Quân Vương Man City vẫn cai trị Ngoại hạng Anh - Bongdaplus.vn

Quân Vương Man City vẫn cai trị Ngoại hạng Anh

Giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, Premier League 2019/20 sắp khởi tranh. Đây là mùa giải cuối cùng của thập niên 2010, đầy ắp những sự kiện đánh dấu lịch sử. Man City sẽ trở thành nhà vô địch tuyệt đối? Liverpool bước vào năm thứ 30 ảm đạm hay mở ra trang sử mới? Cái chết đau đớn hay vinh quang đang chờ đón Frank Lampard và Solskjaer. Chào mừng đến với Premier League 2019/20.

Mùa giải 2018/19 đã chứng kiến cuộc đua song mã hết sức ngoạn mục giữa Man City và Liverpool. Liverpool có màn đề-pa tốt hơn nhưng Man City vươn lên dẫn đầu từ vòng 7 và giữ vị trí này cho đến vòng 15. Từ vòng 16 đến vòng 28, Liverpool lấy lại ngôi đầu và có thời điểm bỏ xa Man City tới tận 7 điểm.

Tới vòng 29, Man City lật ngược thế cờ và dẫn đầu đoàn đua cho đến khi về đích bất chấp Liverpool bám đuổi sát sao. Kết thúc mùa giải, Man City giành 98 điểm và Liverpool trở thành đội về nhì vĩ đại nhất lịch sử với 97 điểm. Xuyên suốt kỷ nguyên Ngoại hạng, thậm chí suốt lịch sử bóng đá Anh, chưa từng chứng kiến cuộc đua nào đẳng cấp và kịch tính như thế.

Với 97 điểm, Liverpool có thể đăng quang ở mọi mùa giải trừ hai mùa gần nhất. Mùa 2017/18, Man City lập kỷ lục với 100 điểm. Mùa 2018/19 như đã đề cập, họ giành 98 điểm. Nếu tiếp tục đăng quang ở mùa giải 2019/20, thầy trò HLV Pep Guardiola sẽ trở thành nhà vô địch vĩ đại nhất kỷ nguyên Ngoại hạng.

Bởi lẽ, kỷ lục điểm số đã có, kỷ lục duy nhất còn lại mà Man City hướng tới chính là chuỗi vô địch liên tiếp hiện nằm trong tay gã hàng xóm Man United. Giai đoạn từ năm 2006 đến 2009, Quỷ Đỏ đã 3 lần tiên tiếp vô địch Ngoại hạng Anh với tổng điểm số giành được là 266, lần lượt là 89 điểm, 87 điểm và 90 điểm. Man City còn kém Man United vỏn vẹn 68 điểm và chức vô địch thứ ba.

Ngoài sự ổn định ở mức cao đã thể hiện ở 2 mùa vừa qua, mẫu tham khảo có giá trị thuyết phục cao thứ hai để tin Man City là ứng cử viên số Một cho chức vô địch là chất lượng đội hình. Tại xứ sở Sương mù hiện tại, không một đội bóng nào sở hữu lực lượng đồng đều và có trình độ cao như Man City.

Ở mọi vị trí, gần như Pep Guardiola đều có 1 hoặc 2 cầu thủ đẳng cấp. Ngay cả khi mất Kevin De Bruyne, cầu thủ xuất sắc nhất mùa 2017/18 ở gần như suốt mùa 2018/19, Man City vẫn thi đấu hết sức ổn định. Hãy thử tưởng tượng điều tương tự xảy ra với Van Dijk hay Harry Kane, liệu Liverpool và Tottenham có còn duy trì được sự ổn định?

Tuy nhiên, đừng nhầm tưởng Man City chỉ là trọc phú đốt tiền. Nên nhớ, bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử đội bóng này chỉ có giá 62,5 triệu bảng, "rẻ" hơn rất nhiều so với Paul Pogba hay Virgil van Dijk. The Citizens có thể tiêu nhiều tiền nhưng họ tiêu tiền một cách có định hướng và phù hợp.

Một cách dễ hiểu, Man City không xây dựng đội hình theo kiểu dát vàng mặt tiền mà hướng tới việc tạo dựng một cỗ máy chiến thắng thực thụ. Công lớn nghiễm nhiên thuộc về Pep Guardiola. Dưới sự dẫn dắt của nhà cầm quân người Tây Ban Nha này, The Citizens là một tập thể gắn kết, đồng bộ và biến hóa với triết lý rõ ràng. Vì thế, đội bóng này xứng đáng đi vào lịch sử như là một trong những đội bóng vĩ đại nhất lịch sử bóng đá Anh.

So về trình độ hay phong độ, Liverpool vẫn là đối thủ nặng ký nhất của Man City trong cuộc đua đến chức vô địch Ngoại hạng Anh 2019/20. Một đội bóng đã giành tới 97 điểm thì dù về nhì hay về nhất vẫn có chỗ bất phàm. Hơn nữa The Kop lại còn vô địch cả Champions League. Thế nên, việc hoài nghi sức mạnh của Liverpool là điều thừa thãi.

Đội bóng này sở hữu bộ khung ổn định tới nỗi không cần chi đậm trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè để tăng cường lực lượng. Thực tế, đội hình Liverpool đã khá ổn trên mọi góc độ, từ tuổi tác, đẳng cấp tới sự gắn kết hay sự nhuần nhuyễn. Vì vậy, việc mua thêm những ngôi sao mới có khi lại làm rối đội hình.

Một yếu tố nữa để Man City phải e dè Liverpool là động lực cạnh tranh và thi đấu. Nếu Man City háo hức hướng tới chức vô địch Premier League thứ ba liên tiếp thì Liverpool đau đáu hướng tới việc kỷ niệm 30 năm… lần gần nhất vô địch nước Anh, khi giải đấu còn chưa chuyển đổi thành Ngoại hạng Anh.

Từ mùa 1989/90 đến nay, Liverpool chưa một lần vô địch giải đấu cao nhất của bóng đá Anh, ở kỷ nguyên Ngoại hạng Anh lại càng không. 30 năm không cần giải thích thêm là ngắn hay dài, chỉ cần biết đủ để Liverpool mất cả vị thế đội bóng giàu truyền thống nhất đảo quốc này. Vậy đội bóng nào khát khao vô địch Premier League 2019/20 hơn, hẳn mỗi người đều tự có câu trả lời cho mình!

Ngoài Liverpool, đối thủ khiến Man City e dè là Tottenham và… Arsenal. Tottenham vẫn chưa phải là một ông lớn nhưng với HLV Mauricio Pochettino, The Spurs đã có những bước trưởng thành vượt bậc. Danh hiệu Á quân Champions League 2018/19 là minh chứng. Hơn nữa, sau 1 năm nín nhịn mua bán để xây sân bóng, ở kỳ chuyển nhượng mùa Hè vừa qua, The Spurs chi rất mạnh tay để có thêm những tân binh chất lượng.

Đua vô địch có thể vẫn là mục tiêu quá sức với Tottenham, nhưng "chọc gậy bánh xe" khiến Man City và Liverpool phải lao đao là trò Gà Trống thừa sức làm được. Và họ cũng là một ứng viên lọt vào Top 4 chung cuộc, để giữ suất đá Champions League béo bở ở mùa sau.

Tương tự là Arsenal, đội bóng cũng có những dấu hiệu cải thiện dưới sự dẫn dắt của "nhà toán học điên" Unai Emery. Đẳng cấp của The Gunners đã không còn như xưa nhưng sự hiện diện của cặp tiền đạo Aubameyang-Lacazette là nỗi âu lo của mọi hàng thủ.

Chưa kể, ở mùa này, Pháo Thủ thành London cũng bổ sung một số gương mặt chất lượng như bản hợp đồng mượn từ Real Madrid là Ceballos hay bom tấn Nicolas Pepe từ Lille. Mục tiêu tối thượng của Arsenal ở mùa này là quay lại Top 4 và đá Champions League, phần thưởng mà họ đã bị cắt vài năm nay.

Trong khi đó, Chelsea và M.U, hai thế lực một thời của Ngoại hạng Anh sẽ bước vào mùa giải mới với tình trạng khó khăn hơn 4 đối thủ kể trên. Nhưng họ cũng rất khó lường bởi những diễn biến mới hoàn toàn khác lạ ở mùa giải này.

HLV Frank Lampard sẽ dẫn dắt Chelsea lần đầu tiên, trong khi Ole Gunnar Solskjaer cũng sẽ có mùa giải đầu tiên đầy đủ tại Man United. Họ đều là những huyền thoại khi còn thi đấu, và quay về để cứu đội bóng cũ lâm nguy.

Ngoài vấn đề thay HLV, Chelsea còn bị cấm chuyển nhượng và đã mất ngôi sao số một Eden Hazard vào tay Real Madrid. Với lực lượng còn lại, nếu Lampard có thể đưa The Blues vào Top 4 ở mùa giải 2019/20 thì đó là thành tích cực kỳ đáng nể. Nếu không, có thể ông sẽ bị thay ngựa giữa dòng, bất chấp cái mác huyền thoại. Đi sâu ở Champions League, cố gắng vào Top 4 chung cuộc là sứ mệnh của Frank Lampard.

Trong khi đó M.U là một câu chuyện dài dòng hơn.

Trước mùa giải mới khoảng hơn 1 tuần, Nemanja Matic đã nói ra những lời đau lòng: "Với đội hình hiện tại, Man United không thể vô địch Ngoại hạng Anh". Tầm vóc của một đội bóng khổng lồ như Quỷ Đỏ không thể chấp nhận được dự đoán của Matic, đặc biệt là khi anh còn là thành viên trong đội. Nhưng, với những bộ óc thực tế, họ đồng ý với Matic.

Mùa giải 2018/19 đã kết thúc theo cách không thể thảm họa hơn với Man United khi hoàn toàn trắng tay ở các cuộc đua, thậm chí là đua vào Top 4 để kiếm miếng bánh thánh Champions League. Sự khởi sắc ở tháng Giêng, đã tạo nên một ảo tưởng về phép thần mang tên Solskjaer.

Nhưng rồi, Man United lần lượt bị loại khỏi Cúp FA, Cúp Liên đoàn, Champions League, rồi bị đánh bật khỏi Top 4, và kết thúc mùa giải với suất đá Europa League cùng 32 điểm kém kình địch cùng thành phố Man City. Đấy là nỗi ô nhục của đội bóng 13 lần vô địch Premier League.

Và họ sẽ bước vào mùa giải cuối cùng của thập niên 2010 với nhiều hoài nghi. Vấn đề là có quá ít cơ sở để tin Man United có thể làm khác đi trong mùa bóng mới, dù HLV Ole Gunnar Solskjaer đã có một mùa Hè chuẩn bị trọn vẹn theo ý mình.

Sau tất cả, cái mà Solskjaer quan tâm nhất chính là thể lực của cầu thủ. Ông thầy người Na Uy nhận thấy mấu chốt cho sự đi xuống của M.U chính là việc cầu thủ quá lười biếng, di chuyển chậm chạp với thân hình đầy mỡ. Và các bài tập nhồi thể lực được triển khai liên tục. Solskjaer tin cách làm của mình hiệu quả, với lời nhận xét: "Tôi tin nhiều cầu thủ chưa từng trải qua một quá trình tập luyện vất vả đến vậy".

Kết quả đến khá tích cực khi Quỷ Đỏ giành chiến thắng trọn vẹn ở các trận giao hữu trong tour du đấu Hè, trong đó đáng chú ý là vượt qua cả Inter Milan lẫn Tottenham. So với 10 trận đấu trước đó trong mùa cũ, khi mà M.U chỉ thắng được 2 trận thì đó quả là sự tiến bộ to lớn. Nhưng đó chỉ là những biểu hiện tích cực ở những trận cọ xát, mua vui mà thôi.

Tâm lý của nội bộ Man United đúng là đang khá thoải mái nhưng có ai nghĩ đó chỉ là phần nổi của núi băng? Paul Pogba nhiều khả năng sẽ không ra đi nhưng chưa bao giờ hết bất mãn. Một cầu thủ tài và tật đi liền với nhau như Pogba, Quỷ Đỏ có dùng hay không dùng đều rủi ro như nhau.

Chưa hết, một vài công thần vừa được gia hạn hợp đồng với những điều kiện gây sốc. David De Gea trở thành thủ môn nhận lương nhất thế giới,tiền đạo trẻ Marcus Rashford ăn lương hơn 200.000 bảng/tuần. Tất cả đều gợi nhớ đến "thảm họa" Alexis Sanchez.

Một "chú nhóc" 21 tuổi đã hưởng đãi ngộ nằm trong Top 5 tại Old Trafford thì liệu có khiến những người khác "tâm tư", đặc biệt là khi Rashford đã bộc lộ nhiều dấu hiệu chững lại trong 1 năm vừa qua? Tất cả đều là những thách thức nặng nề đổ dồn lên vai HLV Solskjaer.

Xét sang vấn đề chuyển nhượng, cái tên Man United xuất hiện hàng trăm lần mỗi ngày trên mặt báo ở mục chuyển nhượng. Nhưng, đến thời điểm hiện tại, họ mới mang về được 2 tân binh trong dạng tiềm năng là Aaron Wan-Bissaka và Daniel James. Nhận xét về 2 cầu thủ này, chỉ có 2 từ: Thể lực và khát khao.

Cả Wan-Bissaka và James đều mới 21 tuổi, sở hữu tốc độ khủng khiếp và ham muốn thể hiện cháy bỏng trong màu áo đội bóng mới. Tuy nhiên, đây sẽ là những thương vụ tốt nếu dành cho tương lai, chứ nếu nói để phục vụ cho hiện tại thì hoàn toàn chưa đủ.

Man United cần một cú hích lớn hơn để trở lại đường đua vô địch, họ cần các "bom tấn" bởi ở thời đại này, muốn vô địch, phải có ngôi sao tầm cỡ. Bài học từ cung cách chuyển nhượng của Liverpool vẫn còn nguyên giá trị.

Harry Maguire đã tới, chất lượng và đẳng cấp mà trung vệ ĐT Anh mang về Man United là điều không phải bàn cãi, vấn đề Maguire có thành công được như Van Dijk (Liverpool) hay không thì thời gian mới trả lời được.

Trong khi đó, lối chơi mà Solskjaer xây dựng chủ yếu vẫn tập trung vào một hàng phòng ngự chắc chắn. Do đó, Maguire sẽ đóng vai trò then chốt trong hệ thống phòng ngự của Solskjaer, nếu thành công đó sẽ là một thương vụ hời, còn theo chiều ngược lại, số phận Man United sẽ trôi về đâu cũng chẳng chuyên gia nào dám chắc.

Mục tiêu lớn nhất của Quỷ Đỏ chỉ là trở lại Top 4 ở mùa này. Nhưng đấy cũng là mục tiêu khó khăn, bởi nhiều chuyên gia vẫn nghĩ đến khả năng Quỷ Đỏ giậm chân tại chỗ, thậm chí bay khỏi Big Six.

Ở mùa này, M.U vẫn còn sân chơi Europa League để mà bám víu hi vọng giành vé tham dự Champions League nếu như vô địch. Nhưng nhìn vào những gì đã diễn ra trong mùa trước thì Solskjaer không phải một chiến lược gia giỏi đấu cúp. Trái lại, khả năng để vỡ theo dây chuyền là rất cao bởi tầm quản lý của Solskjaer là rất hạn chế.

Khi phòng thay đồ có từ 1 đến 2 thành phần nổi loạn như Pogba, thật khó để tin Solskjaer có thể giữ con tàu Man United đi đúng hướng. Do vậy, việc trông đợi vào Europa League là không thực tế và quanh đi quẩn lại, M.U vẫn cần một suất trong Top 4 tại Ngoại hạng Anh.

Không vào Top 4 chung cuộc, không đoạt vé dự Champions League, chén thánh của Solskjaer ở mùa giải này sẽ biến thành chén thuốc độc. Thậm chí, nếu không thể hiện được thành tích khả quan ở ngay đầu mùa giải, chắc gì Solskjaer đã ăn tiệc mừng năm mới 2020 cùng Quỷ Đỏ.

Mùa trước, Cardiff, Fulham và Huddersfield nghẹn ngào xuống hạng trong niềm vui khôn xiết của những kẻ may mắn thoát chết như Brighton và Southampton Tuy nhiên, nhìn vào những chuẩn bị của 2 đội bóng này trong kỳ chuyển nhượng Hè này, nhiều khả năng họ vẫn sẽ là gương mặt thân quen của nhóm cầm đèn đỏ suốt cả mùa giải mới này.

Brighton mới chỉ tiêu 21,51 triệu bảng, với tân binh đắt giá chạy cánh trái Leandro Trossard đến từ Genk (Bỉ) với giá 18 triệu bảng. Southampton khá hơn, đầu tư trọng điểm vào hàng tấn công khi ngoài việc mua đứt Danny Ings từ Liverpool, họ cũng đón 2 tiền đạo mới là Che Adams (Birmingham) và Moussa Djenepo (Standard Liege) với tổng giá trị 30 triệu.

Dẫu vậy, hàng thủ của 2 đội bóng đã thủng lưới lần lượt 60 và 65 bàn mùa trước vẫn không có sự bổ sung đáng chú ý nào. Chính vì thế, trông Brighton và Southampton đâu có khác gì bình mới rượu cũ?

May cho họ là 2 trong số 3 tân binh của Premier League 2019/20 cũng đem đến nhiều dấu hỏi về năng lực và quyết tâm thi đấu. Norwich City dự định làm gì trong mùa giải tới, hay cụ thể hơn, họ định trụ hạng như thế nào khi mới chỉ bỏ ra vỏn vẹn 3,75 triệu bảng mua sắm? Tân binh đáng chú ý nhất của Norwich là Ralf Fahrmann, giá 2,7 triệu, là 1 thủ môn.

Sheffield United có vẻ hào phóng hơn khi cũng đã bỏ ra tới hơn 22 triệu bảng cho phiên chợ Hè. Bản hợp đồng đắt giá nhất là tiền đạo Lys Mousset từ Bournemouth chiếm hơn một nửa số tiền trên. Đó là một sự bổ sung không tệ nhưng nhìn vào chất lượng đội hình sẵn có của Sheffield, đó là không đủ. Chính vì thế, đội bóng này cùng với Norwich được các nhà cái đánh giá là có khả năng xuống hạng cao nhất, với tỷ lệ 8/11 (đặt 11 ăn 8).

Khác biệt hoàn toàn trong nhóm tân binh là Aston Villa khi đội bóng này đã tiêu tiền đến những đại gia như M.U hay Arsenal cũng phải ngước nhìn. Tổng số tiền mà Villa bỏ ra từ đầu mùa Hè đến giờ là hơn 115 triệu bảng, phân bổ ra mọi vị trí cần thiết như tiền đạo (Wesley, Trezeguet, Anwar El Ghazi), tiền vệ (Douglas Luiz), hậu vệ (Tyrone Mings, Matt Targett, Ezri Konsa, Bjorn Engels).

Villa tỏ rõ quyết tâm trụ lại giải đấu này và biết đâu đấy, với chất lượng đội hình hiện có, họ hoàn toàn có thể trở thành "Ngựa ô" của Ngoại hạng Anh năm nay, bên cạnh Wolves - chuyên gia hạ đại gia ở mùa trước.

Mùa này, Wolves không muốn mất đi năng lượng hứng khởi tích lũy từ mùa trước nên ngoài việc mua đứt Raul Jimenez từ Benfica với giá 34,2 triệu bảng, họ còn bổ sung Patrick Cutrone (Milan), Leander Dendoncker (Anderlecht) và Jesus Vallejo (mượn từ Real Madrid).

Ngoại hạng Anh làm quen với VAR (trợ lý trọng tài video) muộn hơn so với các giải đấu hàng đầu châu Âu khác nhưng chậm mà chắc. Rút kinh nghiệm từ các giải đấu trước như World Cup 2018 hay Copa America 2019, nơi mà VAR vừa thể hiện được sự ưu việt nhưng cũng vừa có những mặt hạn chế, Ngoại hạng Anh sẽ sử dụng VAR từ mùa 2019/20 theo cách của mình.

Ví dụ như tình huống chạm tay của Moussa Sissoko trong trận chung kết Champions League giữa Tottenham và Liverpool mùa trước, nếu là ở Anh, sẽ không có quả penalty nào được xác định.

Theo trưởng ban trọng tài Ngoại hạng Anh, Mike Riley: "Trường hợp của Sissoko là một tình huống rất thú vị. Nhìn bên ngoài có vẻ xứng đáng thổi penalty. Nhưng với VAR, bạn có thể thấy thực ra Sissoko đang làm gì, anh ấy không cố tình chặn đường chuyền mà chỉ đang cố chỉ đạo đồng đội: 'Đến kia và bịt khoảng trống lại'.

Đó không phải là hành vi cố tình mở rộng cơ thể bằng cánh tay. Bạn cũng có thể thấy quả bóng đập vào ngực nhiều hơn là tay. Khi bạn kết hợp mọi thứ với nhau, áp dụng cả lý thuyết của chúng tôi ở đây thì chúng tôi nói rằng đó không phải một tình huống chạm tay".

Với người Anh và BTC Premier League, VAR không phải Thượng Phương Bảo Kiếm mà chỉ là công cụ giúp trọng tài khỏi mắc những lỗi nghiêm trọng.Một cách hiểu đơn giản, VAR sẽ là bạn chứ không phải đối thủ của trọng tài trên sân, cũng như sẽ không được dùng vô tội vạ.

Ngoại hạng Anh còn sẽ hấp dẫn hơn sau khi bổ sung những luật mới như: Bàn thắng xuất hiện do bóng chạm tay cầu thủ tấn công trong bất cứ trường hợp nào đều không được tính; Cầu thủ bị thay người có thể rời sân ở mọi khu vực thay vì chỉ giữa sân như trước; Cầu thủ đối phương không được phép đứng chen vào hàng rào đối thủ; Thủ môn bắt penalty buộc phải đứng ít nhất 1 chân trên vạch vôi; Hậu vệ được nhận bóng trong vòng cấm từ cú phát bóng lên của thủ môn…

Và sự đổi mới cuối cùng chính là sự đắc thắng của giáo sư Arsene Wenger. Sau bao ngày tháng kêu gào, sau khi đã rửa tay gác kiếm, BTC Ngoại hạng Anh mới đáp ứng yêu cầu của cựu HLV Arsenal này: cho phép nghỉ Đông - điều chưa từng có trong lịch sử bóng đá Anh quốc đầy bảo thủ.

Tất nhiên, kỳ nghỉ Đông ở Premier League sẽ rất khác các giải đấu ở châu Âu. Kỳ nghỉ Đông bắt đầu cuối tháng 1, đầu tháng 2, do đó truyền thống thi đấu vào ngày Giáng sinh, Boxing Day không bị ảnh hưởng. Và Premier League vẫn sắp xếp thi đấu 1 vòng đấu trải dài trong giai đoạn nghỉ Đông.

Tuy nhiên, dù thế nào, cầu thủ cũng đã có một quãng thời gian nghỉ ngơi để hồi phục sức lực. Điều này sẽ đem lại những thay đổi lớn cho cục diện cạnh tranh tại Premier eague sau kỳ nghỉ Đông. Các CLB Anh sẽ trở nên mạnh mẽ hơn ở các giải đấu châu lục nhờ kỳ nghỉ ngày.

Kỳ nghỉ Đông cũng sẽ khiến cuộc đua giành danh hiệu cá nhân Vua Phá Lưới trở nên khó đoán hơn. Năm nay, các gương mặt trong Top 15 chân sút hay nhất mùa trước vẫn thi đấu ở Premier League, trừ Eden Hazard. Và cũng không (hoặc chưa) xuất hiện thêm sự có mặt của sát thủ mới nào.

Chính vì thế, cuộc đua VPL mùa tới vẫn chỉ là màn cạnh tranh của Harry Kane, Mohamed Salah, Sadio Mane, Pierre-Emerick Aubameyang, Sergio Aguero, Jamie Vardy, Raheem Sterling…

Số bàn thắng của VPL mùa 2018/19 đã sụt giảm mạnh so với mùa 2017/18, chỉ 22 bàn so với 32 bàn. Còn 3 mùa trước đó đều cao hơn với 29 bàn (2016/17), 25 bàn (2015/16) và 26 bàn (2014/15). Như thế, nhiều khả năng, số bàn thắng của VPL của Premier League 2019/20 có thể là 25 bàn.

Bình luận

THỰC HIỆN:

Nội dung: Hải An - Ngọc Trung- Trần Lộc
Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh
Kỹ thuật: Đỗ Trần Linh
Một sản phẩm của Bongdaplus.vn
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x