Nhắc đến thành công của HLV Park Hang Seo tại đội tuyển Việt Nam là nhắc đến đóng góp phía sau của trợ lý Lee Young Jin.
Ông Park từng tự hào nói về Lee thế này: "Lee Young Jin là bộ não của tôi. Anh ấy nghĩ hộ giúp tôi mọi thứ. Tôi chỉ cần chọn lựa và quyết định một trong nhiều lựa chọn mà anh ấy đề xuất cho tôi. Đến lúc này, tôi có rất nhiều thành công ở Việt Nam. Nhưng nếu không thuyết phục được Lee sang Việt Nam từ đầu, có lẽ tôi có nhiều thành công như thế".
Lee Young Jin là tuyển thủ quốc gia Hàn Quốc. Ông từng chinh chiến nhiều kỳ World Cup cùng đội tuyển xứ sở kim chi. Nhưng ít ai biết rằng, ông Lee từ đầu không hề mặn mà với bóng đá.
"Tôi đến với môn thể thao này một cách miễn cưỡng. Nhà tôi cách trường học tới 30 phút đi xe. Việc đi học đã ngốn đủ thời gian chứ đừng nói đến chuyện đi đá bóng", Lee Young Jin kể lại trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Hàn Quốc cách đây 11 năm về trước.
"Rồi đến ngày nọ, một bạn cùng lớp đến nhà và nằng nặc kéo tôi đi đá bóng. Nếu không, người bạn ấy sẽ không được HLV cho vào sân. Tôi chẹp miệng đồng ý. Khởi đầu với bóng đá của tôi đến một cách chẳng hề hào hứng như vậy. Và trận đầu tiên mà tôi vào sân là với một đôi giày cọc cạch, lệch size".
Lee Young Jin học trường cấp 3 Kyung Hee. Kỷ niệm khó quên của ông chính là vụ xô xát giữa quản lý đội và trọng tài. "Tôi mất kiểm soát và lao vào màn xô xát. Mọi thứ sau đó thật tệ. Tôi bị nhà trường cấm đá bóng một năm. May mà vẫn được đi học", trợ lý Lee bật cười kể lại. 1-2 năm sau đó, trợ lý Lee lên đại học Incheon.
Mối lương duyên với cố HLV Cha Kyeong Bok tại trường đại học dẫn đường chỉ lối để trợ lý Lee bước vào sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp. Năm 1986, khi Lee Young Jin học năm thứ tư của đại học, Lucky Goldstar (nay là FC Seoul) ký hợp đồng với ông.
"Trong đội hình Lucky Goldstar khi đó có Chung Hae Soung, Park Hang Seo. Đó là những người anh lớn của tôi. Tôi biết rằng với độ tuổi của mình khi ấy, việc được làm dự bị cho các anh đã là hạnh phúc của đời mình.
"Lee Young Jin chưa bao giờ thủ vai chính trên sân cỏ. Nhưng không có Lee, mọi thứ với FC Seoul trở nên trống rỗng", một tờ báo của Hàn Quốc nhận xét. "Lee Young Jin xuất hiện ở mọi ngóc ngách trên sân cỏ. Có thể, Lee chỉ là một diễn viên phụ. Nhưng đó là một diễn viên phụ xuất sắc.
"Sự xuất hiện của Lee tạo nên sự cân bằng giữa tấn công và phòng ngự cho FC Seoul. Dù chỉ cao 1m69 nhưng Lee Young Jin chưa bao giờ tự ti về chiều cao của mình. Anh khắc phục điểm yếu bởi hình thể bằng những phán đoán tình huống sắc bén".
"Tôi chưa bao giờ nản lòng trước hạn chế về chiều cao của bản thân. Thể trạng tôi không tốt không có nghĩa thể lực tôi kém cỏi", Lee Young Jin chia sẻ. "Cảm giác đánh bại được đối thủ cao lớn hơn mình với tôi bao giờ cũng là niềm kiêu hãnh. Dù là tiền vệ tấn công nhưng tôi luôn bị thu hút trong nhiệm vụ săn đuổi tiền đạo đối thủ. Tôi thích cảm giác hồi hộp suy đoán hướng di chuyển rồi chặn đứng đà băng lên của đối thủ".
"Lee Young Jin là một trường hợp đặc biệt ở K-League", đài KBS bình luận "Song song với hơn 11 bàn thắng, 28 kiến tạo trong 220 trận chuyên nghiệp là 37 thẻ phạt và cảnh cáo các loại dành cho Lee Young Jin".
Trợ lý Lee kể: "Mỗi năm, tôi lại nhận 2-3 thẻ phạt. Đã có lúc, tôi trở thành cái tên mà bất cứ cầu thủ nào chơi ở K-League cũng ngán ngẩm chạm mặt. Bởi bất cứ ai có ý định va chạm với tôi thì chắc chắn tôi sẽ quay lại, bám đuổi và phản đòn. Tôi sẽ trằn trọc, chẳng thể ăn nổi cơm nếu thất bại trong một tình huống tranh chấp với đối phương".
Vậy mà Lee Young Jin cũng có lúc phải nuốt cục tức ấy. Năm 1989, trợ lý Lee được chọn lên ĐTQG Hàn Quốc. Đó là lần đầu tiên trong đời. Đặc biệt hơn, ông chưa từng xuất hiện ở đội tuyển trẻ hay đội tuyển Olympic trước đó. "Tôi được bổ sung tại vòng loại châu Á chuẩn bị cho Italia 90 (World Cup 1990).
Đó là một trận đấu với đại diện đến từ Đông Nam Á. Tôi kiến tạo cho Kim Joo Sung ghi bàn. HLV Lee Hoa Taek bắt đầu quan tâm đến tôi và chọn tôi dự World Cup 1990", ông Lee hồi tưởng.
"Nhưng World Cup khác hẳn với K-League. Tôi chạm phải Enzo Scifo, huyền thoại bóng đá Bỉ. Tôi rơi vào mối tơ vò khi giáp mặt Scifo. Anh ấy không quá cao to nhưng kỹ thuật chơi bóng đủ làm tôi bất lực. Đó cũng là khoảnh khắc mà tôi nhận ra sự khác biệt trong đẳng cấp", Lee Young Jin nói. "Đó cũng là kỳ World Cup mà tôi sợ trái bóng hơn bao giờ hết. Cứ khi nào bóng đến chân, tôi luống cuống chuyền ngay cho đồng đội.
Mọi thứ chỉ khác sau đó 4 năm ở Mỹ với World Cup 1994. Lúc đó, tôi có kinh nghiệm nhiều hơn, tỉnh táo hơn, bình tĩnh hơn. Tôi có đủ thời gian để suy tính và ướm trái bóng cho đồng đội. Đáng tiếc rằng, Hàn Quốc rơi vào bảng đấu có cả Đức và Tây Ban Nha nên không thể vượt qua vòng bảng".
Park Hang Seo và Lee Young Jin còn hơn cả những người đồng đội hay đồng nghiệp. "Tôi từng là đàn em của Park Hang Seo khi cả hai thi đấu ở Lucky Gold Star. Tôi trở thành học trò của Park Hang Seo khi anh ấy lên làm huấn luyện. Rồi tôi trở thành đối thủ của Park Hang Seo khi cả hai dẫn dắt hai CLB khác nhau. Và bây giờ, tôi lại đứng chung một bờ chiến tuyến, trong tư cách trợ lý HLV trưởng cho Park Hang Seo", ông Lee nói với Naver.
"Chưa đầy một năm sau khi tôi thôi dẫn dắt Daegu FC, ông Park đã liên hệ và gợi ý tôi về việc sang Việt Nam làm trợ lý. Tôi bất ngờ. Bởi khi ấy, tôi định bụng sẽ tiếp tục dẫn dắt một CLB chuyên nghiệp của Hàn Quốc", trợ lý Lee bày tỏ. "Gợi ý của anh Park làm tôi băn khoăn, trăn trở. Tôi sợ rằng nếu sang Việt Nam thì có thể mình sẽ bỏ lỡ cơ hội dẫn dắt một đội tại Hàn Quốc.
Nhưng thực sự, đúng là lúc ấy tôi cũng không còn đủ động lực và sự hứng thú để làm việc ở Hàn Quốc. Tôi nghĩ rằng nếu mình chấp nhận thử thách mới, tại một miền đất mới thì có khi lại tốt hơn. Và quan trọng nhất, tôi sang Việt Nam là vì Park Hang Seo. Đó là người anh, người thầy, người thủ lĩnh mà tôi thần tượng".
Ông Lee tiếp tục kể: "Trên chuyến bay đầu tiên từ Hàn Quốc sang Việt Nam, tôi đã nói với anh Park rằng nếu chúng ta làm tốt, đó sẽ là con đường để các HLV Hàn Quốc khác làm việc ở Việt Nam. Điểm mạnh của những người đi trước như chúng ta là sự chân thành. Kể cả khi chúng ta phải chịu đựng những thử thách như lần đầu tiên đi nữa thì vẫn phải hành động để trở thành hình mẫu, ít nhất trong khu vực địa phương. Những HLV đi sau sẽ có nhận thức tốt hơn khi nhìn vào các đàn anh.Nếu thất bại, chúng ta cũng không được làm bất cứ điều gì cản đường những người trẻ hơn".
"Các cầu thủ Việt Nam ấn tượng với chúng tôi, những người đã kinh qua K- League và World Cup", trợ lý Lee tiếp tục nói. "Anh Park tỉ mỉ, quan tâm và săn sóc cầu thủ nhiệt thành. Nhiều người thậm chí còn nói rằng chưa một HLV nước ngoài nào làm việc với tinh thần hăng say như Park Hang Seo, thậm chí là có thể đẩy tinh thần và sự quyết tâm của cầu thủ vượt lên trên cả giới hạn".
Những năm tháng ở Việt Nam giúp trợ lý Lee Young Jin nhìn ra được con người Việt. "Người Việt Nam có lòng kiêu hãnh mãnh liệt nhưng còn đó thiếu tự tin. Các cầu thủ Việt ban đầu cũng như vậy. Sau khi thắng Thái Lan, họ hiểu rằng mình có thể vượt qua tâm lý sợ hãi.
Bầu không khí ấy là bước ngoặt cho ngôi á quân U23 châu Á 2018 sau đó. Tôi có nói với các cầu thủ trước mỗi trận đấu, rằng ngay kể cả thua, Việt Nam cũng phải chơi sòng phẳng với đối thủ. Điều quan trọng nữa là chúng ta phải thật sự đoàn kết".
Trợ lý Lee phân tích: "Đặc điểm của cầu thủ Việt Nam là thể hình tuy nhỏ con nhưng thể lực sung mãn, thông minh và có kỹ thuật xử lý bóng thậm chí còn tốt hơn nhiều cầu thủ ở Hàn Quốc. Tôi có trao đổi với chuyên gia thể lực Bae Ji Won cách đây vài năm rằng dù có cố gắng đến đâu thì cũng không thể thay đổi thể trạng cầu thủ Việt Nam trong ngày một, ngày hai. Nhưng thể lực thì có thể thay đổi thông qua dinh dưỡng, tập tạ.
Hơn nữa, để phát huy tối đa sức mạnh của cầu thủ, sơ đồ thiên về trung tâm với 3 trung vệ cộng thêm 2 tiền vệ trung tâm giữ bóng tốt là điều cần thiết. Tất cả các buổi tập không quá 1,5 giờ và cầu thủ không được phép chạm bóng quá 2 lần.
Chúng tôi bắt đầu cường độ tập luyện cao ngay từ đầu trước khi điều chỉnh hạ dần xuống. Kết quả là sau những ngày tháng làm việc không ngừng nghỉ, nhiều cầu thủ dưới 23 tuổi của Việt Nam thể hiện bản lĩnh không kém các cầu thủ tại K-League".
Nhìn lại 3 năm sát cánh với HLV Park Hang Seo trong vai trò trợ lý của đội tuyển Việt Nam cũng như nhiều năm trong quá khứ tại Hàn Quốc, ông Lee hiểu rõ ông Park muốn gì, cảm xúc ra sao và đang nghĩ gì. Ông Lee khép lại câu chuyện bóng đá của mình:"Mỗi khi ông ấy cảm thấy căng thẳng, tôi lại khuyên ông ấy uống thật nhiều cafe. Và tôi mỗi khi cảm thấy stress, tôi cũng uống rất nhiều cafe.
Chúng tôi có một sự đồng điệu. Và tôi lấy làm vui khi người Việt Nam gọi tôi là "mama" (mẹ) còn ông Park là "papa" của các tuyển thủ quốc gia Việt Nam".