HLV PARK HANG SEO CHIA TAY ĐT VIỆT NAM

 

Và tiếng còi kết thúc trận đấu đã vang lên

 

Trận đấu cuối cùng của HLV Park Hang Seo trên sân Mỹ Đình là một trận hoà, với tình huống thay người không tưởng và một bàn thắng không tưởng. Trận đấu cuối cùng của HLV Park Hang Seo trên cương vị thuyền trưởng của ĐT Việt Nam là một thất bại trong một trận chung kết trước đối thủ Thái Lan. Những vết tích đó đã phong ấn một sự nghiệp lẫy lừng của một con người bình thường nhưng đã giúp bóng đá Việt Nam tạo nên giai đoạn vàng son rực rỡ.

 
 

NGÀY ÔNG PARK GẶP

BÓNG ĐÁ VIỆT NAM

 

Trước khi Ngoạ Long tiên sinh Gia Cát Lượng gật đầu gia nhập tập đoàn quân sự của Lưu Bị và đưa ra “Long Trung đối sách”, ông chỉ là một nông phu tầm thường. Không ai biết đến ông, đất không biết và trời cũng không biết. Tuy nhiên, kẻ nông phu đó đã lộ diện xuất thế, nhà Thục-Hán đã chia ba thiên hạ, tạo nên một giai đoạn Tam Quốc khốc liệt, bi tráng, hào hùng, lưu danh thiên cổ.

Ông Park Hang Seo, ở một khía cạnh bóng đá nhỏ nhoi, cũng có một xuất thế tương tự. Khi ông xuất hiện trên sân Mỹ Đình để chứng kiến ĐT Việt Nam dưới quyền của HLV tạm quyền Mai Đức Chung đánh bại đối thủ Cambodia vào ngày 5/9/2017, cũng chẳng ai biết ông là ai bởi hình dung nhang nhác một bác trông xe quanh sân Mỹ Đình.

Hãy nhớ rằng, bóng đá Việt Nam khi đó rất mông lung trên con đường đi của mình. HLV Hữu Thắng đã bị sa thải sau màn thi đấu vô cùng kém cỏi ở SEA Games 29, và những gương mặt xán lạn xuất thân từ lò Hoàng Anh Gia Lai như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… vẫn chưa đào được vàng như lời tuyên bố của ông bầu Đoàn Nguyên Đức.

Và đội tuyển đó được đặt vào tay một người đàn ông nhỏ con, đầu đã chớm hói, ấn tượng giao diện tầm thường, thân thế sự nghiệp cũng rất đỗi bình thường, chẳng có gì ngoài thông tin đã từng là “chấp kích lang” cho HLV huyền thoại Guus Hiddink dẫn dắt ĐT Hàn Quốc vào đến bán kết World Cup 2002.

Đó là một sự bổ nhiệm không hoành tráng và đáp ứng được kỳ vọng của NHM Việt Nam. Khi đó, dư luận còn cho rằng, có lẽ nên để ông Chung “gái” nắm đội còn hơn giao phó cho một ông “ộp pa” cha căng chú kiết vô danh tiểu tốt. Đã bao đời HLV ngoại rồi, từ Brazil, Anh, Áo, Bồ Đào Nha, Đức, Nhật còn chả ăn thua, huống chi là một ông Hàn Quốc.

Thật sự, hiếm HLV trưởng của ĐT Việt Nam gặp phải nhiều nghi ngờ như ông Park Hang Seo ngay ở bước “chào hỏi” như thế. Nhưng cũng không trách được, bởi đến một tấm ảnh chứng tỏ ông Park giỏi huấn luyện bóng đá trong quá khứ còn khiến Google bó tay không tìm kiếm nổi thì hy vọng gì?

Giới báo chí thể thao và chuyên gia bóng đá Việt Nam hoàn toàn mù tịt về năng lực huấn luyện bóng đá của vị thuyền trưởng mới, thậm chí, họ cũng không hiểu đường dây nào, mối quan hệ nào đã giới thiệu ông Park với LĐBĐ Việt Nam? Khi biết người móc nối là ông Đoàn Nguyên Đức, nhiều tiếng “à” đầy ẩn ý đã vang lên.

Nhưng thôi, kiểu gì gạo cũng đã nấu thành cơm, chỉ là không biết đó là thứ cơm gì mà thôi.

 
 

LẬP DANH TRÊN ĐẤT THƯỜNG CHÂU

CÙNG U23 VIỆT NAM

 

Trong thước phim quay chậm trở về quá khứ, những khung hình lấp loá nụ cười tươi rói trên những gương mặt non tơ. Ở khung hình này, Bùi Tiến Dũng bay lượn như chim, cản phá những cú sút penalty không tưởng. Ở khung hình kia, Văn Thanh tươi rói thực hiện động tác ăn mừng đã đi vào trụ sở Quốc Hội.

Còn nữa, hình ảnh Quang Hải đỏ mờ trong mưa tuyết tựa như hổ tướng Triệu Tử Vân cầm cây ngân thương bình thản chờ đại địch, rồi vào giờ phút tối hậu, vạch một đường bóng găm thẳng vào góc cao khung thành U23 Uzbekistan. Ánh sáng nhấp nháy flash-back, khán giả lại thấy Duy Mạnh lầm lũi cắm lá cờ Việt Nam trên đống tuyết, như một lời thề.

Chầm chậm trôi, bất chợt màn hình bùng nổ với biển người hò reo trong sắc đỏ, phủ kín sân bay Nội Bài, trên con đường thiên lý dẫn về trung tâm. Tiếng Trường “híp” lém lỉnh trả lời CĐV trong đêm ăn mừng chiến thắng và tiếng cụng ly lanh canh của bữa tiệc mừng công lúc nửa đêm.

Không hề thấy nổi bật hình ảnh của HLV Park Hang Seo trong những khung hình đó. Nhưng dấu ấn của ông Park in sâu đậm trong từng vết chân của U23 Việt Nam tiến đến trận chung kết U23 châu Á và danh vị Á quân đầy cảm xúc. Nhân dạng mới của bóng đá Việt Nam bắt đầu thành hình: tự tin, tự tôn và tự hào.

Ông Park tiếp quản con thuyền bóng đá Việt Nam với điều kiện khá thuận lợi. Nhân lực cho cỗ máy đó đã được người tiền nhiệm Toshiya Miura rèn luyện thành những chiến binh có nền tảng thể lực vượt trội hoàn toàn so với các thế hệ trước đó. Thể lực của cầu thủ Việt Nam đã đáp ứng được cường độ cao suốt 90 phút, thậm chí 120 phút.

Đây chính là một cuộc cách mạng mà ông Park phải biết ơn. Nếu không có ông Miura, rất có thể, ông Park sẽ tốn nhiều thời gian cho việc này, thứ không thể đến trong một sớm một chiều, trong khi những con mắt ngoài sân cỏ đang chỉ nhìn chằm chằm vào thành tích.

Một điểm thuận lợi khác, thời điểm đó, việc đào tạo bóng đá trẻ đang nở rộ và liên tục cung cấp những dòng máu mới giàu sinh lực cho các ĐTQG. Chính vì thế, ông Park không phải lo chuyện “so bó đũa, chọn cột cờ” mà cứ ung dung chọn những gương mặt tốt nhất, phù hợp nhất cho vị trí của mình.

Tuy nhiên, thành công ở Thường Châu không hẳn đến nhờ 2 lợi thế kể trên mà nhờ điều mà ông Park đã làm: Trong một thời gian ngắn, lập tức nhồi ý thức kỹ-chiến thuật vào từng cầu thủ, biến đây thành một đội bóng tuân thủ chiến lược một cách chặt chẽ. Quan trọng hơn, các cầu thủ Việt Nam bắt đầu tự tin vào bản thân mình, vào đồng đội và HLV.

Chính vì thế, U23 Việt Nam không chỉ khiến người hâm mộ nước nhà tự hào với những chiến thắng trước đối thủ lớn hơn rất nhiều đến từ Tây Á mà còn phải sững sờ, sửng sốt với màn trình diễn kiên cường, chủ động, và đầy năng lượng đến tận 120 phút và rồi giành thắng lợi với những loạt sút luân lưu 11m cân não.

Ở đoàn quân đó, Quang Hải nổi lên như một bộ não ở tuyến giữa, nắm giữ cây quyền trượng của trí tuệ, tung ra những đường chuyền dọn cỗ hay thể hiện những pha đột phá táo bạo cùng những bàn thắng làm ngẩn ngơ cả đối phương. Kể từ đây, số 19 trở thành ngôi sao mới của bóng đá Việt Nam.

Ở đoàn quân đó, Duy Mạnh, Đình Trọng, Hùng Dũng, Quế Ngọc Hải lần lượt bước ra ánh sáng, tạo thành bức tường phòng ngự rắn chắc nhất mà bóng đá Việt Nam từng có được, trở thành nền tảng để vươn lên những đỉnh cao chói lọi của 5 năm sau.

Cho dù không thể “nhất kiếm định giang sơn”, giành chức vô địch ngay ở giải đấu đầu tiên, nhưng HLV Park Hang Seo cùng U23 Việt Nam đã tạo ra một hiệu ứng còn hơn cả một chức vô địch. Châu Á đã bắt đầu nhìn bóng đá Việt Nam với con mắt tôn trọng hơn. Lá cờ mà Duy Mạnh để lại ở Thường Châu chính là dấu mốc mở ra thời đại huy hoàng nhất cho nền bóng đá nước nhà.

 
 

ÔNG PARK ĐÃ ĐÁNH BẠI CẢ ĐÔNG NAM Á

NHƯNG CHINH PHỤC MỌI TRÁI TIM VIỆT NAM

 

Trước khi ông Park Hang Seo đến, HLV Kiatisuk Senamuang của ĐT Thái Lan, đã nhận xét sau lần đụng đội với ĐT Việt Nam của HLV Miura rằng: “Bóng đá Thái Lan vượt xa bóng đá Việt Nam tầm 10 năm”. Đó là một nỗi đau của NHM Việt Nam bởi chứng bệnh “sợ Thái” kinh niên đã bắt nguồn từ năm 1995.

Căn bệnh này bắt nguồn từ việc nền bóng đá của chúng ta vốn dĩ lạc hậu và kém phát triển hơn bóng đá Thái Lan. Chúng ta tái hội nhập khu vực với một nền bóng đá hoang dã, yếu cả về thể lực lẫn ý thức chiến thuật, chỉ khá khẩm đôi chút ở mặt kỹ thuật cá nhân.

Thêm vào đó, khát khao thành tích đã làm mù mờ lý trí, khiến mỗi trận đấu quan trọng trở thành áp lực kinh khủng đối với từng cầu thủ, từng thành viên của BHL, từng nhân vật lãnh đạo. Khốn thay, ĐT Việt Nam thường gặp Thái Lan ở các trận chung kết và đều bị thua, từ đó nảy sinh chứng bệnh “sợ Thái”.

Thế nhưng, hãy nhìn trận đấu của ĐT Việt Nam trên sân Thammasat vào tối 16/1/2023, trận cầm quân cuối cùng của HLV Park Hang Seo, căn bệnh đó đã biến mất. Cho dù, hôm qua không phải là phiên bản ĐT Việt Nam hay nhất, các cầu thủ Việt Nam vẫn thi đấu sòng phẳng ở cùng một trình độ.

Còn trước trận đấu này, thực sự HLV Park Hang Seo đã biến ĐT Việt Nam trở thành nỗi ám ảnh của người Thái, là mục tiêu mà họ cần đánh bại sau khi đã tuyên bố không còn quan tâm đến mặt trận SEA Games hay AFF Cup để hướng tới Asian Cup hay World Cup.

Đó là bởi bóng đá Thái Lan đã thua những đội tuyển của ông Park trong một quãng thời gian dài, cay đắng nhìn kẻ thách thức “thua kém 10 năm” trở thành ông vua của bóng đá Đông Nam Á, lần lượt vô địch AFF Cup, SEA Games rồi tiến sâu nhất ở các giải đấu cấp châu lục như Asian Cup hay vòng loại World Cup.

Trong lúc người Thái cay đắng, đến mức bổ nhiệm và sa thải HLV người Nhật Bản Akira Nishiro từng dự World Cup thì ông Park tận hưởng một quãng đời tươi đẹp ở Việt Nam. Ông nổi tiếng hơn tất cả những người Hàn Quốc mà người Việt Nam từng biết đến, trở thành đại sứ văn hoá của Hàn Quốc tại Việt Nam và trở thành một ông bác đáng mến của NHM Việt Nam.

Với cái đầu hói sọi và khuôn mặt hóm hỉnh, HLV Park Hang Seo trông bình dị và thân thiết như ông bác, ông chú ở quê vậy. Cách ông khoanh tay, nhíu mày, lắng nghe, nói chuyện, uống nước… đầy vẻ mộc mạc, chân chất chứ chẳng có phong thái uy phong, lẫm liệt của một chiến lược gia bóng đá.

Thế nhưng, ông Park đã làm được những điều phi thường: Á quân U23 châu Á 2018, hạng Tư Asian Games 2018, vô địch AFF Cup 2018, lọt vào tứ kết Asian Cup 2019, vô địch bóng đá nam SEA Games 2019, bảo vệ thành công chức vô địch bóng đá nam 2021, và lọt đến vòng loại cuối cùng của vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á.

Ông Park rất mê bát nước mắm trong bữa cơm tại Việt Nam. Ông bảo, với bát nước mắm ấy, ông ăn cái gì cũng được, cái gì cũng ngon. Nhưng ông cũng chính là bát nước chấm làm cho món bún chả và chả nem Việt Nam mà ông cực mê trở nên đậm vị hơn. Nhờ bát nước chấm này mà bóng đá Việt Nam lên hương, các cầu thủ phô bày được tài năng của mình.

Bây giờ, Việt Nam đã là quê hương thứ hai của ông Park. Ông được cộng đồng mạng đặt cho cái tên rất Việt là Bác Đang Son, thậm chí còn liều lĩnh đặt tên đường nữa. Ông bác cười hề hề khi nghe những chuyện ấy, một giọng cười nhẹ nhàng như khi có người khuyên ông dừng lại sau đỉnh cao 2018. Ông chỉ nói rằng: “Người dân Việt Nam đang chờ tôi”.

Phải, nếu không cảm mến đất nước này, người dân nơi này, nền bóng đá này thì làm sao ông Park nói được như thế? Làm sao ông khiêm cung chào lá quốc kỳ Việt Nam trang trọng đến thế và luôn hãnh diện vỗ tay vào lá cờ Việt Nam trên ngực trái, nơi ẩn phía sau là một trái tim Hàn Quốc, như thế?

 
 

ĐÃ ĐẾN LÚC NÓI LÊN CÂU GIÃ TỪ

 

Mọi câu chuyện, mọi hành trình đều phải đi đến một kết thúc cho dù đó là cái kết có hậu hay vô hậu. Tấm huy chương bạc AFF Cup 2022 chính là dấu chấm kết thúc của một thiên tình sử kéo dài 5 năm, từ tháng 10/2017 đến tháng 1/2023. Trước khi thời khắc này diễn ra, cả Việt Nam và châu Á đều đã biết rằng, AFF Cup là sứ mệnh cuối cùng của ông Park trên cương vị HLV trưởng của ĐT Việt Nam.

Tri túc thường lạc, tri túc bất nhục. Có nghĩa là, biết đủ thường sống vui, biết đủ không bị nhục. Quyết định không gia hạn hợp đồng với VFF của ông Park là một sự tri túc đầy mẫn tuệ. Những vinh quang có thể đạt được thì cũng đã đạt được, cơn khát Vàng ở SEA Games và AFF Cup đã thoả mãn, tiếng vang ở đấu trường châu lục và World Cup cũng đã vỗ ngực xưng tên, mộng hùng bá bóng đá ĐNÁ cũng đã thành. Vậy còn mong muốn gì hơn nữa?

Với năng lực của nền tảng bóng đá Việt Nam hiện tại, chúng ta không thể nghĩ tới những mục tiêu cao hơn được. Ông Park biết điều đó, và ông cũng hiểu rằng, nếu mình còn ở lại thì sẽ cản trở sự làm mới của một ĐT Việt Nam đang đi vào lối mòn nhàm chán, điều đã thể hiện rất rõ qua chiến dịch AFF Cup 2022.

Khác với Gia Cát Lượng khi xưa, vẫn cảm thấy nuối tiếc và ôm mối hận ngàn thu trên gò Ngũ Trượng sau 6 lần cầm quân ra Kỳ Sơn thất bại, ông Park đã dứt khoát rửa tay gác kiếm khi mới chỉ lần thứ hai không thể đánh bại Thái Lan để giành chức vô địch tại AFF Cup. Để làm được điều đó, đòi hỏi phải có đầy đủ yếu tố Trí và Dũng.

Ông biết mình vẫn được đón chào nếu cầm bút ký hợp đồng mới, nhưng ông muốn mình được đón chào khi đứng ra ngoài bóng đá hơn vì lợi ích của nền bóng đá này. Ông đã đem đến niềm cảm hứng cho nền bóng đá Việt Nam, tạo ra chu kỳ thành công không tưởng, song ông cũng hưởng lợi nhiều từ đó.

Từ một nhân vật bóng đá bình thường ở Hàn Quốc, ông đã làm rạng danh đất nước mình, trở thành đại sứ văn hoá trong mối quan hệ hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam - Hàn Quốc. Cơn sốt lan toả từ ông Park còn biến quê hương Sancheong của ông thành một địa điểm du lịch nổi tiếng. Mấy ai làm được như thế?

Thế nên, khi mà cái tết Quý Mão đã cận kề, ông Park có thể ung dung về nhà, ôm bà vợ và nói: “Này bà, từ Tết này, tôi không còn là HLV của ĐT Việt Nam nữa. Có thể ngồi phụ bà làm kimchee được rồi”. Có thể ông sẽ thoái lui triệt để, nhưng cũng có thể tạm nghỉ một thời gian trước khi tái xuất ở ĐTQG khác, CLB khác.

Nhưng dù thế nào, đây thực sự là một cái kết tốt đẹp cho tất cả. Thất bại ở AFF Cup 2022 ngẫu nhiên lại trở thành một cú twist đầy cảm hứng bởi vẻ đẹp của sự dang dở luôn phong ấn muôn vàn nuối tiếc, hoài niệm về trận bóng đó, về sự nghiệp đó và về những con người đó.

Chính vì thế, chúng ta hãy dành những tràng pháo tay giòn giã để bày tỏ sự kính trọng và lời cảm ơn chân thành với người đàn ông bé nhỏ đã nhiều lần cúi đầu trước lá cờ Việt Nam và làm cho là cờ đó tung bay kiêu hãnh trên khắp đấu trường châu Á.

Xin cám ơn HLV Park Hang Seo giản dị mà vĩ đại của bóng đá Việt Nam! Xin cảm ơn vì tất cả!

Thực hiện

Nội dung: Hải An

Đồ họa & Thiết kế: Trần Linh

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

 
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x