ĐT Anh không còn là những chú mèo nhờ Whakapapa

Trên đường tiến vào trận chung kết EURO 2020, ĐT Anh vẫn bị xem thường. Người Pháp nói rằng, họ vĩ đại hơn vĩ đại có 5 trận chung kết EURO hay World Cup trong 23 năm trong khi người Anh chỉ có 1 lần trong 55 năm. Người Tây Ban Nha, người Đức hay người Italia cũng thế, với họ, Tam Sư chỉ là chú mèo vô hại và ảo tưởng. Nhưng thực tế, từ bây giờ, Tam Sư đã và sẽ rất khác.
 

Lần đầu tiên trong lịch sử, ĐT Anh bước vào trận chung kết EURO và tự tin sẽ đem "bóng đá trở lại quê nhà". Đến thời điểm này, họ vẫn bị khinh thường bởi ĐT Italia, đội đã 9 lần tham dự các trận chung kết World Cup.

Có một từ là "Whakapapa". Nó bắt nguồn từ tiếng Maori và nó nói về việc tìm kiếm cảm giác gần gũi trong một bộ tộc để có sự đoàn kết và sức mạnh. Đó là về cảm giác bất tử, có thể gắn mình vào một thứ gì đó vĩnh viễn trong một thế giới vô thường.

Đó là câu thần chú của Owen Eastwood, một cựu luật sư gốc Maori, người đã từng làm HLV cho các đoàn cổ vũ cho các đội tuyển thể thao chuyên nghiệp và không chuyên từ đội bóng bầu dục của New Zealand, đội cricket Nam Phi, Hiệp hội Olympic Anh, Trường Ballet Hoàng gia và thậm chí cả NATO.

Vào năm 2016, FA đã giao cho ông một trong những nhiệm vụ thách thức nhất sự nghiệp: cố gắng tạo ra một cảm xúc về bản sắc và sự đoàn kết trong ĐT Anh, thứ mà trong suốt 144 năm hoàn toàn không xuất hiện, mà chỉ có sự bất hòa và mặc cảm thất bại.

Eastwood chấp nhận thách thức. Ông đã tìm kiếm hàng chục người để phỏng vấn, bao gồm các cầu thủ hiện tại ở các ĐT nam, ĐT nữ và ở các CLB khác nhau, cũng như các nhân vật lịch sử như Jimmy Armfield và Sir Trevor Brooking cho đến Michael Owen và Wayne Rooney, những danh thủ hiểu bóng đá Anh từ năm 1950 đến 2010.

Điều mà Eastwood đúc kết rằng, ở nền bóng đá này, hoàn toàn không có sự hiện diện của "whakapapa", đặc biệt khi lâm trận. Đây là một ĐTQG có bề dày lịch sử dày nhất thế giới, hình thành kể từ trận đấu quốc tế đầu tiên, gặp Scotland vào năm 1872.

Nhưng rất ít cầu thủ Anh trong quá khứ hay hiện tại hiểu rõ việc thi đấu cho Tam Sư có ý nghĩa như thế nào. Chỉ trừ một số hình ảnh nhạt nhoà, hiếm hoi như Bobby Moore và những chàng trai của năm 1966, Terry Butcher và chiếc băng đô nhuốm máu, giọt nước mắt đau khổ của Paul Gascoigne và Stuart Pearce tại EURO 96.

"Niềm tự hào về chiếc áo đấu". Điều đó thậm chí có nghĩa là gì? Trong suy nghĩ của Eastwood, đó là một điểm khởi đầu, nhưng nó có vẻ khá mơ hồ. Ông nhận thấy rằng các cầu thủ ít có khả năng giải thích điều gì đã gắn kết họ khi phụng sự Tam Sư hơn là những gì đã chia rẽ họ.

Eastwood đã phỏng vấn Owen, người đã có 89 lần khoác áo Tam Sư trong suốt một thập kỷ, dưới thời các HLV Glenn Hoddle, Kevin Keegan, Sven-Goran Eriksson, Steve McClaren và Fabio Capello. Owen nói với Eastwood: "Trong toàn bộ sự nghiệp tại Tam Sư, trong phòng thay đồ không bao giờ có bất kỳ đề cập nào về lịch sử của đội bóng, cũng như giá trị của bóng đá Anh".

Owen cho rằng nhận thức của các cầu thủ về bản sắc bóng đá Anh phần lớn được định hình bởi các yếu tố khách quan. "Truyền thông và đám đông CĐV đã tạo ra tinh thần Chó Ngao (bulldog). Họ muốn thấy các cầu thủ đam mê thứ bóng đá mạnh mẽ, tốc độ ở mức 100 dặm/giờ. Nhưng đó không phải là cách các nhà vô địch chơi bóng".

Với đội tuyển Anh, niềm đam mê và niềm tự hào dường như chỉ là những khái niệm sáo rỗng hơn là một thứ thực sự làm nền tảng cho bản sắc. Có một "thế hệ vàng" gồm các cầu thủ Anh đã xuất sắc ở cấp độ CLB nhưng lại thất bại trên đấu trường quốc tế.

Thất bại có nhiều lý do. Từ cấp độ vi mô là do chấn thương và mệt mỏi trong các giải đấu vào cuối một mùa giải dài, sự mất bình tĩnh quen thuộc trong loạt sút luân lưu, chiến thuật thiếu linh hoạt của các đời HLV đến những vấn đề sâu hơn, có liên quan đến bản sắc và văn hóa của đội.

"Có sự thù hận ở đó. Chính xác là vậy", cựu đội trưởng Liverpool, Steven Gerrard, đã nói về những đồng đội ở trên Tuyển nhưng lại là cừu thù ở CLB. Đó không phải là nhận xét chủ quan bởi nhiều tuyển thủ Anh gạo cội cũng thấy điều đó. Giữa các tuyển thủ Anh có rất ít sự gần gũi và thân thuộc.

Frank Lampard chia sẻ:"Chúng tôi không ghét người khác, nhưng…". Rio Ferdinand nói rằng anh sẽ cảm thấy có tội với Man United nếu quá thân với cầu thủ của Chelsea hay Liverpool trên tuyển Anh. "Tôi nghĩ đó là điều đã kìm hãm chúng tôi," cựu hậu vệ của Tam Sư nói.

Một số cầu thủ cảm thấy những lần lên tuyển là đi chịu khổ nạn. Với họ, không gì quan trọng bằng Premier League và Champions League, kể cả là danh hiệu World Cup hay EURO. Sự kèn cựa giữa các CLB trong hai niềm vinh quang cấp CLB đã triệt tiêu tính đoàn kết của các tuyển thủ Anh trên ĐTQG.

Sau khi dẫn dắt ĐT Anh vào trận chung kết EURO đầu tiên, HLV Gareth Southgate đã nói về ảnh hưởng của một số cầu thủ cao cấp trong đội: Harry Kane, Jordan Henderson, Harry Maguire và Raheem. Sterling. Ông gọi họ là "trưởng lão của bộ lạc".

Việc lựa chọn cụm từ này của Southgate cũng giống với thần chú "whakapapa" của Eastwood, và nó không phải là một sự ngẫu nhiên. Eastwood đến FA khi Southgate đang huấn luyện đội U21 Anh, chứ không phải là ĐTQG và rõ ràng là họ nói cùng một ngôn ngữ khi xây dựng đội bóng.

Từ năm 2014 trở lại đây, Southgate đã đóng vai trò quan trọng trong việc ra mắt bộ tài liệu "DNA của nước Anh", một tài liệu chỉ rõ sự cần thiết phải tạo ra và thiết lập một bản sắc hiện đại mới xuyên suốt tất cả các nhóm cầu thủ đang phát triển.

Đó là về bản sắc thi đấu trên sân - nhằm "chiếm lĩnh quyền sở hữu bóng một cách thông minh" và "giành lại quyền sở hữu bóng một cách thông minh, sớm nhất và hiệu quả nhất có thể" trong khi "chơi với sự linh hoạt trong chiến thuật". Và một trọng tâm lớn lao khác là xây dựng danh tính của Tam Sư "Chúng ta là ai".

Nó còn là về việc tạo ra một nền văn hóa khác biệt xung quanh ĐT Anh và cố gắng khôi phục lại cảm giác bản sắc đã mất từ ​​lâu. Tài liệu viết: "Bóng đá Anh có một di sản và lịch sử bóng đá phong phú mà chúng ta muốn tất cả các cầu thủ Anh nhận thức và tôn trọng.

Trước khi đến St George’s Park, các cầu thủ sẽ hiểu những gì cần thiết để đại diện cho nước Anh và nắm rõ con đường của nước Anh. Tất cả nhằm thiết lập một nền văn hóa Anh quốc trong và ngoài sân cỏ khác biệt và dễ nhận biết, dựa trên các giá trị và niềm tin rõ ràng".

Sau đó, Eastwood đã thực hiện một nghiên cứu sâu rộng để xem xét các câu hỏi như: "Văn hóa của ĐT Anh là gì? Nó đến từ đâu? Trở thành một cầu thủ Anh trong thế kỷ 21 có nghĩa như thế nào?"… Eastwood đã vẽ được bức tranh giúp FA nhìn thấy một số chủ đề chung để kết nối các cầu thủ với đất nước và đội bóng này muốn trở thành gì.

Hình ảnh của tinh thần "bulldog" của Terry Butcher với chiếc băng đầy máu không phải là thứ các cầu thủ hiện tại muốn có bởi nó không còn phù hợp trong thế kỷ 21. Một người như Raheem Sterling là một người Anh kiêu hãnh, nhưng anh sinh ra ở Jamaica và rất tự hào về nguồn gốc Jamaica. Tuy nhiên, anh sẽ được trao niềm tự hào của chiếc áo đấu in 3 con sư tử trên ngực trái.

Khi Rooney có trận đấu cuối cùng cho ĐT Anh trong trận giao hữu với ĐT Mỹ vào tháng 11/2018, một trong những nhiệm vụ của anh là trao áo đấu cho các tuyển thủ vừa ra mắt Alex McCarthy, Lewis Dunk và Callum Wilson. Đó là một cử chỉ quan trọng mang tính biểu tượng.

Việc giã từ ĐT Anh của Rooney trở thành một phần biểu tượng quan trọng khác. Mỗi người trong bộ lạc đều là một phần của chuỗi luân hồi thời gian không thể bị phá vỡ. Việc thành viên này chia tay sẽ khởi đầu cho sự xuất hiện của thành viên mới. Trong chuỗi người này, mỗi người đều đan cánh tay vào cánh tay của 2 người đứng cạnh, tạo thành vòng tròn bất tử, không thể bị phá vỡ.

Tính kế thừa và tiếp nối đó đã được minh chứng vào tháng 11/2019 bằng việc FA giới thiệu "những con số kế thừa" trước trận đấu thứ 1.000 của ĐT Anh. Mason Mount được công bố là cầu thủ thứ 1.243 đại diện cho nước Anh ở cấp độ cao cấp, vì vậy áo đấu của anh trong trận đấu đó mang con số đó bên dưới huy hiệu Tam Sư.

"Khi bạn so sánh số lượng người Anh muốn trở thành cầu thủ bóng đá và chơi cho ĐT Anh, thì con số những cầu thủ được lên Tuyển như chúng tôi là rất ít, và đó là một vinh hạnh lớn. Con số vinh dư đó nằm dưới huy hiệu Tam Sư rất gần với trái tim. Để có điều đó trên áo đấu, đó là một khoảnh khắc đáng tự hào", Mount nói "Những con số kế thừa đã trở thành một thứ tham khảo hữu ích trong những cuộc nói chuyện về lịch sử bóng đá Anh. Nó bắt đầu với câu chuyện về Cuthbert Ottaway, thủ quân đầu tiên của ĐT Anh nhưng đã qua đời ở tuổi 27.

Nó cũng gây xúc động lớn với những cầu thủ như Sir Bobby Charlton (767) và Bobby Moore (804) và quan trọng là Viv Anderson (936), người vào tháng 11/1978 đã trở thành cầu thủ da đen đầu tiên tại Tam Sư, mở đường cho những người khác, chẳng hạn như Sterling (1.190) và Bukayo Saka (1.253).

Hay như câu chuyện về chiếc huy hiệu Tam Sư của ĐT Anh. Eastwood đã đến Cơ quan Lưu trữ Quốc gia tại Kew, phía tây nam London, để xem một con dấu hoàng gia từ cuối những năm 1100, khi Vua Richard Sư Tử Tâm khi đó đã khắc họa ba mãnh sư thành biểu tượng của nước Anh.

Đây chính là một vật linh thiêng tạo nên whakapapa của ĐT Anh. Tam Sư đại diện cho sự dũng cảm và hung dữ nhưng cũng có khả năng lãnh đạo và giá trị thuộc về một niềm tự hào hoặc một bộ tộc. Sư tử là một biểu tượng mạnh mẽ như vậy trong văn hóa châu Phi.

Tất cả những biểu tượng này - 3 mãnh sư, những con số di sản, phục trang quý ông - được cho là để củng cố ý thức về bản sắc đó. Vì vậy, tầm quan trọng của việc chia sẻ câu chuyện cá nhân của các cầu thủ cả trong nội bộ và với thế giới bên ngoài cũng vậy.

Tất cả những điều này đã gây được tiếng vang, đặc biệt là với những cầu thủ trẻ tuổi đang bước những bước đầu tiên trong các nhóm phát triển. Điều này đặc biệt quan trọng khi rất nhiều cầu thủ có hai quốc tịch. Trước đây, đã có lúc người Anh tự mãn, cho rằng việc bất kỳ cầu thủ nào được gọi vào ĐT Anh đều coi đó là đỉnh cao trong sự nghiệp của họ. Nhưng giờ họ nhấn mạnh vào cá nhân cầu thủ.

Trước khi diễn ra World Cup 2018, có một quyết định có tính định hướng được giới truyền thông thực hiện. Truyền thông được FA khuyên rằng không coi các tuyển thủ là người nổi tiếng mà nhìn như là "một người trong chúng ta, là nơi chúng ta đến và nước Anh là động lực cao nhất".

Với giới truyền thông thì vậy, nhưng trong nội bộ, FA cũng chú trọng việc các cầu thủ làm quen với mọi đồng đội ở trên Tuyển để hiểu rõ về nhau. Một video dài 7 phút được chiếu cho tất cả các cầu thủ tham gia đội tuyển Anh lần đầu tiên. Nó bắt đầu với quả đá hỏng của Southgate trong loạt đá luân lưu trận bán kết EURO 1996 với Đức, phản ánh tầm quan trọng của việc thể hiện bản lĩnh cần thiết trong những trận đấu áp lực nhất.

Trong quá trình chuẩn bị cho một trong những trận đấu đầu tiên do Southgate phụ trách, vòng loại World Cup diễn ra với Scotland vào tháng 6/2017, ĐT Anh đã ngạc nhiên khi bị đưa đến một địa điểm bí ẩn. Một số tuyển thủ hơi lo lắng khi nhận ra mình đã đến trung tâm huấn luyện của Thủy quân lục chiến Hoàng gia tại Woodbury Common ở Devon.

Họ phải giúp đỡ nhau trong suốt chuyến hành quân dài 5km, mang theo ba lô nặng 21 kg và các bài tập luyện dưới nước, hay kỹ năng dựng lều trại. Các cầu thủ phải ra khỏi vùng an toàn cá nhân và tìm cách giúp đỡ nhau vượt qua những khoảnh khắc khó khăn.

Mục đích của những thứ trên là việc giúp các tuyển thủ thực sự hiểu nhau và động lực của nhau, thay vì chỉ là đồng nghiệp làm việc và chia sẻ không gian làm việc. Nếu không có tinh thần đồng đội và sự thấu hiểu sâu sắc, một đội bóng vẫn có thể có những khoảnh khắc tuyệt vời của những người tài năng kết hợp với nhau.

Nhưng nếu mọi cầu thủ đều thực sự tự hào khi chơi cho ĐT Anh và họ đều có chung động lực về bản sắc và tự hào về chiếc áo đấu, thì kết quả còn tuyệt vời hơn nhiều. Không phải bỗng dưng, hình ảnh những cầu thủ Anh cưỡi kỳ lân cứ xuất hiện suốt trong kỳ World Cup 2018 và EURO 2020.

Và đó là việc các tuyển thủ biết mình đang đại diện cho ai và cái gì. Trong nhiều năm, các tuyển thủ Anh không bao giờ xây dựng được những mối quan hệ cá nhân. Jamie Carragher và Gary Neville đã thừa nhận rằng việc cạnh tranh ở Liverpool và Man United đã khiến họ coi thường nhau trên Tam Sư.

Ferdinand và Lampard đã kể lại việc họ từng là đồng đội trẻ ở West Ham United, nhưng lại coi họ như kình địch bất cộng đái thiên của nhau sau khi con đường sự nghiệp đưa họ tới Man United và Chelsea. Chỉ sau này, khi đã giải nghệ, họ mới kết nối lại và suy ngẫm về bản chất chia rẽ của các CLB kình địch khi họ đang cùng chèo lái con thuyền Tam Sư.

Mọi thứ bây giờ đã khác. Chúng có thể thấy điều đó trong cách các cầu thủ tương tác với nhau, cả trước máy quay truyền hình và sau hậu trường tại St George’s Park, mà không hề mảy may suy nghĩ về sự kình địch ở CLB. Sterling của Man City, và Marcus Rashford của Man United đang ở với nhau. Tương tự như vậy là John Stones và Harry Maguire.

Có một sự bùng nổ vào tháng 11/2019, khi Sterling va chạm với Joe Gomez trong căng tin tại St George’s Park để đáp trả một sự cố trong trận Man City đánh bại Liverpool tại Premier League. Southgate đáp trả bằng cách loại Sterling khỏi đội hình trong trận đấu với Montenegro.

Một số hiểu sai điều này là HLV đang thể hiện quyền lực, nhưng thật sự, ai cũng biết rằng đó là một tuyên bố quan trọng về văn hóa đoàn kết trong kỷ nguyên bóng đá Anh mới này và sự cần thiết phải kiềm chế mọi hành động gây bất đồng hoặc bất hòa.

Southgate chưa bao giờ nghĩ Sterling là một tên khốn. Những gì ông cảm thấy là vì lợi ích của toàn Tam Sư, Sterling phải bị trừng phạt. "Và tôi nghĩ rằng thông qua nghịch cảnh đó, chúng tôi trở thành một nhóm mạnh mẽ hơn", Southgate nói sau đó.

Mỗi bước của con đường đều chỉ là giúp các tuyển thủ gắn bó với nhau. Chỉ khi thay đổi tinh thần và văn hóa đồng đội mới khiến Tam Sư mạnh mẽ hơn ở đấu trường quốc tế, hơn là chia rẽ và sợ hãi. Đấy chính là tinh thần của whakapapa của người Anh.

Xuyên suốt World Cup 2018 và EURO 2020, Southgate đã liên tục tham khảo các giá trị và nguyên tắc của một bộ tộc, hiểu nó đại diện cho điều gì trong lịch sử và cách họ thể hiện trong hiện tại sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tương lai của bộ tộc. "Có một lịch sử lâu dài hơn chúng tôi vì vậy chúng tôi phải có sự khiêm tốn để nhận ra chúng ta đang ở đâu trong hành trình đó", ông nói.

Whakapapa chỉ tay về phía các cầu thủ và nói: "Bạn sẽ không bị đánh giá bởi tiền bạc, sự nổi tiếng hay cảm giác tự hào cá nhân. Bạn sẽ bị đánh giá bởi những gì bạn đã làm cho bộ tộc". Điều đó đã đưa ĐT Anh đến với trận chung kết EURO 2020, sự kiện lần đầu tiên họ được tham dự cho dù là "quê hương bóng đá".

Thực hiện

Nội dung: Hải An

Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x