Góc nghiêng EURO 2020: Khi người La Mã đá bóng

Rome có lẽ là thành phố đặc biệt nhất thế giới bởi chỉ riêng cái tên của nó đã nhắc chúng ta nhớ đến một trong bốn nền văn minh rực rỡ và thịnh vượng nhất lịch sử cổ đại - nền văn minh Hy-La. Nếu chúng ta ngừng lại một giây để đặt câu hỏi “vậy liệu người La Mã cổ đại có chơi bóng không?”, thì câu trả lời là “có”.

Thực ra, người La Mã (Romani) vốn không phát minh ra trò chơi này. Mà trong quá trình chinh phạt và đô hộ, họ đã tiếp thu rất nhiều thành tựu từ các nền văn minh khác, trong đó có trò chơi Sferomachia của người Hy Lạp cổ. Người La Mã đã phát triển trò chơi này theo cách của mình, và gọi nó bằng cái tên mới Harpastum. Các trận đấu Harpastum thường diễn ra trên một sân cát. Cầu thủ hai đội sẽ làm tất cả để có thể kiểm soát được trái bóng, vốn làm từ vải vụn hoặc len.

Bức phù điêu cổ cho thấy thời La Mã, phụ nữ cũng chơi bóng đá

Truyện kể rằng Hoàng đế Augusto sau mỗi cuộc chiến đã thay các bài tập quân sự như cưỡi ngựa và đấu kiếm bằng trò chơi Harpastum. Còn Hoàng đế Marco Aurelio, người được biết đến với trái tim nhân hậu và bao dung, đã cấm các võ sĩ giác đấu giết người và động vật để mua vui ở đấu trường La Mã (Colosseo). Thay vào đó, ông cho tổ chức các trò chơi ít bạo lực hơn, và một trong các trò chơi đó là Harpastum.

Do luật chơi được quyết định bởi nhà vua và được phát triển trong quân đội, nên Harpastum đã có mặt trên khắp bản đồ của La Mã cổ đại. Thậm chí, giới khảo cổ còn khai quật được những tấm phù điêu cho thấy cả nữ giới cũng tham gia chơi Harpastum. 

Trái bóng L’icosaedro do Leonardo da Vinci thiết kế

Sau khi La Mã cổ đại tan rã, lịch sử chơi bóng bị gián đoạn một thời gian dài. Nhiều tài liệu cho rằng Harpastum bị cấm vì đó là một trò chơi quá bạo lực. Thứ bóng đá lâu đời nhất được giữ gìn đến tận ngày nay có lẽ là Calcio Storico - Bóng Đá Cổ hiện vẫn được chơi ở Florence.

Những kỹ thuật áp dụng trong trò chơi này là cơ sở để hình thành nên nhiều môn thể thao khác như là bóng đá, bóng bầu dục, đấu vật, quyền anh và thậm chí là cả thời trang nữa. Lý do là vào thời kỳ trung cổ môn thể thao này chỉ dành cho tầng lớp quý tộc nên họ thường ăn mặc rất đẹp. Người Ý còn gọi môn này là Calcio di Costume, tạm dịch là bóng đá của lễ phục. 

Một trận đấu Calcio Storico - Bóng Đá Cổ hiện vẫn được chơi ở Florence

Theo nhiều tài liệu, Florence cũng là nơi chứng kiến sự ra đời của bóng đá hiện đại. Và nó gắn liền với tên tuổi của thiên tài Leonardo da Vinci. Sử sách ghi rằng trận đấu đầu tiên giữa hai đội bóng được chính Leonardo da Vinci chiêu mộ đã diễn ra ở Florence vào tháng 5/1479, nghĩa là trước thời điểm ra đời của bóng đá hiện đại ở Anh tới gần 400 năm.

Leonardo da Vinci cũng là người đã đưa ra bản vẽ hoàn hảo nhất cho trái bóng hiện đại ngày nay, thậm chí ông còn ghi rõ vào bản thảo “sử dụng da động vật, họ sẽ tạo ra những quả bóng để chơi”. Nếu ghé thăm thư viện Ambrosiana ở Milan, bạn có thể chiêm ngưỡng bản vẽ mang tên L’icosaedro này.

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x