Quá cân là bị phạt
Trong cuộc sống, có những người “chỉ hít khí trời thôi cũng tăng cân”. Trong bóng đá cũng không thiếu những trường hợp “ăn bao nhiêu là tích thành mỡ bụng hết”. Những cầu thủ béo này vốn đã hấp thụ thực ăn hơn người, lại có niềm say mê bất tận với ăn uống nên càng béo.
Việc họ không chịu tự giác “bóp mồm bóp miệng” để kiểm soát cân nặng của mình khiến các đội bóng chủ quản của họ nhiều lúc phải cứng rắn cài cả điều khoản “quá cân là bị phạt” vào hợp đồng. Điển hình phải kể đến trường hợp của cựu trung vệ Neil Ruddock. Đầu quân cho Crystal Palace vào mùa 2000/01, cựu ngôi sao Liverpool này khiến BHL Crystal Palace lúc nào cũng phải lo nơm nớp chuyện ông “lên cân về thở”.
Thế là BLĐ Crystal Palace buộc phải thêm điều khoản “Cứ vượt qua mốc 98kg là bị trừ 10% lương” vào hợp đồng với Ruddock. Cái ngưỡng 98kg tưởng như xông xênh lắm rồi. Thế mà chỉ trong một mùa khoác áo Crystal Palace, Ruddock bị trừ lương tới… 8 lần.
Ruddock dù sao cao tới 1m88. Antonio Cassano chỉ cao 1m75 mà cũng có thời nặng gần bằng Ruddock. Hồi mới gia nhập Real Madrid vào năm 2006, chân sút lừng danh người Italia này nặng tới 93kg. Cassano ý thức rõ đáng ra anh cần khống chế trọng lượng cơ thể mình ở mức 83kg. Dù vậy anh không làm sao khóa miệng được trước sự cám dỗ của đồ ăn. Từ bánh sừng bò, hamburger cho tới pasta, pizza và cả kẹo các loại, Cassano luôn chén cho sướng mồm, đẫy bụng.
Phải cái Cassano lại thuộc dạng “tốt bụng”. Ăn bao nhiêu là cái bụng bự tố cáo bằng sạch. Hết thuốc chữa, lãnh đội Real từng phải áp dụng hình thức phạt nội bộ với Cassano dựa vào số cân thừa trên người anh. Vậy nhưng anh vẫn chứng nào tật nấy. Bảo sao Cassano thất bại ở Real và sớm phải cuốn gói khỏi đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha.
Trăm sự tại béo
Bình thường các cầu thủ vẫn hay bị chế giễu vì bộ dạng “lăn nhanh hơn chạy” của mình. Kể cả các ngôi sao đình đám cũng không thoát khỏi thực trạng ấy. Eden Hazard vẫn hay bị ví von là vác bụng bia trở về sau mỗi kỳ nghỉ Hè. Gonzalo Higuain cũng bị trêu là mang “bụng giun” ra sân.
Và khi những cầu thủ thừa cân không thể thi đấu thành công, cái sự béo của họ càng trở thành cái cớ để người ta sỉ vả, dè bỉu. Tomas Brolin từng tuyên bố khi gia nhập Leeds hồi 1995: “Các bạn hãy cho tôi 1 tháng để lấy lại sức vóc. Rồi tôi sẽ cho các bạn thấy tôi có thể làm được những gì”. Người ta đã rất kỳ vọng vào bản hợp đồng 4,5 triệu bảng của Leeds hồi ấy. Song kỳ vọng lắm thì thất vọng nhiều. Phong độ của Brolin không lên. Chỉ có cân nặng của ông là lên không phanh. Nhiều fan Leeds mỉa mai đội nhà đã mua nhầm phải một “bị thịt” với giá quá đắt.
Giai đoạn 2010-2011, tiền đạo Benni McCarthy thi đấu tổng cộng 14 trận trên các đấu trường cho West Ham mà không ghi nổi bàn thắng nào. Phó chủ tịch West Ham, Karren Brady liền mỉa mai: “McCarthy chỉ là anh chàng bụng bự mải bơm đầy thức ăn vào cái bụng không đáy của mình, hơn là bơm bóng vào khung thành đối phương”.
Luke Shaw cũng từng có giai đoạn bị các fan M.U chỉ trích nặng nề vì vóc dáng quá “màu mỡ phì nhiêu” của anh. Họ cho rằng chính cơ thể nặng nề, ục ịch là nguyên nhân khiến Shaw sa sút phong độ bên hành lang cánh trái của M.U. Shaw vụng chèo khéo chống phân bua: “Đúng là mọi người đang chê trách tôi béo. Nhưng thực ra tôi đâu có béo như mọi người chỉ trích. Tôi hiểu cơ địa mình hơn ai hết. Trông tôi to như vậy là vì tôi có khung xương to. Các bạn có thể tưởng tượng cơ địa tôi giống với cơ địa của Wayne Rooney ấy. Nên tôi cứ hay bị lầm tưởng là phát phì”.
Thủ thành nặng… tạ rưỡi Khi “béo” thành thương hiệu |
XEM THÊM
Nhà vô địch World Cup 2018 quan hệ với 'bom sex' 12 lần một đêm
Neymar hóa cột đèn giao thông đủ màu sắc trong bữa tiệc sau khi quay lại Pháp