Bóng Đá Plus trên MXH

Big story
Đổi mới Champions League cũng chẳng qua vì tiền
 

Đổi mới Champions League cũng chẳng qua vì tiền

Sau khi được lột xác từ Cúp vô địch Các CLB vô địch châu Âu (hay Cúp C1 châu Âu) thành Champions League hào nhoáng vào đầu thập kỷ 1990, đến thập kỷ 2020, giải đấu này lại được UEFA và những CLB "cá mập" thúc ép phải biến đổi tiếp trong sự chống đối của các giải đấu trong nước. Câu hỏi đặt ra, Champions League có cần phải đổi mới không và ai sẽ được hưởng lợi ở những đề xuất thể thức mới?
 

Khi Chelsea đánh bại Wolves để giành chức vô địch giải hạng nhất năm 1955, họ không chỉ đánh bại nhà đương kim vô địch Anh, mà còn hưởng một danh hiệu ngầm kiểu như "Vô địch thế giới". Bởi trước đó, Wolves vừa đánh bại Honved (Hungary) với những tuyển thủ của Đội Tuyển Vàng 3-2 dưới ánh đèn pha của sân Molineux.

Cần nói thêm, bóng đá thế giới khi đó đang rên dưới gót sắt của Những chàng trai Hungary Kỳ Diệu của thế hệ Ferenc Puskas, người sẽ gia nhập Real Madrid không lâu sau đó, chấm dứt cuộc du đấu "lưu vong" kỳ lạ của một ĐTQG vì biến cố chính trị tại Hungary.

Nhưng biên tập viên Gabriel Hanot của tờ L’Equipe không đồng ý với điều đó. Ông cho rằng, châu Âu cần có một giải đấu giữa những nhà vô địch quốc gia để tìm ra CLB mạnh nhất một cách đúng đắn chứ không phải theo kiểu bắc cầu kể trên.

Một trong những phóng viên của Hanot là Jacques Ferran đã rỉ tai ông về một giải vô địch Nam Mỹ mà ông đã theo dõi ở Chile. Và mùa Hè 1955, Hanot đã đề nghị UEFA thành lập một giải đấu tương tự mang phiên bản châu Âu. Cái gọi là Champions League của ngày nay được hình thành.

Cúp vô địch Các CLB vô địch châu Âu (C1) khai trương vào ngày 4/9/1955, nhưng Chelsea không tham gia. Bởi FA đã từ chối lời mời của UEFA tham gia cái giải đấu mà những người Anh bảo thủ cho là "ngớ ngẩn". Đương nhiên, các CLB Anh không được tham dự giải đấu đó.

Nhưng 16 đội không đồng ý với quan điểm của FA, trong đó có những đội bóng lạ hoắc với fan bóng đá bây giờ như Hibernian đại diện cho bóng đá Scotland, Rot- Weiss Essen đại diện cho bóng đá Đức và Saarbrucken chiến đấu vì vinh quang vùng bảo hộ Saar thuộc Pháp. Bóng đá châu Âu khi đó rất lạ, chỉ trừ nhà vô địch đầu tiên: Real Madrid. Họ vô địch liền tù tì 5 mùa giải liền.

Dù sao, ý tưởng của L’Equipe cũng đã đúng. Việc theo dõi các đội cạnh tranh để đoạt danh hiệu vô địch châu lục quả thật rất hào hứng và hấp dẫn, kèm theo những khoản thưởng hậu hĩnh. Và trong suốt 36 năm, đây chính là sân khấu để những huyền thoại như Alfredo Di Stefano, Eusebio, George Best, Johan Cruyff, Franz Beckenbauer, Kenny Dalglish và Marco van Basten tung hoành.

Thể thức thi đấu của Cúp C1 rất đơn giản. Nhà vô địch mùa trước cùng với các nhà vô địch của các giải VĐQG châu Âu sẽ thi đấu 2 trận sân khách - sân nhà, thua thì bị loại, thắng thì đi tiếp.

Nếu mắc sai lầm ở vòng 1 này, phải trả giá ngay. Ví dụ như đội ĐKVĐ Liverpool đã thua trước đội vô địch giải VĐQG Anh là Nottingham Forest vào năm 1978 và bị loại. Không có luật tránh đội cùng quốc gia, không có giải bảo hiểm cho kẻ thất bại như Europa League.

Sau khi đánh bại 4 đội thủ, như con đường vô địch của Nottingham Forest đã đi, đội bóng sẽ đối mặt với nhà vô địch giải Thuỵ Điển hay Hy Lạp, Scotland hoặc Nam Tư trong trận chung kết và trở thành huyền thoại. Không chỉ 1 lần mà Nottingham còn 2 lần vô địch như thế, lần thứ hai là sau khi họ bị xuống hạng.

Nhưng rồi những tiếng xủng xẻng đã dội lên. Dưới áp lực của các CLB giàu có nhất khi muốn đoạt được những điều tốt nhất, UEFA bắt đầu cải tổ thể thức. Họ bỏ vòng tứ kết và bán kết đơn giản, và bắt đầu chia bảng vào năm 1991. Điều này đảm bảo cho 8 đội hàng đầu được đá 6 trận, thay vì 2 như trước đó.

Một năm sau, Cúp C1 châu Âu trở thành Champions League. Chỉ có 4 năm nó là cuộc chơi của các nhà VĐQG và á quân. Sau đó, nó biến thành giải đấu lớn của những CLB lớn nhất châu Âu. Bây giờ, 65 năm sau giải đấu đầu tiên đó, bóng đá châu Âu lại trở thành một thứ "điên rồ" như FA quan niệm khi xưa.

Giới lãnh đạo của UEFA đã phải đối mặt với một loạt lựa chọn cho những gì xảy ra sau năm 2024, năm cuối cùng của thoả thuận về lịch thi đấu và thoả ước thương mại đang có hiệu lực vào thời điểm đó. Mọi thứ sẽ thay đổi triệt để, điều chỉnh nhẹ nhàng hay vẫn giữ nguyên hiện trạng, bất cứ điều gì UEFA chọn đều gây tranh cãi.

Chúng ta hãy cùng phác thảo những lựa chọn đó…

Ý tưởng đầu tiên cải tổ triệt để cho đến nay vẫn là táo bạo nhất. Andrea Agnelli là chủ tịch và chủ sở hữu của CLB Juventus. Ông cố của ông ta là Giovanni, đã thành lập công ty xe hơi Fiat và nhà Agnellis đã có mặt trong ban lãnh đạo Juventus trong một thế kỷ.

Andrea, tuy nhiên, cũng là chủ tịch của Hiệp hội các CLB châu Âu, tổ chức đại diện cho lợi ích của các CLB hàng đầu Châu Âu. Vì vậy, khi xuất hiện vào mùa xuân 2019, Agnelli đã đề xuất thay đổi vòng bảng Champions League từ 8 nhóm 4 đội thành 4 nhóm 8 đội.

Mỗi bảng sẽ có 4 đội (từ thứ 1 đến thứ 4) được tiến tới vòng loại trực tiếp. Đề xuất này sẽ tăng số lượng trận đấu Champions League tối thiểu một đội là từ 6 trận lên 14 trận. Những cặp lông mày đã nhướng lên.

Phần thứ hai trong kế hoạch của Agnelli sau đó đã trở nên rõ ràng hơn: cần có thể lệ thăng hạng và xuống hạng dành cho 3 đội ở mỗi mùa giải. Chỉ có 24 đội đứng đầu trong tổng số 32 đội dự Champions League mới được giữ lại vị trí cho mùa giải sau.

Mọi người đều đồng ý rằng cái này là một thứ hoàn toàn mới lạ. Nó có vẻ giống như vụ sát nhập Ngũ Nhạc Kiếm Phái trong tác phẩm Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung. 5 giải đấu hàng đầu châu Âu là Bundesliga, La Liga, Ligue 1, Premier League và Serie A sẽ được hợp nhất thành một siêu giải đấu? Và không ai tán thành, thậm chí còn tỏ ra ghét ý tưởng này. Tại sao? Hãy xem phân tích sau.

- Bên hưởng lợi: Nhóm này gồm Juventus và những CLB ưu tú khác - những cá mập không muốn chia sẻ bất cứ thứ gì như doanh thu phát sóng 3 tỷ bảng mỗi năm mà Premier League mang lại cho các thành viên của mình - tin chắc rằng cách duy nhất để kiếm được thứ tiền liên quan đến bản quyền truyền hình là các đội bóng "tay to" sẽ thi đấu với nhau thường xuyên hơn.

Tổng thu nhập của UEFA đã tăng từ khoảng 500 triệu bảng mỗi năm (thời điểm năm 2003) lên 2,75 tỷ bảng mỗi năm (2019), với nguồn chính từ Champions League. Họ sẽ chi 2/3 số đó cho các CLB mỗi năm, thông qua tiền thưởng cho những ai tham dự giải đấu.

Tổng cộng các khoản thanh toán này là 1,77 tỷ bảng, tương đương 10% tổng thu nhập của mọi CLB bóng đá châu Âu. Juventus, Barcelona, ​​Real Madrid… tin rằng họ làm ra số tiền này và xứng đáng được hưởng số tiền đó hơn khác.

Họ cũng nghĩ rằng việc mang Champions League đến cho khán giả, đặc biệt là ở các thị trường châu Á và Bắc Mỹ đang phát triển, sẽ đem về nhiều tiền hơn nữa và miếng bánh cho mỗi cá mập cũng sẽ to hơn. Họ sẽ hưởng nhiều hơn, UEFA cũng hưởng nhiều hơn, đồng thời dẹp bỏ được đám lòng tong, rép riu ăn hôi.

Điểm cuối cùng này đã chìm nghỉm trong cuộc chiến đấu khẩu dữ dội. Nhưng quan điểm của Agnelli là "xông lên giải Super League bằng cửa hậu là thăng hạng" vẫn được một liên minh rộng lớn gồm các CLB tầm trung ủng hộ, ví dụ như chủ tịch Dariusz Mioduski của Legia Warsaw và GĐĐH Aki Riihilahti của HJK Helsinki, cả hai đều là thành viên hội đồng ECA. Đối với họ, không làm gì mới là điều tồi tệ.

- Bên không được hưởng lợi: Như đã đề cập, tốc độ phản ứng từ Premier League đã nói lên tất cả. Các giải đấu hàng đầu ở Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha đều bỏ phiếu chống và kết quả là một thất bại vang dội. Premier League thậm chí không bận tâm với việc bỏ phiếu, tại sao lại phải thay đổi khi mà hiện trạng đang rất ngọt ngào?

Nhưng nếu chúng ta cần xác định lý do tại sao các giải đấu lớn lại ghét kế hoạch của Agnelli thì cũng không cần phải tìm đâu xa. Đầu tiên, chúng ta sẽ tìm đâu ra chỗ trống để nhét thêm 8 trận đấu nữa vào lịch thi đấu? Các giải VĐQG luôn diễn ra vào cuối tuần và nếu giải của UEFA diễn ra sau cuối tuần thì tiếp theo sẽ là gì?

Nên nhớ, mỗi giải VĐQG thường có 20 đội, tương đương 38 trận đấu. Thế còn các giải Cúp phụ như FA Cup hay Cúp Liên đoàn? Thế còn những trận tứ kết, bán kết, chung kết lượt đi - lượt về. Và cả những trận đá lại nữa? Tất cả mọi thứ đều đã nhét trong lịch thi đấu kín như bưng.

Nhưng, vấn đề thi đấu thêm chỉ là một nửa của cơn ác mộng. Premier League kiếm được 3 tỷ bảng mỗi năm từ phát sóng truyền hình những trận đấu có những CLB cực kỳ được hâm mộ. NHM coi trọng những cuộc đua vô địch căng thẳng và giàu kịch tính. Vô địch, giành suất đi châu Âu và tránh xuống hạng.

Vứt bỏ những giá trị này đi, khán giả sẽ không còn cần mua thẻ của K+ hay chuyển khoản cho Sky Sport. Và rồi, đến lượt các nhà đài cũng chẳng cần xếp hàng để mời CLB ký nhận những tờ séc nhiều số 0 sau mỗi 3 năm. OK, có thể Liverpool, Real Madrid, Juventus, Bayern Munich, PSG… không cần những khoản đó, và thay thế bằng nguồn thu từ Champions League, thế còn những CLB nhỏ khác thì sao?

Những tháng sau khi kế hoạch của Agnelli bị rò rỉ, vô số cuộc họp chóng vánh được tổ chức, với những lời hứa công khai rằng sẽ lắng nghe, sẽ trao đổi nhiều hơn. Nhiều người sẽ nói đây là điều đáng lẽ phải xảy ra ngay từ đầu, còn một người khác cho rằng đây cũng là những thứ mà Agnelli và chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin, cha đỡ đầu của một người con của Agnelli, dự định từ lâu.

Nhưng để bàn chuyện, mọi người cần phải đồng ý với nhau về một vài nguyên tắc cốt lõi khi bắt đầu. Chẳng hạn như liệu Champions League có thực sự cần phải thay đổi hay không? Chỉ cần lắng nghe sếp của tổ chức đại diện cho các giải đấu trong nước của châu Âu (European Leagues) là Lars-Christer Olsson, sẽ thấy ngay đáp án: Không cần!

Lời khẳng định này đã xuất hiện chính thức và rõ ràng tại một sự kiện của European League do Premier League tổ chức tại London vào tháng 10/2019. Olsson lặp đi lặp lại sự phản đối của mình với các kế hoạch nguy hiểm có tác động tiêu cực đến các giải đấu VĐQG.

HLV Frank Lampard của Chelsea cũng phát biểu tại sự kiện này: "Tôi không tin có CLB nào có thể chơi thêm nhiều trận tại châu Âu bởi chúng ta đang quay cuồng với lịch đấu dày đặc ở hiện tại. Không thể thêm trận mà vẫn đòi hỏi cầu thủ thi đấu hăng say, chất lượng cao".

- Bên hưởng lợi: Bất cứ ai, những người ưu tiên duy trì sự ưu việt của bức tranh bóng đá VĐQG hiện tại sẽ hoàn toàn hài lòng nếu không có gì thay đổi sau năm 2024. Tân GĐĐH của Premier League, ông Richard Masters, cũng có mặt tại cuộc họp tháng 10, mặc dù lúc đó ông chỉ là một ông chủ tạm thời. Khi được hỏi liệu ông có hài lòng với bất cứ thay đổi nào trong thể thức tổ chức Champions League hiện tại hay không thì ông đã cười ruồi và trả lời ngay là không.

Tuần trước, ông lại nhận được câu hỏi tương tự và tiếp tục khẳng định: "Hãy để tôi trả lời câu hỏi của này bằng một câu hỏi: Thay đổi đó có thực sự sẽ tăng thêm giá trị cho sản phẩm Champions League không? Nếu nhìn vào cách thức mà Champions League đang hoạt động trên thị trường truyền thông ở nước Anh và bên ngoài nước Anh, chúng ta thấy nó đang hoạt động rất tốt".

Hãy để mặc kệ nguyên trạng hiện nay đồng nghĩa sẽ không có mối đe dọa nào đối với Carabao Cup, giải đấu dễ bị tổn thương nhất bởi những quyết định cắt bỏ để dồn vào Champions League. Và cũng không phải làm phiền FA khi yêu cầu họ bỏ những trận đá lại ở FA Cup nhằm giúp cầu thủ có thời gian đá Champions League.

- Bên không được hưởng lợi: Juventus, Barcelona, ​​Real Madrid và những cá mập khác sẽ không chấp nhận ý kiến "giữ yên hiện trạng". Họ muốn có nhiều trận đấu với nhau hơn. Đơn giản là thế.

Danh sách "không hài lòng" cũng có thể thêm cả UEFA vào. Tổ chức này có nhiệm vụ khó khăn là cố gắng giữ hòa bình ở châu Âu, thông qua quá trình thuyết phục nhóm "cá mập" không rời khỏi liên minh, không cần tổ chức một giải đấu mới chỉ dành cho đám "thượng lưu" và tự chia bánh với nhau.

UEFA cũng cần phải tăng doanh thu của riêng mình để giảm thiểu những tác động tồi tệ nhất của sự phân cực mà chính họ đã góp phần tạo ra bằng những cải tiến Champions League từ khi hình thành đến nay.

Thỏa hiệp, chỉnh sửa, đổi tên gọi giải đấu… hay bất cứ điều gì chúng ta muốn gọi nó, song đừng quên gắn chặt nó với yếu tố Tiền Bạc cực kỳ quan trọng. Nhưng thoả hiệp là thoả hiệp nào trong cuộc tranh cãi về tương lai của Champions League?

Bởi vì, khi nhận ra cuộc xung đột công khai không đặc biệt phù hợp, chủ tịch UEFA Ceferin đã xuất tướng "rút củi đáy nồi", và đảm bảo rằng sẽ không có gì xảy ra cho đến khi mọi ý kiến đều được lắng nghe. Sự khẩn cấp và thúc ép của cuộc họp năm ngoái đã bị dừng lại và một quá trình tham vấn kéo dài ít nhất một năm đã được bắt đầu.

Đã gần 6 tháng kể từ ngày đó, và sau một "thỏa thuận ngừng bắn"hồi Giáng sinh 2019, các phe khác nhau lại bắt đầu chiến đấu vì mục đích của mình, tất nhiên ở mức độ kém gay gắt hơn nhiều. Và từ màn xung đột ý tưởng đó, xuất hiện 2 giải pháp có tính khả thi cao.

Giải pháp đầu tiên, rất gần gần với ý đồ thay đổi triệt để của Agnelli, là một kế hoạch thay thế vòng bảng bằng một giải đấu có ít nhất 32 đội. Các đội sẽ chơi 10 trận ở giai đoạn "vòng bảng" gồm 5 trận sân nhà và 5 trận sân khách nhưng gặp 10 đối thủ khác nhau.

Đây là mô hình của giải VĐQG Thuỵ Sỹ và cũng được dùng để tổ chức các giải cờ Vua, vì đây là một cách tốt để xếp hạng một số lượng lớn các đối thủ cạnh tranh, mà không phải đi đấu quá nhiều hoặc bị loại quá sớm.

Những người ủng hộ ý tưởng này cho rằng nó sẽ cung cấp cho các CLB hàng đầu những trận đấu bổ sung mà họ muốn - với 4 trận đá thêm là vừa sức chịu đựng của các giải VĐQG - và cung cấp cho UEFA một món thực sự mới mẻ để bán cho các nhà đài và nhà tài trợ.

Phe phản đối ý tưởng này lại cho rằng nó trông giống như nền tảng của một Super League châu Âu và gây phức tạp không cần thiết.

Giải pháp còn lại đến từ phía LĐBĐ Pháp và nó cũng được ủng hộ mạnh. Đó là: chỉ cần thêm số đội tham gia. Vì vậy, thay vì 32 đội chia thành 8 bảng gồm 4 đội, thì tăng lên thành 36 đội, và chia thành 6 bảng gồm 6 đội. Như thế, mỗi đội cũng sẽ đá thêm 4 trận.

Ý tưởng này cũng có thể có ích trong việc giải quyết một vấn đề mà Agnelli và ECA muốn khắc phục: Quyền lợi của Ajax Amsterdam?

CLB vĩ đại nhất Hà Lan có lẽ đã phải chịu đựng sâu sắc hơn bất CLB nào về những hậu quả của những cuộc cải cách Champions League và sự chia rẽ của bóng đá châu Âu. Bị mắc kẹt trong một thị trường ít thuê bao truyền hình, cho nên Ajax không được chia hàng triệu euro mỗi mùa để cạnh tranh ở giải VĐQG.

Điều này có nghĩa là Ajax và các CLB Hà Lan khác gặp những bất lợi đã được phản ánh trong hệ số xếp hạng của UEFA về giải đấu của họ, thứ dẫn tới quyết định số lượng suất được dự Champions League mỗi năm.

Premier League, ví dụ, có số lượng tối đa 4 suất. Trong khi đó, giải Eredivisie sẽ thấy đội Á quân của mình phải tham dự vòng sơ loại thứ hai và nhà vô địch phải tham gia vòng sơ loại thứ 3 cộng thêm 4 trận vòng bảng. Bao mùa nay, Ajax luôn phải tiến hành chiến dịch châu Âu của mình như thế.

Đấy không phải là cách mà một đội bóng mất vé đá trận chung kết mùa trước chỉ trong vài giây cuối trận phải nhận. Nên nhớ, Ajax cũng đã 4 lần đoạt Cúp châu Âu. Đội bóng này không cần phải đá với những đội vô địch giải VĐQG Hy Lạp hay đảo Síp để rồi mới được đá vòng bảng sau đó 3 tháng.

Ý tưởng của người Pháp về việc mở rộng lên 36 đội sẽ giải quyết gọn gàng vấn đề đó và cũng có thể tránh cho đội xếp hạng Tư giải Ligue 1 gặp rắc rối về vòng loại.

- Bên hưởng lợi: Ajax (tất nhiên rồi); giải Ligue 1 và các CLB thuộc các giải VĐQG hạng 6,7,8 của châu Âu; fan của thể thức Champions League mới đầy phức tạp này (khi mở rộng thành 36 đội thì có thể cần đến vòng đấu bảng thứ hai); và CLB "cá mập" muốn được đá nhiều hơn.

- Bên không được hưởng lợi: 4 trận đấu thêm đó vẫn cứ phải nhét vào đâu đó, buộc phải hy sinh những trận đấu nào đó, ví dụ như Carabao Cup hay FA Cup như lo ngại của GĐĐH Premier League. Nên nhớ, dù thế nào Carabao Cup vẫn được coi là tài sản có giá trị cao của EFL.

Cho dù giải pháp nào sẽ được lựa chọn, UEFA cũng phải lưu ý rằng, tại FIFA, chủ tịch Gianni Infantino, FIFA muốn biến giải Club World Cup gồm 7 đội thành 24 đội và tổ chức 4 năm một lần thay vì thường niên. Liệu khi Club World Cup thể thức mới này diễn ra, liệu có còn chỗ để sắp lịch thi đấu không?

Chưa hết, World Cup cũng trên con đường trở thành sân chơi của 48 đội. Còn tại châu Âu, giải Nations League của UEFA chắc chắn cũng muốn cải tiến sau một mùa giải ra mắt vào năm ngoái. Lúc này, phải cầu Chúa phù hộ cho các chuyên lên lịch thi đấu.

Trên thực tế, mọi người dường như đồng ý rằng việc cải tổ sẽ đem lại quá nhiều điều tốt. Nhưng chúng ta hãy nghĩ về việc các CLB phải thi đấu đều đặn 2 lần một tuần, phải di chuyển, phải thay đổi không gian…

Các CLB "cá mập" giàu có muốn chơi những trận đấu mà họ cho là có ý nghĩa hơn, thường xuyên hơn. Các giải đấu trong nước đang cố gắng thuyết phục họ rằng những trò chơi đó có thể được tìm thấy ở nhà, cũng như ở châu Âu.UEFA đang cố gắng dàn xếp cả hai phe, trong khi FIFA và một số đối tác tiềm năng cũng đang liếc mắt vào nhóm "cá mập", thêm vào nhiều thính và mồi câu ngon, bằng cách này hay cách khác.

Dường như gần như không thể tránh khỏi Champions League sẽ lại làm cuộc cách mạng đổi mới. Đó là bài học từ quá khứ.Nhưng cũng đúng là nó không thể tiếp tục phát triển mà không cần thay đổi thể thức hiện có? Chỉ có ĐỒNG TIỀN mới đem lại câu trả lời đúng!

Thực hiện

Nội dung: Hải An

Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

 

Bài viết hay? Ấn để tương tác

Bình luận
Thông tin Toà soạn
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ:
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Tel:
(84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax:
(84.24) 3553 9898
Email:
Thông tin Liên hệ
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Hotline:
0903 203 412
Email:

Địa chỉ liên hệ:

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Đăng nhập
hoặc

Email:

Mật khẩu:

Quên mật khẩu?


Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay