Duy Mạnh, đóa hồng gai của đội tuyển Việt Nam
“Dù rằng đời ta thích hoa hồng, kẻ thù buộc ta ôm cây súng” câu hát quân hành hào hùng ấy sao mà đúng với Duy Mạnh thế? Tuy tên là Mạnh nhưng trung vệ này lại vóc dáng thư sinh, da trắng như con gái, khuôn mặt khả ái. Ấy thế nhưng, anh lại là một “quả bom nhiệt hạch” trên sân cỏ, sẵn sàng phản ứng gay gắt với những đối thủ chơi xấu với anh và đồng đội.
Không hiểu sao, cứ mỗi lần nhắc đến trung vệ Đỗ Duy Mạnh là người viết lại liên tưởng đến hình ảnh “chiến binh mùa Đông”? Phải rồi, một hình ảnh của bóng đá Việt Nam đã đi vào bất tử tại thời điểm tháng Một năm 2018. Chàng cầu thủ điển trai của đất Đông Anh đã lầm lụi đi ngược gió tuyết để cắm lá cờ Tổ Quốc lên đụn tuyết Thường Châu và nghiêm trang chào cờ.
Đấy sẽ là một hình ảnh không thể phai nhạt từ thời điểm đó đến nghìn năm sau. Bởi hễ cứ khi nào lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên mọi sân bóng, chúng ta sẽ thấy hiện lại hình ảnh đầy hào khí đó. Có phải chăng, nhờ lá cờ để lại đó mà bóng đá Việt Nam đã vươn mình đầy mạnh mẽ trong năm 2018 lịch sử và cả tại giải đấu Asian Cup khởi đầu năm 2019 cũng rất thành công này?
Duy Mạnh nghĩ gì khi ngồi an hưởng cái Tết cổ truyền ấm áp cùng gia đình? Lá quốc kỳ Việt Nam phần phật bay trong trận tứ kết Asian Cup, khiến Việt Nam trở thành một trong 8 nền bóng đá mạnh mẽ, ấn tượng nhất châu lục? Có lẽ, là cảm xúc dai dẳng về cuộc tranh đấu dữ dội của chính anh trước nghịch cảnh để tôi luyện nên một Duy Mạnh của ngày hôm nay.
“Gạo đem vào giã, bao đau đớn.
Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông”.
Hai câu thơ ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là chân lý của mỗi con người. Có thể, khi còn là cậu bé nhặt bóng trên Mỹ Đình ở trận chung kết AFF Cup 2008, Duy Mạnh không biết đến câu thơ đấy. Nhưng cuộc đời, buộc anh phải thuộc nó theo nhân duyên mà chỉ mình anh mới hiểu.
Ở độ tuổi chưa đôi mươi, Duy Mạnh đã sớm nếm vị ngọt ngào của sự tung hô khi anh cùng những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đông Triều tung hoành ở đội tuyển U19 kỳ diệu. Dẫu rằng, danh tiếng của anh không nổi như cồn bằng các đồng đội, nhưng anh đã được sống trong bầu không khí hoan hỉ đó.
Song, sự nghiệt ngã đã ập đến quá sớm, với những bóng ma chấn thương. Chỉ 3 năm trước thôi, Duy Mạnh đã phải chiến đấu với chấn thương lung, cổ chân, đầu gối, dập sụn chêm gối… Duy Mạnh hiểu rằng, không thể để vẻ bề ngoài nho nhã đánh lừa đối thủ, mà mình cần mạnh mẽ hơn, nhất là khi thi đấu ở vị trí trung vệ.
Đó là quãng thời gian Duy Mạnh chìm trong bóng tối, xa rời ông thày Toshiya Miura trên tuyển cũng như CLB Hà Nội T&T, bây giờ là CLB Hà Nội. Để chữa trị chấn thương và tăng cường thêm những lớp giáp trên cánh hoa hồng. Duy Mạnh bây giờ không ngại va chạm, không ngại phản ứng với đối phương để ngăn ngừa những đòn chặt chém chưa đến. Anh vẫn giữ được khuôn mặt đẹp trai, tính cách hiền lành nhưng khi cần đó sẽ là khuôn mặt của một thiên thần nộ khí.
Cuộc thử lửa tại Thường Châu đã khẳng định phẩm chất kiên cường, dũng mãnh của một “chiến binh mùa Đông”. Duy Mạnh đã thành công, để rồi viết tiếp những trang sử vàng cùng đồng đội tại ASIAD 2018 (hạng Tư), AFF Cup 2018 (vô địch) và tại Asian Cup 2019 mới đây.
“Thánh Gắt”, ấy là biệt danh mà những đồng đội và fan bóng đá Việt Nam đặt cho Duy Mạnh. Nhưng trong mắt của bà mẹ, Duy Mạnh vẫn hiền lành, ngoan ngoãn như ngày nào. Đấy là điểm rất hay của Duy Mạnh, anh giữ được hai bản thể dành cho hai đối tượng khác nhau: gia đình, đồng đội, người hâm mộ và bên kia là đối thủ.
Trong thành công của các đội tuyển Việt Nam ở VCK U23 châu Á, ASIAD 18, AFF Suzuki Cup 2018 và Asian Cup 2019 có đóng góp rất lớn nhờ sự mạnh mẽ của Duy Mạnh. Anh hợp cùng Đình Trọng, Tiến Dũng, Quế Ngọc Hải trở thành những lá chắn vững chắc trước khung thành của Tiến Dũng hay Văn Lâm.
Duy Mạnh, vốn được các đồng đội nhận định “ngoan và lành như bụt ở ngoài đời, nhưng khi vào sân, lại là một con người khác, máu ăn thua và sẵn sàng “lăn” cả người vì đội bóng”. Và biệt danh Mạnh “gắt” cũng bắt nguồn từ một tình huống va chạm với cầu thủ Uzbekistan trong trận chung kết U23 châu Á.
“Lúc đó, Đình Trọng đang nằm sân, nhưng họ cứ đòi lấy bóng nhanh để tấn công. Em không đồng ý, cố gắng giành lấy quả bóng, quát thật to vào mặt đối phương để đợi Trọng đứng lên. Lúc thi đấu, lúc nào, em cũng muốn bảo vệ anh em. Nếu đồng đội bị đau thì mình cũng đau”, Duy Mạnh bẽn lẽn kể.
Trong thi đấu, Duy Mạnh chỉ thấy Ta và Đối Thủ. Và là nạn nhân của quá nhiều pha tranh chấp bóng bạo lực, Duy Mạnh luôn thủ thế chiến đấu, thậm chí nhiều khi hơi quá đà. Pha bóng Duy Mạnh thúc khuỷu tay vào mặt đội trưởng Zaquan Adha của Malaysia ở trận chung kết lượt về AFF Cup tại Bukit Jalil là ví dụ.
“Sao mà ông Mạnh nhà cô lại xử lý mất bình tĩnh thế cơ chứ. Lúc đấy, cô chỉ lo trọng tài rút thẻ đỏ. Thế thì ảnh hưởng đến toàn đội. May mà chưa bị đuổi khỏi sân. Thằng Mạnh bình thường nó hiền lắm. Nhưng vào sân là một con người khác. Nó rất nhiệt và máu lửa. Cô luôn nhắc nhở con cần giữ đầu lạnh khi thi đấu”, mẹ của trung vệ này, cô Lê Thị Lan, nhắc lại với giọng điệu trách yêu cậu quý tử.
Duy Mạnh không phủ nhận sai lầm của mình, như ở vụ giật cùi chỏ kia hay sơ suất trong xử lý khiến Iraq có cơ hội gỡ hòa 1-1 tại vòng bảng Asian Cup, cũng như 2 tấm thẻ vàng khiến anh bị treo giò ở trận gặp Yemen. Nhưng anh lại nhấn mạnh với mẹ rằng: “Ở giữa trận tiền, không thể hiền được mẹ ạ. Mình hiền là bị bắt nạt ngay”.
Nhưng dù thế nào, Duy Mạnh trên sân bóng và đời thường không thể giống nhau. Anh chọn cho mình phương án “ứng vạn biến” để xử lý tốt yêu cầu chơi chắc chắn của một trung vệ. Song, về đời thường, Duy Mạnh vẫn là một chàng trai hiền lành, nhút nhát, nhưng đầy trách nhiệm với Tổ quốc và NHM.
Một năm sau ngày cắm lá cờ trên tuyết trắng, Duy Mạnh tiếp tục gây “bão mạng” bằng một hình ảnh xúc động khác. Trong trận đấu quyết định tấm vé đi tiếp ở lượt cuối với Yemen, do bị treo giò, Duy Mạnh lặng lẽ ngồi trên khán đài sân Hazza Bin Zayed để chứng kiến các đồng đội chiến đấu dưới sân. Khi quốc ca của Việt Nam vang lên cũng là lúc Mạnh đặt một tay lên ngực trái, hướng về sân thi đấu với niềm xúc động và khao khát hơn bao giờ hết.
Sau 1 năm chưa vắng mặt ở bất kể trận đấu chính thức nào, trung vệ 23 tuổi này phải làm khán giả “bất đắc dĩ” ở trận đấu có ý nghĩa quan trọng với ĐT Việt Nam ở sân chơi châu lục. Tất nhiên với một người luôn khát khao được cống hiến, được chiến thắng thì đó chẳng phải là cảm giác dễ chịu.
Và rồi, khi được trở lại trong trận gặp Jordan ở vòng 1/8, anh đã lăn xả, tả xung hữu đột để giúp Việt Nam có được sự vững chắc trong hầu hết 120 phút thi đấu, để giữ vững kết quả 1-1 và màn đoạt vé Tứ kết ngoạn mục ở loạt luân lưu 11m. Chiến tích của ĐT Việt Nam tại Asian Cup 2019 đấy chính là phần thưởng lớn nhất dành cho Duy Mạnh và đồng đội.
Ở tuổi 23, Duy Mạnh đang có một sự nghiệp đáng mơ ước với đủ những danh hiệu lớn bé từ cấp CLB, các đội tuyển trẻ và ĐTQG. Nhưng với một con người luôn cầu tiến, luôn có khát khao cháy bỏng để thể hiện bản thân như chàng trai này, khái niệm tự hài lòng hay thoả mãn không bao giờ có trong từ điển.
Trên sân mạnh mẽ, “đanh đá” và “gắt” bao nhiêu thì trong cuộc sống đời thường, Duy Mạnh lại là một chàng trai ngoan ngoãn, hiền lành và sống đầy tình cảm.
Rời xa gia đình từ nhỏ để bước vào cuộc sống ăn tập, Mạnh vẫn luôn giữ thói quen gọi điện về hỏi thăm, tâm sự với bố mẹ nhằm vơi bớt nỗi nhớ nhà. Trong mắt mọi người, Mạnh sống tình cảm như con gái, thậm chí còn quấn bố mẹ hơn cả chị gái Huyền Trang.
“Ngày nào Mạnh cũng gọi điện về nhà 2-3 lần để hỏi thăm, tâm sự với bố mẹ. Kể cả đến bây giờ đã 23 tuổi, trừ lúc đi thì không nói nhưng mỗi khi được về nhà nghỉ là Mạnh lại muốn được ngủ với mẹ, được mẹ ôm vào lòng. Mạnh cũng thường xuyên tâm sự với mẹ đủ thứ chuyện.
Ví dụ, hôm nay con đi đá bị đau chân thế này, thế kia. Rồi ở đội có chuyện gì là em nó cũng kể hết. Suốt ngày chỉ thích kể chuyện với mẹ thôi. Trong mắt tôi, Mạnh vẫn luôn là đứa con bé bỏng của cả nhà”, cô Lan hãnh diện nói về cậu con trai.
Có thể với nhiều cầu thủ bây giờ khi đã thành danh, bố mẹ tiết lộ những chuyện... “thâm cung bí sử” mà chỉ người nhà nhà mới biết thì chắc chắn sẽ ngượng ngùng và không thích. Nhưng với Duy Mạnh hoàn toàn khác. Anh không ngại mở lòng, thậm chí rất hào hứng mỗi khi được hỏi về sở thích: “Lớn rồi mà vẫn thích ngủ cùng mẹ”.
“Bố tôi hiền lắm. Hai bố con cũng hợp nhau. Nhưng không hiểu sao ở gần thì ít khi có thể tâm sự, nói chuyện được như với mẹ. Trong nhà có lẽ mẹ là người tôi quấn nhất.
Chuyện mẹ kể giờ này lớn rồi mà tôi vẫn thích ngủ với mẹ là đúng đấy. Tôi thấy bình thường thôi, bởi có lớn thế nào thì mình vẫn là con của mẹ. Đi đâu hay làm gì, người tôi muốn tâm sự, trải lòng đầu tiên chắc chắn phải là mẹ”, Duy Mạnh tâm sự.
Với mẹ, Duy Mạnh không chỉ thể hiện được tài năng trên sân bóng mà còn thể hiện được nhân cách sống ngoài đời. Và đây mới là điều khiến cô Lan cảm thấy tự hào nhất mỗi khi mọi người nhắc đến con trai: “Gia đình cô không bao giờ phải lo lắng gì về đạo đức của Duy Mạnh.
Cô vẫn thường dạy Mạnh rằng con ra ngoài phải trên kính dưới nhường, đi đâu cũng phải hoà nhã với người trên, gần người tốt, xa lánh người xấu. Thế nên Duy Mạnh luôn nói rằng: Con sẽ ghi nhớ lời mẹ, nói những lời hay con ghi vào lòng còn những lời xấu thì con không bao giờ học hỏi”.
Thành công trong bóng đá đến với Duy Mạnh nhưng rồi sẽ ra đi. Chỉ có tình mẫu tử thiêng liêng khiến anh trân trọng nhất cuộc đời mình. Mẹ là mùa Xuân bất tận của Duy Mạnh, người mà anh luôn muốn được nằm trong lòng dù đã lớn tướng. Với Duy Mạnh, chỉ có bên mẹ là mới có mùa Xuân thôi!
Bình luận