Hôm tiễn Công Phượng ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) sang Bangkok (Thái Lan) thi đấu giao hữu U23 nước này, tôi hỏi Công Phượng: “Dạo này thấy chân chú rê dắt không còn ngon như trước nữa?”. Phượng cười lớn, rồi bảo: “Chân em vẫn rứa, có khác chi mô. Khó khăn chỉ là ở cấp độ CLB và đội tuyển có lối chơi khác nhau, đó là chưa kể việc ở đội, có nhiều người đến từ những CLB khác nhau, cần phải có thêm thời gian để hiểu ai chuyền thế nào và phải chạy ra sao…”.
Đúng! Có những lúc người ta thấy ở Phượng sự lạc lõng trên sân và ở Phượng người ta thấy có cả sự “tham lam”, cái sự tham lam mà hơn một lần tôi đã đề cập rằng: Nó đã làm nên một Công Phượng của riêng anh. Nhưng bây giờ Phượng cần (phải) đổi thay, đổi thay để tốt cho cả tập thể và tốt cho cả cá nhân anh. Tuy nhiên, ở một thời điểm nào đó, những người yêu mến cái tên Công Phượng vẫn mong anh sẽ “lóe sáng” trong một pha bóng, một tích tắc đã từng khiến hàng triệu con tim thổn thức và say đắm.
Công Phượng, Tuấn Anh tâng bóng nghệ thuật trong buổi tập ở Malaysia |
---|
NỘI DUNG SẼ XUẤT HIỆN TẠI ĐÂY Độ cao sẽ thay đổi tùy theo nội dung đã xuất bản |
Hôm qua, tôi gọi điện cho bà Nguyễn Thị Hoa, mẹ của Công Phượng để hỏi thăm sức khỏe. Lời đầu tiên mà bà Hoa nhắc đến, đó chính là việc đội tuyển U23 Việt Nam chuẩn bị như thế nào cho giải đấu, rồi sau đó mới nói đến cậu “quý tử” nhà mình. Tôi hỏi rằng: “Cô có gì nhắn cho Phượng không?”. Bà Hoa chỉ cười thỏ thẻ, rồi bảo: “Nói Phượng, mẹ đang đi chăn tru (trâu), nói hắn yên tâm thi đấu, cả nhà sẽ ngồi trước ti-vi để cổ vũ cho cả đội tuyển và hắn. Nhắn Công Phượng cứ đá đi, đá bóng như thời chăn tru cắt cỏ ấy, cứ thoải mái, tự nhiên, gắng hết sẽ mình, sẽ chẳng ai trách hắn đâu”.
Vâng, chiều nay ra sân và cứ đá bóng với tinh thần như thời chăn tru cắt cỏ, Phượng nhé!