặt bóng. Thời tôi vào, chỉ 18 người giỏi nhất trong tuần mới được đi nhặt bóng thôi. Lứa của tôi sau đó cũng có nhiều người lên đội 1 của SLNA như Phan Thanh Hoàn, Công Mạnh, Hồ Thanh Thưởng…

- Chỉ 18 cầu thủ giỏi nhất trong tuần mới được đi nhặt bóng cho các anh lớn. Xem ra ở SLNA, quá trình tập luyện là rất khắc nghiệt?

Đúng vậy. Trong một năm, SLNA sẽ có 2 đợt thanh lọc. Lứa của tôi cũng tập siêng vì thế. Ai cũng cố gắng để được ở lại đội bóng. Cá nhân tôi rất sợ bị loại. Bởi nếu bị loại thì khi về quê, bạn bè, dân làng nhìn mình với một ánh mắt khác. Tôi cố gắng dậy sớm hơn người khác 30 phút. Mùa hè thì tôi dậy 5 giờ 30. Mùa đông thì tôi dậy 6 giờ. Các thầy nói tôi phản xạ tốt, nhanh nhẹn, chơi chân tốt nhưng lại hạn chế về chiều cao. Lúc 13 tuổi, tôi chỉ cao 1m39, rất nhỏ so với thủ môn cùng lứa.

Rồi tôi tập xà đơn. Được 2 năm, tôi cảm thấy chiều cao lên rõ rệt. Lên đội U16 Việt Nam, tôi cao 1m56. Tôi nhận thấy rằng tập xà đơn giúp mình cao hơn hẳn.

- Đâu là bước đệm để anh lên đội 1 của SLNA?

Tôi tham gia tất cả các lứa U của SLNA và đều đạt thành tích cao. Đặc biệt là 3 năm liền vô địch giải U21 Quốc gia cùng đội bóng này. Rồi tôi được SLNA cho Đường sắt mượn ở giải A2, khi đó tương đương với hạng Nhất bây giờ trước khi ra thi đấu cho Hà Nội ACB. Trong giai đoạn ấy, anh Võ Văn Hạnh là thủ môn số 1. Tiếp đến là anh Thế Anh. Cuối năm 2001, đầu 2002, tôi được Giám đốc Sở Thể dục Thể thao Nghệ An và HLV trưởng Nguyễn Thành Vinh gọi về bổ sung. Mùa 2002 - 2003, tôi được bắt chính ở SLNA.

- Những trận đấu đầu tiên ở V.League với anh thế nào?

Tôi không lo lắng. Tôi có kinh nghiệm ở các giải trẻ cũng như lên các lứa U của ĐTQG. Ở mùa đầu tiên tại SLNA, tôi được bầu chọn là thủ môn xuất sắc nhất 4 lần. Năm thứ 2, tôi cũng được bầu 2-3 lần xuất sắc nhất tháng ở V.League.

- 206 trận chơi cho SLNA, lọt vào top 5 cầu thủ thi đấu nhiều nhất cho 1 CLB trong lịch sử V.League, rõ ràng nếu ở SLNA lâu hơn, anh sẽ là huyền thoại. Nhưng tại sao đến năm 2008, anh lại chia tay SLNA?

SLNA là cái nôi nuôi lớn tôi, giúp tôi trưởng thành. Lúc hết hợp đồng, tôi luôn nghĩ về quê hương, muốn gắn bó thêm với SLNA. Nhưng giữa đôi bên không tìm được tiếng nói. Tôi phải ra đi. Tôi buồn khi không thể cống hiến cho SLNA. Thực ra có một giai đoạn dài báo chí nhắc đến nhiều cầu thủ SLNA, nhưng tôi dường như không hiện diện trong lịch sử của đội bóng này. Tôi buồn vì điều đó nữa.

Rồi khi ấy, SLNA đang chuyển giao thượng tầng, rất phức tạp. Tôi nhấn mạnh là phức tạp. Trong giai đoạn lượt đi tổng kết V.League 2007, HLV Văn Thịnh đổ lỗi rằng trận nào tôi cũng mắc sai lầm. Tôi bất bình về điều đó. Đến tận bây giờ, bất kể khi nào tôi về Nghệ An và gặp ông ấy, tôi cũng sẵn sàng đối chất. Những gì tôi làm được ông ấy phải ghi nhận. Ông ấy đặt tôi vào thế nhận án kỷ luật. Ông ấy phải nhận sai vì điều đó. Giờ tôi đã trưởng thành hơn. Chính xác vì ông ấy mà tôi phải trưởng thành như thế.

Rồi ở SLNA, tôi có cảm giác giữa thi đấu và không thi đấu có một ranh giới gọi là chống đối. Nếu tôi thi đấu không tốt thì bị nghi là bán độ. Gia đình tôi chịu ảnh hưởng điều tiếng rất nhiều. Tôi phải trấn an gia đình rằng: "Con luôn làm đúng, con không sợ. Sai đâu đã có pháp luật". Tôi không phân bua với báo chí. Công việc của tôi là thể hiện mình trên sân, thể hiện đúng khả năng của mình.

Nhưng đúng là khi bước vào sân thì tôi hay Văn Quyến cũng rất sợ. Tôi sợ thi đấu mà sai, mắc sai lầm là đương nhiên lại bị quy chụp là bán độ, chống đối lãnh đạo. Giữa lúc lãnh đạo còn đang thay đổi, làm như vậy là bất lợi cho cầu thủ quá. Có những cầu thủ cứ ra sân dù thi đấu nỗ lực nhưng chỉ cần mắc lỗi là bị vào tầm chỉ trích của lãnh đạo. Tôi nằm trong số ấy. Tôi là thằng luôn đòi hỏi quyền lợi cho anh em nên trong nội bộ, chắc chắn có người ghét tôi.

- Quay trở lại SLNA, khi anh hết hợp đồng, anh có nói vẫn tha thiết muốn gia hạn thêm. Nhưng sau cùng thì anh không ở lại. Phải chăng, anh đòi hỏi ở SLNA cao quá?

Không hề. Tôi muốn ở lại và đã đề đạt lên lãnh đạo đội là chỉ cần xin việc cho vợ của tôi. Ngoài ra, tôi muốn có lót tay 300 triệu/năm và ký hợp đồng 3 năm kèm mức lương 20 triệu đồng/tháng. Quá thấp phải không. Nhưng SLNA không đồng ý. Giữa lúc đó, tôi nhận được cuộc gọi của anh Triệu Quang Hà từ Hà Nội T&T (tiền thân của Hà Nội FC). Đích thân anh Hà còn xuống nhà tôi ăn cơm, nói chuyện liên quan đến lời mời lên thủ đô chơi bóng. Đề nghị khi ấy là 1,6 tỷ đồng/năm, ký 3 năm. Tôi nhận lời.

Đúng lúc ấy, anh Dương đại diện cho Hải Phòng cũng xuống tìm tôi, lúc tôi và anh Hà chuẩn bị đi ăn cơm. Anh Dương chờ tôi ở nhà và đặt một bao tải tiền bảo mẹ tôi đếm. 3,2 tỷ đồng thì phải. Mẹ tôi sợ quá gọi cho tôi. Anh Hà cũng biết chuyện đó. Tôi quay lại nói với anh Hà: "Về con người em, em nói một là một, hai là hai. Chữ tín rất lớn đối với em. Bất kể Hà Nội ít tiền hơn, nhiều năm hợp đồng hơn nhưng em đã hứa với anh thì em không rút lại. Anh yên tâm. Anh em mình ăn cơm. Tối nay em ra Hà Nội".

Sau đó tôi gặp và cảm ơn anh Dương. 3,2 tỷ/năm - gấp đôi so với Hà Nội T&T nhưng tôi đã hứa với Hà Nội. Tôi nói với anh sau khi hết hợp đồng với Hà Nội, nếu Hải Phòng có nhã ý và có duyên, tôi sẽ về Hải Phòng.

Anh Dương nghe vậy càng tôn trọng tôi hơn. Tiền đúng là rất giá trị, nhưng lời nói của một thằng đàn ông là không suy chuyển. Lúc đấy, bầu Hiển còn gọi cho anh Hà và nói: "Cho Sơn thêm 100 triệu/năm nữa. Vậy là 1,7 tỷ/mùa.

Rồi khi lên Hà Nội, tôi cảm giác đội bóng này như một gia đình. Người ta cho tôi bộc lộ hết tài năng. Tôi may mắn được làm việc với HLV giỏi như Phan Thanh Hùng và HLV thủ môn Trần Văn Khánh - một huyền thoại ở Thể Công. May mắn hơn nữa là khi lên Hà Nội, vợ tôi sinh được 4 nhóc tì. Ngày trước ở Nghệ An, vợ tôi bị sảy 2 lần. Người ta nói con cái là trời cho. Có thể Hà Nội là đất hợp với tôi, kể cả nghề nghiệp, công việc, cuộc sống.

- Năm 2010, B.Bình Dương từng chào giá anh tới 12 tỷ đồng. Sao anh không đi?

Vậy tôi hỏi bạn, khi bạn đã có một mái nhà và sống rất hạnh phúc dưới mái nhà ấy thì bạn có muốn thay đổi không? Nếu đã là vì tiền thì trước đó tôi đã nhận lời đi Hải Phòng chứ không phải Hà Nội T&T. Ân tình với CLB, cầu thủ có giá trị lớn đối với tôi. Tôi thật sự mang ơn và vì thế luôn sẵn sàng làm vì Hà Nội, bất kể ai nói gì?

- Lần cuối nói về SLNA, anh là một trong rất nhiều ngôi sao ra đi theo dạng hết hợp đồng. Nếu như có chuyển nhượng cầu thủ như nước ngoài, SLNA chắc hẳn thu về cả chục tỷ đồng nhờ việc chia tay các tài năng đấy nhỉ?

Cầu thủ SLNA ra đi đều là từ hết hợp đồng. Họ không được cái gì. Nói về cầu thủ, sự nghiệp của họ rất ngắn. Vì vậy việc chuyển sang đội bóng khác để có thêm kinh tế là điều bình thường. So với mặt bằng chung ở V.League, lứa cầu thủ SLNA ra đi thì tôi thấy cực kỳ thành công, từ Trọng Hoàng, Quế Ngọc Hải, Phi Sơn, Hoàng Thịnh… Nói về SLNA, vì sao họ chảy máu tài năng? Vì kinh phí hạn hẹp không đủ để họ giữ chân cầu thủ. Năm ngoái, tôi có nói chuyện với anh Đức Thắng, khi đó là HLV trưởng SLNA thì anh Thắng rất mệt mỏi trong việc giữ cầu thủ A, B. Cũng vì ít tiền quá!

- Đó là ở cấp CLB. Vậy còn ở cấp độ ĐTQG thì sao? Người ta vẫn nhớ một Dương Hồng Sơn rất ấn tượng ở Asian Cup 2007?

Đúng là bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp của tôi chính là VCK Asian Cup 2007. Năm ấy tôi thi đấu rất thành công. Khi đó, ĐT Việt Nam được dẫn dắt bởi HLV Alfred Riedl. Ông ấy không trao cơ hội cho ai khác nếu đó không phải là thủ môn số 1. Chỉ trừ trường hợp thủ môn số 1 ấy có vấn đề thì ông mới thay. Cái năm Việt Nam đá Asian Cup 2007 thì ông ấy không phải là người chọn tôi. Chính trợ lý thủ môn mới là người chấm tôi bắt ở Asian Cup 2007. Riedl ban đầu rất lạnh nhạt với tôi nên tôi càng muốn mình phải chứng minh trước mắt ông ấy.

Nếu nói về cầu thủ ý chí thì tôi là một phần trong nhóm ấy. Càng khó, tôi lại càng cố gắng. Ban đầu như đã nói, Riedl không cho tôi cơ hội. Nhưng khi thấy tôi bắt ở Asian Cup 2007 thì ông ấy cởi mở hơn, thân thiện hơn. Ông ấy thường xuyên gọi tôi sang để đá thi nữa.

- Một năm sau, ông Calisto thay ông Riedl. Mối quan hệ với thầy mới của anh có được cải thiện hơn không?

Để nói về Calisto thì không phải mình tôi mà cả lứa chúng tôi đều phải cảm ơn ông. Ông Calisto chỉ ra những điểm mạnh, yếu cho từng người; tạo được niềm tin, khát khao, ý chí thi đấu. Không như các HLV nước ngoài khác đến Việt Nam thường ở tách biệt với cầu thủ, ông Calisto rất gần gũi, ở luôn cùng cầu thủ Việt Nam. Ông sinh hoạt với cầu thủ như một người cha vậy. Ông thường xuyên nói chuyện với họ. Những ai chưa tốt, có vấn đề gì thì ông đều gọi ra nói chuyện riêng. Bây giờ khi đã theo nghiệp huấn luyện, tôi học hỏi những điều ấy từ chính ông Calisto. Đó là tiếp xúc với cầu thủ nhiều nhất có thể.

- Vậy đã có cuộc nói chuyện riêng nào giữa anh và ông Calisto?

Có chứ. Đó là trận đấu đầu tiên khi Việt Nam thua Thái Lan trên sân đối thủ ở vòng bảng AFF Cup 2008. Tôi là người mắc lỗi và đã nghĩ rằng mình sẽ không được bắt nữa. Mọi thứ càng trở nên có cơ sở khi tôi bị ông Calisto gọi vào phòng nói chuyện riêng. Lúc tôi bước vào thì không chỉ có ông Calisto mà còn có phiên dịch và chú Phan Thanh Hùng đóng vai trò trợ lý. Qua phiên dịch, ông nói với tôi: "Tao tin tưởng mày. Mày có những cái mà thủ môn khác không có. Mày có tin mày có thể làm được và thành công trong năm nay không?". Câu hỏi ấy như tiếp thêm động lực cho tôi. Ông Calisto muốn khả năng chỉ huy hàng thủ của tôi được phát huy hơn nữa. Sự tin tưởng từ HLV Calisto giúp tôi thi đấu tốt hơn. Thật sự, tôi may mắn khi được trao cơ hội lần 2.

Rồi ở AFF Cup, chiến thắng ở trận đấu trên sân của Singapore là một kỷ niệm đặc biệt. Tôi chơi tốt hôm ấy. Từ suốt thời điểm ấy cho đến khi nâng cao cúp vô địch, chúng tôi luôn hát: "Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng".

- Anh nói rằng mình học được rất nhiều điều từ Calisto kể từ khi làm HLV, cụ thể là thế nào?

Tôi áp dụng cách mà Calisto đã làm đối với cầu thủ. Đó là luôn phải gần gũi cầu thủ và hãy trao cơ hội nhiều hơn cho mọi người. Ai tập luyện tốt sẽ được thi đấu. Tôi không dập khuôn một đội hình. Một cầu thủ cũng cần phải chơi nhiều vị trí. Tôi cố gắng tạo cơ hội cho các em để trưởng thành hơn. Rồi khi xây dựng đội bóng, tôi chú ý đến tư cách cùa thủ. Tôi luôn trao đổi với họ những vấn đề ngoài sân cỏ vốn dĩ nhiều phức tạp. Với tôi, trong sân là thầy là trò nhưng khi bước ra ngoài, chúng ta là bạn bè, là những người đàn ông.

Cách làm việc của Calisto cũng đáng để tôi học hỏi. Bạn biết không, có một cầu thủ mà ông Calisto rất yêu mến và cũng rất buồn vì anh ấy. Đó là Vũ Như Thành. Anh ấy rất tài năng trên sân bóng nhưng lại chưa chỉn chu ngoài đời. Nhưng ông Calisto vẫn tin tưởng. Bởi ông biết rằng Như Thành vào sân là làm được việc.

- Anh có nghĩ rằng một thủ môn sau khi giải nghệ và giờ làm HLV trưởng thì anh ta phải có một chất điên trong người không?

Quan điểm của tôi là không có vị trí nào trên sân mà không làm được HLV cả. Trên thế giới, có những người là thủ môn rồi trở thành HLV giỏi thì ở Việt Nam không có lý do gì mà không thể. Là HLV trưởng, tôi sẽ học hỏi nhiều hơn, nỗ lực hơn để đạt thành công. Người ta làm một thì tôi phải làm ba. Càng như thế, tôi càng phải nỗ lực, tìm hiểu hơn nữa.

- Ngoài làm HLV, kinh doanh thì Dương Hồng Sơn rất thích xăm thì phải. Đâu là hình xăm mà anh ấn tượng nhất?

Tôi thích xăm tên con rồi nhiều hình, mỗi hình là một kỷ niệm. Còn nói về hình xăm ấn tượng nhất chắc là hình chiến binh la mã ở bả vai. Tôi xem phim 300 chiến binh, cảm phục được ý chính, tinh thần của họ. Tôi nhức mình phải có ý chí và tinh thần như thế.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi.

Thực hiện

Nội dung: Trí Công

Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

 
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x