HLV Hajime Moriyasu: "Ở World Cup, sự chuẩn bị đôi khi là vô nghĩa với bóng đá châu Á"

Moriyasu là cái tên gây tranh cãi ở Nhật Bản khi luôn bị giới truyền thông đánh giá là bảo thủ trong phương pháp huấn luyện. Nhưng trong cuộc trò chuyện độc quyền với phóng viên của tạp chí Bóng Đá, HLV 54 tuổi này đã mang tới một góc nhìn khác trong công việc huấn luyện đầy áp lực, và vén màn bí mật phía sau chiến thắng lịch sử của ĐT Nhật Bản trước ĐT Đức.
Thanh Thuỷ - Trí Công
Từ Doha, Qatar
 

Phóng viên: Báo chí thế giới nói nhiều tới quyết định chuyển trạng thái sang sơ đồ 3 trung vệ của ông trong chiến thắng 2-1 của Nhật Bản trước Đức. Ông đã chuẩn bị cho kịch bản này như thế nào?

HLV Hajime Moriyasu: Tôi không hề chuẩn bị cho phương án này. Đấy là sự thật, là quyết định tình thế bắt buộc, khi chúng tôi không còn lựa chọn nào khả dĩ hơn để tăng cường sức mạnh tấn công. Các cầu thủ Nhật Bản cũng thấy bất ngờ. Họ không quen với việc chơi 3 trung vệ những năm qua ở cấp ĐTQG.

Nói đúng hơn, là họ thấy hoang mang, lo lắng vì không hề được luyện tập chơi 3-4-3 hoặc 3-5-2. Ngay cả Kamada, tiền vệ thông thuộc và thành thạo hệ thống này ở Frankfurt cũng có ý kiến. Suốt giờ nghỉ giải lao, tôi chỉ có khoảng 5 phút để giải thích những thay đổi chiến thuật cơ bản cho các học trò. Thời gian còn lại, tôi trấn an, động viên và làm công tác tinh thần cho toàn đội.

 
 

Tại sao Nhật Bản dưới thời ông không nghĩ tới hệ thống 3 trung vệ suốt 4 năm qua, dù trong lần đầu tiên áp dụng, hệ thống này mang tới kết quả lịch sử cho bóng đá Nhật Bản?

Với tôi, Nhật Bản chưa sẵn sàng chơi liên tục ở vị trí này. Nguyên tắc của bóng đá, trong bất kỳ thời đại nào, không bao giờ thay đổi: Ghi nhiều bàn nhất có thể, và thủng lưới ít nhất có thể.

Tuy nhiên, trong bối cảnh của ĐT Nhật Bản tại sân chơi World Cup, tôi cho rằng để chiến thắng, thì đội bóng của tôi phải hạn chế số bàn thua tối đa rồi mới có thể nghĩ tới việc ghi bàn.

Sơ đồ 3 trung vệ dần trở nên thịnh hành sau năm 2017 nhưng thực chất, nó không mới. Hơi dài dòng, nhưng tôi sẽ giải thích bằng cụm danh từ "cầu thủ leo biên siêu việt" để chỉ ra lý do các đội bóng châu Âu, Nam Mỹ có xu hướng dịch chuyển sang hệ thống 3 trung vệ.

Cầu thủ ở đẳng cấp thế giới rất khoẻ, kỹ thuật hoàn hảo và còn đa năng nữa. Họ có thể leo biên liên tục mà vẫn chạy về phòng ngự, có thể bó vào trong gia tăng lợi thế quân số cho tuyến giữa, thường xuyên tiến sát rìa vòng 16m50 để tham gia các tình huống bóng bổng. Thậm chí, những cầu thủ kiểu này, như Davies của Canada hay Cancelo của Bồ Đào Nha còn biết dứt điểm giống các tiền đạo hàng đầu.

Nghĩa là, muốn chơi 3 trung vệ, nền bóng đá phải sở hữu những cầu thủ sở hữu các phẩm chất tôi vừa nói. Trong ngắn hạn, bóng đá Nhật Bản nói riêng và châu Á nói chung chưa sẵn sàng cho sự chuyển dịch ấy khi thi đấu tại World Cup. Nó chỉ nên là một giải pháp tuỳ biến vào yêu cầu thực tế, chứ khó trở thành đường lối chiến thuật.

 
 

Nhưng rõ ràng, Nhật Bản lội ngược dòng trước Đức nhờ hệ thống mới, và chính Nhật Bản lại thua Costa Rica trong một trận đấu, ông tiếp tục sử dụng sơ đồ 4 hậu vệ truyền thống. Ông giải thích thế nào về thực tế đầy mâu thuẫn này?

Trước khi ghi 2 bàn vào lưới Đức, Nhật Bản chỉ để thua 1 bàn. Như tôi đã nói, tại giải đấu thể thao lớn nhất hành tinh là World Cup, những nền bóng đá như Nhật Bản phải chắc chắn rằng "À, tới phút 60, chúng ta vẫn còn cơ hội giành điểm". Thua 1 bàn, bạn còn nhiều cơ hội gỡ điểm. Thua 2 bàn, hy vọng ấy dần biến mất. Nhưng nếu thua 3 bàn, sẽ chẳng còn chút cơ hội nào để ngược dòng.

Trong vô vàn khả năng vạch ra trước mỗi trận đấu, mỗi giải đấu, tôi - trên cương vị HLV trưởng - luôn phải ưu tiên chỉ số an toàn. Tôi sẽ mất việc, Nhật Bản sẽ tự triệt tiêu khả năng giành điểm nếu thua 4, 5 bàn nhưng tôi sẽ còn cơ hội cứu vãn công việc nếu thất bại của Nhật Bản nằm trong sai số cho phép.

"Thay đổi" cũng là một khái niệm mơ hồ mà không ai có thể định lượng trong bóng đá đỉnh cao. Tôi lấy một ví dụ: Khi tăng cường nhân sự, đưa các cầu thủ tấn công vào chơi biên tại hiệp 2 trận gặp Đức, tôi chấp nhận rủi ro là Nhật Bản có khả năng vỡ trận. Chẳng hạn tình huống đấy xảy ra, tôi chắc chắn trở thành "mồi nhậu" cho các cuộc tranh luận trên báo đài.

Hôm đó, may mắn đứng về phía chúng tôi. Tôi đặt cược, tôi thắng và trong chốc lát, tôi trở thành người hùng. Song chẳng có gì là kinh khủng phía sau chiến thắng ấy. Tôi cũng không phải thiên tài chiến thuật.

Ở World Cup, một giải đấu 4 năm mới có 1 lần và bản thân các đội bóng đều liên tục thay da đổi thịt sau mỗi chu kỳ, mọi sự chuẩn bị đôi khi là vô nghĩa. Bản chất, việc điều hành đội bóng ở World Cup không khác gì tham gia đánh bạc, đặt vận mệnh vào trò may rủi, bởi bạn luôn ở trạng thái chấp chới giữa thành công và thất bại.

Thành công thường tới từ những điều nằm ngoài kế hoạch, thậm chí là phi lý. Goetze, Eder loé sáng trong các trận chung kết, nhưng rồi họ thế nào, sự nghiệp đi về đâu? Bóng đá cấp quốc tế được định đoạt bởi khoảnh khắc, bởi cảm nhận chứ không tuân theo các nguyên tắc xuyên suốt. Ai nắm được khoảnh khắc ấy – dù vô tình hay chủ động –là người chiến thắng.

 
 

Giới chuyên gia và dư luận nhiều lần nhấn mạnh ông là HLV bảo thủ. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

HLV nào trên thế giới cũng "bảo thủ" khi nhìn sự việc từ cương vị của người đứng đầu tập thể. Đặc thù của nghề huấn luyện là sự định danh, là bản sắc mà HLV cố gắng ấn định cho đội bóng. HLV như tôi đâu thể lên báo, xem TV để hỏi ý kiến khán giả, ý kiến chuyên gia về xây dựng đội hình.

LĐBĐ, CLB, các tổ chức bóng đá cũng không trả tiền cho HLV để HLV phải nương theo dư luận. Tại sao các HLV châu Âu đi đâu cũng mang theo ê-kíp thay vì làm quen với đội ngũ huấn luyện có sẵn ở CLB? Tại sao Pep Guardiola không thử chơi phòng ngự, còn Antonio Conte không chơi tấn công áp đặt? Theo bạn, thế có phải là bảo thủ?

Có một sự thật khó nghe, nhưng tôi cần bày tỏ. Bóng đá đã trở nên đại chúng tới mức tất cả đều lầm tưởng họ biết… tất cả về đội bóng. Xem bóng đá, đọc bóng đá giúp chúng ta có cảm nhận về môn thể thao này, nhưng không giúp chúng ta vận hành một đội bóng.

Những thông tin về hệ thống này, chiến thuật kia đơn thuần là kiến thức thường thức, giúp khán giả dễ tiếp cận với một đội bóng nào đó. Nhưng một đội bóng giỏi sẽ luôn thi đấu ở trạng thái, hình khối và tốc độ phức tạp tới nỗi, người ngoài cuộc không thể nhìn ra họ đang chơi với hệ thống nào, với ý đồ gì.

Nếu bóng đá giống phân tích trên sách vở, HLV như tôi mất việc lâu rồi. Nếu ai đó xem TV và phân tích đội Nhật đá thế này, đội Đức đá thế kia, thì tức là HLV của đội bóng ấy ở trình độ cực thấp. Làm HLV kiểu gì mà để người ngoài ngành hiểu được ý đồ? Những gì người xem nhìn thấy trên màn ảnh nhỏ, chỉ là một biến số ngẫu nhiên trong tổ hợp hàng nghìn kết quả có thể xảy ra.

 
 

Như ông giải thích, bóng đá đỉnh cao không nên hiểu theo những khái niệm chiến thuật cơ bản và thành công còn phụ thuộc vào may mắn. Vậy công việc cụ thể của một HLV là gì, và nếu không tính tới may mắn thì thành công trong bóng đá được cấu thành bởi những yếu tố nào?

Tôi luôn nói với các cầu thủ ở mỗi dịp ĐTQG, là tôi không thể đá thay các bạn ấy. Thời còn thi đấu, trình độ chuyên môn của tôi còn thua xa những cầu thủ trẻ chơi bóng ở châu Âu. Nhưng sự hiện diện của tôi tại ĐT Nhật Bản phải có lý do nào đấy.

Với tôi, khi chơi bóng, con người luôn có xu hướng chơi bằng bản năng và thói quen, kể cả những cầu thủ hàng đầu thế giới. Vậy thì, HLV phải điều chỉnh bản năng của từng cầu thủ sao cho sau khi điều chỉnh toàn đội, cả bộ máy vận hành theo đúng ý đồ.

Tôi sẽ lấy ví dụ trường hợp của Asano. Vốn là tiền đạo nhưng tại Bundesliga, anh ta được yêu cầu chơi ở vai trò số 10. Vì đá sau lưng tiền đạo, Asano dần hình thành thói quen sút bóng bằng lòng trong, bởi các lòng trong là điểm chạm phổ biến nhất trên chân khi thực hiện động tác chuyền, chọc khe.

Tại ĐTQG, tôi muốn Asano chơi tiền đạo vì Asano có thể hình và tốc độ. Vì vậy, phiên huấn luyện của tôi với Asano rất đơn giản. Asano khi có bóng, thì phải mở tốc độ, không được ngoái đầu nhìn lại phía sau và sút úp mu vào góc gần. Dù ở góc nào, cự ly bao nhiêu, cậu ấy cũng phải sút trực diện chứ không được cứa lòng Tập tới khi nào thành phản xạ, thành thói quen mới thôi.

 
 

Xin cảm ơn sự chia sẻ của ông. Chúc ông và ĐT Nhật Bản thi đấu tốt ở trận đấu với Tây Ban Nha để giành vé vào vòng knock-out.

Thực hiện

Nội dung: Thanh Thuỷ - Trí Công

Đồ họa & Thiết kế: Trần Linh

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

 
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x