Trần Anh Tú (Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc VPF): "Tôi chưa bao giờ nghĩ xấu về bầu Đức"
Xin lỗi, nhưng tôi thấy tóc của ông đã bạc hơn nhiều. Da của ông cũng sạm đi khá rõ. Thời gian vừa qua, có vẻ như ông thiếu ngủ?
Ông Trần Anh Tú: (Cười) Khoảng 4-5 tiếng anh à. Đúng là thời gian vừa qua, tôi phải suy nghĩ nhiều chuyện và cũng phải định hướng và quyết định nhiều chuyện. Như chúng ta biết, cuối tháng 7 năm 2020, đại dịch COVID-19 lại tái bùng phát ở Việt Nam với tâm điểm là Đà Nẵng.
Giải V.League và các giải bóng đá chuyên nghiệp khác phải tạm hoãn. Mọi người khi đó hỏi tôi là VPF sẽ định hướng thế nào. Tôi dứt khoát luôn khi ấy là chờ quyết định từ Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 của địa phương. Thực ra, đã có lúc tôi nghĩ đến phương án đẹp nhất là tiếp tục tổ chức trên sân không có khán giả.
Nhưng điều kiện không cho phép chúng ta thực hiện điều đó. Tối ngày 25/7, UBND thành phố Đà Nẵng có văn bản dừng mọi hoạt động đông người và thực hiện triệt để việc giãn cách xã hội. Sáng hôm sau, tôi tỉnh giấc và khi đọc văn bản này xong, tôi quyết định dừng giải.
Đó thực sự là một quyết định khó khăn. Nhưng chúng ta không thể cố đấm ăn xôi được. Thời gian vừa rồi đúng là rất căng thẳng. Đúng là tôi là người bình tĩnh, không bao giờ bị rối trí. Khái niệm "căng thẳng" mà tôi nói ở đây là tìm ra phương án nào thích hợp nhất để có thể đưa giải đấu trở lại.
Vừa làm Chủ tịch HĐQT, vừa phải kiêm nhiệm chức Tổng giám đốc, lại phải rơi vào một năm khủng hoảng thế này quả thực là mệt mỏi với ông?
Cái gì cũng có tính 2 mặt. Bản thân tôi chẳng thích kiêm nhiệm như vậy. Vì chức Tổng giám đốc chiếm thời gian của tôi kinh khủng. Vị trí Chủ tịch HĐQT thì ít ra còn nhẹ nhàng hơn vì chỉ mang tính chỉ đạo thôi. Còn làm chức Tổng giám đốc thì phải làm việc trực tiếp với mọi thứ.
Hàng ngày, tôi phải ký tá, sát sao từng chi tiết một và điều này ngốn rất thời gian. Những luồng ý kiến ủng hộ hay phản đối luôn diễn ra một cách thường xuyên, tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng họ ghét mình. Đó là chuyện rất bình thường trong công việc. Điều quan trọng là mình phải chứng minh qua công việc thôi.
Và thực sự, để nhìn lại 3 năm qua, V.League đã thay đổi tích cực hơn. 9 vòng đấu trong giai đoạn V.League trở lại rồi tạm hoãn (từ vòng 3 đến 11) cũng là giai đoạn mà chúng tôi hay BTC các giải chuyên nghiệp vượt qua được những thách thức, biến động. Đó cũng là nỗ lực của VPF, trong đó có cá nhân tôi.
Quay trở lại quá khứ, người ta vẫn nhớ một hình hình ảnh ở trận tứ kết VCK futsal châu Á 2016, khi Việt Nam thắng Nhật Bản để giành vé dự VCK futsal World Cup, ông đã ôm lấy một cầu thủ và khóc nghẹn ngào. Lúc bấy giờ, "bầu Tú futsal" được đông đảo NHM cả nước biết đến. Nhưng hành trình đến với futsal của ông có lẽ không phải ai cũng tỏ tường?
Tôi đến với bóng đá một cách tình cờ, theo diện phong trào lúc lập doanh nghiệp của mình thôi. Ai cũng có niềm đam mê và tình yêu bóng đá mà. Năm 2001, tôi lập một đội bóng để anh em trong công ty Aptech Sài Gòn - một công ty đào tạo phần mềm có thể sinh hoạt thể thao, duy trì hoạt động tập thể.
Hai năm sau, tôi lập công ty Thái Sơn Nam và cũng có đội bóng công ty thường xuyên đá giải phong trào trên sân 11 người. Lúc bấy giờ, phong trào futsal trong TP.HCM thậm chí còn mạnh hơn cả phong trào đá bóng 11 người. Và chúng tôi cũng tham gia một số giải đấu.
Tôi cũng tìm kiếm thêm những anh em trẻ biết đá bóng để tuyển vào công ty. Đội bóng hầu hết khi ấy đều là nhân viên trong công ty thôi. Đến năm 2005, TP.HCM có tổ chức các giải futsal do CLB Hai Không Ba Không (20-30) đứng ra thu hút được nhiều đội bóng doanh nghiệp, trong đó có đội bóng của công ty tôi tham dự.
Giải đấu này quy mô rộng, mạnh nên các doanh nghiệp tham gia nhiều lắm. Rồi kế đến, TP.HCM cũng là chủ nhà đăng của một giải vô địch fusal châu Á. Tôi đi xem và thấy thích. Từ đó, tôi xây dựng luôn một đội futsal bên cạnh đội đá sân 11 người.
Vậy, từ nhen nhóm ấy, ông phát triển futsal lên một tầm cỡ khác thế nào?
Thi đấu phong trào được 2 năm, đến năm 2007, giải VĐQG futsal đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng. Thái Sơn Nam cũng được tôi đăng ký tham gia, chỉ đáng tiếc là đội bị loại từ vòng bảng (cười).
Nhưng đó cũng là động lực để tôi gặp anh Trần Văn Mui, khi đó là Tổng thư ký LĐBĐ TP.HCM để đặt vấn đề muốn đóng góp cho bóng đá TP.HCM mà cụ thể là futsal. Anh Mui có giới thiệu tôi đến ông Adisak - trùm futsal Thái Lan.
Rồi ông Adisak lại giới thiệu tôi với HLV Khumron Sumranphuna. Đây cũng là HLV đã giúp ĐT futsal nữ Việt Nam vào bán kết giải Indoor Games (Macau) và đoạt HCB SEA Games 2007. Thực sự, lúc đấy tôi hiểu thế nào về trình độ futsal quốc tế. Bản thân VFF cũng biết đến tôi và mời tôi tham gia vào Ban futsal.
Chỉ là một chủ doanh nghiệp vốn thích bóng đá, đâu là động lực để ông quyết định đầu tư cho môn thể thao này lớn đến như vậy? Rõ ràng khi đó, bóng đá không thể kinh doanh ra tiền như ngành thiết bị điện?
Tôi đã đi bộ đội 10 năm, điều đó ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ của tôi. Tôi muốn mình đã làm điều gì thì cũng phải cố gắng, nghiêm túc hết mức có thể. Hơn nữa, ở thời điểm Việt Nam mở cửa ở những năm 1992-1993, vì công việc, tôi phải thường xuyên tiếp xúc với đối tác nước ngoài. Họ làm cho tôi có khái niệm về công việc chuyên nghiệp.
Bất cứ việc gì cũng phải đến nơi đến chốn. Ở thời điểm ấy, futsal không phổ biến rộng ở Việt Nam. Để chúng ta tự mò mẫm phát triển ở Việt Nam thật sự khó. Đó cũng là lý do tôi quyết định sang Thái Lan để tìm người định hướng cho futsal Việt Nam.
Từ 2007 là HCB nữ SEA Games đến 2016 là tấm vé dự VCK futsal World Cup cho đội tuyển nam là một cuộc cách mạng. 9 năm đó, futsal đã phát triển ra sao, thưa ông?
Năm 2007, sau giải VĐQG futsal, tôi quyết định tách đội futsal ra khỏi đội phong trào 11 người để làm đội chuyên nghiệp. Anh Ngô Lê Bằng và Trần Văn Mui giúp tôi tuyển các cầu thủ. Đặc biệt, lứa cầu thủ ấy có rất nhiều người trở thành HLV tốt nhất Việt Nam hiện nay.
Có thể kể đến Phạm Minh Giang - HLV trưởng ĐT nam; HLV Trương Quốc Tuấn - HLV trưởng ĐT nữ. Một số người khác đang là HLV cho Thái Sơn Nam. Đến 2008, tôi tuyển tiếp lứa trẻ nữa. Đó chính là lứa nhiều cầu thủ đóng góp cho đội tuyển sau này.
Tất nhiên, muốn cầu thủ giỏi thì chúng ta phải có HLV giỏi. Năm 2009, chúng ta thất bại nặng nề ở Indoor Games tổ chức ngay tại Việt Nam. Tôi nghĩ HLV Thái Lan chỉ giúp mình trong thời gian ban đầu thôi. Đã đến lúc tôi phải mời HLV châu Âu với tầm nhìn rộng hơn để nâng cấp chất lượng ĐT mình lên.
Năm 2010, tôi mời được HLV người Italia là Sergio Gargelli. Lúc đó, tôi cũng liều lắm. Tôi có nói với HLV Sergio Gargelli rằng tôi sẽ ký hợp đồng 3 năm nếu như ông đưa được Việt Nam vào VCK futsal châu Á. Và đúng là Việt Nam đã làm được mục tiêu đó ngay ở Tết Nguyên Đán.
Sau đó 4 năm, tôi nghĩ futsal Việt Nam đã đến lúc lên tầm cao khác nên quyết định mời ông Bruno Formoso. Lúc đó, ông Bruno đang làm việc tại Nam Mỹ. Khi tôi đặt vấn đề, ông có nói rằng muốn suy nghĩ thêm. Ông Bruno có nói rằng, nếu đã sang Việt Nam thì ông cần phải làm cả dự án chứ không muốn chỉ là một HLV bình thường.
Trong thời gian này, ông ấy có nghiên cứu về tôi và futsal Việt Nam. Khi đó, mình cũng có chút thương hiệu quốc tế về futsal rồi. Đầu năm 2014, ông Bruno đồng ý ký hợp đồng làm HLV trưởng futsal Việt Nam. Phải nói, trong 2 năm, ông Bruno đã thay đổi toàn bộ chất lượng, tư duy đội tuyển. Đó cũng là tiền đề để chúng ta thắng Nhật Bản ở vòng tứ kết VCK futsal châu Á, qua đó dự futsal World Cup 2016.
Tôi còn nhớ mãi trong phòng kỹ thuật trước trận đấu lịch sử đó, ông Bruno nói với các cầu thủ là: "Chiều nay, chúng ta thắng được. Các bạn hãy tin đi. Và chúng ta đã làm được điều ấy".
Futsal Việt Nam đã lên đến trình độ này rồi, nhưng sau đó, ông Bruno lại chia tay bóng đá Việt Nam. Một HLV ngoại khác đến nhưng lại không thành công với chúng ta, thưa ông?
Sau VCK futsal World Cup 2016, thương hiệu của ông Bruno được khẳng định. Nhiều lời đề nghị tốt hơn dành cho ông Bruno. Ông có tâm sự vui vẻ kiểu dân dã thế này: "Giờ tao có nhiều nơi mời quá. Thôi mày để cho tao đi nhé". Tôi đồng ý.
Tôi không nói gì thêm vì người nước ngoài không thích thế. Đến tháng 9, ông Bruno thanh lý hợp đồng. Ngay cả khi không làm việc ở Việt Nam, ông Bruno và tôi vẫn rất thân với nhau. Nếu có dịp, tôi sẽ lại mời ông ấy về lại Việt Nam.
Sau đó, tôi có mời ông Miguel - một người rất giỏi về chuyên môn bởi từng 2 lần vô địch châu Á với Nhật Bản. Nhưng tiếc rằng giữa cầu thủ và HLV có những chuyện mà nếu tiếp tục duy trì hợp đồng thì sẽ không hay cho cả đôi bên. Bố của ông Miguel khi ấy cũng đang bị bệnh tại Tây Ban Nha. Vì vậy chúng tôi chia tay.
Một điểm nữa tôi muốn nói là việc mời HLV ngoại thì tôi đã xác định từ lâu. Nhưng quan trọng hơn là từ đó, chúng ta có đội ngũ HLV nội. Khi các HLV ngoại sang tôi đều yêu cầu họ giúp tôi đào tạo các HLV nội. Cũng vì thế mà đến nay, chúng ta mới có những Nguyễn Bảo Quân, Phạm Minh Giang, Trương Quốc Tuấn. Các HLV trẻ này đều có năng lực và rất chịu khó học hỏi.
Sau 15 năm gắn bó với futsal, ông chuyển mình với bóng đá truyền thống theo hướng chuyên nghiệp. Liệu áp lực của công việc có lớn hơn?
Đúng là futsal chỉ tạo áp lực nhỏ hơn so với sân cỏ 11 người. Năm 2012, tôi là chủ tịch LĐBĐ TP.HCM. Thực sự, thành phố khi đó trắng bóng đá. Mọi người nhìn tôi với con mắt nghi ngại, nhưng tôi có trách nhiệm phải chứng minh rằng tôi làm được.
Trong một cuộc họp lúc bấy giờ, tôi có hơi mạnh miệng khi đặt quyết tâm vào năm 2016, TP.HCM có một đội đá V.League. Và đúng là năm 2016, TP.HCM vô địch hạng Nhất trước 2 vòng và lên chơi V.League.
Từ năm 2016 đến nay, tôi không tham gia sâu vào các CLB ở TP.HCM nhưng mọi người phải công nhận với tôi rằng không khí bóng đá TP.HCM đã khác rất nhiều so với 8 năm về trước. Điều đó cũng cho tôi những trải nghiệm trước khi làm cho VPF.
Cuối 2017, anh Võ Quốc Thắng - Chủ tịch HĐQT VPF khi đó cũng đã làm việc tới năm thứ 6 ở vị trí ấy rồi. Anh Thắng có nguyện vọng nhường chức đó cho người khác. LĐBĐ Việt Nam và VPF tìm nhiều ứng viên. Phó Chủ Tịch thường trực Trần Quốc Tuấn của VFF có gợi ý tôi đại diện vốn cho VFF tham gia ứng cử.
Một người đàn ông bao giờ cũng có khát vọng, hoài bão. Tôi nghĩ rằng mình có thể đóng góp phần nào đó. Chính vì thế mà tháng 12/2017, tôi nhận lời ứng cử, đại diện vốn cho VFF tại VPF. Tôi trúng cử HĐQT, và được bầu làm chủ tịch. Nói thật sự lúc đó, tôi bỡ ngỡ vô cùng với công việc. Anh Cao Văn Chóng vừa hết nhiệm kỳ làm Tổng giám đốc VPF.
Lúc đó, HĐQT có bảo tôi tạm kiêm Tổng giám đốc luôn, trong lúc tìm người phù hợp. Tôi có nói với anh Cao Văn Chóng rằng: "Thôi Chóng ở lại với anh. Trước mắt làm Phó Tổng giám đốc đã". Nhưng bên Becamex đã quyết định rút anh Chóng về.
Tôi nghĩ mình chỉ kiêm Tổng giám đốc trong thời gian ngắn thôi. Nhưng thực sự đến thời điểm này, sắp hết nhiệm kỳ rồi, việc tìm được một người làm Tổng giám đốc cho VPF chưa thành. Mọi người cứ nói ở Việt Nam thiếu gì người làm bóng đá. Đúng là rất nhiều người giỏi hơn tôi, có khả năng làm tốt hơn tôi rất nhiều. Nhưng họ có nhận làm Tổng giám đốc VPF hay không lại là chuyện khác.
Ông có nói công việc Tổng giám đốc VPF ngốn thời gian của mình kinh khủng, mà thời gian là vàng, đặc biệt với một doanh nhân như ông. Nếu quy đổi thời gian ấy ra một con số, nó nhiều đến mức nào? Hay cụ thể hơn, nếu không làm bóng đá mà tập trung kinh doanh thì lợi nhuận thu được ước tính sẽ ra sao?
Tôi hy sinh thời gian, tiền bạc, sức lực, đôi khi cả thời gian bên gia đình nữa. Tôi gần như sống ở Hà Nội nhiều hơn ở nhà. Khi còn ở cảnh cơ hàn, tôi cũng chỉ mong ước có một căn hộ, có xe máy, lấy vợ, sinh con. Tôi không nghĩ sẽ lập doanh nghiệp, kinh doanh đâu vì xuất phát điểm của tôi chỉ là kỹ sư điện, chuyên về kỹ thuật thôi chứ không học kinh doanh, tổ chức.
Dần dần cuộc sống thay đổi. Tôi cũng có một chút thành đạt trong kinh doanh, tạo dựng được tên tuổi và thương hiệu. Nếu tôi chỉ chăm chăm kiếm tiền thôi, mặc dù kể cả không kinh doanh bất động sản song giả sử có bỏ tiền ra mua biệt thự, mua nhà thì có lẽ… không biết được bao nhiêu cái (cười).
Ngược lại, bóng đá mang điều gì được với ông?
Tôi không nghĩ cho cá nhân mình đâu. Trong 3 năm qua, V.League đã tốt lên. Chúng ta biết V.League nói là chuyên nghiệp nhưng còn rất nhiều thứ chưa chuyên nghiệp. Để duy trì V.League có hình ảnh đẹp thật sự khó vô cùng. Trước đây VPF có những nhà tài trợ lớn. Nhưng khi tôi nhậm chức thì dù nhà tài trợ dành cho các ĐTQG tốt lên nhưng V.League khại khó tìm nguồn tài trợ hơn.
Như chúng ta đã thấy, trong 3 năm qua, V.League có 3 nhà tài trợ. Phải nói giải cũng may mắn khi những nhà tài trợ đến rất nhiệt tình. Nhưng vì sao việc tìm nhà tài trợ cho V.League khó khăn? Vì đấy là hình ảnh V.League chưa tốt, chưa đẹp.
Tuy nhiên, trong năm nay, đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều phương diện liên quan đến bóng đá gặp nhiều khó khăn thì hình ảnh V.League vẫn nổi lên rất đậm nét. Đến thời điểm này, vẫn có những nhà tài trợ đề xuất với tôi là ký 3 năm với giá trị phải nói là được.
Đó chính là cái mà tôi cho là thành công. Bởi việc tài trợ không bị phụ thuộc vào sự ngẫu hứng nữa mà là đúng giá trị của V.Leaue. Tôi thực sự mong muốn và cần điều này.
Chúng ta thấy một ông Trần Anh Tú hết mình với bóng đá, nhanh nhạy và quyết đoán trong lãnh đạo. Nhưng 2 năm về trước, ông từng khóc khi nói về bố của mình. Bố ông ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của ông?
Ba tôi là một sỹ quan quân đội, nhập ngũ từ năm 1946. Tấm gương của ông chính là động lực để tôi xung phong đi bộ đội từ năm 16 tuổi. Ai cũng bảo tôi bị làm sao đó bởi lúc này, tôi đang học lớp 10 hệ 10 năm. Tôi xung phong học Đại học kỹ thuật quân sư nhưng trường này không tuyển sinh nên phải viết đơn xin học.
Bố làm tôi có một khát khao rằng mình sẽ đi theo nghiệp của ông nên tôi đã ở trong quân đội 10 năm. Rồi khi bố mẹ tôi nghỉ hưu, tôi nhận ra rằng, nếu vẫn ở trong quân ngũ thì rất khó để chăm sóc ba mẹ, cho nên tôi quyết định xuất ngũ. Một điểm nữa, ba tôi có một cái tính cách mà bản thân tôi luôn có noi theo, đó là đức tính thương người, luôn nhường nhịn. Tôi học được cái đức tính ấy. Như làm bóng đá thôi, tôi vấp phải những luồng dư luận suy nghĩ không đúng về mình. Nếu tôi không chịu thiệt một chút thì hậu quả sẽ khác.
Thế mới có chuyện, ở công ty Thái Sơn Nam, họ gọi tôi là thầy dù tôi không dạy họ cái gì cả. Tôi cũng rất vui khi một số người gọi tôi là người cha thứ hai của họ. Đó là điều tôi học được ở ba tôi.
Như tôi đề cập, 2 năm trước, ông khóc khi bố ông hỏi về chuyện giữa ông và bầu Đức (Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức của HAGL)?
Lúc đó, gia đình có đọc báo. Ba tôi lúc đó 96 tuổi nhưng vẫn đọc báo và minh mẫn lắm. Ông có hỏi tôi rằng: "Con ơi, sao con làm gì mà bầu Đức ‘đánh con’ như thế?". Tôi đáp: "Thực ra thì là chuyện quan điểm sống thôi ba. Họ có quan tâm, có trách nhiệm thì họ mới góp ý. Chứ họ không có trách nhiệm thì họ không nói đâu. Quan điểm trong cuộc sống khác nhau. Ba yên tâm, con không làm gì để ba lo lắng, xấu hổ đâu".
Vậy giữa ông và bầu Đức có tồn tại mâu thuẫn nào không?
Tôi nghĩ đây có lẽ là lỗi của truyền thông. Nhiều khi những phát biểu của anh Đức mang tính xây dựng nhưng truyền thông nhiều lúc muốn giật gân, câu view nên nhiều câu nói của anh Đức mang tính xây dựng lại bị chuyển thành chỉ trích. Chứ tôi không bao giờ nghĩ xấu về anh Đức. Mỗi người có một cá tính, một cách làm. Anh Đức là người có công rất lớn cho bóng đá Việt Nam.
Quan điểm của anh Đức có thể khác tôi, cách nhìn của anh ấy có thể cũng khác tôi nhưng tôi biết anh Đức là người Bình Định mà người vùng này tính cách rất mạnh mẽ, pha chút cực đoan. Tất cả những gì mà anh Đức phát biểu trên báo luôn được tôi luôn nhìn như sự góp ý để xem phải rút kinh nghiệm ở điểm nào.
Từ lúc đó, ông đã gặp bầu Đức chưa?
Phải nói là tôi cũng rất muốn gặp anh Đức, tuy nhiên, mọi người cũng hiểu rằng với tính chất công việc của tôi và anh Đức thật sự rất bận. Bản thân người trong gia đình mà nhiều lúc tôi còn chưa gặp được. Anh Võ Quốc Thắng cũng nói là: "Thôi, hôm nào anh em gặp nhau nói chuyện. Đâu có chuyện gì đâu".
Anh Tấn Anh (trưởng đoàn HAGL) cũng nói vậy. Anh bảo tôi: "Hôm nào, anh lên Pleiku đi. Gặp anh Đức nói chuyện". Nói vậy để mọi người thấy rằng thực ra giữa chúng tôi chẳng có vấn đề gì gọi là mâu thuẫn cả. Mọi thứ chỉ là vì cho bóng đá Việt Nam cả thôi.
Quay trở lại với V.League, mục tiêu của ông muốn hướng đến là gì?
Để V.League tiếp tục phát triển hơn nữa còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Đầu tiên là nỗ lực bản thân các CLB. Tôi thích cách làm của TP.HCM. Họ có tiềm lực tài chính và có ý thức muốn xây dựng hình ảnh của CLB đẹp. Nếu chúng ta có nhiều CLB đẹp thì V.League sẽ đẹp. Còn nếu không, giải vẫn sẽ như thế này.
Trong công tác tổ chức giải, tôi muốn có sự minh bạch và công bằng. Trong cuộc sống có nhiều mối quan hệ, có người thân với CLB này, không thân với CLB kia. Điều ấy là rất bình thường. Nhưng với tôi, mọi thứ phải minh bạch và công bằng.
Tiếp theo, là tôi muốn chất lượng chuyên môn của VPF được nâng cấp. Nhiều khi chúng ta vẫn bị nếp làm việc từ thời bao cấp ảnh hưởng. Tính năng động, chủ động còn thiếu, đặc biệt là sự học hỏi về kiến thức còn hạn chế. Nghề này bắt tôi học rất nhiều, gần như lúc nào cũng phải đọc để biết điều hành công ty về bóng đá.
Liệu ông có nghĩ sau khi hết nhiệm kỳ với VPF, ông sẽ vui thú điền viên chứ?
(Cười). Có lẽ tôi sẽ dành nhiều thời gian cho gia đình và con trai tôi. Tôi rất vui vì ngay từ nhỏ, cu cậu đã lấy bố làm hình mẫu. Cho đến bây giờ, cháu vẫn coi tôi là hình mẫu, kể cả khi đã trưởng thành và làm việc ở nước ngoài. Cháu có nói rằng khi về Việt Nam, cháu sẽ theo nghề kinh doanh thiết bị điện của tôi.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.