Trong lịch sử Bundesliga, chỉ vỏn vẹn có 4 cầu thủ cán mốc 100 bàn và 100 kiến tạo, đó là là Gerd Mueller, Thomas Muller, Andreas Moller và Marco Reus. Ba cái tên đầu cơ bản đều đã có gần như mọi danh hiệu trong sự nghiệp.
Gerd Mueller vô địch cúp C1, Bundesliga cùng Bayern Munich, giành World Cup, EURO cùng đội tuyển Tây Đức. Andreas Moeller vô địch Bundesliga, Champions League cùng Dortmund; giành World Cup cùng tuyển Tây Đức, giành EURO với tuyển Đức. Thomas Mueller chỉ thiếu EURO là sánh ngang với các bậc tiền bối.
Như một định mệnh, người với cái tên khác biệt nhất, cũng là người gần nhất cán mốc lịch sử kia - Marco Reus - lại chưa từng giành nổi dù chỉ một danh hiệu lớn trong cả sự nghiệp ở cấp CLB lẫn ĐTQG.
Những khán giả theo dõi bóng đá lâu năm cũng có thể bất ngờ trước thực tế này: Marco Reus bằng tuổi Thomas Mueller. Cả hai đều sinh năm 1989, đều sắm vai trò tối quan trọng trên hàng tấn công của 2 CLB mạnh nhất nhì lịch sử bóng đá Đức. Cùng vươn lên trong một thời kỳ, nhưng "đầu ra" của Reus và Mueller lại hoàn toàn khác biệt. Reus gần như trắng tay, Mueller lại có tất cả.
Không khó để nhìn ra điểm khác biệt lớn nhất của cả hai, Mueller chơi cho Bayern Munich, Reus thì không. Gắn bó với Bayern trong cả sự nghiệp, Mueller có mọi vinh quang cùng đội bóng xứ Bavaria. Anh là biểu tượng cho một thời kỳ Bayern thống trị tuyệt đối nước Đức với 11 chức vô địch Bundesliga liên tục, giành tới hai cú ăn ba.
Không gắn bó với Dortmund cả sự nghiệp, nhưng Reus yêu và gia nhập Vàng-Đen từ khi còn là một cậu nhóc 7 tuổi. Năm 15 tuổi để tìm kiếm cơ hội thi đấu trong tư cách một cầu thủ trẻ, gia đình quyết định đưa Reus rời Dortmund. Reus mô tả việc buộc phải dứt áo rời sân Westfalen là "nỗi đau". "Đấy là một quyết định khó khăn, nhưng được đền đáp xứng đáng", Reus kể.
Anh trở lại Dortmund vào mùa 2012/13 với tư cách ngôi sao, vào tới chung kết Champions League ngay trong mùa đầu tiên cùng Vàng-Đen trước khi thua chính Bayern của Mueller. Có lẽ chính Reus cũng không thể ngờ cú vấp ngã ở tuổi 24 đó là điềm báo cho cả sự nghiệp bị vinh quang ngoảnh mặt. Anh chưa từng vô địch Bundesliga, Champions League lại càng không.
Gia tài của Reus chỉ là 2 chiếc cúp Quốc gia cùng 2 Siêu cúp Đức, đều rất khiêm tốn so với tài năng của anh. Ở một chừng mực nào đó, nhìn vào Mueller để thấy Reus thực tế có thể vĩ đại đến thế nào nếu gia nhập Bayern Munich.
Không thiếu cơ hội để Reus làm điều này.
Mùa 2011/12, thời điểm Reus nổi lên trong màu áo M'Gladbach với biệt danh "Roll-Reus", Bayern đã tìm cách tiếp cận với ngôi sao người Đức. HLV Jupp Heynckes khi ấy đã mời Reus tới nhà riêng để đặt vấn đề đưa anh về sân Allianz Arena. Chỉ cần tiền vệ sinh năm 1989 gật đầu, anh sẽ gia nhập đội hình sau đó giành cú ăn ba của Bayern.
Reus lắc đầu. Anh có tham vọng cụ thể về việc phải chinh phục các danh hiệu, nhưng điều kiện tiên quyết theo kèm, là danh hiệu đó phải tới trong màu áo Dortmund. "Chúng tôi có thể vô địch Champions League", Reus nói với Guardian vào năm 2013.
11 năm trôi qua từ ngày ấy, Reus vẫn chưa giành được bất kỳ danh hiệu lớn nào cùng Dortmund. Nhưng tình yêu của anh cho đội chủ sân Signal Iduna Park chưa bao giờ bị lay chuyển. Sau Bayern vào năm 2013, Reus đã lần lượt từ chối PSG, Barcelona, Man City để ở lại sân Signal Iduna Park.
Lần nào mức lương, cùng tương lai mà những CLB này cam kết, đều hấp dẫn hơn Dortmund. Nhưng lần nào Reus cũng từ chối, bất chấp đó là khi Dortmund tuột xuống đáy Bundesliga (mùa 2014/15, mùa cuối cùng của Juergen Klopp). Anh ở lại cùng Vàng-Đen với mức lương chỉ bằng một nửa, cùng hiện thực đầy khốc liệt: Kể cả thi đấu với 150% sức lực, chừng đó vẫn không đủ để Reus và Dortmund đấu lại Bayern.
Robert Lewandowski, Mario Goetze, Mats Hummels, những anh em của chính Reus tại Dortmund đều đã "đào thoát" sang Bayern để thỏa mãn giấc mơ danh hiệu, chỉ Reus vẫn ở lại.
99% khán giả theo dõi bóng đá chắc chắn sẽ không biết Artur Yedigaryan. Cầu thủ sinh năm 1987 người Armenia trải qua sự nghiệp với không một điểm nhấn ở các giải đấu cấp độ cao nhất. Nhưng Reus thì nhớ Yedigaryan. 10 tiếng trước khi ĐT Đức lên đường tới Brazil dự World Cup 2014, Reus va chạm với Yedigaryan trong trận giao hữu cuối cùng gặp Armenia trước thềm World Cup.
Một pha bóng vô hại, trong một trận cầu cũng chẳng mang nhiều ý nghĩa, nhưng nhấn chìm cơ hội lớn nhất để Reus chạm tay tới vinh quang trong màu áo tuyển quốc gia. Chấn thương mắt cá khiến anh không kịp bình phục cho World Cup. Một tháng sau, Đức lên đỉnh thế giới. Định mệnh thêm trớ trêu khi người bạn thân của Reus tại Dortmund, Mario Goetze, ghi bàn quyết định trong trận chung kết.
Trong lễ ăn mừng tại Maracana, các cầu thủ Đức giơ chiếc áo số 21 của Reus lên tri ân anh. Nhưng điều đó cũng chẳng thay đổi được sự thật: Reus không phải nhà vô địch.
Sự nghiệp của Reus bị che mờ bởi những chấn thương như thế. Tiền vệ người Đức đã ngồi ngoài tổng cộng 1322 ngày với 69 lần dính chấn thương, lỡ 227 trận đấu ở cấp độ CLB. Những chấn thương cũng ngăn cản Reus tới World Cup 2014 và Euro 2016 cùng tuyển Đức, những giải đấu diễn ra khi Reus đạt phong độ cao và Die Mannschaft cực mạnh. World Cup 2018 là kỳ cúp thế giới đầu tiên Reus góp mặt, nhưng cũng là thảm họa khi Đức bị loại ngay từ vòng bảng.
Reus ghét các chấn thương đến mức nào? Năm 2018, Reus thừa nhận: "Tôi sẵn sàng đánh đổi toàn bộ tiền bạc để có một cơ thể khỏe mạnh hơn, để làm điều tôi yêu nhất: chơi bóng". Mùa 2016/17, Reus đứt dây chằng đầu gối ngay trong trận chung kết DFB-Pokal với Frankfurt. Anh bật khóc trên đường ra ngoài sân. Dortmund sau cùng vẫn vô địch, nhưng ngay cả trong ngày có danh hiệu đầu tiên, những chấn thương vẫn ám ảnh Reus.
Nhưng có một nghịch lý này về Reus: Bất chấp những chấn thương liên tục ở đầu gối và mắt cá, Reus chưa từng dừng việc cầm bóng và xộc vào hàng phòng ngự đối phương. Ở thời điểm đỉnh cao phong độ, Reus sở hữu tốc độ cùng kỹ năng dứt điểm khiến những đội bóng hàng đầu châu u mê mẩn.
Chia sẻ với New York Times vào năm 2019, Reus thừa nhận chính những chấn thương cũng khoảng thời gian hồi phục giúp tiền vệ này trân trọng và tận hưởng hơn thời gian khỏe mạnh để có mặt trên sân và tập luyện cùng đồng đội. Chưa bao giờ người ta thấy Reus từ chối chạy, từ chối lui về phòng ngự cũng là vì lẽ đó.
Cũng với nỗi đau từ chấn thương, Neymar chọn cách ăn vạ để tự bảo vệ chính mình, Roy Keane chọn cách trả đũa để thỏa cơn giận. Reus thì tìm cách nhìn ra mặt tích cực từ chính chúng để tận hưởng bóng đá trọn vẹn hơn.
Hans-Joachim Watzke, CEO của Dortmund từng nói về Reus thế này: "Đó là một cầu thủ có thể viết nên một kỷ nguyên của CLB, như Uwe Seeler từng làm với Hamburg hay Steven Gerrard từng có ở Liverpool".
Reus đúng là đã viết nên một kỷ nguyên thật sự tại Dortmund. Dù không hẳn đấy là một kỷ nguyên vinh quang. Người ta có quyền nhớ về thời gian của Reus như một thời điểm Dortmund thất bại hoàn toàn trong hành trình chinh phục các danh hiệu.
Bi kịch gần nhất của Reus đến chính vào mùa 2022/23. Dortmund chỉ cần chiến thắng ở vòng cuối cùng trước Mainz ngay chính tại thánh địa Signal Iduna Park là giành đĩa bạc. Nhưng Reus và đồng đội sảy chân và dâng chức vô địch cho Bayern. Nhìn cảnh tiền vệ sinh năm 1989 ngồi cúi đầu dưới ánh nắng chiều nước Đức mới thấy bóng đá đúng là khốc liệt và "không có chỗ cho lời cảm ơn" như Brian Clough từng nói. Nói Reus là hình ảnh đại diện cho thất bại của Dortmund cũng chẳng sai.
Song nếu có một kỷ nguyên nào đó Reus tạo ra tại Dortmund, đó hẳn phải kỷ nguyên của lòng trung thành và sự hy sinh, những thứ vốn cực kỳ xa xỉ trong bóng đá hiện đại. Không thể sử dụng những lý thuyết lao động thông thường để cắt nghĩa về Reus.
Anh nhận ít tiền hơn khi ở lại Dortmund, khó có khả năng cạnh tranh danh hiệu. Dortmund cũng không phải CLB có tính ổn định đội ngũ để cạnh tranh lâu dài với xu hướng bán cầu thủ miễn là được giá.
Chỉ cần rời đi, Reus sẽ có tất cả. Nhưng bất chấp mọi rào cản mà 99% người lao động bình thường sẽ chọn cách bỏ đi, Reus vẫn ở lại. Khi Dortmund mất Đĩa Bạc đúng ngày cuối cùng của mùa giải, Reus chọn cách từ giã tấm băng đội trưởng. Anh hiểu người khác sẽ làm tốt hơn anh trong vai trò thủ lĩnh Vàng-Đen. Với Reus, lợi ích của Dortmund là trên hết.
Cuối cùng, Reus chọn cách dừng lại. Anh sẽ chia tay Dortmund vào cuối mùa giải này khi không tiếp tục gia hạn với Vàng-Đen. Ở tuổi 35, Marco Reus không còn là "Roll-Reus" ngày nào nữa. Anh thật sự đã già đi, chậm hơn, nhưng chưa bao giờ quên Dortmund có ý nghĩa gì.
"Tôi đã cống hiến gần nửa đời người cho Dortmund và rất tự hào vì điều đó. Dortmund vẫn còn mục tiêu quan trọng mùa này, đó là tiến đến Wembley. Chính vì thế, quyết định quan trọng này được đưa ra ở thời điểm hiện tại", Reus nói trong thông báo chia tay Vàng-Đen.
Câu hỏi cuối: Reus có vĩ đại? Không hẳn. Anh… suýt vĩ đại thì đúng hơn. Vận may rõ ràng không mỉm cười với tiền vệ này khi những chấn thương cùng sự đen đủi khiến anh vuột mất mọi vinh quang mà lẽ ra anh xứng đáng có.
Nhưng, vận may có thể đã mỉm cười từ lâu với Reus khi anh là một phần trong xã hội hiện tại.
Công bằng thì lứa khán giả ngày nay khó mà biết Andreas Moeller giỏi thế nào dù huyền thoại cũng khoác áo Dortmund đã giành đủ mọi danh hiệu cấp độ CLB lẫn ĐTQG. Đấy đã là một thời đại quá xa để nhớ.
Nhưng Reus thì khác. Anh đã vươn lên, khẳng định tài năng đúng vào thời điểm cả thế giới bắt đầu tiêu thụ tri thức trên các nền tảng công nghệ. Lòng trung thành tuyệt đối của Reus với Dortmund biến anh thành hình mẫu khác hẳn những ngôi sao còn lại trên thế giới, một hình mẫu đủ lớn và truyền cảm hứng để những khán giả trẻ hiểu rằng bóng đá không chỉ có tiền hay danh hiệu.
Đó đã luôn là tình yêu lẫn sự say mê bất chấp. Đấy mới là vẻ đẹp bất ngờ lẫn bất tận của bóng đá, và là di sản lớn nhất của Marco Reus.