“Tôi sợ con cái tự ti khi đọc tin ba mình là người không tốt”
Ba trận đấu cùng đội tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á là những trận đầu tiên sau 5 năm vắng bóng ở ĐTQG của thủ môn Bùi Tấn Trường. Đó cũng là cơ hội để thủ thành người Đồng Tháp vượt qua những định kiến về các sai lầm trong quá khứ. Có giai đoạn sau khi hết hợp đồng với B.Bình Dương, Tấn Trường chưa được CLB nào liên hệ. Anh kể rằng lúc đấy mình livestream để tâm sự cho đỡ buồn. Số người theo dõi livestream của anh chỉ khoảng vài chục người. Trong số đó, không ít người vẫn chỉ trích những sai lầm của anh.
“Tôi là con người mà, là con người thì có thiếu sót. Tôi mà hoàn thiện quá thì đâu bắt gôn ở Việt Nam mà đã đi nước ngoài rồi”, Tấn Trường tâm sự với hơn chục nghìn người theo dõi livestream của anh tối ngày 17/6. Con số ấy cũng khiến anh hạnh phúc, khi công sức của mình đã được đông đảo mọi người trân trọng. “Các bạn có dám chắc cả đời không sai không. Tôi không quan tâm đến nhận xét về bản thân mình và luôn tập trung thi đấu để đạt kết quả tốt. Trận nào kết quả không tốt, tôi buồn lắm!”.
Tấn Trường bày tỏ nỗi sợ nhất của anh không phải là mình bị chỉ trích mà gia đình của anh bị ảnh hưởng từ bía rìu dư luận. Anh tâm sự thật lòng: “Trong nhiều trận đấu, tôi rất lo lắng bởi khoảng thời gian trước tôi hay bị sai lầm nên sợ bị chỉ trích. Bản thân tôi sao cũng được nhưng tôi sợ gia đình, con cái bị ảnh hưởng tâm lý. Tôi có thể vượt qua được và tiếp tục chơi bóng. Thế nhưng tôi sợ con cái sẽ tự ti khi đọc thông tin người ta nói ba mình là người không tốt, bán độ. Vì thế trước mỗi trận đấu tôi rất áp lực”.
Cuộc đời giông bão của Tấn Trường
Tuổi thơ của Tấn Trường đầy sóng gió. Thoạt đầu, anh không chọn nghề bóng đá. Bởi với anh khi đó, bóng đá là một ước mơ gì đó quá tầm. Anh tâm sự: “Tôi lớn lên tại xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Khi tôi còn nhỏ ba mẹ đã chia tay. Mẹ tôi buôn bán ở chợ và một mình nuôi 4 anh chị em tôi. Từ nhỏ tôi đã rất thương mẹ, mẹ đi làm gì tôi cũng đi theo.
Lúc 9 tuổi tôi mơ làm tài xế để kiếm tiền giúp đỡ gia đình. Thời điểm đó tôi từng đi bán vé số để kiếm tiền và một phần là để có tiền chơi cá cược. Ở quê tôi những trò: đá banh, số đề, đá gà… ai cũng biết nên từ nhỏ tôi đã bị nhiễm và biết chơi những trò này.
12 tuổi tôi theo mẹ đi buôn trái cây và đã biết hút thuốc lá. Khi mẹ đi bán thịt heo, hằng đêm 1h sáng tôi theo mẹ đi lấy thịt heo và sau đó một mình đi xe honda chở theo 30-50kg để giao cho các quán. Có lần tôi bị ngã giữa đêm và khóc quá trời do không thể khiêng được giỏ thịt lên xe. 13 tuổi tôi đi đội cát thuê kiếm tiền, mỗi buổi được 12.000 đồng, đưa bà ngoại 7.000 đồng và giữ lại 5.000 đồng đi đánh bài".
Anh tiếp tục kể: “Tôi nghỉ học từ khi hết lớp 8 và một mình ra Vũng Tàu làm thuê. Một năm học chỉ có một trăm mấy chục ngàn mà gia đình còn nợ lên nợ xuống. Nên tôi quyết định nghỉ. Tôi cùng thằng bạn ra Vũng Tàu để kiếm việc. Tôi làm một tháng trời mà một ngày chỉ kiếm được 6.000 đồng. Đỉnh điểm cao nhất chỉ có thể là 10.000 đồng.
Tôi làm ở một công ty hải sản, cực lắm. Tôi còn bị rách bao tay, ăn vào cả đầu ngón tay làm không thể bằng người ta được. Tôi quay trở lại thói quen xấu ngày xưa. Đó là ăn cắp vặt. Trong đó có cả nhỏ em gái tôi nữa. Nó chỉ phụ tôi thôi. Tôi giao cho nó đồ ăn cắp. Tôi đi ra trước. Nó đứa đi sau bị bảo vệ bắt. Nó khóc quá trời. Tôi không biết làm gì hết. Lúc đấy mẹ tôi ra. Tôi chạy ra báo với mẹ. Mẹ tôi chạy lại xin lỗi quá trời. Mấy ông bảo vệ cũng tha. Đó là kỷ niệm mà tôi không thể quên được”.
Rồi mẹ con anh chuyển sang làm nghề bán chôm chôm. 14-15 tuổi, anh đã chạy xe mua 100 kg chôm chôm về bán. Lần đầu thì gia đình bán ổn. Nhưng về sau bán ế quá, cả nhà ăn chôm chôm trừ cơm. “Rồi khi về quê được 2 tuần thì có thằng em rủ tôi đi đá bóng”, Tấn Trường chia sẻ. “Thời điểm đó đội U16 Đồng Tháp tuyển cầu thủ năng khiếu nên tôi đi theo người quen tham gia. Đội không có thủ môn và tôi được giao nhiệm vụ bắt ở một đội của huyện. Đội thua cả 4 trận. Trận đầu thua 10-1, trận thứ 2 thua 10-0, trận thứ 3 thua 5-1 và trận cuối thua 4-0. 4 trận, tôi thủng lưới 29 quả. Có ai tin giờ tôi là thủ môn của đội tuyển Việt Nam không. Phải nói rằng khi 15 tuổi, đứng trong khung thành quá lớn. Tôi chụp tay không và chân không. Tôi không biết cách bắt, không biết cách phát bóng. Đối thủ cứ đến cầu môn là sút kiểu gì cũng vào. Tôi ngố quá, không biết chơi bóng đá chuyên nghiệp là gì”.
Sau giải đó, Tấn Trường đi làm được 2 tuần thì nhận được thông báo tuyển chọn vào đội năng khiếu. Mẹ anh không cho đi đá bóng vì sợ gãy tay, gãy chân nguy hiểm. Thời điểm đó, người cậu của Tấn Trường chính là ba của cựu tuyển thủ quốc gia Phan Thanh Bình là người đã động viên mẹ anh để cho anh đi theo bóng đá. Đó có thể xem là khởi đầu cho cả một cuộc đời có vui, có buồn, có thành công, có thất bại và có nước mắt của Tấn Trường.