PV: Cảm ơn cựu tiền đạo Lê Công Vinh đã đồng ý trả lời phỏng vấn của Tạp chí Bóng đá. Vài ngày trước, Cerezo Osaka thông báo chiêu mộ Đặng Văn Lâm. Một cầu thủ Việt Nam nữa sang Nhật Bản chơi bóng. Điều đó có khiến anh bồi hồi về kỷ niệm 8 năm trước, khi tới Consadole Sapporo?
Lê Công Vinh: Tôi nghĩ đó là một bước tiến mới của Đặng Văn Lâm. Cùng với cột mốc lần đầu tiên có cầu thủ Việt Nam chơi bóng cho một CLB tại J.League 1 là sự đánh giá, nhìn nhận của đông đảo người hâm mộ đối với bóng đá Việt Nam. Nhưng, thách thức vẫn còn chờ đợi Văn Lâm rất nhiều ở phía trước. Cậu ấy sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ hơn, phải nỗ lực nhiều hơn so với trong quá khứ.
Về phía tôi, đương nhiên rồi, khi một cầu thủ Việt Nam sang Nhật Bản, cảm giác sang đất nước này chơi bóng, cảm giác kiến tạo, ghi bàn hay cuộc sống ở nơi đây lại dội về trong tôi.
PV: Ở thời điểm năm 2013 đấy, Consadole Sapporo đã liên hệ với anh như thế nào, bởi lúc đấy, anh vẫn còn hợp đồng với Sông Lam Nghệ An?
Lê Công Vinh: Tôi sang Consadole Sapporo theo dạng cho mượn 5 tháng. Giữa Consadole Sapporo và SLNA đã có những thoả thuận và thống nhất được với nhau. Vì thế, tôi có thể sang Nhật Bản và chơi bóng cho CLB này.
PV: Được biết SLNA nhận 1,2 tỷ đồng từ thoả thuận với Consadole Sapporo. Vậy với anh thì sao, chế độ đãi ngộ tại đội bóng Nhật Bản dành cho anh như thế nào?
Lê Công Vinh: Tôi không rõ SLNA làm việc cụ thể với Consadole Sapporo khi đó thế nào. Đó là câu chuyện của lãnh đạo hai đội. Còn với tôi, khi sang Consadole Sapporo, tôi nhận lương hàng tháng từ CLB. Ngoài ra, tôi cũng sẽ nhận được những khoản thưởng sau những chiến thắng của đội. Tại Consadole Sapporo, cầu thủ đá 1 phút hay đá cả trận đều được thưởng như nhau.
Nếu chỉ nói về tiền lương, thời điểm ở Consadole Sapporo cũng là thời điểm tôi nhận lương cao nhất trong sự nghiệp. Đấy là tôi nhấn mạnh về lương nhé. Các CLB ở nước ngoài họ không trả phí lót tay như Việt Nam. Nhiều người vẫn nói rằng lương của cầu thủ Việt Nam thấp hơn so với mặt bằng chung. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Bởi thu nhập của cầu thủ Việt Nam thực ra không tệ đâu.
Làm một phép tính thế này, cầu thủ Việt Nam nhận lương từ 20-50 triệu đồng/tháng. Nhưng phí chuyển nhượng có thể lên đến 2 tỷ rưỡi/năm. Vậy là trung bình mỗi tháng, họ cũng có thêm khoảng 200 triệu. Thu nhập tổng cộng trên dưới 250 triệu đồng/tháng không phải thấp đâu. Con số 20-50 triệu đồng mà nhiều người nhắc đến chỉ là lương cứng thôi.
Tôi lại nói về Nhật Bản, những cầu thủ kiểu như Dangda, Chanathip có thể nhận hơn 20.000 USD/tháng. Người Nhật họ sẽ trả lương xứng đáng cho anh nếu như anh thực sự làm việc tốt, chăm chỉ và hiệu quả.
PV: Là người Việt Nam mở đường đến Nhật Bản, anh đã chuẩn bị như thế nào để có thể thi đấu cho Consadole Sapporo?
Lê Công Vinh: Một khi đã xác định sang Nhật Bản là tôi cũng hiểu rằng mình sẽ phải đương đầu với những khó khăn về văn hoá, về môi trường. Môi trường bóng đá Nhật Bản khắc nghiệt hơn rất nhiều so với ở Việt Nam. Cơ địa của cầu thủ Nhật bản cũng tốt hơn nhiều so với nước ta. Đương nhiên rồi, các giải đấu hàng đầu Nhật Bản cũng ở một đẳng cấp cao hơn hẳn Việt Nam.
Điều đó buộc cầu thủ Việt Nam phải nỗ lực hết sức. Họ sẽ không quan tâm chúng ta vui, buồn như thế nào cả. Nếu như chúng ta không vượt qua được thì sẽ không thể làm được.
PV: Trong 5 tháng ở Consadole, đâu là những thách thức dành cho Công Vinh?
Lê Công Vinh: Cường độ tập luyện tại Nhật Bản cao hơn Việt Nam nhiều. Việc tập luyện, cạnh tranh vị trí đương nhiên cũng khốc liệt hơn hẳn. Chúng ta tập luyện không tốt thì sẽ không được đá chính. Ngay cả khi đã đá chính một trận rồi nhưng nếu tuần sau, tôi tập không tốt thì có thể bị gạch tên khỏi danh sách đăng ký thi đấu. Trong một tập thể có 30 cầu thủ mà chỉ 18 người được đăng ký và 12 người phải ngồi ngoài thì bạn hiểu sự cạnh tranh khốc liệt ra sao. Mọi vị trí đều phải cạnh tranh, thậm chí là cực kỳ căng thẳng.
Nếu như ở Việt Nam, chúng ta chỉ tập một buổi chiều hoặc thêm một buổi sáng sớm thì ở Nhật Bản, họ bắt đầu tập luyện vào 10 giờ sáng hàng ngày. Ở châu Âu và Nhật Bản, với thời tiết đặc thù mà thời gian tập luyện cũng có sự khác biệt. Nhưng từ 8 giờ hoặc 8 giờ 30, các cầu thủ đã đến sân tập CLB rồi. Sở dĩ nói là đến vì cầu thủ ở Nhật họ không ăn ở tập trung. Quan trọng hơn là dù buổi tập kết thúc vào lúc 12 giờ nhưng đa phần đều nán lại tập thêm 1 tiếng nữa. Tuần nào cũng như vậy. Những cầu thủ không thi đầu còn đá tập với đội sinh viên.
Trong một nền bóng đá khắc nghiệt như vậy, mình phải rất nỗ lực mới tìm được một chỗ đứng trong tập thể của họ.
PV: Tôi được xem những phóng sự khi Công Phượng và Tuấn Anh sinh hoạt ở Nhật Bản. Vậy ở thời điểm Công Vinh tại Consadole, cuộc sống, nơi ăn chốn ở của anh ra sao?
Lê Công Vinh: Có một điểm thuận lợi với các cầu thủ Việt Nam là chúng ta được cầu thủ Nhật Bản và người hâm mộ tại đây yêu quý. Người Nhật quý mình lắm. Họ giúp đỡ chúng ta nhiều. Các cầu thủ chuyên nghiệp cũng tạo điều kiện tối đa để mình phát triển bản thân.
Còn về sinh hoạt, chỉ Việt Nam là ăn ở tập trung thôi. Các nước khác kể cả là trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore cũng không còn áp dụng mô hình như vậy. Bản thân các cầu thủ cũng luôn có ý thức chuyên nghiệp, giữ gìn sức khoẻ khi bóng đá là nghề của họ. Nếu ai không đảm bảo được phong độ, không thi đấu tốt thì sẽ bị phạt. Ở Consadole, chúng tôi cũng có những bữa ăn chung như bữa trưa và bữa tối. Nhưng các cầu thủ phải bỏ tiền để đầu bếp nấu ăn. Còn buổi chiều, các cầu thủ sẽ tự túc về sinh hoạt của mình.
PV: Anh ra sân trận đầu đã kiến tạo cho đồng đội lập công. Lập cú đúp ở cúp Hoàng đế, thậm chí còn được đá penalty và thực hiện đá phạt. Không phải cầu thủ nào cũng được lãnh trách nhiệm đá penalty. Nhờ đâu mà anh được cái uy lớn như vậy tại Consadole?
Lê Công Vinh: Ở Consadole Sapporo, sau mỗi buổi tập, đa số các cầu thủ sẽ tập dứt điểm cầu môn, đá phạt hoặc đá penalty. Trong thời gian ở đội, tôi thực hiện đá phạt vượt trội hơn phần còn lại. Consadole cũng vì thế mà trao cơ hội cho tôi thực hiện những quả đá phạt cố định. Tôi cũng thực hiện tốt qua từng ngày. Từ những buổi tập chính thức rồi đến những buổi tập phụ, tôi đều thể hiện được khả năng của mình. Nhờ vậy, Ban huấn luyện cũng tin tưởng mà trao cho tôi quyền đá phạt.
PV: Nếu nói về một trận đấu ấn tượng nhất của anh Vinh chắc chắn là lần đá chính đầu tiên tại J.League 2. Anh mở tỷ số và nhận 2 thẻ vàng. Kỷ niệm của anh ở trận đấu đấy thế nào?
Lê Công Vinh: Đó là kỷ niệm đặc biệt. Chúng tôi gặp V-Varen Nagasaki tại vòng 34 trên sân nhà. Tôi nhớ bàn thắng của mình đến ở phút 15. Uehara chuyền bóng vào trong và tôi bay người đánh đầu mở tỷ số cho đội. Một khởi đầu tuyệt vời cho tôi. Bởi tôi đã ghi bàn. Nhưng tiếc rằng sau đó tôi phải nhận 2 thẻ vàng và phải rời sân. May mắn là đội thắng. Chứ không nếu chỉ vì bản thân bị truất quyền thi đấu mà đội dẫn đến thất bại thì dằn vặt kinh khủng.
Trận đấu đó cũng cho thấy khát khao của bản thân tôi. Và trận đấu đó cũng cho tôi một bài học lớn trong sự nghiệp quần đùi áo số.
PV: Có thông tin sau khi hết mùa giải, Consadole Sapporo liên hệ để giữ anh ở lại. Tại sao anh không quyết định ở Nhật Bản thêm một năm nữa? Điều gì khiến anh quyết định quay về Việt Nam và đầu quân cho Bình Dương sau đó?
Lê Công Vinh: Tôi kết thúc hợp đồng cho mượn ở Consadole Sapporo vào cuối năm 2013. Đội bóng Nhật Bản có gửi bản hợp đồng cho SLNA. Bởi họ muốn tôi ký thêm 2 năm nữa. Nhưng tôi quyết định dừng lại. Tôi nghĩ rằng mình bắt đầu có tuổi rồi. Nếu tôi trẻ hơn 2-3 tuổi, có thể tôi sẽ nghĩ đến việc ở lại Nhật Bản. Nhưng lúc đấy, tôi đã chuẩn bị bước sang tuổi 30.
PV: Nhưng vẫn có nhiều lão tướng chơi bóng ở Nhật Bản đấy thôi. "King Kazu" vẫn chơi bóng khi đã hơn 40 tuổi. Daisuke Matsui trước khi sang Sài Gòn FC cũng chơi ở tuổi 37-38. Còn anh khi đó mới 30 tuổi thôi mà?
Lê Công Vinh: (Cười). Có lẽ bạn cũng biết tôi kết thúc sự nghiệp bóng đá khi mới 31 tuổi (năm 2016). Ở độ tuổi ấy, tôi tin rằng mình đủ sức thi đấu đỉnh cao thêm mấy năm nữa. Nhưng tôi muốn dừng lại. Tôi muốn dành thời gian cho gia đình. Chính xác là tôi hết động lực với bóng đá, dù đã có lúc tôi mất ăn mất ngủ để cống hiến cho bóng đá. Sau những thất bại cùng đội tuyển Việt Nam, trái tim tôi đã không còn khát khao nữa tôi. Và tôi nghĩ rằng, đã đến lúc, mình nên dừng lại và tìm một trải nghiệm khác.
PV: Anh từng nói tiếng Anh và thể hình là yếu tố khiến cầu thủ Việt Nam lép vế khi sang Nhật. Hãy nói về Đặng Văn Lâm, cậu ấy giỏi tiếng Anh, cao gần 1m90. Liệu điều đó có giúp Văn Lâm thành công như anh khi sang Nhật?
Lê Công Vinh: Không hẳn là vậy. Tôi nghĩ tiếng Anh không phải là yếu tố quan trọng nhất. Trong sinh hoạt và tập luyện, người Nhật ít khi nói chuyện. Thêm vào đó, chiến thuật trong bóng đá có những ngôn ngữ riêng. HLV yêu cầu anh thế nào thì anh cứ đáp ứng tốt như thế. Còn về thể hình, tôi không nghĩ nó mang tình quyết định sau cùng. Chanathip Songkrasin chỉ cao khoảng 1m60 – 1m70 nhưng vẫn là ngôi sao của J.League.
Với Văn Lâm, tôi nghĩ nó nằm ở đặc thù của vị trí thủ môn. Nếu như tiền đạo hay tiền vệ có thể được xoay vòng thì thủ môn lại mang tính ổn định, lâu dài. Các HLV ít khi mạo hiểm để thay thủ môn liên tục trong một mùa bóng. Trừ khi trường hợp thủ môn chấn thương nặng hoặc sai lầm từ trận này qua trận khác thì họ mới có sự điều chỉnh.
Ở Nhật bản họ rất chuộng thủ môn Hàn Quốc. Consadole Sapporo trước kia cũng vậy. Với Cerezo Osaka, Kim Jin Hyeon (Hàn Quốc) đang là thủ môn số 1 trong nhiều mùa giải đã qua. Vì vậy Văn Lâm sẽ không đơn giản để cạnh tranh được vị trí chính thức. Trong tình cảnh thủ môn chính thức của Cerezo Osaka vẫn thể hiện tốt trong mùa giải tới thì Văn Lâm khó được ra sân. Nếu đã như vậy, Văn Lâm sẽ rất thiệt thòi. Văn Lâm hoàn toàn có thể phải đối diện với viễn cảnh mà cả mùa giải J.League 1 không được ra sân. Cậu ấy có thể phải chấp nhận tham gia những trận đấu tập nội bộ - tức là các trận vào thứ Hai, sau khi vòng đấu của J.League vào cuối tuần trước khép lại. Hoặc may mắn hơn, Văn Lâm có thể ra sân ở giải Cúp (Cúp Hoàng Đế, Cúp Quốc gia của Nhật Bản - PV). Vậy nên mới nói, đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ cho Văn Lâm.
PV: Theo anh, bằng kinh nghiệm của mình, Văn Lâm sẽ phải trải qua những thách thức nào ở Nhật Bản và phải vượt qua được nó ra sao?
Lê Công Vinh: Tôi nghĩ Văn Lâm đã xác định chấp nhận rủi ro và thách thức khi đồng ý sang Nhật bản chơi bóng rồi. Nhưng tôi nghĩ, với một cầu thủ, tiền không phải là yếu tố quyết định tất cả. Niềm vui với cầu thủ là phải được ra sân thi đấu. Nếu là tôi, tôi sẽ chọn một nơi được thi đấu nhiều hơn, thay vì chọn một CLB mà cơ hội bắt chính không có nhiều.
Tất nhiên, nếu như Văn Lâm thể hiện được khả năng vượt trội về chuyên môn hơn các thủ môn của Cerezo Osaka thì đương nhiên, cậu ấy có cơ hội bắt chính. Nhưng nếu như chuyên môn yếu hơn, kinh nghiệm kém hơn khi khó cho Văn Lâm. Quyết định chọn ai, dùng ai sau cùng vẫn thuộc về HLV trưởng đội bóng. Dẫu sao, việc Văn Lâm đến Nhật Bản, nỗ lực cạnh tranh vị trí chính thức cũng rất đáng tự hào. Đó không chỉ là niềm hãnh diện với cá nhân Lâm mà còn là niềm tự hào của bóng đá Việt Nam.
Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi!