Bayern vs PSG: Màn đấu cuối cùng của Quyền Lực Cũ và Làn Sóng Mới

PSG đang hướng tới “Cú ăn Tư” còn Bayern Munich chắc mẩm tái hiện thành công “Cú ăn Ba” năm 2013. PSG là đại diện của sức mạnh mới đang bị căm ghét, còn Bayern là quyền lực tối thượng lâu đời. Chào mừng đến trận chung kết Champions League tương phản nhất trong lịch sử...
 

Trận chung kết UEFA Champions League cuối cùng cũng đã tới, cho dù nó mang một hình dạng và bản chất khác lạ. Hai kẻ cuối cùng của một giải đấu bị kéo dài bất tận, bị bóp méo vô độ chính là 2 CLB bóng đá “được cho rằng mạnh nhất”: Bayern Munich - Paris Saint Germain.

Nhìn bề ngoài, họ xứng đáng được góp mặt trong trận cầu danh giá nhất châu Âu, được toàn bộ các CLB bóng đá Lục địa Già thèm khát này. Bởi cả hai đều là bá vương, trùm sỏ ở giải đấu vô địch tại Đức và Pháp. Đó đều là thứ quái vật đã hút cạn danh hiệu trong nội địa một cách tham lam, tàn khốc.

Lại chẳng như thế. Ngay trước khi tiến vào trận chung kết Champions League năm nay, Bayern đã giành cú đúp trong nước là Bundesliga và Cúp Quốc gia Đức. Còn PSG hốt trọn bộ ba Ligue 1, Cúp Quốc gia Pháp, Cúp Liên đoàn.

Nhưng thế vẫn chưa nói lên đủ vị trí độc tôn của 2 siêu cường bóng đá này. Đã 7 năm nay, không một đội bóng nào ở Đức có thể thò tay vào cái Mâm Bạc, cho dù đó là kình địch cũ Dortmund hay những thế lực mới nổi như RB Leipzig. Từ mùa 2012/13 đến giờ, Bayern liên tục vô địch, tạo nên kỷ lục vô tiền khoáng hậu.

Còn ở mảnh đất Lục Lăng của người Gaulois, PSG chỉ đánh mất đúng một chức vô địch ở mùa 2016/17, còn lại họ cũng đã thống trị gần như tuyệt đối giải Ligue 1, với 6 chức vô địch trong quãng thời gian từ mùa 2012/13 đến nay.

Cho nên, chúng ta dễ dàng chấp nhận đây là một trận chung kết “môn đăng hộ đối”, cân sức cân tài. Họ đã vượt qua những đối thủ mạnh nhất, không, không phải là vượt qua mà giẫm nát thành mảnh vụn kể cả những thế lực sừng sỏ cỡ Barcelona. Họ chính là hai gã khổng lồ của châu Âu và thế giới.

Tuy nhiên, Bayern Munich và PSG vẫn rất khác biệt giữa chính họ. Nói theo kiểu dân dã là “same same but different" - trông thì giống giống nhưng thực ra là khác nhau.

Cũng được gán danh là “Gã khổng lồ”, song Bayern là đại diện cho bóng đá truyền thống, cổ điển bác viện, lịch sử truyền nối; còn PSG là đại diện cho thứ bóng đá của thời đại tân kỳ và triết lý “đồng tiền có sức mạnh sửa chữa tất cả”.

Rõ ràng, tầm vóc và vị thế của một vị hoàng đế xuất thân trong gia tộc có 120 năm tồn tại và thống trị bóng đá Đức sẽ hoàn toàn khác so với một kẻ hậu bối mới xuất hiện năm 1970, hầu như chìm nghỉm cả 4 thập kỷ trong sự vô danh thường trực, và mới “đột nhiên vươn vai thành khổng lồ” bằng nguồn dưỡng khí sặc mùi dầu mỏ được hơn 10 năm qua.

Có thể, trên thân hình của gã khổng lồ thế hệ mới lấp lánh những ánh sáng quyến rũ của Neymar-hơn-200-triệu-bảng, của Kylian Mbappe-cũng-suýt-soát-200-triệu- bảng, và vô số những viên ngọc đính quanh viền vương miện cũng có giá vài chục triệu bảng “không đếm xuể khác”.

Nó long lanh hơn phục sức của Bayern Munich rất nhiều. Trong đội hình của CLB xứ Bavaria, những tên tuổi lớn nhất thật ra rất tầm thường. Lewandowski chỉ được tôn vinh ở Bundesliga; Coutinho là hàng đi mượn, ngôi sao trận bán kết Serge Gnarbry là hàng thải của Arsenal, Alphonso Davies mua từ MLS với giá rẻ mạt…

Nhưng rõ ràng, những món đồ trang sức hàng hiệu của PSG không có hiệu năng sử dụng cao và hầu như đến từ một cuộc “cách mạng lật đổ” như Cách mạng Pháp khi xưa, biến những kẻ bình dân trở thành người quyết định số phận vua Louis và rồi chiếm đoạt luôn quyền lực của kẻ mới rụng đầu.

Chỉ có điều, thành phần tạo nên cuộc cách mạng PSG không phải những tầng lớp bình dân mà là giới chủ Qatar giàu có, những người đang nắm toàn bộ nguồn lực và quyền lực của quốc gia Trung Đông này.

Cuộc cách mạng mà họ đổ tiền vào không diễn ra trên đường phố, với những chiến luỹ xập xệ mà là trên sân cỏ, trên thị trường chuyển nhượng, với những đồng euro bay như mưa. Bạn sẽ cảm thấy sốc khi biết rằng giới chủ Qatar đã chi tới gần 1,3 tỉ euro để mua cầu thủ nhằm mục tiêu đưa PSG trở thành Vua của châu Âu.

Tiến được vào trận chung kết Champions League này, PSG đang là đại diện thành công nhất cho thế hệ bóng đá mới, những người không cần lịch sử hay sự ủng hộ của công chúng để có được thành công mà chỉ cần có tiền, có rất nhiều tiền. Tiền sẽ sửa chữa tất cả, sẽ tạo ra thành công, sẽ xây dựng lịch sử và sinh sản ra người hâm mộ.

Vậy nên, trận chung kết ở thủ đô Lisbon, Bồ Đào Nha sẽ là Công xã Paris của PSG. Để rồi nếu giành chiến thắng, từ nay, hình thức làm bóng đá với căn cốt là tiền bạc sẽ trở thành một thứ “hoàn toàn hợp lý”, đem lại sự công bằng và phi kỳ thị với những PSG, Manchester City, RB Leipzig…

Nhưng PSG cũng đại diện cho một cái gì đó nham hiểm. Được thành lập vào năm 1970, CLB này rơi vào tay Quỹ đầu tư QSI (Qatari Sports Investments) từ năm 2011. Đó là một công ty con của Cơ quan Đầu tư Qatar, cơ quan được thành lập bởi nhà nước Qatar vào năm 2005 để quản lý quỹ tài sản có chủ quyền của tiểu vương quốc này.

Cũng như Man City, PSG rõ ràng là một công cụ của quá trình lan toả quyền lực mềm, cố gắng phổ biến rộng rãi hình ảnh bóng bẩy của một quốc gia thông qua thể thao, với trọng tâm là VCK World Cup 2022 đầy tai tiếng.

Và càng như thế, việc nâng cao hình ảnh càng được đặt lên hàng đầu. Các sân bóng sẽ tổ chức World Cup, cũng như phần lớn các dự án xây dựng trong nước, đã được xây dựng bằng cách sử dụng lao động nhập cư, những người thường bị buộc phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm với mức lương cực thấp, và rất khó rời khỏi đất nước này vì đã bị thu thị thực bởi hệ thống Kafala.

Liên quan tới Qatar, chúng ta sẽ thấy sự phổ biến về các cáo buộc về tra tấn hay người đồng tính luyến ái sẽ bị phạt tù đến 3 năm hoặc quyền của phụ nữ bị hạn chế, không có tự do ngôn luận, tự do báo chí hoặc phụ nữ bị đối xử không công bằng…

Có lẽ người hâm mộ PSG không quan tâm ai trả lương cho Neymar, nhưng chúng ta cũng không nên bình thường hoá việc trả lương này bằng cụm từ tầm thường “sự đầu tư của Qatar”.

Trong khi đó, Bayern đang là chỗ dựa cho những người Bảo Hoàng, luôn bài xích việc dùng tiền để nhanh chóng có thành công và coi đây là thứ gian lận bẩn thỉu, cần bị xoá bỏ. Họ chính là những tiếng khóc cay đắng khi Man City đánh bại được UEFA trong phiên toà “luật Công bằng Tài chính” cách đây vài tháng.

Cũng cần nhắc lại việc Bayern ký một hợp đồng tài trợ lớn với Qatar Airways do nhà nước Qatar điều hành vào năm 2018 đã dẫn tới một làn sóng phản đối của NHM Bayern.

Thời đại cũ của những quyền lực cũ đề cao giá trị truyền thống lịch sử, xây dựng một tòa lâu đài trên mảnh đất trống bằng chính sức lao động của mình. Quá trình hình thành có thể kéo dài vài chục năm đến trăm năm, nhưng nó là điều cần phải có để tạo nên bản sắc và văn hoá của đội bóng.

Họ không thể chấp nhận những kẻ di cư từ đâu đến, vung một đống tiền mua đất đai rồi làm biến đổi toàn bộ hệ sinh thái và văn hoá ở đó, bất chấp luật lệ vào đạo đức. Họ không tin rằng, việc làm bóng đá của PSG, RB Leipzig sẽ khiến cho bóng đá tốt đẹp hơn, mà ngược lại, đang huỷ hoại nó nhân danh chiêu bài “tất cả cũng chỉ vì bóng đá”.

RB Leipzig chưa thể tàn phá bóng đá Đức. Nhưng PSG đã làm được điều đó. Ban đầu, việc Qatar mua PSG đã giúp đội bóng này mua được nhiều tài năng đắt giá, cho dù không có sự gắn kết. Chưa bao giờ PSG có một cú ăn ba quốc nội cho đến 6 năm trước. Kể từ đó, PSG đã giành được 4 danh hiệu. Bóng đá Pháp đã bị tàn phá như một phần của chính sách đối ngoại Qatar.

Rõ ràng, việc RB Leipzig không lọt vào trận chung kết hay không thể vô địch Champions League được nữa là sự hả hê của 99% NHM bóng đá Đức. Ngay từ đêm thứ Tư, tất cả những tín đồ của truyền thống đều cầu mong Bayern Munich vùi dập PSG trong trận chung kết để duy trì công đạo và lập lại uy danh của giá trị cũ đang bị lấn lướt.

Cho dù, Bayern Munich cũng không phải toàn bích và là đội bóng bị căm ghét thứ hai trong mắt các CLB đối địch. Một phần vì Bayern Munich thành công quá, tạo ra sự ghen tức không thể tránh khỏi. Số danh hiệu vô địch Đức của Bayern nhiều hơn số danh hiệu của toàn bộ các CLB khác cộng lại.

Nhưng Bayern cũng đại diện cho chủ nghĩa tư bản thuần túy, khai thác tàn nhẫn vị trí thống lĩnh thị trường của mình bằng cách cướp đi những cầu thủ xuất sắc nhất của đối thủ. Thói quen “hút máu” đối thủ, vừa để triệt tiêu sự cạnh tranh, vừa để tăng cường sức mạnh cho mình.

Phương thức tàn độc này vẫn rất tiêu biểu cho thứ quyền lực tư bản, chỉ đem lại lợi ích tuyệt đối cho một hoặc một vài CLB ở một nền bóng đá, còn lại "đám tiện dân" chỉ việc cúc cung tận tuỵ với vai trò kẻ bị trị. Sẽ không có một sự thách thức nào có thể đe doạ lật đổ được.

Sẽ như thế nào nếu trận chung kết tới là cuộc cạnh tranh của Man City và PSG, giữa RB Leipzig và Red Bull Salzburg và trong những thập niên tới, khách của trận chung kết toàn những gương mặt lạ hoắc? Sẽ như thế nào nếu lần lượt Barcelona, Juventus, Bayern Munich, Man United đi theo vết xe đổ của Milan và Arsenal?

Đó là viễn cảnh đầy kích thích đối với những nhà đầu tư giàu có đang săm soi những CLB hạng bét, vô danh tiểu tốt. Nhưng đấy lại là viễn cảnh khủng khiếp đối với quyền lực cũ, đang hốt hoảng nhìn thấy ngày càng nhiều những PSG, Man City xuất hiện trên bản đồ bóng đá.

Nhưng dù sao trận chung kết giữa Quyền Lực Cũ và Quyền Lực Mới vẫn cứ phải diễn ra trong một mùa giải kỳ lạ: đến tháng 8 vẫn thi đấu; các trận play-off chỉ có 1 lượt; tứ kết, bán kết, chung kết được tổ chức trong vỏn vẹn hơn 10 ngày…

Trong trận đấu này, PSG không có gì ngoài tham vọng nhưng Bayern lại được đánh giá cao hơn. Bởi con đường của Bayerrn chậm rãi, nhưng chắc chắn, tạo ra những chiến công hiển hách hơn như ghi 7 bàn thắng vào lưới Chelsea sau 2 lượt trận, nã 8 bàn lưới Barca trong 90 phút hay nhẹ nhàng bỏ túi Lyon ở bán kết ngay trong hiệp 1.

Còn PSG vẫn cứ bị lép vế khi bị đối thủ chơi pressing. Ngay cả trong trận tứ kết với Atalanta, PSG đã bị đội bóng nhà nghèo ở Serie A, với tổng giá trị đội hình không bằng giá trị của Neymar, dồn ép ở giai đoạn đầu trận đấu và dẫn trước cho tới những phút cuối cùng.

Nhưng dù sao, đã có những dấu hiệu cho thấy sự gắn kết được cải thiện dưới thời HLV Thomas Tuchel. Hàng tiền vệ gồm Marquinhos, Ander Herrera và Leandro Paredes đã tạo nền tảng cho bộ ba tiền đạo Neymar, Kylian Mbappe và Angel Di Maria.

Liệu điều đó có đủ để chống lại Bayern, những bậc thầy đầy pressing, lại là một vấn đề khác. Bayern tấn công không ngừng nghỉ với Robert Lewandowski, tiền đạo đã ghi 55 bàn sau 46 trận trên mọi đấu trường mùa này, với tỉ lệ ghi 15 bàn chỉ trong 9 lần ra sân tại Champions League mùa này.

Thomas Muller vẫn đang thi đấu vô cùng thông tuệ như mọi khi, trong khi bàn thắng đầu tiên của Serge Gnabry trong trận bán kết với Lyon là sự pha trộn đặc trưng của sự táo bạo, kỹ năng và tốc độ bùng nổ.

Nhưng trong cả hai trận tứ kết và bán kết, Bayern đều cho thấy sự sơ hở trong phòng ngự, đặc biệt là từ rất sớm. Barcelona ghi 2 bàn và sút chạm cột dọc 1 lần. Lyon dứt điểm trúng cột dọc và phung phí 3 cơ hội mười mươi khác. Đó sẽ là điểm yếu để hàng công PSG tận dụng.

Một đội hướng tới cú ăn tư đối đầu với một đội hướng tới cú ăn ba. Họ đều có hàng công siêu khủng và hàng thủ có vấn đề. Đó sẽ làm màn cạnh tranh dữ dội trong khu vực 16m50.

Nhưng đừng bao giờ quên rằng một đội đại diện cho chủ nghĩa tư bản kiểu cũ, còn một đội là niềm hy vọng của làn sóng mới đang đe dọa cuốn sạch thế giới cũ. Một đội là gương mặt đại diện cho sức mạnh chính trị, kinh tế của nước Đức tại châu Âu, còn đội kia lại là cỗ máy kim tiền lột xác sau một đêm nhờ những đồng đô la từ Trung Đông xa xôi.

Thực hiện

Nội dung: Hải An

Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

 
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x